Đại biểu Đặng Thị Kim Chi tỉnh Phú Yên góp ý dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) tại ký họp thứ 7 của QH
Đại biểu Đinh Thị Phương Khanh tỉnh Long An góp ý dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) tại ký họp thứ 7 của QH
Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn tỉnh Bình Thuận góp ý dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) tại ký họp thứ 7 của QH
Đỗ Ngọc Niễn - Bình Thuận
Kính thưa Quốc hội,
Qua nghiên cứu dự án luật và sự gợi ý thảo luận của Đoàn Thư ký kỳ họp tôi xin được trình bày quan điểm của mình về những vấn đề sau đây:
Thứ nhất, về việc áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình, tôi đồng ý áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình như trong dự án luật, vì đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với phong tục, tập quán tốt đẹp của một số địa phương, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Để dảm bảo tập quán về hôn nhân và gia đình được thực hiện thống nhất không làm suy yếu vai trò pháp luật trong cuộc sống thì việc giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này như trong dự án luật là phù hợp.
Thứ hai, về giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Đây là vấn đề xã hội không khuyến khích nhưng có nảy sinh trong thực tế cuộc sống, nhất là đối với những người đã qua một lần ly hôn. Bởi vậy nên cần phải có những quy định trong luật để giải quyết những hậu quả xảy ra. Do vậy tôi tán thành nội dung này ở Điều 14, 15, 16. Tuy nhiên cần phải làm rõ thêm và để xác định thời gian chung sống với nhau như vợ chồng có được coi là thời kỳ hôn nhân hay không? Nếu không xác định điều này thì sẽ không thể xác định được cha mẹ của các con cho những trường hợp này, vì tại Khoản 1, Điều 88 của luật này chỉ xác định "Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng". Nếu thời gian sống chung với nhau như vợ chồng mà không được xem là thời kỳ hôn nhân thì không thể xác định được cha, mẹ của những đứa con sinh ra trong thời gian nam nữ sống chung như vợ chồng. Đã không thể xác định là cha, mẹ của con thì những người làm cha, làm mẹ trong trường hợp này sẽ không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ với con như Khoản 1, Điều 14 quy định. Tôi đề nghị bổ sung vấn đề này vào Điều 14 hoặc Điều 88 để làm rõ hơn.
Thứ ba, chế độ tài sản của vợ chồng thỏa thuận, đây là vấn đề mới so với luật hiện hành nhưng không phải là vấn đề gì mới với Việt Nam, bởi vì trước đây qua các thời kỳ khác nhau luật pháp nước ta cũng đã có những quy định hoặc thừa nhận về chế độ tài sản theo thỏa thuận. Nhiều nước trên thế giới cũng quy định chế độ này trong luật và áp dụng rất tốt trong thực tế mang lại lợi ích thiết thực. Tài sản là quan trọng trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng, vì quyền chiếm giữ định đoạt tài sản nên lúc nào cũng có thể nảy sinh mâu thuẫn phức tạp, nhất là sau khi ly hôn. Thực tế xét xử của tòa án cũng cho thấy phần lớn tranh chấp sau ly hôn, vấn đề xác định phân chia tài sản chung riêng của vợ chồng hết sức phức tạp, kéo dài thời gian xét xử, gây tốn kém về thời gian và tiền bạc. Quy định vợ chồng tự thỏa thuận với nhau xác lập và thực hiện quyền, nghĩa vụ đối với tài sản của họ, theo tôi đây là sự tiến bộ, khoa học, sự bảo đảm quyền tự do của công dân, trong đó có quyền tự định đoạt tài sản của mình, góp phần giảm, tránh những xung đột về tài sản như đã nêu ở phần trên. Tôi nhất trí áp dụng vào luật chế độ tài sản thỏa thuận cùng với chế độ tài sản theo pháp luật được ghi tại Khoản 1, Điều 28. Tuy nhiên do tâm lý e ngại, nhất là đối với phụ nữ sợ bị đánh giá là tiến tới hôn nhân không do tình yêu, không tin tưởng lẫn nhau, không muốn chung sống lâu dài nên mới phân biệt tài sản chung riêng, tôi đề nghị trong luật hoặc các văn bản dưới luật cần có nội dung quy định về vấn đề này nhằm khắc phục tình trạng vừa nêu để luật pháp được thực thi tốt hơn.
