Đại biểu Tô Văn Tám tỉnh Kon Tum góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Siu Hương tỉnh Gia Lai góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Nguyễn Thị Thụy tỉnh Bình Định góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH
Nguyễn Thanh Thụy - Bình Định
Kính thưa Quốc hội.
Tham gia lần đầu vào dự thảo luật, tôi xin có một số ý kiến như sau:
Những vấn đề chung về cấp thẻ căn cước công dân thay cho chứng minh nhân dân, dự thảo luật quy định cấp thẻ căn cước công dân thay cho chứng minh nhân dân. Thẻ căn cước công dân chứa đựng các thông tin cơ bản về gốc tích và nhận dạng, đây là sự thay đổi lớn tạo thuận lợi cho người dân trong các giao dịch dân sự, cũng như đáp ứng nhu cầu về quản lý nhà nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Là bước cụ thể hóa Hiến pháp về quyền con người. Tuy nhiên trong tờ trình và báo cáo đánh giá tác động chưa làm rõ được sự cần thiết phải thay tên gọi, chưa có đánh giá so sánh lợi ích, chi phí của hai phương án là giữ tên gọi là chứng minh nhân dân và đổi thành thẻ chứng minh nhân dân để chứng minh cho sự thay đổi này là cần thiết.
Báo cáo đánh giá tác động mới đề cập đến quy định chuyển tiếp cho phép tiếp tục sử dụng chứng minh nhân dân. Không phải mất chi phí, công sức, thời gian để đổi từ chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân.
Theo tôi đánh giá này chưa thật đầy đủ và chính xác. Do vậy, để đảm bảo việc thay đổi chính sách là cần thiết và mang lại lợi ích cho toàn xã hội và tính khả thi của chính sách này. Đề nghị nghiên cứu lại quy định này bởi các lý do như sau:
Thứ nhất, Ban soạn thảo chưa dự liệu hết kinh phí của nhà nước và người dân phải bỏ ra để chuyển từ chứng minh nhân dân sang căn cước công dân. Báo cáo mới tính đến chi phí in mới các biểu mẫu giấy tờ và chỉnh lý các phần mềm đang sử dụng tên gọi chứng minh nhân dân, mà chưa tính đến nhiều công việc cần có kinh phí mới triển khai được. Trong đó có công tác thu thập từ người dân khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân số chưa có hoặc không đầy đủ để làm thẻ căn cước công dân, nguồn lực rất lớn và cũng chưa tính đến độ chính xác của các thông tin thu thập được.
Mặt khác, hiện nay có hàng chục, thậm chí hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật từ trung ương đến địa phương có quy định liên quan đến chứng minh nhân dân đặc biệt là các văn bản liên quan đến thủ tục hành chính yêu cầu người dân phải xuất trình chứng minh nhân dân. Ví dụ pháp luật về hộ tịch quy định khi đăng ký hộ tịch phải xuất trình chứng minh nhân dân. Pháp luật về xuất, nhập cảnh quy định khi làm hộ chiếu phải xuất trình chứng minh nhân dân, như vậy nếu thay đổi tên gọi chứng minh nhân dân thành thẻ căn cước công dân thì những văn bản quy phạm pháp luật có sử dụng thuật ngữ chứng minh nhân dân phải sửa đổi, bổ sung thành căn cước công dân cho phù hợp với Luật căn cước công dân. Do vậy, để thấy được lợi ích của việc thay đổi, cơ quan soạn thảo cần đánh giá chi phí cho sự sửa đổi, bổ sung để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật này.
Thứ hai, chứng minh nhân dân là tên gọi quá quen thuộc được sử dụng ổn định trong cả nước từ sau năm 1975, trong quá trình sử dụng tên gọi này không gây khó hiểu, nhầm lẫn trong nhân dân. Do vậy, nên được kế thừa trong Luật căn cước công dân để tránh những rắc rối, xáo trộn không cần thiết.
