Đại biểu Trương Thị Thu Trang tỉnh Tiền Giang góp ý dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) tại ký họp thứ 7 của QH
Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn tỉnh Bình Thuận góp ý dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) tại ký họp thứ 7 của QH
Đại biểu Đặng Thị Kim Chi tỉnh Phú Yên góp ý dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) tại ký họp thứ 7 của QH
Đặng Thị Kim Chi - Phú Yên
Kính thưa Quốc hội,
Tôi xin đóng góp một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, tôi thống nhất cao với giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Đây là một giải pháp mang tính nhân văn nhằm tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng hiếm muộn được có con. Tôi có quen biết hai người phụ nữ vì lý do sức khỏe cho nên không thể nuôi được bào thai và họ đã làm thụ tinh nhân tạo và đã hình thành phôi thai rất nhiều năm mà cũng có người chị em ruột sẵn sàng mang thai hộ. Nhưng vì luật của chúng ta không cho phép, cho nên không thể nào mang thai hộ được và trong số 2 chị đó có một chị theo một đường dây ngầm nên họ nhờ mang thai hộ và cuối cùng sinh được một đứa bé bây giờ được khoảng hơn 1 tuổi. Còn chị kia vì không dám đi theo đường dây đó, bởi vì sợ những mâu thuẫn, những vấn đề nảy sinh rất phức tạp, cho nên không dám và tới bây giờ họ không có con. Cho nên khi luật hóa điều này thì cơ hội để cho những người phụ nữ có điều kiện, có cơ hội để làm mẹ và sinh ra đứa con là giọt máu của mình. Tuy nhiên, tôi đề nghị xem lại một số quy định điều chỉnh, bổ sung cho hợp lý.
Về điều kiện của người được nhờ mang thai hộ tại Điều 95, Điểm a, Khoản 3 quy định: Người được nhờ mang thai hộ phải là người thân thích, cùng hàng với bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ. Quy định như vậy sẽ hạn chế chính sách mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Vì đối với những cặp vợ chồng không có người thân thích cùng hàng thì như vậy không có cơ hội để nhờ mang thai hộ, mặc dù họ có những người bạn thân có thể sẵn sàng mang thai hộ, nhưng vì luật không cho phép. Như vậy, theo tôi nên bổ sung là trong trường hợp không có người thân thích cùng hàng thì vẫn có thể nhờ người khác mang thai hộ, miễn sao họ có đủ điều kiện, đặc biệt không vì mục đích thương mại và pháp luật tôn trọng thỏa thuận các bên. Bởi vì đây là quan hệ dân sự, đồng thời cho phép các cặp vợ chồng đã có con, nhưng đứa con đó bị dị tật bẩm sinh nặng và người vợ không thể mang thai được nữa thì cũng được nhờ mang thai hộ.
Tại Điểm c, Khoản 3 quy định điều kiện để được mang thai hộ là có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ. Hiện nay các cơ sở y tế có thể xác nhận đủ sức khỏe để lái xe, học tập, làm việc, chưa xác nhận đủ sức khỏe để mang thai. Khi người phụ nữ mang thai có nhiều biến đổi về tâm sinh lý, đặc biệt là thể chất có thể phát sinh một số bệnh, trước khi mang thai không có như nhiễm độc thai nghẽn hoặc làm nặng thêm một số bệnh tiềm tàng trong cơ thể phụ nữ như Parado, đái tháo đường hoặc hen phế quản. Nếu mang thai đứa con của mình thì khi bệnh người ta chấp nhận, nhưng là mang thai hộ nên sẽ nảy sinh vấn đề, bên nhờ mang thai hộ phải chi phí quá lớn để chữa bệnh cho người mang thai hộ mà trước đó họ không lường hết, cho nên không ghi trong hợp đồng hoặc cũng không thể đủ tiền để lo cho người mang thai hộ và bên mang thai hộ cũng sẽ bất ngờ, bởi vì họ không lường được là nếu mang thai thì sẽ bị bệnh. Vì vậy lúc đó họ sẽ đổ cho bác sỹ và nếu chúng ta quy định như trong luật thì sẽ đặt cho bác sỹ khi khám cho người mang thai hộ một trách nhiệm rất lớn. Vì vậy, tôi đề nghị tránh những bất cập khi thực thi luật thì cần bổ sung nội dung chứng nhận đủ sức khỏe mang thai tại thời điểm khám. Nếu sau khi mang thai xuất hiện những bệnh mới thì không phải là trách nhiệm của bác sĩ nhằm tạo hành lang pháp lý để bảo vệ bác sĩ.
Thứ hai là Điều 59 nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn là chia đôi nhưng tại Điểm b, Khoản 2 quy định có tính đến yếu tố công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập và duy trì phát triển khối tài sản chung. Tôi cho quy định như vậy sẽ vướng mắc khi phát sinh xác định trường hợp nào chia đôi tài sản và trường hợp nào chia theo công sức đóng góp. Theo tôi không nên chia tài sản căn cứ vào công sức đóng góp, vì tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất và Việt Nam ta thường có câu "của chồng, công vợ". Vì vậy, về nguyên tắc không phân biệt được tài sản nào là của vợ, tài sản nào là của chồng. Do vậy, chỉ xác định nguyên tắc chia đôi. Quy định trên cũng không phù hợp với nguyên tắc của Luật phòng, chống bạo lực gia đình, do đó tôi đề nghị bỏ nội dung này.
Thứ ba, nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ chồng khi ly hôn tại Điều 115 quy định khi ly hôn nếu bên khó khăn túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình. Nội dung này đại biểu Trang đã nói nhưng tôi xin hỏi thêm quy định này chưa rõ khi ly hôn là khi nào, lúc tiến hành ly hôn hay sau khi đã ly hôn? Nếu lúc tiến hành ly hôn thì cũng không thể xem là nghĩa vụ cấp dưỡng mà chuyện tình cảm có thể xem xét thỏa thuận, ví dụ bên kia có khó khăn về kinh tế và có lý do chính đáng thì luật sẽ quy định chia cho họ phần tài sản nhiều hơn lẽ ra họ được hưởng. Về nội dung này điểm a Khoản 2, Điều 59 nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn cũng đã tính đến yếu tố xem xét hoàn cảnh gia đình của vợ, chồng nên tòa án sẽ căn cứ vào yếu tố này để phân chia tài sản.Còn nếu nói cấp dưỡng sau khi ly hôn thì càng bất cập, vì khi ly hôn người ta có gia đình mới và tài sản đó là của chung của vợ chồng mới thì không thể dùng tài sản đó cấp dưỡng cho bên vợ hoặc chồng đã ly hôn. Vì vậy tôi thấy quy định như thế là không hợp lý.
Một nội dung nữa về độ tuổi kết hôn, tôi đề nghị nam vẫn là từ 20 tuổi nhưng nữ phải từ đủ 18 tuổi để không vênh với Luật dân sự và Luật tố tụng dân sự cũng như các luật khác.
Thứ năm, tôi đề nghị ban soạn thảo xem lại nội dung quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 10 cái này chắc là có sự nhầm lẫn về câu từ, tức là người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật thì có ghi vợ, chồng của người đang có chồng, có vợ mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác. Theo tôi hiểu câu này có nghĩa là vợ của người đang có vợ mà đi chung sống kết hôn với người khác thì người vợ đó có quyền yêu cầu hủy cái này, chúng ta ghi là "vợ của người đang có chồng" như vậy tức là vợ của vợ. Câu này không có nghĩa, cho nên chắc là nhầm, tôi đề nghị sửa lại phải viết lại là "vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác" thì sẽ đúng nghĩa hơn. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.