Đại biể Phạm Thị Mỹ Ngọc tỉnh Ninh Bình góp ý dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) tại ký họp thứ 7 của QH
Đại biểu Nguyễn Thị Thụy tỉnh Bình Định góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Tô Văn Tám tỉnh Kon Tum góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH
Tô Văn Tám - Kon Tum
Kính thưa Quốc hội,
Qua nghiên cứu dự thảo Luật căn cước công dân tôi xin có một số ý kiến sau đây:
Thứ nhất, tôi tán thành sự cần thiết ban hành Luật căn cước công dân với những lý do cũng như những quan điểm chỉ đạo, xây dựng luật như trong Tờ trình của Chính phủ. Việc sử dụng giấy tờ về công dân từ trước đến nay đã được Chính phủ quy định trong các nghị định của Chính phủ đã có tác dụng quan trọng trong việc đảm bảo công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc gia. Tuy nhiên, trước yêu cầu của giai đoạn mới trong điều kiện hội nhập quốc tế cần luật hóa các quy định về quản lý giấy tờ về căn cước công dân. Cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý giảm bớt giấy tờ cho công dân.
Thứ hai, Tờ trình của Chính phủ đã xác định Hiến pháp năm 2013 đã quy định các quyền tự do đi lại, giao dịch, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình là quyền con người, quyền công dân được nhà nước công nhận, tôn trọng và bảo vệ, đảm bảo, căn cước công dân liên quan trực tiếp đến những quyền này. Vì vậy, xây dựng Luật căn cước công dân để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền nghĩa vụ công dân liên quan đến căn cước công dân.
Đã là quyền thì công dân được đảm bảo thực hiện bởi nghĩa vụ tương ứng của nhà nước, đó là quyền được Hiến pháp quy định, chứ không phải do cơ quan hành chính nhà nước cho công dân. Công dân có quyền được cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, Điểm c, Khoản 1, Điều 5 cũng đã quy định các quyền này. Bởi vậy tôi đề nghị thủ tục, trình tự đổi, cấp thẻ căn cước công dân quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 25 không nên đặt vấn đề là "công dân xin đổi, cấp lại thẻ căn cước", mà nên là "công dân đề nghị cấp, đổi lại thẻ căn cước". Như thế đơn của công dân là đơn đề nghị đổi, cấp lại thẻ căn cước chứ không phải đơn xin.
Ba, về thẩm quyền cấp, đổi lại thẻ căn cước công dân tại Điều 27 quy định "thủ trưởng cơ quan quản lí căn cước công dân ở Bộ công an và ở công an các tỉnh, thành phố thuộc trung ương có quyền này" . Tôi thấy nhu cầu cấp thẻ căn cước công dân là rất lớn, nhất là những tỉnh, thành phố lớn, đông dân cư. Trong tương lai, nhu cầu này sẽ ngày càng tăng và trong dự thảo luật cũng thể hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lí căn cước công dân. Bởi vậy tôi tán thành đề nghị của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh trong báo cáo thẩm tra là nghiên cứu, phân cấp thẩm quyền này cho công an cấp huyện. Tuy nhiên, tôi đề nghị cũng cần có lộ trình, trước mắt thẩm quyền này vẫn là công an cấp tỉnh như lâu nay vẫn làm đối với cấp chứng minh nhân dân, khi đủ điều kiện về nguồn lực và công nghệ để đảm bảo thì chuyển thẩm quyền này cho công an cấp huyện.
Bốn, về thu hồi thẻ căn cước công dân quy định ở Điều 28. Tôi tán thành việc thu hồi thẻ căn cước công dân khi bị tước, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị huỷ bỏ quốc tịch cho nhập quốc tịch Việt Nam quy định ở Điểm a, Khoản 1. Tuy nhiên, tôi vẫn còn băn khoăn ở Điểm b, đó là trường hợp ra nước ngoài định cư. Trường hợp này ra nước ngoài nhưng vẫn còn quốc tịch Việt Nam, như vậy họ vẫn là công dân Việt Nam. Theo quan điểm của Đảng thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Công dân Việt Nam ra nước ngoài định cư cũng có thể lâu dài, cũng có thể là một thời gian ngắn với nhiều lí do khác nhau, chủ yếu vẫn là lí do làm ăn và tình cảm gia đình. Khi ra đi vẫn mang theo những nỗi niềm của quê hương đất nước. Chúng ta tiến hành thu hồi thẻ căn cước của công dân liệu có tác động tiêu cực đến tình cảm của họ? Mặt khác, nếu họ chỉ định cư một thời gian ngắn rồi trở về Tổ quốc, lại phải làm lại thủ tục cấp lại thẻ căn cước, thêm một thủ tục hành chính.
Dự thảo luật tại Điều 19, Khoản 2 đã quy định thời hạn sử dụng thẻ căn cước công dân. Bởi vậy, vấn đề này tôi đề nghị, trên cơ sở quan điểm của Đảng coi công dân Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, cần xem xét lại các quy định này theo hướng không thu hồi thẻ căn cước của họ khi hết thời hạn quy định tại Khoản 2, Điều 19 thì thẻ đó đương nhiên không còn giá trị, nếu từ 70 tuổi trở đi theo quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 19 thì lúc đó coi như một kỉ vật của Tổ quốc. Hoặc xem xét theo hướng tạm thu hồi thẻ căn cước công dân, khi họ trở về nếu còn đang trong thời hạn sử dụng thì trả lại thẻ mà không phải làm thủ tục cấp lại thẻ căn cước công dân nữa. Nếu hết hạn thì làm thủ tục cấp lại.
Năm, về trách nhiệm của công an tỉnh, thành phố trong quản lý căn cước công dân quy định tại Điều 34, tôi thấy chưa thể hiện rõ trách nhiệm của công an tỉnh, thành phố đối với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố như thế nào. Theo dự thảo thì công an tỉnh, thành phố hầu như độc lập với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trong công tác quản lý căn cước công dân.
Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem lại trách nhiệm này theo hướng trong công tác quản lý căn cước công dân công an tỉnh, thành phố vừa chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng công an, vừa có trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố với tính cách là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý mọi mặt đời sống xã hội ở địa phương.
Xin cảm ơn Quốc hội.