Đại biểu Trương Văn Vở tỉnh Đồng Nai góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Lù Thị Lừu tỉnh Lào Cai góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Lê Thị Nguyệt tỉnh Vĩnh Phúc góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Lê Thị Nguyệt - Vĩnh Phúc
Kính thưa Quốc hội,
Sau khi nghe báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật đầu tư công do Ủy ban thường vụ Quốc hội trình và nghiên cứu dự thảo luật. Về cơ bản tôi nhất trí với dự thảo việc hoàn thiện và ban hành Luật đầu tư công là một việc hết sức cần thiết đã được cân nhắc lấy ý kiến đại biểu Quốc hội qua kỳ họp thứ 6 và nay cần sớm ban hành để có một cơ chế chung liên quan đến việc này.
Thứ nhất, tôi xin có một ý kiến nhỏ liên quan đến Mục 7 Báo cáo giải trình và gợi ý của Đoàn thư ký trong công khai, minh bạch và giám sát của cộng đồng trong đầu tư công. Trong dự thảo xin ý kiến đại biểu Quốc hội, các điều 14, 84, 85, 97 trong dự thảo luật, việc công khai, minh bạch và giám sát đầu tư công là đặc biệt quan trọng góp phần chính đảm bảo tính hiệu quả của đầu tư và tránh lãng phí, thất thoát. Vì vậy, cần đặc biệt chú ý đến các điều, khoản về cơ chế thực hiện đảm bảo việc công khai, minh bạch và thực chất, tạo mọi điều kiện, cơ chế cần thiết để người dân và các tổ chức chính trị, xã hội tham gia được tốt, tránh việc công khai, minh bạch chỉ mang tính hình thức và không hiệu quả. Do đó, dự thảo luật quy định về các nội dung này tại điều 14, 84, 85, 97 là chưa đủ tầm, đủ mức với tầm quan trọng của việc công khai và minh bạch trong các vấn đề đầu tư công. Chúng ta hiểu rằng nguồn ngân sách cho đầu tư công đều bắt nguồn từ thuế do người dân và các thành phần trong xã hội đóng góp. Vì vậy, người dân và các tổ chức trong xã hội có quyền được giám sát, đồng thời các cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định hay phê duyệt đầu tư phải có trách nhiệm giải trình. Tôi muốn lưu ý ở đây là trách nhiệm giải trình, chứ không phải thực hiện việc giải trình với người dân và các tổ chức trong xã hội thông qua cơ chế, mà cơ chế này cần được quy định rõ ở trong luật này.
Trên thực tế, thời gian qua việc lãng phí, thất thoát cũng một phần vì không có cơ chế giao cho Mặt trận Tổ quốc như quy định ở Điều 84, 85 trong dự thảo luật là chưa đủ, cần có quy định rõ ràng việc huy động thêm sức mạnh của truyền thông trong việc công khai, minh bạch và giám sát đầu tư công. Do tính chất, tầm quan trọng của vấn đề công khai, minh bạch của đầu tư công, tôi đề xuất nên chăng để Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành văn bản quy định cụ thể về công khai, minh bạch trong đầu tư công thay vì để Chính phủ ban hành như quy định ở tại Khoản 3, Điều 85 trong dự thảo luật. Trong trường hợp này là đặc biệt quan trọng, nên cần có cơ chế ban hành văn bản không theo thông lệ đảm bảo công khai, minh bạch là thực chất, góp phần vào việc sử dụng một cách có hiệu quả nhất nguồn lực từ đầu tư công. Ngoại trừ các dự án quan trọng quốc gia hoặc dự án có liên quan đến an ninh quốc phòng cần quy định cụ thể thời gian thực hiện ở mỗi giai đoạn, làm cơ sở ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan có trách nhiệm giải quyết trong giai đoạn đó, giai đoạn lập hồ sơ thẩm định, phê duyệt, kể cả những cơ quan được xin ý kiến thẩm định.
Thứ hai, Điều 3 dự thảo quy định về vấn đề áp dụng Điều ước quốc tế, tôi nhất trí như phân tích của đại biểu Hà Sỹ Đồng, tuy nhiên cần quy định rõ hơn về nội dung này, vì trên thực tế có nhiều trường hợp xung đột pháp luật khi thực hiện hợp tác đầu tư. Ví dụ trường hợp liên doanh của nhà đầu tư của Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, hồ sơ yêu cầu các nhà đầu tư phải có điều lệ, tuy nhiên doanh nghiệp nước ngoài không có điều lệ. Thực tế khi gặp trường hợp này thì các cơ quan chưa có cơ chế để giải quyết, do vậy luật này cần cụ thể hóa khi mà luật được thực thi và cần phải có cơ chế giải quyết trong các trường hợp khi xung đột pháp luật.
Thứ ba, hiện tại và trong tương lai gần hợp tác công tư sẽ là mô hình được đẩy mạnh, khi đã là hợp tác công tư thì chiếu theo dự thảo luật này các thủ tục về hành chính sẽ gồm nhiều bước khắt khe. Luật đầu tư công cần có điều khoản quy định cụ thể để đảm bảo quyền lợi của bên tư góp vốn có thể theo tỷ lệ phần trăm góp vốn ở trong dự án. Ví dụ, một nhà đầu tư nước ngoài bên tư góp phần lớn về vốn, công nghệ để xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoặc rác thải, trong khi bên công chỉ có mặt bằng. Trong trường hợp này cần phải có những quy định cụ thể để đảm bảo quyền lợi của bên tư sao cho thu hút được đầu tư trong lĩnh vực đầu tư công. Tôi xin hết ý kiến