Đại biểu Lê Đắc Lâm tỉnh Bình Thuận góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Bùi Văn Phương tỉnh Ninh Bình góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Nguyễn Văn Bình Thành Phố Hải Phòng góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Nguyễn Văn Bình - TP Hải Phòng
Kính thưa Quốc hội,
Căn cứ vào dự thảo Luật đầu tư công, báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội và gợi ý thảo luận của Đoàn thư ký kỳ họp, tôi xin tham gia ý kiến về dự thảo Luật đầu tư công như sau.
Thứ nhất, về khái niệm đầu tư công, theo tôi quy định như dự thảo luật là phù hợp, nếu định nghĩa đầu tư công là đầu tư của nhà nước không nhằm mục tiêu lợi nhuận là không hợp lý, do trên thực tế có nhiều công trình đầu tư công như bệnh viện, đường cao tốc vẫn có thể thu được lợi nhuận thông qua việc thu phí sử dụng. Nếu chỉ quy định đầu tư công là các hoạt động đầu tư không nhằm mục tiêu lợi nhuận sẽ tạo kẽ hở trong Luật đầu tư công.
Thứ hai, việc khái niệm vốn đầu tư công, theo tôi Luật ngân sách nhà nước hiện hành chưa quy định ngân sách nhà nước bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ, các khoản thu để lại đầu tư nhưng chưa đưa vào ngân sách nhà nước. Sau này nếu Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), quy định ngân sách nhà nước bao gồm các nguồn vốn nói trên thì khái niệm vốn đầu tư công trong dự thảo Luật đầu tư công hiện nay vẫn phù hợp. Trong khi nếu không quy định vốn đầu tư công bao gồm các nguồn vốn trên sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý, khi Luật ngân sách nhà nước chưa sửa đổi được thông qua thì việc đầu tư từ các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ sẽ chịu sự chi phối của luật nào?
Thứ ba, về tiêu chí phân loại dự án đầu tư quan trọng quốc gia, dự án đầu tư nhóm A, B, C, tôi hoàn toàn đồng tình nên quy định cụ thể trong Luật đầu tư công tùy theo từng nhóm dự án mà dự thảo Luật đầu tư công có quy định khác nhau về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quy trình thủ tục quyết định nội dung báo cáo chủ trương đầu tư, thẩm quyền quyết định đầu tư đối với chương trình, dự án trình tự lập, thẩm định, quyết định đầu tư các chương trình, dự án. Việc quy định Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án cũng rất phù hợp do bảo đảm được tính ổn định lâu dài của luật, khi có biến động lớn về những yếu tố được sử dụng để xác định tiêu chí phân loại dự án, đặc biệt là biến động về giá cả, lạm phát.
Thứ tư, về phân cấp quyết định chủ trương đầu tư quyết định đầu tư đối với chương trình, dự án. Tôi nhận thấy dự thảo luật đã bảo đảm được sự hài hòa cân bằng giữa nhu cầu quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn đầu tư công và việc phân cấp, tạo điều kiện cho các bộ, cơ quan, địa phương chủ động được các dự án đầu tư công phục vụ cho mục tiêu phát triển của đơn vị, địa phương mình. Trong các quy định có liên quan về phân cấp quyết định chủ trương đầu tư, tôi rất nhất trí việc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, chương trình đầu tư công sử dụng vốn ngân sách trung ương, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ. Do vậy là những nguồn do trung ương quản lý, nếu để các địa phương tự quyết định chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án thì sẽ lại dẫn đến tình trạng có quá nhiều dự án được phê duyệt mà không thể cân đối vốn được, gây dàn trải, lãng phí nguồn vốn đầu tư.
Thứ năm, về công khai, minh bạch và giám sát đầu tư cộng đồng, đây là nội dung được cử tri và dư luận xã hội quan tâm. Việc bổ sung thêm những nội dung cần công khai trong đầu tư công như quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn bao gồm mức vốn bố trí cho từng chương trình, dự án, tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án theo từng nguồn vốn, kết quả nghiệm thu, đánh giá của các chương trình, dự án đầu tư công là hết sức cần thiết. Theo quy định này, người dân có thể biết được thông tin về các dự án đã, đang và sẽ được đầu tư trên địa bàn có ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Những quy định về công khai, minh bạch như vậy cũng góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, chủ chương trình, ban quản lý dự án trong việc sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả đúng mục đích.
Tôi rất hoan nghênh dự thảo luật đã bổ sung thêm một điều về trình tự, thủ tục, quy trình giám sát đầu tư của cộng đồng. Điều này giúp cho cộng đồng có thể tiếp cận được thông tin về các hoạt động đầu tư công thuận lợi hơn, từ đó có thể phát huy và nâng cao hiệu quả giám sát đầu tư của cộng đồng. Theo Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có 21 điều được bổ sung vào dự thảo Luật đầu tư công lần này, nhiều nội dung quy định đã được bổ sung làm rõ, nhiều ý kiến tham gia góp ý đã được nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung, chỉnh sửa vào dự án luật, các nội dung giải thích trong Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng rất hợp lý. Với những phân tích nêu trên, tôi thống nhất và đề nghị Quốc hội xem xét thông qua Luật đầu tư công trong kỳ họp này. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.