Đại biểu Lê Thị Nguyệt tỉnh Vĩnh Phúc góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng tỉnh Bình Phước góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Lù Thị Lừu tỉnh Lào Cai góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Lù Thị Lừu - Lào Cai
Kính thưa Quốc hội,
Trước hết tôi đánh giá cao dự thảo Luật đầu tư công được trình ra Quốc hội tại kỳ họp này, dự thảo luật đã được soạn thảo rất công phu, đáp ứng được yêu cầu bao quát việc quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng đầu tư công. Đó là sự chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội và sự cố gắng của Ban soạn thảo. Sau khi nghe Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình về dự thảo luật, tôi hoàn toàn nhất trí với báo cáo.
Về khái niệm đầu tư công của dự thảo luật, tôi thấy ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội là hoàn toàn hợp lý, nếu quy định đầu tư công là hoạt động đầu tư của nhà nước, không nhằm mục tiêu lợi nhuận, vậy thì những hoạt động hợp tác đầu tư giữa nhà nước và đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng có thu lợi sẽ không phải là đầu tư công, như vậy sẽ có một khoảng trống pháp luật đối với các hoạt động này. Do đó để quản lý nguồn vốn đầu tư công một cách thống nhất thì tất cả các chương trình dự án đầu tư công không phân biệt vì mục tiêu lợi nhuận hay nhằm mục tiêu lợi nhuận. Các hoạt động đầu tư công đều chịu sự điều chỉnh của luật này, vì vậy thống nhất giữa khái niệm đầu tư công như quy định tại Khoản 1, Điều 4 của dự thảo luật. Đầu tư công là hoạt động của đầu tư nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội và đầu tư vào các chương trình dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tôi cũng thống nhất như giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về khái niệm dự án đầu tư công, chỉ có các dự án đầu tư sử dụng một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư công mới được coi là dự án đầu tư công và phần vốn đầu tư công được bố trí cho dự án sẽ chịu sự điều chỉnh của luật này.
Về khái niệm vốn đầu tư công, tôi thống nhất với tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vốn đầu tư công quy định tại luật này gồm: Vốn ngân sách nhà nước, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA và vốn vay yêu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, vốn đầu tư từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước, các khoản vốn vay của ngân sách địa phương để đầu tư.
Về phân loại dự án đầu tư công, tôi thống nhất cao việc bổ sung tiêu chí phân loại dự án đầu tư công quan trọng quốc gia, dự án nhóm a, nhóm b, nhóm c, vào dự thảo luật. Việc quy định phân loại dự án là cơ sở để các quy định ở các chương sau về chủ trương đầu tư quyết định đầu tư cụ thể hơn nghĩa là tùy theo nhóm dự án mà có các quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự thủ tục, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư từ dự án đầu tư công. Đồng thời để đảm bảo tính ổn định và lâu dài của luật tôi cũng thống nhất việc bổ sung thêm quy định tại Điều 11 của dự thảo luật.
Về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư quan trọng quốc gia, dự án đầu tư nhóm A, nhóm B, nhóm C. Theo đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công quy định tại các điều 7, 8, 9 và 10 của luật này và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Về phân cấp quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đối với chương trình, dự án quy định như dự thảo luật là hoàn toàn hợp lý. Dự thảo luật đã quy định rõ ràng trách nhiệm và quyền hạn của từng đơn vị trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư nhờ đó áp lực được san sẻ cho các cấp, đồng thời cũng tạo quyền chủ động cho các cấp quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư để có những quyết sách đúng đắn trong việc điều hành ngân sách.
Về nội dung công khai minh bạch và giám sát cộng đồng, đây là một trong những nội dung được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Trên cơ sở công khai, minh bạch và giám sát cộng đồng đối với hoạt động đầu tư công, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công sẽ nhận được nhiều thông tin đánh giá từ phía cộng đồng. Từ đó đảm bảo được việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả. Do đó, tôi nhất trí cao với việc bổ sung các quy định rõ ràng hơn về nội dung công khai, minh bạch trong đầu tư công và quy định giám sát của cộng đồng đối với hoạt động đầu tư công. Ngoài ra, tôi cũng đánh giá cao việc quy định về triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công, thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm theo quy định của dự thảo luật, các dự án sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước được kéo dài giải ngân sang các năm sau đến hết kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với kế hoạch đầu tư công hàng năm. Như vậy thực tế việc giải ngân các dự án của chúng ta được phép trong hết kế hoạch trung hạn, nghĩa là việc giải ngân theo dòng đời của dự án, đây chính là điểm mới trong việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công.
Kính thưa Quốc hội, với kỳ vọng khi Luật đầu tư công được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý thống nhất đồng bộ và hoàn chỉnh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công. Khắc phục những hạn chế hiện nay, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công chống thất thoát lãng phí, bảo đảm tính công khai minh bạch trong đầu tư công, tôi đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật đầu tư trong kỳ họp này. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.