VCCI_Góp ý về Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hóa chất
VCCI_Góp ý Dự thảo Quyết định phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường
Kính gửi: Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường,
Trả lời Công văn số 3634/BTNMT-TCMT ngày 02/7/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường[1] (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, có các ý kiến tổng hợp ban đầu như sau:
- Định hướng bảo vệ môi trường với các phân vùng môi trường
Điều 22.4 Dự thảo đã bổ sung các quy định về định hướng các hoạt động bảo vệ môi trường đối với vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế nghiêm ngặt. Quy định này cần xem xét ở các điểm sau đây:
– Quy định “hạn chế các hoạt động sản xuất kinh doanh có nguy cơ ô nhiễm môi trường” với vùng bảo vệ nghiêm ngặt, “hạn chế thực hiện các dự án đầu tư thuộc phụ lục 6” với vùng hạn chế phát thải: chưa rõ ràng ở điểm việc “hạn chế” được hiểu như thế nào? Khi nào thì các dự án đầu tư này vào các vùng trên được cho phép? Khi nào không được cho phép? Các nội dung thắt chặt với các dự án đầu tư này là gì (chẳng hạn: yêu cầu đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường ở mức cao hơn?). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định nhằm làm rõ các nội dung trên.
– Quy định giám sát thông qua thiết bị, hệ thống quan trắc tự động, liên tục: quy định này dường như chưa thống nhất với Điều 118.1.b Dự thảo. Điều 118.1.b chỉ yêu cầu các dự án này có lưu lượng nước thải từ 200m3/ngày mới phải quan trắc tự động. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh lại cho thống nhất.
- Quản lý các dự án đầu tư trong các phân vùng môi trường
Điều 22.5 Dự thảo quy định thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (UBND tỉnh) trong quản lý các dự án đầu tư trong phân vùng môi trường. Tuy nhiên, quy định này cần xem xét ở các điểm sau:
- Dự thảo cho phép UBND tỉnh đặt ra các yêu cầu về bảo vệ môi trường của hoạt động sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, quy định này có thể tạo ra sự tùy tiện hoặc các yêu cầu không phù hợp so với thực tế. Trong khi đó, việc đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường đã được thực hiện thông qua đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định trên.
- Dự thảo quy định việc xác định lộ trình di dời hoặc dừng hoạt động với các hoạt động sản xuất không phù hợp với phân vùng môi trường. Quy định này có thể tạo ra ảnh hưởng rất tiêu cực với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gây rủi ro với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về bồi thường toàn bộ thiệt hại từ việc di dời hoặc dừng hoạt động của doanh nghiệp bằng một trong số các biện pháp sau: (i) khấu trừ thiệt hại thực tế của nhà đầu tư vào số tiền thuế phải nộp; (ii) hỗ trợ bằng tiền chi phí hợp lý để nhà đầu tư thực hiện di dời nhà máy.
- Mối quan hệ giữa phân vùng môi trường, kế hoạch quản lý chất lượng môi trường, khoảng cách an toàn với Giấy phép về môi trường
Dự thảo quy định về mối liên hệ giữa phân vùng môi trường, kế hoạch quản lý chất lượng môi trường (tức khả năng chịu tải của môi trường), khoảng cách an toàn với môi trường, cụ thể như sau:
- Điều 29.2.c quy định phân vùng môi trưởng, khả năng chịu tải của môi trường, khoảng cách an toàn với môi trường là một nội dung trong Báo cáo đề nghị cấp lại Giấy phép môi trường;
- Điều 32 quy định việc cấp điều chỉnh Giấy phép môi trường được thực hiện trong trường hợp có thay đổi về phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường;
Tuy nhiên, Dự thảo chưa có quy định rõ ràng về tác dụng của các yếu tố này lên việc cấp Giấy phép môi trường, đặc biệt trong các lần cấp lại (sau khi hết thời hạn). Nếu tại thời điểm cấp lại, có sự thay đổi khiến doanh nghiệp không thể đáp ứng về phân vùng môi trường hay khả năng chịu tải của môi trường hay khoảng cách an toàn thì xử lý như thế nào? Cần lưu ý rằng các yếu tố này thay đổi theo thời gian, có thể trở nên bất lợi hơn, chẳng hạn khu vực hoạt động của doanh nghiệp chuyển từ vùng khác sang vùng hạn chế phát thải, hoặc có thay đổi trong khả năng chịu tải của môi trường. Việc không được cấp phép lại trong trường hợp đó sẽ khiến doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền được đảm bảo về tài sản của nhà đầu tư nói riêng, cũng như ảnh hưởng đến tính ổn định của môi trường đầu tư nói chung. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ nội dung này.
