Đại biể Phạm Thị Mỹ Ngọc tỉnh Ninh Bình góp ý dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) tại ký họp thứ 7 của QH

Thứ Sáu 15:42 28-11-2014

Phạm Thị Mỹ Ngọc - Ninh Bình

Kính thưa Quốc hội,

Tôi có một số ý kiến đóng góp vào dự thảo luật về vấn đề quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được quy định từ Điều 94 đến Điều 100 trong dự thảo luật, cụ thể như sau:

Do kém may mắn, nhiều người phụ nữ vô tình bị tước đi thiên chức làm mẹ của mình nhưng họ vẫn khát khao có được những đứa con được hình thành từ phôi trứng của bản thân vì con nuôi không thể so sánh được với con mang gien di truyền của cặp vợ chồng. Mang thai hộ là một thành tựu của y học, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện mang thai hộ là nhân văn, vì sẽ giúp cho người phụ nữ vô sinh có thể có con. Do đó tôi nhất trí đưa vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo quy định tại dự thảo luật.

Tại Điểm a, Khoản 3, Điều 95 dự thảo luật quy định: người được nhờ mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng, quan hệ thân thích được hiểu là quan hệ huyết thống trong phạm vi 3 đời. Quy định như dự thảo luật sẽ đảm bảo được ý nghĩa nhân văn, nhân đạo của vấn đề mang thai hộ là người thân trong gia đình thì phần nào sẽ tránh được những toan tính trục lợi lẫn nhau. Nhưng trên thực tế ít cặp vợ chồng, nếu không nói là hiếm nhờ được người thân thích mang thai hộ, nếu có nhờ được sẽ phát sinh những vấn đề tâm lý phức tạp không chỉ cho họ mà cho cả những người thân xung quanh họ, cặp vợ chồng vẫn tha thiết muốn có con. Vậy họ có bị hạn chế bởi quy định của điều luật này, quy định nhờ người không thân thích mang thai hộ nhưng vì mục đích nhân đạo, tôi nghĩ vẫn có khả thi.

Tại Điểm c, Khoản 2, Điều 95 và Điểm đ, Khoản 3, Điều 95: quy định điều kiện vợ chồng người nhờ mang thai hộ và người được nhờ mang thai hộ đã được tư vấn về y tế, pháp lý và tâm lý. Tôi nghĩ khi thi hành luật thì mọi người đều phải biết mình thi hành luật nào, quy định của luật như thế nào? điều gì được cho phép và điều gì cấm? Huống hồ mang thai hộ là một vấn đề hết sức phức tạp, có thể mang đến hậu quả khôn lường, chắc chắn cả hai bên, bên nhờ và bên được nhờ mang thai hộ đều phải tìm hiểu kỹ về các vấn đề y tế, pháp lý và chuẩn bị tâm lý. Do đó, tôi thấy không cần quy định điều này trong dự thảo luật. Mặt khác, nếu quy định thì rất khó kiểm chứng và ai sẽ xác nhận đã tư vấn pháp lý và tâm lý cho họ.

Tôi đề nghị bỏ quy định tại Khoản 5, Điều 97, trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con thì người mang thai hộ có quyền yêu cầu tòa án giải quyết, một khi đã nhờ mang thai hộ nghĩa là cặp vợ chồng tha thiết muốn có một đứa con của mình, người mang thai hộ trong quá trình mang thai có nhiều cực nhọc, nhiều mối nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng. Mặt khác cũng phải có điều kiện phần nào về kinh tế thì cặp vợ chồng mới nhờ tới mang thai hộ. Không có lý do gì để người nhờ mang thai hộ từ chối nhận con. Hơn nữa tại Khoản 3, Điều 98 của dự thảo luật quy định: bên nhờ mang thai hộ không được từ chối nhận con và Khoản 2, Điều 99 đã quy định: giải quyết vấn đề khi bên nhờ mang thai hộ chết.

Tại Khoản 4, Điều 197, tôi đề nghị bỏ đoạn "trong trường hợp có khó khăn về bảo đảm sức khỏe sinh sản, bên mang thai hộ có quyền yêu cầu bên nhờ mang thai hộ thực hiện việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản". Bởi tại Điều 98, Khoản 1 dự thảo luật đã quy định nội dung này, hẳn nhiên bên nhờ mang thai hộ phải có nghĩa vụ chi trả các chi phí để đảm bảo sức khỏe sinh sản cho người mang thai hộ, chứ không thể nói nếu người mang thai hộ có khó khăn thì mới yêu cầu hỗ trợ. Tại Điều 97, 98 dự thảo luật đã quy định về vấn đề nhận con với bên nhờ mang thai hộ, còn trường hợp bên mang thai hộ không giao lại đứa trẻ cho cặp vợ chồng thì sao? Tôi đề nghị ban soạn thảo xem xét đề ra quy định nghĩa vụ và trách nhiệm đối với người mang thai hộ để buộc phải giao con cho bên nhờ mang thai hộ khi người nhờ đã có đủ tư cách pháp lý để nhận con. Vấn đề thời gian chấm dứt việc mang thai hộ cũng cần được quy định trực tiếp trong luật nhằm bảo đảm hài hòa quyền lợi của ba bên: bên nhờ mang thai hộ, bên mang thai hộ và đứa trẻ. Tôi xin hết ý kiến.Xin cám ơn Quốc hội.

  

Các văn bản liên quan