Thứ tư, về quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, mang thai hộ được hiểu là người mang thai chuyển giao đứa trẻ mình sinh ra cho người nhờ mang thai hộ trên cơ sở ý nguyện của người đó, tùy theo góc nhìn về sinh học hay xã hội có cách gọi khác nhau về mang thai hộ trong dự án Luật hôn nhân và gia đình được đưa ra lần này chỉ nêu một hình thức đó là mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Đây là ý tưởng rất nhân văn giúp cho những cặp vợ chồng vô sinh có giải pháp có con mang huyết thống của chính mình. Tuy nhiên giữa ý tưởng và hiện thực không phải lúc nào cũng gặp nhau, đây là một trường hợp như thế. Quan điểm của tôi là không đồng ý về quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo với lý do sau: Một là trình độ y học sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm của nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, rất nhiều cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn đã có con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Gần đây có trường hợp đứa bé chào đời trong khi người cha của nó đã mất trước đó nhiều năm. Những thành công như vậy có thể giúp cho các cặp vợ chồng vô sinh thỏa mãn nguyện vọng có con. Hai là tính bức xúc chưa rõ. Đây có phải là vấn đề thật bức xúc của người vô sinh hay không, chưa có thể khẳng định. Trong thực tế đã có những trường hợp nào phát sinh mà pháp luật cần phải can thiệp chưa, chưa có báo cáo nào nêu rõ. Đã có cuộc hội thảo, khảo sát thực tế nào về vấn đề này? Có bao nhiêu phần trăm trong khoảng 8% những người vô sinh hiếm muộn có nhu cầu về mang thai hộ? Theo tôi vì chưa có những thông tin cần thiết, không có những đánh giá khoa học cho nên chưa thể nói là đòi hỏi của cuộc sống khi xây dựng điều luật này.
Ba là tính khả thi không cao, liệu có bao nhiêu người chồng đồng ý viết đơn để vợ mình mang thai hộ, có bao nhiêu người phụ nữ đã từng sinh con đang có chồng hoặc đã ly hôn đồng ý mang thai hộ. Đã có báo cáo đánh giá tác động về đạo đức xã hội, tôn giáo, pháp luật, tâm lý về vấn đề này hay chưa. Những câu hỏi như vậy, hiện nay chưa có câu trả lời thỏa đáng, nên theo tôi tính khả thi của điều luật này chưa cao. Từ những vấn đề nêu trên, tôi đề nghị cần phải có thêm thời gian để nghiên cứu thật kỹ, thật khoa học rồi hãy quyết định.
Thứ năm, về kỹ thuật lập pháp, đề nghị bổ sung cụm từ "không nên kết hôn" vào sau đoạn "việc nam, nữ" ở Điểm 7, Điều m3 để viết lại thành: Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ không nên kết hôn mà tổ chức cuộc sống chung coi nhau như vợ chồng. Như vậy rõ nghĩa hơn, sửa cụm từ "thiết yếu" thành "cần thiết" ở Khoản 2, Điều 29 để viết lại thành: Vợ chồng có nghĩa vụ đảm bảo điều kiện để đáp ứng nhu cầu cần thiết của gia đình. Vì "thiết yếu" ở diện hẹp, "cần thiết" ở nghĩa rộng hơn, có những nhu cầu của gia đình là cần thiết, nhưng chưa hẳn là nhu cầu thiết yếu. Ví dụ đi du lịch, thăm người ốm, tương tự như vậy, đề nghị chỉnh sửa những vấn đề này. Sửa cụm từ "các bên" thành "hai bên" ở Điều 47 để viết lại thành: Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản có thuận, bởi vì các bên có thể được hiểu là 2, 3, 4 hoặc nhiều hơn nữa, trong khi luật quy định hôn nhân chỉ một vợ, một chồng, có nghĩa là chỉ có 2 bên. Xin cám ơn Quốc hội.