Góp ý Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) của TS.LS. Nguyễn Đăng Liêm – Hiệu trưởng Trường Đại Học CNTT Gia Định – Hội thảo VCCI (Tp. Hồ Chí Minh ngày 11/3/2014)

Thứ Hai 10:19 17-03-2014

MỘT SỐ Ý KIẾN ĐỐI VỚI DỰ THẢO SỬA ĐỔI BỔ SUNG

LUẬT DOANH NGHIỆP

TS.LS. NGUYỄN ĐĂNG LIÊM

Hiệu trưởng Trường Đại Học CNTT Gia Định

            Trước hết, người viết hoàn toàn đồng tình với quan điểm và định hướng các nội dung bổ sung sửa đổi Luật Doanh Nghiệp và Luật Đầu Tư hiện hành, do thực trạng nền kinh tế đất nước có nhiều thay đổi qua quá trình phát triển và hội nhập khu vực, hội nhập quốc tế.

            Người viết cũng thống nhất với ý kiến của đông đảo chuyên gia, nhà kinh tế, thương nhân đại diện doanh nghiệp, các luật sư, luật gia đã đồng tình và được đưa vào dự thảo luật.

            Ở đây, người viết xin được tham gia ý kiến vào những vấn đề, những nội dung vẫn còn những ý kiến khác nhau theo dự thảo Luật Doanh Nghiệp.

1./ Về đăng ký thành lập Doanh Nghiệp: Tôi đồng tình với quan điểm là thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp ở nước ta đã có một bước tiến bộ tinh gọn thuận lợi vừa qua, nhưng cần tiếp tục tinh gọn, đơn giản hơn nữa ( như đơn giản thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp ) theo xu thế chung của các nước công nghiệp tiên tiến, thực hiện phổ biến đăng ký qua mạng. Còn việc lợi dụng đăng ký thành lập doanh nghiệp để lừa đảo, để phục vụ hoàn thuế, ký hợp đồng giả tạo v.v không phải xuất phát từ việc đơn giản thủ tục đăng ký thành lập Doanh Nghiệp, mà cần phòng ngừa, chế tài mạnh tay trên các lãnh vực liên quan khác.

2./ Về việc ghi và mã hóa ngành nghề khi đăng ký thành lập Doanh Nghiệp: Tôi đồng quan điểm với bộ KH & ĐT là trong điều kiện cụ thể của Việt Nam nên chọn phương án đảm bảo vừa phù hợp với quyền tự do kinh doanh cho người dân, cho thương nhân, cho Doanh Nghiệp vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý có hiệu quả của nhà nước, đồng thời cũng phù hợp với tinh thần đổi mới của Hiến Pháp ( tức là chỉ phải ghi các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện vào hồ sơ đăng ký Doanh Nghiệp nếu người đăng ký muốn kinh doanh loại ngành, nghề có điều kiện này ).

3./ Tôi ủng hộ quan điểm đề xuất là Doanh Nghiệp đầu tư nước ngoài “ Khi đăng ký thành lập phải có ít nhất 51% vốn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ( điều này cũng phù hợp với khái niệm về Doanh Nghiệp nhà nước chúng ta đã ghi ở Luật Doanh Nghiệp nhà nước trước đây là có 51% vốn ở hữu nhà nước trở lên ). Đây là nguyên tắc đảm bảo vốn chi phối trong điều hành Doanh Nghiệp. Còn các điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài như phải là: cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức được thành lập ở nước ngoài và theo pháp luật nước ngoài, Doanh Nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ( theo dự thảo ) là phù hợp với yêu cầu thực tiễn và yêu cầu quản lý nhà nước về đầu tư và Doanh Nghiệp.

4./ Về việc đưa loại hình Doanh Nghiệp nhà nước vào Luật Doanh Nghiệp: theo dự thảo ( thêm một chương VII ) theo tôi là không có ảnh hưởng sai lệch gì đến cấu trúc hay bản chất, chức năng của Luật Doanh Nghiệp, mà còn phù hợp với đặc điểm nền kinh tế Việt Nam còn tồn tại khá nhiều Doanh Nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế nhà nước, để có sự đối chiếu cần thiết với đặc thù về quản trị với các loại hình Doanh Nghiệp, công ty khác theo Luật Doanh Nghiệp.

5./ Về vấn đề tách biệt chức năng chủ sở hữu với các chức năng quản lý nhà nước khác: Theo tôi là rất cần thiết, không nên duy trì lẫn lộn giữa chức năng chủ sở hữu, góp vốn và tham gia sản xuất kinh doanh của nhà nước với các chức năng quản lý nhà nước. Hiện nay, cơ quan quản lý vốn nhà nước ở các Doanh Nghiệp chưa được giao đủ nhiệm vụ và thẩm quyền trong chủ động đầu tư và quản lý kinh doanh vốn nhà nước để thực hiện tốt chức năng chủ sở hữu này ( mà thực tế chỉ là tổ chức có tính trung gian, nặng quản lý hành chính về vốn đầu tư ở các Doanh Nghiệp, chưa có đủ thực quyền trong xử lý vốn nhà nước trong đầu tư và kinh doanh tại các Doanh Nghiệp có vốn nhà nước ).

6./ Riêng ở chương VI về Doanh Nghiệp tư nhân ( DNTN ): từ điều 163 đến 167 của dự thảo, việc quy định hạn chế đối với chủ DNTN không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên Công ty hợp danh ( CTHD ) là phù hợp vì tính chất trách nhiệm vô hạn của chủ DNTN, nhưng quy định chủ DNTN không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, có vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn ( cty TNHH ) hoặc CTCP ( theo điều 163 dự thảo ), theo tôi lại không phù hợp, vì loại hình cty TNHH và CTCP là loại hình công ty đối vốn, trách nhiệm hữu hạn ( chứ không phải đối nhân như các DNTN, CTHD ), nên khi có sự cố, nợ nần chủ DNTN vẫn có thể rút phần vốn góp, vốn cổ phần ra khỏi các cty TNHH, CTCP để giải quyết nợ nần, không có trở ngại pháp lý nào.

Và cuối cùng, theo tôi việc dự thảo lần 2 ghi “ Luật Doanh Nghiệp của Quốc Hội nước CNXHCN Việt Nam” là không phù hợp, mà phải ghi “ Luật Doanh Nghiệp nước CHXHCN Việt Nam” vì Quốc Hội là cơ quan lập pháp, có nhiệm vụ soạn thảo và ban hành luật ( có thể chủ tịch Quốc Hội hoặc chủ tịch nước), nhưng không phải là cơ quan sở hữu giữ quyền tác giả, hay bản quyền của văn bản pháp luật. Đó là trách nhiệm trước nhân dân của Quốc Hội.

Các văn bản liên quan