Góp ý Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Công trình thủy điện

Thứ Ba 16:43 01-07-2025

Kính gửi:  Bộ Công Thương

Trả lời Công văn số 2206/BCT-ĐCK ngày 28/3/2025 của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về Công trình thủy điện) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở một số ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:

  1. Các tài liệu viện dẫn

Mục I.2 Dự thảo QCVN liệt kê các tài liệu viện dẫn để áp dụng theo Quy chuẩn, trong đó có viện dẫn QCVN 02 : 2009/BXD[1] và QCVN 04 – 04 : 2012/BNNPTNT[2]. Tuy nhiên QCVN 02:2009/BXD đã không còn hiệu lực và được thay thế bằng QCVN 02: 2022/BXD theo Thông tư 02/2022/TT-BXD. Bên cạnh đó, QCVN 04 – 04: 2012/BNNPTNT đã được bãi bỏ theo Thông tư 14/2022/TT-BNNPTNT.

Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét viện dẫn thay thế các tài liệu trên.

  1. Giải thích từ ngữ

Mục I.3 Dự thảo QCVN giải thích các thuật ngữ áp dụng tại Quy chuẩn này. Tuy nhiên các thuật ngữ được liệt kê còn thiếu tính thống nhất với các quy định pháp luật liên quan và chưa được giải thích rõ ràng, cụ thể như sau:

– Mục I.3.2.e đề cập đến thuật ngữ “Công trình quản lý vận hành”. Thuật ngữ này chưa phù hợp về mặt ngữ nghĩa, cụ thể quản lý vận hành là công tác quản lý. Công trình không thực hiện quản lý mà là hạ tầng phục vụ công tác quản lý. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi thuật ngữ thành “Công trình phục vụ công tác quản lý vận hành”.

– Mục I.3.2.f liệt kê “công trình xả dòng chảy môi trường” là công trình khác bên cạnh hồ chứa thuỷ điện.Tuy nhiên, theo Luật Tài nguyên nước 2023, các công trình khai thác tài nguyên nước lớn như thuỷ điện là đối tượng phải xác định dòng chảy tối thiểu. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo thống nhất tên gọi công trình trên là “công trình xả dòng chảy tối thiểu”.

Góp ý tương tự thuật ngữ trên đối với quy định tại Mục I.3.21 và Mục A.1.i Phụ lục.

– Mục I.3.15.3 giải thích về dung tích phòng lũ của hồ chứa nước, theo đó “phần dung tích của hồ chứa nước nằm trong phạm vi từ mực nước dâng bình thường đến mực nước lớn nhất kiểm tra làm nhiệm vụ điều tiết lũ đảm bảo an toàn công trình”. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này chưa phù hợp với nguyên tắc vận hành công trình. Theo nguyên tắc vận hành các hồ trong mùa lũ, không được sử dụng phần dung tích hồ từ mực nước dâng bình thường đến cao trình mực nước lũ kiểm tra để điều tiết lũ khi các cửa van của công trình xả chưa ở trạng thái mở hoàn toàn, trừ trường hợp đặc biệt theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định trên phù hợp với nguyên tắc vận hành các hồ trong mùa lũ.

– Mục I.3.25 quy định độ vượt cao của đỉnh đập là “khoảng cách giữa mực nước lớn nhất kiểm tra ở hồ chứa đến cao trình đỉnh đập”. Tuy nhiên, khái niệm này chưa thống nhất với một số định nghĩa về công trình thuỷ lợi tạo các quy chuẩn, tiêu chuẩn khác. Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại định nghĩa này nhằm đảm bảo đồng bộ với định nghĩa tại Mục 3.8 TCVN 8216:2018 về Công trình thuỷ lợi – Thiết kế đập đất đầm nén.

– Mục I.4.2.2.d đề cập đến thuật ngữ “các công trình thuỷ trong cụm năng lượng” nhưng chưa có giải thích rõ ràng. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung khái niệm về thuật ngữ trên để tránh trùng lặp với các định nghĩa về công trình thuỷ bao gồm công trình như công trình cảng, đường thuỷ…

Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét một số khái niệm dưới đây trong các quy định về giải thích từ ngữ:

– Thống nhất tên viết tắt và bổ sung cụm từ Tiếng Anh của các thuật ngữ sau: (i) Động đất cực đại tin cậy – MCE tại Mục I.3.26; (ii) Động đất thiết kế cực đại – MDE tại Mục I.3.27; (iii) Động đất vận hành cơ bản – OBE tại Mục I.3.28;

– Sửa đổi “dung tích hồ chứa” tại Mục I.3.15.4 thành “dung tích toàn bộ” để rõ nghĩa và phân biệt với các khái niệm dung tích khác như dung tích phòng lũ, dung tích hữu ích cũng như thống nhất với khái niệm tại các quy định của Nghị đinh 53/2024/NĐ-CP; Nghị định 54/2024/NĐ-CP; Nghị định 62/2025/NĐ-CP;

– Bổ sung “các công trình xả lũ, công trình tháo nước, công trình lấy nước” tại Mục I.3.32 để cụ thể hoá các công trình điều tiết dòng chảy đã được định nghĩa trong Quy chuẩn này;

  1. Điều kiện chuyển tiếp

Mục V.16.3 quy định về điều kiện chuyển tiếp đối với các công trình thuỷ điện đang vận hành, theo đó “đến thời điểm kiểm định phải tổ chức kiểm tra, đánh giá theo quy định của Quy chuẩn này và các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành khác”. Tuy nhiên quy định còn chưa hợp lý với một số công trình thuỷ điện lâu năm và được thiết kế theo các quy chuẩn trước đây hoặc các công nghệ của các đối tác nước ngoài như nhà máy thuỷ điện Trị An hay Hoà Bình.

Trong trường hợp của nhà máy thuỷ điện Trị An, nhà máy được xây dựng với sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ của Liên Xô từ năm 1984, phát điện từ năm 1988 đến nay. Thiết kế kỹ thuật công trình này là cấp II phù hợp với quy phạm của Liên Xô CHI4II- 1- 50-74. Công trình cấp II có hệ số an toàn cho phép trong giai đoạn thiết kế là 1,20 trị số [K] đối với tải trọng cơ bản và 1,10 trị số [K] đối với tải trọng đặc biệt. Tuy nhiên, đối chiếu các quy định hiện hành như QCVN 04-05:2022/BNNPTNT[3], hệ số an toàn về ổn định của các hạng mục công trình lần lượt là 1,50 và 1,35. Khi đó, các thông số từ thời điểm thiết kế so với các quy định hiện hành có sự chênh lệch. Do đó, nếu áp dụng các quy chuẩn hiện hành sẽ gây ra những khó khăn đối với các công trình thuỷ điện như Trị An trong việc bảo đảm đạt chuẩn để tiếp tục vận hành.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc cho phép áp dụng các quy chuẩn giai đoạn thiết kế ban đầu khi tổ chức kiểm tra, đánh giá các công trình thuỷ điện đang vận hành.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về Công trình thủy điện). Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.

[1] QCVN 02 : 2009/BXD: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia – Số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng

[2] QCVN 04 – 04 : 2012/BNNPTNT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình thủy lợi – Khoan nổ mìn đào đá – Yêu cầu kỹ thuật

[3] QCVN 04-05:2022/BNNPTNT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về về Công trình thủy lợi, Phòng chống thiên tai – Phần I. Công trình thủy lợi Các quy định chủ yếu về thiết kế.