Góp ý Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) của Luật sư Võ Thành Vị – Đoàn luật sư Tp.Hồ Chí Minh – Hội thảo VCCI (Tp. HCM ngày 11/3/2014)

Thứ Hai 11:22 17-03-2014

THAM LUẬN

Về Dự thảo luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

                                                                              Luật sư Võ Thành Vị

                                                                             Đoàn luật sư Tp.Hồ Chí Minh

1)    Cơ chế quản lý nào hiệu quả để vừa giảm thiểu tình trạng “Thủ tục đơn giản dẫn tới một số doanh nghiệp dễ dàng thành lập để lừa đảo, mua bán hóa đơn”…

Nhà nước ta chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân dễ dàng thành lập doanh nghiệp, đồng thời giảm thiểu tình trạng tiêu cực, phiền hà cho các tổ chức, cá nhân.

Trong thời gian qua có một số doanh nghiệp được thành lập không vì mục đích kinh doanh, mà vì mục đích lừa đảo, mua bán hóa đơn...thực tế có một số doanh nghiệp nhiều lần thay đổi trụ sở mà không khai báo với cơ quan có trách nhiệm đăng ký kinh doanh, trốn tránh nợ và giấu địa chỉ đối với Tòa án khi bị kiện, đòi nợ. Tòa án không thể tống đạt giấy triệu tập vì không biết địa chỉ của trụ sở bị đơn. Đối với chính quyền địa phương không có trách nhiệm kiểm tra trụ sở doanh nghiệp, vì luật không có quy định.

Căn cứ Điều 35 khoản 2 luật Doanh nghiệp: “Doanh nghiệp phải thông báo thời gian mở của tại trụ sở chính với cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Căn cứ Điều 35 khoản 2 Nghị định 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 quy định: “Trường hợp chuyển địa chỉ trụ sở chính đến nơi khác trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc TW nơi doanh nghiệp đã đăng ký, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký…địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp dự định gửi đến…”

Như vậy, doanh nghiệp không bắt buộc phải thông báo cho chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn). Luật quy định như vậy là thiếu sự phối hợp kiểm tra giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp, doanh nghiệp lẫn tránh đi đâu không tìm được địa chỉ.

Luật doanh nghiệp chỉ điều chỉnh một phần giai đoạn đầu khi doanh nghiệp thành lập, còn khi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có nhiều luật khác điều chỉnh, đòi hỏi phải có nhiều cơ quan giám sát doanh nghiệp, nhưng luật không quy định cơ chế phối hợp của các cơ quan giám sát để phát hiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật. Ở đây phải nói đến vai trò hậu kiểm. Khi hậu kiểm chồng chéo, trùng lập chức năng thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Việc xác lập mối quan hệ thông tin giữa các cơ quan chức năng để phát hiện xử lý vi phạm pháp luật đối với doanh nghiệp là cần thiết nhưng chưa có quy định. Do vậy, cần thiết cần có cơ chế hậu kiểm đối với các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

2)    Công khai và minh bạch hóa thông tin.

Mỗi doanh nghiệp, mỗi chi nhánh của doanh nghiệp phải thực hiện một bảng niêm yết có tên: “Bảng công khai và minh bạch hóa thông tin”. Bảng này không đóng kín để người lao động dể dàng lật xem từng trang được, đặt nơi dễ nhìn thấy để người lao động có thể xem được khi có yêu cầu xem.

Bảng này do Văn phòng công ty hoặc bộ phận hành chính của chi nhánh chịu trách nhiệm thực hiện:

Bảng có 4 cột:

­   Bảng lương hàng tháng: ghi nhận lương của tất cả các lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, kể cả nhân viên thời vụ.

­   Bảng báo cáo quý:

­   Bảng quyết toán năm

­   Bảng trích lập và thực hiện các quỷ của doanh nghiệp. Việc niêm yết phải được cập nhật kịp thời theo từng tháng, quý, năm.

3)    Cần có chương riêng về doanh nghiệp nhà nước trong luật doanh nghiệp

Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ. Doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước thành lập và phải được đăng ký. Tổ chức quản lý và hoạt động kinh doanh theo quy định của luật doanh nghiệp và pháp luật có liên quan. Doanh nghiệp nhà nước là một bộ phân cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Doanh nghiệp nhà nước bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật.

Trong hoạt động kinh doanh, đăng ký ngành nghề, Nhà nước thực hiện quyền chủ sở hữu vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp với vai trò là người chủ đầu tư vốn, để đảm bảo cho kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.

Nhà nước tách biệt chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính nhà nước bằng cách thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Cơ quan này thực hiện kiểm tra và đánh giá các doanh nghiệp nhà nước, chủ trương và định hướng phát triển các doanh nghiệp nhà nước, thực hiện các biện pháp sắp xếp, cơ cấu lại nhằm mục đích thực hiện mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng và an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh được tổ chức quản lý và hoạt động theo quy định của luật doanh nghiệp và quy định riêng của chính phủ.

4)    Thí nghiệm hợp đồng thuê giám đốc doanh nghiệp nhà nước trong một số ngành, nghề.

Khi doanh nghiệp nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ thì phần vốn còn lại thuộc sở hữu tư nhân hoặc người nước ngoài. Việc thuê giám đốc để tuyển chọn những nhà kinh doanh giỏi và có chuyên môn. Cán bộ được bổ nhiệm làm giám đốc doanh nghiệp nhà nước được hưởng  lương theo quy định, giám đốc làm thuê được hưởng lương theo hợp đồng. Cả hai loại hình giám đốc đều có quy định quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm như nhau. Giám đốc doanh nghiệp nhà nước có quy định nhiệm kỳ. Hết nhiệm kỳ mà tổ chức kinh doanh không hiệu quả, đương nhiên bị thay đổi.

5)    Quyền của doanh nghiệp nhà nước.

Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh muốn đầu tư, kinh doanh họ bỏ vốn ra để thành lập doanh nghiệp. Họ có đầy đủ quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, lời ăn, lỗ chịu. Còn doanh nghiệp nhà nước do nhà nước là chủ sở hữu trên 50% vốn điều lệ. Tất nhiên quyền của giám đốc doanh nghiệp nhà nước bị hạn chế. Giám đốc doanh nghiệp nhà nước là người được bổ nhiệm hoặc làm thuê không phải là chủ sở hữu trên 50% vốn điều lệ. Họ còn phải chịu sự kiểm tra, giám sát của chủ sở hữu nhà nước và còn phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị-xã hội.

Vì vậy, luật doanh nghiệp không quy định quyền của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế giống nhau.

                                                                                           Ngày 10/3/2014

Các văn bản liên quan