- Tham vấn thông qua hình thức điện tử
Điều 25.4.a Dự thảo quy định tham vấn qua hình thức điện tử là việc đăng tải lên trang thông tin điện tử của cơ quan thẩm định ít nhất 15 ngày. Tuy nhiên, Dự thảo lại chưa có quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận, đăng tải và truyền đạt lại các ý kiến nhận được qua hình thức này. Việc này có thể gây khó khăn cho nhà đầu tư vì không xác định được chính xác thời gian đăng tải và tiếp nhận phản hồi để triển khai các bước tiếp theo. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ vấn đề này.
- Cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại Phụ lục 6
Phụ lục 6 quy định phân loại các cơ sở chế biến mủ cao su có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo công suất như sau: (i) mức lớn: từ 10.000 tấn/ năm trở lên; (ii) mức trung bình: từ 500 đến dưới 10.000 tấn/năm; (iii) mức nhỏ: dưới 500 tấn/năm. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, việc xác định công suất như vậy chưa phù hợp với thống kê và số liệu hiện có về các cơ sở chế biến cao su thiên nhiên, cụ thể: các dự án có công suất nhỏ có công suất dưới 6.000 tấn/năm; từ 6.000 đến dưới 15.000 tấn/ năm là công suất trung bình; từ 15.000 tấn trở lên là công suất lớn. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định theo hướng phân loại như trên.
- Cơ sở chế biến mủ cao su theo phân nhóm dự án đầu tư
Phụ lục 7a Dự thảo hiện đang xếp các dự án mủ cao su có công suất lớn (trên 10.000 tấn/năm) thuộc diện các dự án nhóm I (có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường mức độ cao). Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là chưa phù hợp do các dự án chế biến mủ cao su thiên nhiên có lượng chất thải không thực sự ở mức nguy hại cao: nước thải không có chất độc hoặc kim loại nặng, chủ yếu là chất dinh dưỡng, có hàm lượng chất hữu cơ cao. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi theo hướng xếp các cơ sở chế biến mủ cao su về nhóm II hoặc nhóm III.
- Báo cáo đề xuất cấp Giấy phép môi trường
Điều 28 Dự thảo quy định về nội dung của Báo cáo đề xuất cấp Giấy phép môi trường. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, các nội dung trên là quá dài và trùng lặp với các nội dung đã được phê duyệt trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Do vậy, để giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát và loại bỏ các nội dung đã được phê duyệt trong các thủ tục trước đó.
- Hồ sự cố, hồ chỉ thị sinh học với khu sản xuất, kinh doanh dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp
Điều 59.6 Dự thảo quy định về công trình, thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, trong đó có quy định như sau:
- Công trình, thiết bị phòng ngừa và ứng phó sự cố nước thải có thể là các hồ, bể, thiết bị, dụng cụ hoặc phương tiện chứa nước thải;
- Khuyến khích bố trí hồ chỉ thị sinh học (hồ kiểm chứng);
Dựa trên từ ngữ của quy định, có thể hiểu các quy định này chỉ mang tính chất tự nguyện (không bắt buộc). Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định như vậy vẫn có thể khiến các cơ quan nhà nước địa phương hiểu nhầm và bắt buộc doanh nghiệp thực hiện. Đồng thời, theo thông thường, cách thiết kế quy định như vậy cũng không có tính quy phạm (và thường không đi kèm với chế tài) nên không phù hợp với văn bản mang tính quy phạm như Nghị định. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ các quy định này.
Bên cạnh đó, Điều 59.6.h Dự thảo quy định về việc xử lý trong trường hợp các cơ sở sản xuất không còn đất để xây hồ sự cố. Ngoài các trường hợp đã quy định, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp được xây dựng phương án và đưa vào Phương án ứng phó sự cố môi trường.
- Khoảng cách an toàn về môi trường
Điều 62 Dự thảo quy định về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư. Tuy nhiên, quy định này cần xem xét ở một số nội dung sau:
- Dự thảo chưa quy định cụ thể khoảng cách an toàn có áp dụng với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hiện hữu hay không? Và nếu có, thì xử lý như thế nào trong trường hợp các cơ sở này không đáp ứng quy định về khoảng cách an toàn?;
- Dự thảo cũng chưa có quy định về việc chấp thuận địa điểm đầu tư hoặc giới thiệu địa điểm đầu tư trong trường hợp Nghị định đã có hiệu lực nhưng chưa có quy định về khoảng cách an toàn;
- Dự thảo chưa có quy định xử lý trường hợp dự án đầu tư đã được cấp phép hoạt động nhưng sau đó có sự thay đổi trong khoảng cách an toàn (chẳng hạn do các khu dân cư mới hình thành).
Việc chưa có các quy định trên sẽ gây rủi ro cho doanh nghiệp, với các dự án đang hoạt động và các dự án dự định đầu tư, trong việc có nguy cơ bị dừng hoạt động vì không đáp ứng khoảng cách môi trường.
Do vậy, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ vấn đề trên.
- Tỷ lệ tái chế bắt buộc
Điều 89.6 Dự thảo quy định tỷ lệ tái chế bắt buộc được điều chỉnh tăng dần hàng năm. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, chu kỳ điều chỉnh như vậy là tương đối ngắn và có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch kinh doanh trung hạn. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi chu kỳ điều chỉnh theo hướng dài hơn (chẳng hạn 24 hoặc 36 tháng).
Ngoài ra, theo ý kiến của doanh nghiệp, do việc tái chế liên quan đến nhiều ngành, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định về thẩm quyền phê duyệt tỷ lệ tái chế bắt buộc theo hướng thẩm quyền thuộc Thủ tướng Chính phủ.
- Kiểm toán kết quả tái chế
Điều 91.5 Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp phải thuê kiểm toán độc lập để xem xét báo cáo kết quả tái chế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy định này có thể tốn thêm một khoản chi phí với doanh nghiệp tự thực hiện, trong khi việc thực hiện kê khai và báo cáo kết quả lại tương đối đơn giản, từ đó có thể khiến hình thức tự thực hiện tái chế kém hấp dẫn hơn so với các hình thức khác. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi theo hướng cho doanh nghiệp được tự kiểm toán và chịu trách nhiệm về kết quả trên.
- Hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế
Điều 88 Dự thảo quy định hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế gồm: (i) hình thức tổ chức tái chế (tự thực hiện hoặc ủy quyền cho bên khác); (ii) đóng góp tài chính. Về lý thuyết, chi phí để đóng góp tài chính trên một đơn vị sản phẩm cần tái chế sẽ cao hơn chi phí so với hình thức thứ nhất nhằm thúc đẩy doanh nghiệp chủ động thực hiện các biện pháp tái chế, thay vì chỉ đóng góp tài chính để Nhà nước thực hiện thay. Tuy nhiên, Dự thảo lại chỉ cho phép doanh nghiệp lựa chọn một trong hai hình thức trên, chứ không được lựa chọn kết hợp cả hai. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này có thể sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp ở chỗ: (i) các doanh nghiệp buộc phải đáp ứng năng lực tái chế cần thiết với hình thức thứ nhất ở thời điểm thực hiện; (ii) các doanh nghiệp buộc phải thực hiện tái chế với các sản phẩm bán cùng sản phẩm chính (thường với số lượng không lớn) vì sản phẩm chính đã thực hiện theo hình thức thứ nhất. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cho doanh nghiệp lựa chọn một hoặc kết hợp cả hai hình thức trên để thực hiện trách nhiệm tái chế.
- Lộ trình thực hiện trách nhiệm tái chế với nhà sản xuất
Phụ lục 50 Dự thảo quy định thời gian bắt đầu thực hiện trách nhiệm tái chế. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, thời hạn này tương đối ngắn khi phần lớn các sản phẩm đều phải thực hiện bắt đầu từ 01/01/2023 (tức doanh nghiệp chỉ có 1 năm để chuẩn bị), và chậm nhất là 01/01/2025. Thời hạn này được cho là không đủ để doanh nghiệp thực hiện xây dựng hệ thống thu gom và tái chế, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây nhiều khó khăn và thiệt hại cho doanh nghiệp. Do vậy, để đảm bảo tính phù hợp với khả năng của doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng lùi các thời gian này từ 1 – 2 năm so với Dự thảo.
- Đại diện doanh nghiệp trong Hội đồng EPR
Điều 99.2 Dự thảo quy định đại diện các nhà sản xuất, nhập khẩu là một trong các thành viên Hội đồng EPR. Tuy nhiên, Dự thảo chưa có quy định rõ ràng về số lượng, thành phần đại diện các nhà sản xuất, nhập khẩu trong Hội đồng EPR. EPR là hoạt động bao gồm nhiều ngành hàng khác nhau – với mỗi ngành hàng lại có những lợi ích tương đối biệt lập và khác nhau và với mỗi ngành hàng lại có các đơn vị với lợi ích trái ngược nhau (chẳng hạn: các doanh nghiệp tự tái chế được sẽ có lợi ích khác với các doanh nghiệp không có khả năng này, phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường). Hội đồng EPR là đơn vị quản lý hoạt động này với nhiều thẩm quyền quyết định các vấn đề quan trọng, nên cần có khả năng đại diện được lợi ích của tất cả các nhóm doanh nghiệp có liên quan. Mặt khác, số lượng thành viên Hội đồng EPR lại chưa được xác định. Các quy định này này khiến các doanh nghiệp không rõ Hội đồng EPR có thể đại diện như thế nào cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ về đại diện các nhà sản xuất, nhập khẩu trong Hội đồng EPR, chẳng hạn như số lượng đại diện doanh nghiệp, cách lựa chọn đại diện doanh nghiệp và có thể cân nhắc ban hành một Phụ lục về đại diện các nhà sản xuất, nhập khẩu thuộc Hội đồng EPR.
- Văn phòng EPR Việt Nam
Điều 100 Dự thảo quy định Văn phòng EPR Việt Nam là tổ chức sự nghiệp ngoài công lập. Quy định này cần xem xét về tính phù hợp với Điều 2.1 Nghị định 53/2006/NĐ-CP khi đối tượng thành lập các đơn vị trên phải là các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân, nhóm cá nhân hoặc cộng đồng dân cư thành lập.
Bên cạnh đó, Điều 89 Dự thảo quy định nguồn tài chính phục vụ hoạt động của Văn phòng EPR lại từ Quỹ Bảo vệ môi trường thông qua khoản đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu. Theo đó, chi phí quản lý, tổ chức hoạt động tái chế bằng 5% chi phí tái chế sản phẩm, bao bì. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp với VCCI thì việc yêu cầu doanh nghiệp phải đóng góp chi phí hoạt động cho Văn phòng EPR là không hợp lý do Văn phòng EPR là tổ chức do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội đồng EPR thành lập, quyết định cơ cấu và cách thức hoạt động.
Mặt khác, một số doanh nghiệp khác lại cho rằng Văn phòng EPR là cơ quan đóng vai trò điều phối, quản lý các hoạt động tái chế, đóng góp tài chính của doanh nghiệp, trong đó có những nội dung rất quan trọng như khảo sát tỷ lệ tái chế, khảo sát định mức chi phí tái chế. Các nội dung trên yêu cầu Văn phòng EPR có mô hình hoạt động năng động, hiệu quả, linh hoạt như tư nhân.
Như vây, theo các đề nghị rất khác nhau của các doanh nghiệp, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc sửa đổi mô hình Văn phòng EPR theo một trong hai hướng: (i) Văn phòng EPR là tổ chức thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước hoặc (ii) Văn phòng EPR do đại diện các nhà sản xuất, nhập khẩu của Hội đồng EPR thành lập và kinh phí hoạt động từ khoản đóng góp của doanh nghiệp tại Điều 89 Dự thảo. Hai phương án này có thể xem xét tách riêng để lấy ý kiến các thành viên Chính phủ.
- Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khác trong việc thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu
Trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu đòi hỏi các doanh nghiệp này phải thực hiện ít nhất hai công đoạn sau: (i) thu gom sản phẩm thải bỏ; (ii) tổ chức tái chế các sản phẩm này. Theo phản ánh của doanh nghiệp, công đoạn khó khăn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải là công đoạn thứ nhất. Lý do là vì sau khi người tiêu dùng mua sản phẩm, họ thường không có thói quen và động lực đưa sản phẩm thải bỏ về nơi tiếp nhận của nhà sản xuất, nhập khẩu, mà thay vào đó là thải bỏ sản phẩm không đúng cách hoặc đưa đến các nơi tái chế phi chính thức khác. Việc này gây khó khăn cho các nhà sản xuất, nhập khẩu trong việc thiết lập được hệ thống thu gom sản phẩm thải bỏ hiệu quả, từ đó đảm bảo mục tiêu tái chế. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các quy định trên.
- Danh mục các sản phẩm thuộc diện đóng góp tài chính để hỗ trợ xử lý chất thải
Phụ lục 56 Dự thảo quy định kẹo cao su và thuốc lá thuộc diện phải đóng góp tài chính để hỗ trợ xử lý chất thải. Các sản phẩm này được cho là khó thu gom, xử lý do khối lượng không lớn và sản phẩm có kích thước rất nhỏ. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, quy định này là không phù hợp vì việc thu tiền xử lý chất thải trên mỗi sản phẩm sẽ đánh đồng giữa người tiêu dùng có trách nhiệm (thải bỏ đúng cách, đúng chỗ) với người tiêu dùng không có trách nhiệm (là đối tượng thải ra các sản phẩm cần thu gom, xử lý). Thay vào đó, việc thu gom, xử lý chất thải của các sản phẩm này nên được thực hiện bằng phương pháp khác để đảm bảo xác định đúng mục tiêu và đối tượng cần xử lý. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ hai sản phẩm trên ra khỏi Danh mục sản phẩm đóng góp tài chính để hỗ trợ xử lý.
- Yêu cầu kỹ thuật với tổ chức quan trắc môi trường tự động nhằm cung cấp, công bố thông tin
Điều 117.2 Dự thảo quy định tổ chức thực hiện quan trắc tự động, liên tục chất lượng môi trường để cung cấp, công bố thông tin cho cộng đồng phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật nhất định. Tuy nhiên, Dự thảo chưa làm rõ các yêu cầu về thiết bị, vị trí lắp đặt, năng lực vận hành, quy trình kiểm soát chất lượng mà lại ủy quyền cho Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết. Việc này là không phù hợp với Điều 11.2 Luật Ban hành văn bản pháp luật 2015. Đồng thời, thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước trước khi công bố thông tin cho cộng đồng cũng chưa rõ ràng, chưa phù hợp với các quy định về kiểm soát thủ tục hành chính tại Nghị định 63/2010/NĐ-CP. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ các nội dung trên.
- Đối tượng quan trắc nước thải tự động, liên tục
Điều 118.1 Dự thảo quy định đối tượng phải quan trắc nước thải tự động, liên tục, trong đó có:
- Dự án đầu tư thuộc loại hình gây ô nhiễm môi trường tại Phụ lục 6 có lưu lượng xả nước từ 200m3/ngày;
- Dự án đầu tư khác có lưu lượng xả nước thải ra môi trường từ 500m3/ngày trở lên;
Có thể thấy, đối tượng thực hiện quan trắc nước thải đã mở rộng hơn đáng kể so với Nghị định 40/2019/NĐ-CP (áp dụng với các dự án đầu tư có lưu lượng xả thải từ 1.000m3/ngày). Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, việc lắp đặt quan trắc tự động vô cùng đắt đỏ (bao gồm chi phí lắp đặt hàng tỷ đồng, chưa kể duy trì, lắp đường truyền, camera giám sát, thuốc thử) và độ chính xác không cao. Quy định này có thể đặt gánh nặng về chi phí và thời gian tuân thủ tương đối lớn lên các doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại phạm vi đối tượng phải thực hiện quan trắc tự động.
- Thông số quan trắc nước thải tự động, liên tục
Điều 118.2.a Dự thảo quy định cơ quan cấp giấy phép môi trường được đặt ra thêm yêu cầu về thông số cần quan trắc tự động, liên tục. Tuy nhiên, quy định này dường như chưa thực sự minh bạch vì không rõ từ các tiêu chí được liệt kê tại Dự thảo[2], làm thế nào để cơ quan cấp Giấy phép có thể xác định được thông số cần yêu cầu quan trắc bổ sung? Chẳng hạn, thông số đặc trưng cho ô nhiễm của ngành được quy định tại đâu? Nếu quy chuẩn kỹ thuật môi trường có 10 chỉ tiêu thì một, một số hay cả 10 chỉ tiêu đó đều là đặc trưng? Khi nào thì thông số đó thuộc diện cần đạt theo mục tiêu quản lý (khi thông số đó tại nguồn tiếp nhận đang ở mức cao hay ở trường hợp khác?). Việc này có thể tạo ra sự tùy tiện trong việc thực thi, trong khi hiệu quả giám sát không thực sự cao (vì theo phản ánh của doanh nghiệp thì kết quả quan trắc thường kém chính xác hơn nhiều so với quan trắc định kỳ). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này, và thay vào đó cho phép doanh nghiệp thực hiện quan trắc theo phương thức định kỳ.
Góp ý tương tự với Điều 119.2.b Dự thảo.
