Đại biểu Lê Thị Tám tỉnh Nghệ An góp ý dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) tại ký họp thứ 7 của QH
Đại biểu Đặng Thị Kim Chi tỉnh Phú Yên góp ý dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) tại ký họp thứ 7 của QH
Đại biểu Trương Thị Thu Trang tỉnh Tiền Giang góp ý dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) tại ký họp thứ 7 của QH
Trương Thị Thu Trang - Tiền Giang
Thưa Quốc hội, tham gia góp ý dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi), tôi xin có một vài ý kiến như sau:
Thứ nhất về giải thích từ ngữ, đề nghị ban soạn thảo bổ sung để rõ hơn về khái niệm hôn nhân thực tế vào dự thảo để tiếp tục điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình đối với các cặp vợ chồng xác lập quan hệ hôn nhân trước ngày 3/1/1987 không đăng ký kết hôn mà hiện nay được pháp luật công nhận là hôn nhân thực tế. Theo Nghị quyết số 35 năm 2000 của Quốc hội khóa X về thi hành Luật hôn nhân và gia đình nhằm hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về hôn nhân và gia đình trong thời gian sắp tới vì thực tế hiện nay vẫn còn nhiều trường hợp hôn nhân thực tế, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Theo đó với đề nghị nêu trên, để đảm bảo tính chặt chẽ của toàn bộ dự án luật đề nghi ban soạn thảo bổ sung cụm từ "trừ trường hợp hôn nhân thực tế" vào sau cụm từ theo quy định tại Khoản 1, Điều 14 của Luật này.
Khoản 2, Điều 53 về quy định thụ lý đơn yêu cầu ly hôn khi không đăng ký kết hôn bởi các trường hợp hôn nhân thực tế dù không đăng ký kết hôn nhưng vẫn được công nhận là vợ chồng và được giải quyết ly hôn theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu.
Thứ hai, về quyền lưu cư của một bên vợ, chồng khi ly hôn tại Điều 63. Tôi nhận thấy quy định về quyền lưu cư của một bên vợ, chồng khi ly hôn thể hiện được tình, nghĩa còn lại của những người đã từng là vợ, chồng với nhau, nhất là đối với người có khó khăn về nhà ở sau khi ly hôn.
Với ý nghĩa trên, tôi đồng tình với quan điểm về quy định này, để tránh trường hợp lạm dụng, đảm bảo quyền lợi chính đáng của chủ sở hữu nhà, tránh tình trạng bên được lưu cư lợi dụng quyền lưu cư của mình cản trở bên còn lại thực hiện các quyền được pháp luật quy định như quyền định đoạt về tài sản, về hôn nhân. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung nội dung quy định về nghĩa vụ của bên lưu cư sau khi hết thời hạn được lưu cư. Như vậy cần bổ sung vào Điều 63, Khoản 2 nội dung sau: Sau khi hết thời hạn lưu cư, bên lưu cư phải di chuyển đến nơi ở mới, trả lại nơi ở cho chủ sở hữu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Thứ ba, về quan hệ nhân thân, tài sản khi vợ, chồng bị tuyên bố đã chết trở về tại Điều 67. Tại Khoản 1 điều này quy định: Khi Tòa án ra quyết định hủy bỏ tuyên bố mọi người là đã chết theo quy định của Bộ Luật dân sự mà vợ hoặc chồng của người đó chưa kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân được khôi phục tại thời điểm kết hôn. Trong trường hợp vợ, chồng của người đó đã kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân được xác lập có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, đối với trường hợp vợ, chồng của người bị Tòa án tuyên bố đã chết tuy chưa kết hôn với người khác nhưng đã được Tòa án ra quyết định cho ly hôn theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 56 của dự án luật sẽ được giải quyết như thế nào, dự án luật vẫn chưa đề cập đến. Bởi theo Điểm a, Khoản 2, Điều 83 Bộ Luật dân sự quy định: vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố đã chết, đã được Tòa án cho ly hôn thì quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật. Do đó, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, tạo thuận lợi trong việc giải quyết các vụ việc dân sự.
Tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung nội dung này vào Khoản 1 và thể hiện lại như sau: Khi tòa án ra quyết định hủy bỏ tuyên bố mọi người là đã chết theo quy định của Bộ Luật dân sự mà vợ hoặc chồng của người đó chưa được Tòa án cho ly hôn hoặc chưa kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân được khôi phục tại thời điểm kết hôn. Trong trường hợp vợ, chồng của người đó đã kết hôn với người khác hoặc đã được Tòa án cho ly hôn thì quan hệ hôn nhân được xác lập sau hoặc quyết định cho ly hôn của Tòa án theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 56 của luật này có hiệu lực pháp luật.
Về quan hệ tài sản, tại Khoản 2 điều này quy định khi hôn nhân được khôi phục thì tài sản của vợ, chồng được giải quyết theo quy định tại Điều 40 của luật này. Việc áp dụng Điều 40 về hậu quả của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân trong trường hợp này là chưa chuẩn xác bởi hệ quả của việc giải quyết quan hệ tài sản khi vợ, chồng bị tuyên bố đã chết trở về, khi hôn nhân được khôi phục có phần khác so với hệ quả của việc chi tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Cụ thể việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được chấm dứt khi có thỏa thuận của vợ, chồng về chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân và theo hình thức được quy định.
Đối với trường hợp hôn nhân được khôi phục do vợ chồng bị tuyên bố là đã chết trở về theo quy định tại Khoản 1 điều này thì quan hệ tài sản chung đương nhiên được khôi phục cùng lúc với việc khôi phục quan hệ hôn nhân mà không cần có thỏa thuận là điều hợp lý. Tuy nhiên dự luật cũng cần tính đến công sức đóng góp, tôn tạo, giữ gìn và phát triển khối tài sản chung của người còn lại trong thời gian vợ, chồng bị tuyên bố là đã chết. Đồng thời cần có quy định mở để giải quyết chế độ tài sản trong trường hợp hôn nhân không được khôi phục và tài sản của người được tuyên bố là đã chết trở về đã được giải quyết theo quy định của pháp luật theo các thủ tục li hôn hoặc thừa kế. Theo đó để quy định được cụ thể, rõ ràng, tôi đề nghị bổ sung vào Khoản 2, Điều 67 nội dung cụ thể như sau: "2. Quan hệ tài sản của người bị tuyên bố là đã chết trở về với người vợ hoặc chồng được giải quyết như sau:
a. Trường hợp hôn nhân được khôi phục thì quan hệ tài sản được khôi phục kể từ thời điểm kết hôn, tài sản do vợ, chồng có được kể từ thời điểm quyết định của tòa án về việc tuyên bố chồng, vợ là đã chết có hiệu lực đến khi quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố chồng, vợ đã chết có hiệu lực là tài sản riêng của người đó.
b. Trường hợp hôn nhân không được khôi phục thì tài sản có được trước khi quyết định của tòa án về việc tuyên bố vợ, chồng là đã chết có hiệu lực mà chưa chia được giải quyết như quy định tại Điều 59 của luật này.
c. Tài sản của người bị tuyên bố là đã chết trở về được giải quyết theo quy định của Bộ Luật dân sự."
Thứ tư, về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn. Điều 115 quy định khi ly hôn nếu bên khó khăn túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình và nghĩa vụ cấp dưỡng này chấm dứt khi bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn được quy định tại Khoản 5, Điều 118. Việc quy định nghĩa vụ cấp dưỡng trong trường hợp này nhằm thể hiện tình nghĩa giữa những người đã từng là vợ chồng với nhau. Tuy nhiên, việc xác định khả năng cấp dưỡng phải phụ thuộc vào thu nhập của người cấp dưỡng, nhưng khi người này kết hôn với người khác thì thu nhập này thuộc khối tài sản chung của vợ, chồng. Theo Khoản 2, Điều 33 "Tài sản chung của vợ chồng được dùng để đảm bảo nhu cầu của gia đình thực hiện các nghĩa vụ chung của vợ, chồng", vì vậy tôi đề nghị bổ sung trường hợp chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng khi bên cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn với người khác và thể hiện lại Khoản 5, Điều 118 như sau: "Bên cấp dưỡng hoặc bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn". Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.