Về cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 15 tuổi, theo cơ quan soạn thảo việc cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 15 tuổi nhằm đảm bảo quyền giao dịch của công dân. Theo quy định của Hiến pháp và để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với nhóm đối tượng này, để đảm bảo tính khả thi và thống nhất của dự thảo luật, cơ quan soạn thảo cần làm rõ thêm:
Thứ nhất, mục đích quản lý nhà nước đối với những người dưới 15 tuổi thì báo cáo đánh giá tác động chưa làm rõ được vai trò, ý nghĩa của các thông tin. Trong thẻ căn cước công dân của người dưới 15 tuổi đóng góp như thế nào cho công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an ninh, xã hội hay trong hoạch định chính sách. Do vậy nếu phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn, đồng thời làm xáo trộn hồ sơ giấy tờ về căn cước công dân trong lúc việc quản lý nhóm đối tượng này thông qua các cơ quan, đoàn thể và trường học rất hiệu quả. Vì vậy cơ quan soạn thảo cần đánh giá lại tác động của quy định này.
Thứ hai, mục đích chủ yếu của quy định này là nhằm đảm bảo quyền giao dịch của công dân theo quy định của Hiến pháp. Tuy nhiên, đối với những người dưới 15 tuổi thì Bộ Luật dân sự quy định: Trong mọi trường hợp kể cả xuất trình thẻ căn cước công dân thì những giao dịch dân sự của người dưới 15 tuổi hoặc phải có người đại diện theo pháp luật thực hiện hoặc phải được sự đồng ý của họ. Như vậy, nếu so sánh chi phí phải bỏ ra là 648 tỷ đồng và lợi ích của chính sách này mang lại thì cần phải được tính toán kỹ hơn.
Những quy định cụ thể, quy định tại Điều 10, Điều 11, tôi đề nghị bỏ quy định là thông tin tài liệu về nhóm máu được bổ sung thì khi có điều kiện do Chính phủ quy định, được quy định tại Khoản 2, Điều 11. Điều này có nghĩa là mặc dù thông tin về nhóm máu là quan trọng, nhưng do điều kiện hiện nay chưa thể thực hiện để đưa vào cơ sở dữ liệu của căn cước công dân, như vậy một vấn đề đã được nhận định chưa thể thực hiện được thì không nên quy định trong dự thảo luật để đảm bảo tính khả thi của luật.
Tôi đề nghị bổ sung vào Khoản 1, Điều 10 thông tin về nhóm máu, đây là dữ liệu rất quan trọng liên quan đến xử lý các tính huống cấp thiết cứu sống một con người mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện để đảm bảo quyền rất quan trọng của con người, đó là quyền được sống đã được quy định trong Hiến pháp .
Tại Khoản 2, Điều 10 quy định "Việc xây dựng trao đổi, khai thác sử dụng và quản lý các thông tin, tài liệu quy định tại Khoản 1, Điều 10 do Chính phủ quy định", quy định này không phù hợp, bởi vì những thông tin quy định tại Khoản 1, Điều 10 của dự thảo luật là những thông tin của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng những thông tin này đã được quy định tại Nghị định 90 không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Dự thảo luật chỉ nên quy định về việc xây dựng, trao đổi, khai thác, sử dụng và quản lý các thông tin, tài liệu của cơ sở dữ liệu, căn cước công dân sẽ phù hợp hơn với phạm vi và đối tượng điều chỉnh của luật.
Tại Khoản 1, Điều 18 quy định "nội dung của thẻ căn cước công dân bao gồm cả họ và tên khác", đề nghị bỏ quy định này, vì thông tin được ghi trên thẻ căn cước công dân phải là những thông tin cơ bản nhất, quan trọng nhất, thể hiện chính xác, rõ ràng nhất về gốc tích, đặc điểm nhận dạng của công dân. Hơn nữa dự thảo luật không làm rõ họ và tên khác là họ và tên được sử dụng ảnh hưởng như thế nào đến công dân. Nếu tất cả các loại họ và tên khác đều được đưa vào thẻ sẽ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của thẻ hoặc có thể vi phạm thông tin riêng tư của công dân.
Điều 28, Khoản 2 quy định "Những trường hợp bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, người bị tạm giữ, tạm giam thì bị tạm giữ thẻ căn cước công dân". Khoản 3 điều này quy định "Trong thời hạn bị giữ thẻ căn cước công dân, công dân có thể được cơ quan tạm giữ thẻ căn cước công dân cho phép sử dụng" theo tôi không nên quy định theo hướng tùy nghi, nên quy định chặt chẽ, rõ ràng ngay trong luật trường hợp nào được sử dụng, trường hợp nào không được sử dụng thẻ căn cước công dân để tránh áp dụng tùy tiện dễ dẫn đến những tiêu cực không nên có của cơ quan có thẩm quyền tạm giữ thẻ. Từ đó có thể làm ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ trong giai đoạn này. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.