Đại biểu Lê Đắc Lâm tỉnh Bình Thuận góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH

Thứ Tư 16:23 26-11-2014

Lê Đắc Lâm - Bình Thuận

Kính thưa Quốc hội,

Tôi nhất trí nhiều nội dung đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự thảo Luật đầu tư công đã rõ ràng. Sau đây, tôi xin tham gia thêm một số ý kiến cụ thể vào các điều, khoản của dự thảo luật này như sau.

Thứ nhất, về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, chương trình, dự án đầu tư công ở Điều 17.

Đối với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, chương trình đầu tư công theo Khoản 1, Điều 17 thì Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia. Theo Khoản 2, Điều 17 thì Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, chương trình đầu tư công, theo giải thích từ ngữ tại Khoản 5, Điều  4 thì chương trình đầu tư công bao gồm chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu. Như vậy đối với chương trình mục tiêu quốc gia thì thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư thuộc Quốc hội và Chính phủ, nhưng chưa có tiêu chí phân loại cụ thể trường hợp nào do Quốc hội quyết định, trường hợp nào do Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, để tránh trùng lặp trong thẩm quyền thì đề nghị giao Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với chương trình mục tiêu, còn đối với chương trình mục tiêu quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Đối với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân các cấp, theo Điểm a, Khoản 5, Điều 17 quy định Hội đồng nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư. Tuy nhiên, nội dung chương trình đầu tư là gì thì không có quy định cụ thể trong giải thích từ ngữ, chỉ có giải thích chương trình đầu tư công gồm chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu. Vì vậy, đề nghị làm rõ nội dung chương trình đầu tư là gì để thuận lợi khi triển khai áp dụng Luật đầu tư công.

Theo Điểm c, Khoản 5, Điều 17 quy định: Hội đồng nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm nhóm B thuộc cấp mình quản lý do tiêu chí về công trình trọng điểm không cụ thể. Vì vậy, nếu thực hiện theo quy định này thì trước khi triển khai lập và phê duyệt chủ trương đầu tư phải thực hiện thêm một thủ tục là lấy ý kiến Hội đồng nhân dân các cấp để xác định dự án đầu tư có phải là trọng điểm hay không để làm cơ sở xác định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

Hiện nay đối với dự án đầu tư thường chưa được xác định là dự án trọng điểm, sau khi dự án đầu tư được duyệt hoặc sau khi có kế hoạch vốn đầu tư đã phân khai danh mục dự án trọng điểm thường phải trình Hội đồng nhân dân các cấp thông qua. Trong giai đoạn xin chủ trương đầu tư rất khó xác định đâu là dự án trọng điểm vì chưa có đầy đủ các thông tin và nội dung cần thiết để xác định dự án trọng điểm, vì vậy đề nghị rà soát lại, chỉnh sửa lại thẩm quyền quyết định chủ đầu tư của Hội đồng nhân dân các cấp tại Điểm c, Khoản 5, Điều 17 theo hướng xác định Hội đồng nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư các dự án thuộc cấp mình quản lý có mức vốn đầu tư lớn so với khả năng cân đối của kế hoạch vốn đầu tư hàng năm.Việc xác định các dự án có mức vốn đầu tư lớn từng cấp ngân sách, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã sẽ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Thứ hai, về điều kiện quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công. Đối với Khoản 2, Điều 18 có quy định "điều kiện quyết định chủ trương đầu tư là không trùng lắp với các chương trình, dự án khác trong quy hoạch, kế hoạch được duyệt", vấn đề này tôi đề nghị quy định cụ thể hơn về điều kiện này. Vì nội dung trong điều kiện này có thể hiểu theo nhiều nghĩa như là có thể hiểu khác nhau trên thực tế như dự án đã có trong quy hoạch, kế hoạch được duyệt thì không còn quyết định chủ trương đầu tư nữa hoặc việc quyết định chủ trương đầu tư không được trùng lắp v.v...

Thứ ba, về trình tự thủ tục quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư trọng điểm nhóm B do địa phương quản lý. Việc thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư cho từng dự án trong một số trường hợp được thực hiện lặp lại nhiều lần thẩm định. Do vậy tôi đề nghị rà soát rút ngắn quy trình thẩm định đến một số nội dung như các điều 19, 22, 23, 26, 28 thì việc thẩm định được thực hiện 2 lần, đó là cơ quan quản lý chương trình, cơ quan là chủ đầu tư dự án giao đơn vị có đủ tư cách pháp nhân và thành lập hội đồng thẩm định tổ chức thẩm định, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình trước khi trình người có thẩm quyền quyết định chủ trương. Người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư thành lập hội đồng thẩm định liên ngành hoặc giao cho một cơ quan chủ trì thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Nhưng tại Điều 27, trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các chương trình đầu tư Hội đồng nhân dân các cấp thì việc thẩm định được thực hiện 3 lần đó là đơn vị quản lý dự án lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án, Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập hội đồng thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của dự án nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Sau đó Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư, như vậy theo đó sẽ có bước thẩm tra của các cơ quan Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Khoản 4, Điều 27 về trình tự thủ tục đối với dự án trọng điểm nhóm B quy định thẩm định rất nhiều lần, với những quy định trên thì quy trình thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chưa được chuẩn hóa để dễ làm cho các cơ quan triển khai thực hiện tránh nhầm lẫn qua lại giữa các trường hợp, có trường hợp bị lập lại nhiều lần việc thẩm định, từ đó để rút ngắn được thời gian và bỏ bớt các thủ tục triển khai.

Thứ năm, đối với điều kiện được bố trí vốn kế hoạch đầu tư trung hạn, theo Khoản 1, Điều 52 quy định về điều kiện chương trình, dự án đầu tư công được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp thẩm quyền phê duyệt đầu tư theo trình tự tự lập, tự thẩm định kế hoạch đầu tư trung hạn Điều 55 thì kế hoạch đầu tư công trung hạn đã hoàn chỉnh trước gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 31 tháng 12 năm thứ 4 của kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn trước. Như vậy theo các quy định trên một dự án được bố trí vốn theo kế hoạch đầu tư trung hạn thì phải có chủ trương đầu tư trước ngày 31 tháng 12 năm thứ 4 kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn trước, trong trường hợp dự án được cân đối vốn để triển khai thực hiện vào năm thứ 4, thứ 5 của kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn sau, khoảng thời gian từ khi có chủ trương đầu tư đến khi triển khai thực hiện 5 năm, khoảng thời gian này quá dài, dẫn đến một số nội dung trong chương đầu tư sẽ không còn phù hợp như về vốn đầu tư do trượt giá trong khoảng 5 năm. Tôi đề nghị rà soát lại điều kiện tại Khoản 1, Điều 52 cho phù hợp. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan