Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng tỉnh Tiền Giang góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Trần Xuân Vinh tỉnh Quảng Nam góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Nguyễn Thế Tuy tỉnh Lạng Sơn góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Nguyễn Thế Tuy - Lạng Sơn
Kính thưa Quốc hội,
Trước hết tôi bày tỏ nhất trí cao với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật đầu tư công. Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật đầu tư công đã thể hiện sự thống nhất giữa các luật như Luật ngân sách nhà nước, Luật quản lý nợ công, Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, Luật đấu thầu, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các luật khác tạo hệ thống pháp lý đồng bộ quản lý đối với đầu tư công.
Về bố cục dự thảo luật, Chương II của dự thảo luật quy định chủ trương đầu tư và lập thẩm định phê duyệt chương trình, dự án đầu tư công, Chương III của dự thảo luật quy định về lập thẩm định phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công. Kế hoạch đầu tư công là tập hợp các mục tiêu định hướng danh mục chương trình, dự án đầu tư công, cân đối nguồn vốn đầu tư công, phương án phân bổ vốn, các giải pháp huy động nguồn lực và triển khai thực hiện. Do vậy, kế hoạch đầu tư công không thể xây dựng khi chưa có các chương trình và danh mục dự án đầu tư cụ thể. Do đó, bố cục trong dự thảo đầu tư công tôi thấy đã đảm bảo tính logic và phù hợp với trình tự quản lý đầu tư công, góp phần từng bước hạn chế được tồn tại bất cập trong quản lý đầu tư công hiện nay.
Về phân cấp quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đối với chương trình, dự án so với quy định hiện hành về quản lý chương trình, dự án đầu tư công, dự thảo luật đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội bổ sung quy định mới chặt chẽ hơn về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư. Dự thảo luật quy định tất cả chương trình, dự án đầu tư công đều phải thực hiện phê duyệt chủ trương đâu từ thay vì theo quy định của pháp luật hiện hành chỉ những chương trình, dự án quan trọng quốc gia mới cần được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Tôi cũng thống nhất cao việc thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư tại dự thảo luật, điểm mới và quan trọng trong nội dung về trình tự thủ tục quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án là quy định cụ thể, bước thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ngay vào quyết định chủ trương đầu tư. Trước khi quyết định chủ trương đầu tư thì các chương trình, dự án cần được thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn để bảo đảm tính khả thi cân đối vốn khi thực hiện, đây chính là bước đầu tiên tránh lãng phí, dàn trải khi thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công. Đồng thời cũng ngăn ngừa được sự tùy tiện, chủ quan duy ý trí trong việc quyết định chủ trương đầu tư.
Tôi đề nghị cần phải tăng cường tính công khai giám sát, nhưng quan trọng là phải thể hiện qua chế tài của pháp luật, đặc biệt là qua hệ thống quản lý nhà nước, giám sát, kiểm tra thông qua các tổ chức xã hội của nhân dân cũng cân đối ở lượng vừa phải, nếu không thì cũng rất khó trong tổ chức thực hiện ở địa phương, nhất là ở cơ sở.
Về lập kế hoạch đầu tư trung hạn, tôi đánh giá cao việc chuyển từ việc lập kế hoạch hàng năm sang kế hoạch đầu tư trung hạn, Quốc hội cũng đã phê duyệt kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2012-2015 đối với đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Chính phủ cũng đã thông qua kế hoạch đầu tư trung hạn từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2014-2015 và việc triển khai hiện nay đang thực hiện có nhiều hiệu quả.
Việc xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn sẽ vừa đảm bảo các cân đối kinh tế lớn trong phạm vi cả nước, đồng thời giúp các bộ, ngành, địa phương biết được cấp mình, cơ quan mình có bao nhiêu vốn trong kế hoạch 5 năm để chủ động lựa chọn các danh mục dự án đầu tư cần thiết. Việc bố trí cho từng chương trình, dự án đảm bảo hoàn thành chương trình, dự án, khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, đặc biệt là tạo ra sự công khai, minh bạch, hạn chế tiêu cực, tham nhũng trong việc phân bổ nguồn lực của nhà nước.
Về việc xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn hơn, như kế hoạch đầu tư công 10 năm hoặc 20 năm, theo tôi thời gian thực hiện kế hoạch này rất dài, trong khi đó về tình hình trong nước cũng như thế giới có thể có những biến động khó lường không thể dự báo được trước, ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư dài hạn. Việc lập kế hoạch đầu tư dài hạn 10 năm hoặc 20 năm cũng không phải là đơn giản. Do đó đối với kế hoạch đầu tư dài hạn trên 10 năm hoặc 20 năm, tôi đồng ý như báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ thực hiện theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và tầm nhìn 20 đến 30 năm. Tôi đề nghị Quốc hội thông qua Luật đầu tư công trong kỳ họp này. Xin cảm ơn Quốc hội.