Đại biểu Siu Hương tỉnh Gia Lai góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH

Thứ Sáu 16:10 28-11-2014

Siu Hương - Gia Lai

Kính thưa Quốc hội,

Tôi đồng ý với dự thảo Luật căn cước công dân, quyền và nghĩa vụ của công dân về căn cước công dân là quyền và nghĩa vụ cơ bản, nên cần phải được quy định trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao là luật. Đáp ứng yêu cầu trước sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là bối cảnh thực hiện hội nhập mở rộng, giao lưu, hợp tác quốc tế và cải cách hành chính đã đặt ra các yêu cầu mới, đó là phù hợp với Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Luật căn cước công dân để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân liên quan đến căn cước công dân. Đáp ứng yêu cầu trong điều kiện đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp  hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế, cần phải hiện đại hóa trong việc cấp thẻ căn cước công dân.

Để quy định cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân và công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong quản lý căn cước công dân, nên cần phải hoàn thiện quy định này để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho các chủ thể thực hiện quyền, trách nhiệm của mình và nhân dân có kinh doanh giám sát các cơ quan nhà nước có liên quan. Tuy nhiên, tôi xin có một số góp ý như sau để hoàn thiện dự thảo luật.

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh, ở đây đối tượng điều chỉnh tại Điều 2 của dự thảo luật có điều chỉnh cả cơ quan, tổ chức hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là chưa hợp lý. Bởi lẽ tên của dự thảo luật là Luật căn cước công dân thì đối tượng điều chỉnh ở đây được hiểu là công dân theo quy định tại Điều 17 Hiến pháp sửa đổi năm 2013: Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ Việt Nam là công dân có quốc tịch Việt Nam và Luật quốc tịch Việt Nam Điều 21 dự thảo quy định: Người được cấp thẻ căn cước công dân là công dân Việt Nam hiện đang thường trú trên lãnh thổ Việt Nam được cấp thẻ căn cước công dân. Một văn bản luật có đối tượng điều chỉnh và phạm vi điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh cần có cơ quan, tổ chức vì liên quan đến việc cấp, quản lý các nội dung liên quan đến thẻ căn cước. Nhưng đối tượng áp dụng không thể là cơ quan, tổ chức. Nếu quy định như dự thảo luật thì cấp thẻ căn cước cho cơ quan, tổ chức trong trường hợp nào.

Từ những lý do trên, tôi đề nghị đối tượng áp dụng trong dự thảo luật chỉ là công dân, không quy định đối tượng áp dụng là cơ quan, tổ chức. Cơ quan, tổ chức chỉ có thể thuộc phạm vi điều chỉnh của văn bản luật như Điều 1 của dự thảo luật đã đề cập.

Thứ hai, quy định tại Điều 23 của dự thảo luật, nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân, dự thảo luật quy định công dân có thể lựa chọn một trong các nơi dưới đây để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân.

Một, trụ sở cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an.

Hai, trụ sở cơ quan quản lý căn cước công dân của công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Ba, trụ sở cơ quan quản lý căn cước công dân của công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Bốn, tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Đối với nội dung này, tôi đề nghị như sau: Việc cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân nên mạnh dạn giao cho công an tỉnh, thành phố, công an huyện, quận, thị xã thuộc thành phố, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Đối với cấp bộ nên quy định ở mức độ tham mưu cho Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn cho cấp dưới không trực tiếp thực hiện các công việc thủ tục hành chính. Việc thực hiện thủ tục hành chính có thể dẫn đến sai sót, ảnh hưởng đến công tác hướng dẫn chuyên môn.

Hai, đối với việc quy định này tôi thấy cần chi tiết hơn nữa. Ví dụ như Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện những việc gì, có được cấp lại thẻ căn cước không. Vì khi thực hiện với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như cấp xã hiện nay cùng với cơ cấu đội ngũ công chức trong giai đoạn cải cách hành chính như hiện nay, như chúng ta đã biết một số thông tin trên báo chí sẽ tinh giảm 100.000 biên chế sẽ dẫn đến tình trạng có thể cấp xã quá tải trong việc thực hiện, ngay cả việc cập nhật các thông số về căn cước được không. Đây là nội dung cần cân nhắc về thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã. Theo tôi Ủy ban nhân dân cấp xã có thể cấp thẻ căn cước cho công dân dưới 14 tuổi. Việc cấp thẻ căn cước cho công dân từ 15 tuổi, cấp lại, đổi thẻ căn cước thì không nên giao cho cấp xã.

Ba, trong công tác quản lý Chương IV dự thảo quy định trách nhiệm trong quản lý căn cước công dân, nhưng theo tôi cần có quy định Chính phủ quy định chi tiết điều luật này. Về quy định tại Chương IV tôi thấy chưa đảm bảo.

Vấn đề thứ ba, quy đinh tại Điểm a, Khoản 4, Điều 28 của dự thảo luật. Cơ quan quản lý căn cước công dân. Cơ quan quản lý căn cước công dân nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân. Cơ quan thi hành quyết định tước hoặc cho công dân thôi quốc tịch ra nước ngoài định cư có thẩm quyền thu hồi thẻ căn cước công dân trong trường hợp quy định tại Khoản 1 điều này. Vấn đề này tôi có ý kiến như sau:

Khi triển khai thực hiện với quy định như dự thảo, mà trực tiếp là Điều 23 dự thảo luật, giữa cơ quan quản lý và cơ quan cấp thẻ căn cước có thể khác nhau. Ví dụ quy định tại Điều 23 dự thảo luật công dân Gia Lai ra trụ sở cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ công an để cấp thẻ căn cước hay người huyện này đến huyện khác để yêu cầu cấp thẻ căn cước công dân. Khi công dân đó vi phạm thì cơ quan cấp có thực hiện thu hồi thẻ căn cước được không. Vấn đề này theo tôi cần quy định cơ quan quản lý căn cước thực hiện việc thu hồi. Qua đây tôi cũng đề nghị cần quy định cơ quan quản lý căn cước và cơ quan cấp thẻ căn cước cần cụ thể theo như dự thảo đề cập đến cơ quan quản lý nhưng khi thực hiện thì có thể phát sinh cơ quan thực hiện.

Vấn đề thứ tư, quy định tại Đoạn 2, Khoản 2, Điều 35 dự thảo luật. Cơ quan quản lý căn cước công dân có trách nhiệm xác nhận về chứng minh nhân dân được cấp trước ngày luật này có hiệu lực, hay có yêu cầu đối với trường hợp công dân được cấp thẻ căn cước công dân theo quy định của luật này Bộ trưởng Bộ công an quy định chi tiết thi hành quy định này. Theo tôi vấn đề này cần quy định trách nhiệm phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ giữa các cơ quan, đó là quy định trách nhiệm của cơ quan quản lí chứng minh nhân dân, cung cấp và xác nhận về chứng minh nhân dân được cấp trước ngày luật này có hiệu lực cho cơ quan quản lí căn cước công dân khi có yêu cầu. Đây là quy định mang tính chủ động trong thực hiện chuyên môn, nhưng thể hiện rõ trách nhiệm của cơ quan khi nhận được yêu cầu của cơ quan quản lí căn cước công dân. Tôi hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan