Góp ý Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) của LS. Hoàng Văn Sơn Thạc sĩ luật học, Trưởng văn phòng luật sư VNC – Hội thảo VCCI (Tp.HCM ngày 11/3/2014)

Thứ Hai 11:16 17-03-2014

 THAM LUẬN

LẤY Ý KIẾN DOANH NGHIỆP SỬA ĐỔI HOÀN THIỆN LUẬT DOANH NGHIỆP

(Tại hội thảo diễn ra ngày 11/3/2014

 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với VCCI tổ chức)

                                                                                           Hoàng Văn Sơn

Thạc sĩ luật học, Trưởng văn phòng luật sư VNC

      

       Luật doanh nghiệp có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế, ổn định xã hội của một quốc gia, các doanh nghiệp đóng góp phần lớn công ăn việc làm cho người lao động, sức cạnh tranh của một quốc gia phần lớn nằm ở các doanh nghiệp, uy tín quốc gia cũng phần lớn do doanh nghiệp tạo nên. Ví dụ, nói đến Nhật Bản là các tạp đoàn như Honda, Toyota, Mitsubisi, Sony… hoặc Hàn Quốc là Samsung, LG, Hyundai, GS… Tại Việt Nam, từ khi Luật doanh nghiệp 2005 có hiệu lực đi vào hoạt động đến nay, hàng trăm nghìn doanh nghiệp đã được thành lập, phần lớn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 97% số lượng doanh nghiệp. Những năm gần đây, cũng hàng trăm nghìn doanh nghiệp đã phải đóng cửa, phá sản, kéo theo đó có thể nói là hàng triệu người mất việc làm; nguyên nhân thì có nhiều, cần để các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý chỉ rõ.

     Tuy nhiên, theo chúng tôi có nguyên nhân từ Luật doanh nghiệp hiện hành và việc thực thi pháp luật yếu kém của cơ quan quản lý nhà nước, sự can thiệp bằng biện pháp hành chính vào doanh nghiệp của chính quyền địa phương làm cho doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, mà đáng lẽ phải được giải quyết bằng thủ tục tư pháp. Ví dụ, vụ việc của Bệnh viện Tây Đô ở Cân Thơ; Đại học Hùng Vương; doanh nghiệp tại Bình Phước… Chính vì vậy, cải cách doanh nghiệp là vấn đề sống còn của nước ta trong giai đoạn này, trong đó, việc sửa đổi Luật doanh nghiệp 2005 và thực thi pháp luật nghiêm minh là đặc biệt quan trọng, sửa đổi Luật doanh nghiệp cần phải hướng đến mục tiêu cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa mọi loại hình doanh nghiệp cả về mặt văn bản lẫn thực tiễn. Chứ không phải “nói vậy mà không phải vậy, nói không đi đôi với làm”, trên cơ sở Dự án Luật doanh nghiệp sửa đổi, chúng tôi xin đóng góp một số kiến nghị của mình như sau :

  

-          Thứ nhất, về giải thích từ ngữ quy định tại Điều 4, bổ sung thêm việc giải thích “Doanh nghiệp xã hội” được quy định tại Điều 11.

-          Thứ hai, về ngành nghề kinh doanh, theo chúng tôi ghi ngành nghề kinh doanh theo tên gọi thực tế ngoài xã hội và trong từ điển tiếng Việt, những ngành, nghề nào mới từ ngôn ngữ nước ngoài được Việt hóa thì ghi theo từ Việt hóa đó. Doanh nghiệp không buộc phải áp mã ngành, nghề kinh doanh vào sau khi liệt kê ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp mong muốn, việc thống kê ngành nghề kinh doanh là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Ngành nghề kinh doanh có thể được đăng kí là “nhãn hiệu hàng hóa” tên doanh nghiệp khi doanh nghiệp xây dựng thương hiệu. Ví dụ, “Cháo vịt Thanh Đa” nếu áp mã ngành sẽ nằm trong dịch vụ ăn uống, không có tên riêng này hoặc “bún bò Huế”; “phở”….

-          Thứ ba, về quy định tại điểm c khoản 3 Điều 49 “…Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm (bằng tài sản riêng của mình) tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và phần vốn góp của thành viên”. Bổ sung thêm “bằng tài sản riêng của mình” để xác định rõ ràng hơn về nghĩa vụ của thành viên trong trường hợp nếu phải thi hành án cơ quan thi hành án dễ áp dụng, tránh trường hợp khai vốn điều lệ vô tội vạ.

