TS. Trần Thị Hồng Hạnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng VN góp ý Dự thảo Bộ luật dân sự tại Hội thảo VCCI ngày 9/4/2015
Ls. Bùi Thanh Lam – Đoàn Luật sư Hà Nội góp ý Dự thảo Bộ luật dân sự tại Hội thảo VCCI ngày 9/4/2015
Ông Ngô Việt Hòa – Công ty Luật Russin&Vecchi góp ý Dự thảo Bộ luật dân sự tại Hội thảo VCCI ngày 9/4/2015
BÌNH LUÂN
Về một số điều của Dự Thảo Bộ Luật Dân Sự
Ngô Việt Hòa
Công ty Luật Russin&Vecchi
Kính thưa Quý vị,
Xin trân trọng cảm ơn Bộ Tư Pháp và đặc biệt là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã khởi tạo, duy trì và phát triển các diễn đàn thảo luận, phản biện chính sách, pháp luật rất hiệu quả trong rất nhiều năm vừa qua và hội thảo hôm nay về Dự thảo Bộ luật Dân sự là một trong các nỗ lực đó.
Về Bộ Luật Dân Sự, chưa và sẽ khó có một thống kê chính thức nào, nhưng chúng tôi tin rằng đây là văn bản pháp luật được dẫn chiếu, sử dụng, áp dụng nhiều nhất và do đó ảnh hưởng lớn nhất đến người dân cũng như giới kinh doanh, đồng thời nhận được sự chú ý, quan tâm lớn từ cộng đồng luật sư và chuyên gia pháp lý.
Trong khuôn khổ bài tham luận này, chúng tôi chỉ xin góp một tiếng nói nhỏ về các vấn đề sau đây và hy vọng rằng có thể góp phần giúp Ban Soạn Thảo tiếp tục hoàn thiện Dự thảo trong thời gian tới.
1. Án lệ
Dự thảo Bộ Luật Dân Sự (“Dự Thảo”) thực ra chỉ nhắc đến án lệ duy nhất một lần. Theo đó, khoản 2 Điều 19 quy định: “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Bộ luật này hoặc án lệ được áp dụng để xem xét, giải quyết.”
Án lệ, theo cách hiểu và áp dụng của các nước Thông Luật (Common Law), là các quy tắc, luật lệ được rút ra từ các phán quyết/bản án trước có giá trị áp dụng bắt buộc đối với các vụ án có tình tiết tương tự được xét xử sau. Tòa án cấp dưới bị ràng buộc bởi các phán quyết của tòa án cấp trên hoặc ngang cấp khi quyết định các vụ việc tương tự.
Ở các nước theo hệ thống Dân Luật (Civil Law), nhìn chung, án lệ chỉ được coi là một nguồn tham khảo trong áp dụng, giải thích pháp luật nhưng án lệ ngày càng đóng vai trò lớn hơn trong hệ thống pháp luật các nước này, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp đồng.
Mặc dù có sử dụng khái niệm án lệ nhưng Dự Thảo không đưa ra định nghĩa hoặc bất kỳ giải thích gì thêm về vấn đề này.
Chúng tôi hiểu rằng Khoản 2, Điều 19 nói trên dường như tiếp cận án lệ như là nguồn luật được tham chiếu cuối cùng để xử lý các quan hệ dân sự chưa có pháp luật điều chỉnh mà cũng không thể áp dụng pháp luật tương tự, hay tập quán.
Có một nghịch lý là nếu pháp luật chưa quy định, cũng không thể áp dụng tương tự pháp luật và tập quán, thì các tòa án đã dựa trên cơ sở nào để xử lý vụ việc mà có thể tạo ra án lệ cho các vụ việc sau.
Tóm lại, có lẽ cần phải định nghĩa rõ án lệ và các vấn đề liên quan trước khi quy định án lệ vào Dự Thảo.
2. Giới hạn thực hiện quyền dân sự (Điều 15)
Điều 15 quy định “Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự của mình để gây thiệt hại cho người khác;...”. Có hai vấn đề đặt ra trong nguyên tắc quan trọng này, thứ nhất, thế nào được gọi là “lạm dụng quyền dân sự”? và thứ nhì, để gây thiệt hại cho người khác là mục đích hay hậu quả của hành vi lạm dụng quyền dân sự?
Nếu giữ nguyên ngôn ngữ như Điều 15 của Dự Thảo, chúng tôi lo ngại rằng điều luật này có thể sẽ được giải thích, áp dụng một cách tùy tiện, phục vụ cho các mục đích không tốt đẹp của các bên không thiện chí trong giao dịch dân sự cũng như tạo cơ sở cho sự lạm quyền của các cơ quan công quyền.