- Tần suất quan trắc nước thải định kỳ
Điều 118.5 Dự thảo quy định tần suất quan trắc nước thải định kỳ phân theo lượng xả thải, theo đó cơ sở có lưu lượng dưới 5000m3/ngày thực hiện tối thiểu 3 tháng/lần; từ 5000-15000m3/ngày thực hiện 2 tháng/lần; từ 15000m3/ngày thực hiện 1 tháng/lần. Tuy nhiên, việc thực hiện quá thường xuyên các biện pháp quan trắc như vậy cũng gây tốn kém rất lớn cho doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng áp dụng cơ chế quản lý rủi ro, theo đó cho phép các cơ sở có chỉ tiêu kiểm tra đạt kết quả trong liên tục 12 tháng được giảm tần suất kiểm tra, và cơ quan nhà nước có thể kiểm tra ngẫu nhiên để kiểm soát nếu giảm tần suất.
Góp ý tương tự với Điều 119.5 Dự thảo.
- Thông số quan trắc nước thải định kỳ
Điều 118 Dự thảo quy định về quan trắc nước thải định kỳ. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Dự thảo chưa có quy định về các thông số quan trắc nước thải định kỳ. Trong thực tế, có tình trạng doanh nghiệp phản ánh về hiện tượng quy định chưa rõ ràng, cụ thể, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không biết phải thực hiện đo các thông số nào với ngành không có tiêu chuẩn môi trường riêng. Liệu doanh nghiệp có phải thực hiện cả 40 thông số theo quy chuẩn môi trường chung hay không trong khi quy chuẩn ngành thường chỉ có khoảng 10 thông số? Do vậy, để đảm bảo tính minh bạch và không gây tốn kém cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ nội dung này.
- Lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn
Điều 90.2 Dự thảo quy định lộ trình áp dụng kinh tế tuần hoàn với các ngành, lĩnh vực, cụ thể như sau: (i) ngành nhựa, giấy: trước năm 2025; (ii) ngành dệt may, thép, hóa chất, xi măng, thạch cao, điện tử, ô tô, xe máy, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thủy hải sản: trước năm 2030; (iii) ngành, lĩnh vực khác: trước năm 2045. Tuy nhiên, Dự thảo không có quy định cụ thể về tiêu chí cụ thể hoặc định mức kỹ thuật để doanh nghiệp thực hiện. Không rõ doanh nghiệp căn cứ vào đâu để thực hiện chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ nội dung này.
- Cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn
Điều 162 Dự thảo quy định về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, các quy định này chưa rõ ràng, cụ thể để doanh nghiệp xác định được cách thức nhận các hỗ trợ này, chẳng hạn:
- Điều 162.1.a quy định thực hiện chuyển giao công nghệ để thực hiện kinh tế tuần hoàn. Làm thế nào để doanh nghiệp có thể nhận được thông tin về cơ hội chuyển giao các công nghệ này, và điều kiện như thế nào để nhận chuyển giao?;
- Điều 162.1.b quy định hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi với hoạt động sản xuất, kinh doanh, liên kết trong thực hiện kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, không rõ các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi này là gì?
Vấn đề tương tự với Điều 162.1.d; 162.2; 162.3 Dự thảo
- Điều 162.1.e quy định việc giảm tần suất thanh, kiểm tra với các cơ sở áp dụng kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, cơ sở nào để xác định mức độ “giảm” tần suất của các cuộc thanh, kiểm tra do pháp luật chưa có cụ thể về vấn đề này, trong khi việc thanh kiểm tra lại thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan nhà nước khác nhau. Ngoài ra, cơ sở nào để xác định một cơ sở đã áp dụng kinh tế tuần hoàn hay không?
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ các nội dung trên.
- Công khai thông tin môi trường
Điều 123 Dự thảo quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện công khai các thông tin về kết quả quan trắc nước thải, bụi, khí thải công nghiệp. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, các dữ liệu này đã được báo cáo hoặc chuyển về cho các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cơ quan nhà nước là đầu mối tập hợp và thực hiện công khai các nội dung này.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.
[1] Bản góp ý này được cập nhật dựa trên Bản Dự thảo chỉnh sửa ngày 10/8
[2] Việc xác định thông số được dựa trên: thông số ô nhiễm đặc trưng của loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; mức chất lượng nước của khu vực, nguồn tiếp nhận cần đạt được theo mục tiêu quản lý chất lượng môi trường của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; quy mô, lưu lượng xả nước thải ra môi trường