-          Thứ tư, về giấy tờ, chứng thực cá nhân hợp pháp của cá nhân, đề nghị nghi số Chứng minh nhân dân (CMND) “hoặc” Hộ chiếu, và quy định hai loại giấy tờ này có thể thay thế cho nhau. Thực tế, khi một số cá nhân đi đăng kí bằng Hộ chiếu, nhưng vì mất hoặc lý do nào đó mà không còn hộ chiếu, họ sử dụng CMND thay thế, nhưng cán bộ thụ lý hồ sơ không đồng ý và yêu cầu đăng kí bằng chứng thực cá nhân nào thì phải đúng cái đó. Thực tế, trong Hộ chiếu có cả số CMND vì vậy cần quy định rõ hơn việc áp dụng giấy tờ tùy thân.

-          Thứ năm, về quy định chuyển nhượng phần vốn góp tại Điều 54 khoản 2 “Trường hợp chuyển nhượng phần vốn góp của các thành viên dẫn đến chỉ còn một thành viên trong công ty, công ty phải tổ chức hoạt động theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên...” cần quy định rõ trong trường hợp chỉ còn lại một thành viên, nhưng nếu doanh nghiệp đó hoạt động trong lĩnh vực cần có chứng chỉ hành nghề mà thành viên còn lại không có thì xử lý như thế nào? Thành viên đó phải bổ sung chứng chỉ hành nghề hay hủy bỏ ngành nghề cần có chứng chỉ đó.

           Xử lý phần vốn góp trong các trường hợp khác tại Điều 55 cũng tương tự cần quy định đối với trường hợp sau khi xử lý phần vốn góp, để lại thừa kế mà doanh nghiệp không còn thành viên nào có đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.

-          Thứ sáu, về quy định triệu tập họp Hội đồng thành viên tại Điều 59 khoản 3 “Trường hợp Chủ tịch Hội đồng thành viên không triệu tập họp Hội đồng thành viên theo yêu cầu của thành viên, nhóm thành viên theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 41 của Luật này trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu thì thành viên, nhóm thành viên đó triệu tập họp Hội đồng thành viên; trong trường hợp này, nếu xét thấy cần thiết, thành viên, nhóm thành viên triệu tập họp có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh giám sát việc tổ chức và tiến hành họp Hội đồng thành viên”. Theo chúng tôi nên để tổ chức khác như thừa phát lại hoặc luật sư làm chứng cuộc họp chi phí do công ty trả cho người làm chứng. Nếu sau đó có tranh chấp thì do tòa án hoặc trọng tài giải quyết, thực tế nếu yêu cầu cơ quan đăng kí kinh doanh thì rất mất thời gian, vì cơ quan này không đủ nhân lực, thủ tục cử sẽ rất phức tạp. Mặt khác, đây là công việc nội bộ của doanh nghiệp, nên để họ tự quyết định, thực tế trong quá trình hành nghề luật sư, chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc họp hội đồng thành viên cho các doanh nghiệp thành công mà trước đó họ không thể tổ chức được.

      Vì vậy, chúng tôi đề nghị nên sửa đoạn này như sau “nhóm thành viên triệu tập họp có quyền thuê tổ chức như tổ chức luật hoạt động theo quy định của Luật luật sư; Thừa phát lại làm chứng giám sát việc tổ chức và tiến hành họp Hội đồng thành viên. Kết quả họp Hội đồng thành viên nếu phải đăng kí tại cơ quan đăng kí kinh doanh, thì cơ quan này đăng kí thay đổi. Trong trường hợp nếu có tranh chấp xảy ra thì do tòa án hoặc trọng tài giải quyết”.

-          Thứ bảy, về quy định hợp đồng, giao dịch phải được Hội đồng thành viên chấp thuận tại Điều 68 điểm d khoản 1 “hợp đồng, giao dịch được chấp thuận nếu có sự đồng ý của số thành viên đại diện ít nhất 65% tổng số vốn có quyền biểu quyết. Thành viên có liên quan trong các hợp đồng, giao dịch không được tính vào việc biểu quyết”. Theo chúng tôi trong trường hợp này nên theo nguyên tắc quá bán, nghĩa là chỉ cần 51% tổng số vốn có quyền biểu quyết, bởi vì đối tương liên quan đã không được quyền biểu quyết.