Chúng tôi cho rằng việc lạm dụng quyền dân sự, nếu có, phải được quy định cụ thể từng trường hợp trong Dự Thảo để đảm bảo minh bạch, tránh tùy tiện.
3. Điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi (Điều 443)
Quy định về quyền được điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi là một sự bổ sung cần thiết vào Dự Thảo. Tuy nhiên, Điều 443 Dự Thảo có thể bị lợi dụng bởi một trong các bên nhằm trốn tránh việc thực hiện đúng và đầy đủ hợp đồng.
“Quyền, lợi ích của một trong các bên bị ảnh hưởng nghiêm trọng” hay “thay đổi cơ bản sự cân bằng lợi ích của các bên” như Điều 443 quy định là các cách diễn đạt quá rộng và do đó có thể dẫn đến sự tùy tiện trong giải thích, áp dụng. Ví dụ, hoàn cảnh thay đổi dẫn đến mất 50% lợi nhuận, hay mất hoàn toàn lợi nhuận của một bên nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng có thể coi là “ảnh hưởng nghiêm trọng” hay “thay đổi cân bằng lợi ích” không?
Hoàn cảnh thay đổi, do đó, có lẽ cần được định nghĩa lại để thu hẹp phạm vi áp dụng của quy định này. Thay vì sử dụng “quyền, lợi ích của một trong các bên bị ảnh hưởng nghiêm trọng” và “thay đổi cơ bản sự cân bằng lợi ích của các bên” nên sử dụng cụm từ “mục đích chính của một trong các bên khi ký kết hợp đồng không thể đạt được”. Việc xác định mục đích khi ký kết hợp đồng của các bên chắc chắn sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc “đong đếm” thế nào là “ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích” và “thay đổi cân bằng lợi ích”.
Ví dụ sau sẽ minh họa rõ hơn về thay đổi hoàn cảnh được xác định theo mục đích khi ký kết hợp đồng:
A ký hợp đồng với B thuê sân thượng của một tòa nhà gần Bờ Hồ (Hoàn Kiếm) vào các đêm 31/12 hàng năm để xem bắn pháo hoa trong 10 năm liên tiếp (mỗi năm chỉ thuê một đêm duy nhất), bắt đầu từ 2015. Sau khi ký hợp đồng thuê, UBND TP Hà Nội có chủ trương ngừng bắn pháo hoa vào dịp tết trong vòng 10 năm, cũng bắt đầu từ 2015, để dành tiền ủng hộ người nghèo. Rõ ràng, đây có thể coi là một trường hợp hoàn cảnh thay đổi vì mục đích ban đầu khi ký kết hợp đồng của A không thể đạt được nữa và A nên được pháp luật trao quyền điều chỉnh hoặc chấm dứt hợp đồng thuê sân thượng đã ký với B mà không cần bồi hoàn.
4. Hợp đồng (các vấn đề khác)
(a) Khoản 2 Điều 409 quy định “Hợp đồng được quy định trong các văn bản pháp luật khác có liên quan phải tuân theo những quy định chung về hợp đồng quy định tại Bộ luật này”.
“Quy định chung về hợp đồng” như đề cập ở trên là những quy định nào, liệu điều này có mâu thuẫn với Điều 10 về áp dụng Bộ Luật Dân Sự và các luật có liên quan hay không? Cụ thể, trong khi Điều10 quy định các luật liên quan sẽ được áp dụng trước, nếu không có quy định của các luật liên quan thì áp dụng Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 409 như dẫn ở trên dường như đang quy định ngược lại.
(b) Khoản 2 Điều 427 quy định “Trường hợp phụ lục hợp đồng quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng mà dẫn đến cách hiểu khác với hợp đồng thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng.”. Cần cân nhắc lại quy định này theo hướng bổ sung cụm từ “trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Trên thực tế, trong nhiều trường hợp các điều khoản cụ thể, hướng dẫn chi tiết các hợp đồng được các bên ưu tiên áp dụng so với các điều khoản chung của hợp đồng.
(c)
Sửa ngôn ngữ khoản 2 Điều
446 như sau: “2. Một bên chỉ có thể có quyền hủy bỏ hợp đồng nếu bên
kia vi phạm nghiêm trọng hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thoả thuận hoặc
pháp luật quy định khác.
***
Xin trân trọng cảm ơn!