-          Thứ tám, quy định về thay đổi vốn điều lệ tại điểm đ khoản 4 Điều 69 “Đối với trường hợp giảm vốn điều lệ, kèm theo thông báo phải có quyết định của Hội đồng thành viên và báo cáo tài chính gần nhất”. Đề nghị bỏ việc phải nộp báo cáo tài chính mà bổ sung trường hợp sau khi giảm vốn điều lệ nếu công ty có các nghĩa vụ phải trả mà tài sản không đủ để thanh toán thì các thành viên đã nhận giảm vốn điều lệ phải liên đới thanh toán các nghĩa vụ trong phạm vi vốn đã giảm bằng tài sản cá nhân của mình từ thời điểm giảm trở về trước. Điều này nâng cao trách nhiệm của các thành viên, để tránh rút vốn điều lệ nhằm mục đích khác, đối với báo cáo tài chính hiện nay, một số doanh nghiệp báo cáo chỉ nhằm mục đích đối phó.

-          Thứ chín, về quy định tại Điều 75 khoản 3, 4 thực hiện góp vốn thành lập công ty đề nghị bổ sung “Phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng của cá nhân hoặc tổ chức mình” đây là quy định về trách nhiệm cá nhân, nếu trong trường hợp có phán quyết của tòa án hoặc trọng tài mà phải thi hành án, thì cơ quan thi hành án cũng dễ dàng xác định trách nhiệm thi hành.

-          Thứ mười, về quy định quyền của chủ sở hữu công ty tại Điều 76 khoản 2 bổ sung thêm “thuê (bổ nhiệm) giám đốc hoặc tổng giám đốc điều hành và các chức danh quản lý khác trong công ty”.

-          Mười một, về quy định tại Điều 92 khoản 3 “Chỉ có tổ chức được Chính phủ uỷ quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết…” Tại sao lại là tổ chức được Chính phủ ủy quyền, nếu quy định như vậy thì Chính phủ vẫn có thể là nguyên đơn hoặc bị đơn dân sự trong tố tụng. Vì vậy, khi những tổ chức đã được thành lập quản lý tài sản thì tổ chức đó tham gia với tư cách độc lập chứ không thể ủy quyền từ Chính phủ.

-          Mười hai, về quy định quyền của cổ đông phổ thông tại Điều 93 khoản 10 điểm c yêu cầu triệu tập đại hội cổ đông “Yêu cầu triệu tập họp Hội đồng cổ đông phải được lập bằng văn bản và phải có họ, tên, địa chỉ thường trú, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cổ đông là cá nhân; tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký kinh doanh đối với cổ đông là tổ chức; số cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty, căn cứ và lý do yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông. Kèm theo yêu cầu phải có các tài liệu, chứng cứ về các vi phạm của Hội đồng quản trị, mức độ vi phạm hoặc về quyết định vượt quá thẩm quyền”. Nếu yêu cầu này của các cổ đông không được thực hiện thì phải có chế tài như thế nào, thực tế chúng tôi đã có trường hợp cả khi có bản án của tòa án đã có hiệu lực tuyên hủy Nghị quyết Đại hội cổ đông để tổ chức đại hội lại, nhưng đã bốn năm trôi qua vẫn chưa thực hiện được. Do không có danh sách cổ đông, không có con dấu, trong trường hợp này việc triệu tập của nhóm cổ đông không cần con dấu của doanh nghiệp. Mặc dù, chúng tôi đã đề nghị Cục thi hành án Bà Rịa – Vũng Tàu chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để khởi tố Chủ tịch Hội đồng quản trị về tội không chấp hành án, nhưng vẫn chưa được giải quyết, né tránh đùn đẩy trách nhiệm tại Công ty CP thương mại và dịch vụ dầu khí Vũng Tàu   

     

      Trên đây là một số ý kiến đóng góp của chúng tôi nhằm hoàn thiện việc sửa đổi Luật doanh nghiệp, kính mong được sự tiếp thu của Ban tổ chức hội thảo!

Trân trọng kính chào!

Các văn bản liên quan