Góp ý Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) của TS. Hồ Xuân Thắng – Giảng viên khoa Luật – Hội thảo VCCI (Tp.HCM ngày 11/3/2014)

Thứ Hai 10:14 17-03-2014

Một số kiến nghị đối với nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung luật Doanh nghiệp năm 2005

Luật doanh nghiệp 2005 đã đóng góp vai trò rất to lớn trong quá trình hội nhập nền kinh tế thế giới của nước ta. Kể từ lúc ra đời, với tư cách là khung khổ hành lang pháp lí quy định địa vị pháp lí của các chủ thể kinh doanh, Luật Doanh nghiệp đã tạo một làm sóng mạnh mẽ về số lượng cũng như chất lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, pháp luật doanh nghiệp hiện hành cũng thực sự đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh với nhau, kích thích thúc đẩy việc huy động vốn để mở rộng sự phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp; góp phần gia tăng tốc độ tăng trưởng, giải quyết các vấn đề xã hội và làm động lực thúc đẩy kinh tế văn hóa xã hội ở nước ta. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện luật này trong thực tiễn đã bộc lộ những hạn chế, khiếm khuyết dẫn đến việc thiếu tính thống nhất, cản trở không nhỏ đến sự quản lý của nhà nước và các doanh nhân, nhà đầu tư là các chủ thể kinh doanh từ các khâu thành lập doanh nghiệp cho đến tổ chức , quản trị kinh doanh nhằm mục đích sinh lời. Đã đến lúc chúng ta phải thật sự nhận diện tính không phù hợp với thực tiễn của một số nội dung trong văn bản luật doanh nghiệp 2005 thông qua việc góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp một cách toàn diện và đồng bộ. Để góp phần giải quyết các vấn đề nói trên, chúng tôi xin góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này với các nội dung cụ thể sau đây:

Thứ nhất. Vấn đề giải thích từ ngữ trong Điều 4 của dự thảo

1. Tại Khoản 8 điều này đưa ra khái niệm: “Vốn có quyền biểu quyết là phần vốn góp hoặc cổ phần, theo đó người sở hữu có quyền biểu quyết về những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông”. Quy định này chưa đúng bản chất của vấn đề và địa vị pháp lí của các loại hình mà dự thảo đưa ra, bởi vì: Đối với loại hình công ty TNHH một thành viên là tổ chức bản chất của nó là do một chủ sở hữu làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty); chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Tuy nhiên, dự thảo có quy định tại Khoản 1 Điều 79 về Cơ cấu tổ chức quản lý của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là tổ chức “Công ty trách nhiệm hứu hạn một thành viên là tổ chức có thể được tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai cách sau đây:

a) Chủ tịch công ty, Giám đốc, Tổng giám đốc và Kiểm soát viên.

b) Hội đồng thành viên, giám đốc, tổng giám đốc và Kiểm soát viên”

Mặt khác, nói về thành viên Hội đồng trong công ty này thì dự thảo quy định tại Khoản 1 Điều 80 “Thành viên Hội đồng thành viên do chủ sở hữu công ty bổ nhiệm, gồm từ 3 đến 7 thành viên với nhiệm kỳ không quá 5 năm. Hội đồng thành viên nhân danh chủ sở hữu công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty; nhân danh công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ quyền và nghĩa vụ của giám đốc, tổng giám đốc; chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu công ty về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan”. Trong trường hợp này khó để xác định tỷ lệ phần trăm vốn góp cho các thành viên trong công ty, khi mà nghĩa vụ về vốn điều lệ do chủ sở hữu phải góp đúng hạn và đủ số lượng theo cam kết. Thực chất các thành viên trong hội đồng này chỉ là do chủ sở hữu bổ nhiệm làm thành viên, sự bổ nhiệm 3 đến 7 thành viên này không kèm theo tỷ lệ phần trăm vốn góp thực của họ trong điều lệ. Do vậy không logic và thiếu tính chuẩn xác khoa học để xác định họ là thành viên hội đồng có quyền biểu quyết do tỷ lệ phần trăm trong vốn điều lệ của công ty ấn định. Hơn nữa trong loại hình này dù là tổ chức kinh tế nào tham gia thành lập đi chăng nữa thì tài sản góp vào công ty TNHH cũng phải tách bạch và chuyển quyền sở hữu của công ty chứ không thuộc về người góp vốn là cá nhân vào công ty nữa. Tại Điểm b Khoản 1 Điều 48 của dự thảo quy định về loại hình công ty TNHH 2 thành viên: “Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp…” có nghĩa là vốn điều lệ của công ty TNHH 2 thành viên trở lên sẽ được chia theo tỷ lệ phần trăm, tổ chức, cá nhân nào góp nhiều thì hưởng lãi và chịu lỗ nhiều hơn và tất nhiên có quyền biểu quyết tại hội nghị thành viên sẽ cao hơn. Soi chiếu theo quy định tại dự thảo đối với loại hình công ty Cổ phần thì việc xác định người góp vốn vào công ty được quy định họ là cổ đông và “Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp”[1]. Phần vốn góp sẽ được xác định là cổ phần, khi vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá số cổ phần đã phát hành, cổ đông nào có số lượng cổ phần cao hơn thì quyền biểu quyết sẽ cao hơn.

Như vậy việc quy định về quyền biểu quyết theo vốn quy định tại Khoản 8 Điều 4 là chưa rõ ràng và thiếu tính khoa học. Theo chúng tôi nên quy định cụ thể như sau: “: “Vốn có quyền biểu quyết là phần vốn góp được chia theo tỷ lệ phần vốn góp hoặc cổ phần, theo đó người sở hữu có quyền biểu quyết về những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông”.

2. Tại Khoản 17, giải thích như sau: “Công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên”. Đây là một cách nêu các loại hình thuộc công ty TNHH hay nói cách khác đó là một cách liệt kê cụ thể có hai loại công ty TNHH trong dự thảo lần này. Cách giải thích này nó bị thừa và lặp lại quy định loại hình này ở Điều 74 Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và Điều 48 Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, nó cũng  chưa lột tả hết bản chất của việc cần giải thích của loại hình công ty này là việc kế thừa các quy định của văn bản luật gốc. Nhiệm vụ của việc sửa đổi bổ sung là làm cho các quy định hợp lí và áp dụng chung trong thực tiễn dễ dàng hơn, nhất là việc hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân xác định rõ bản chất, đặc điểm của từng địa vị pháp lí của doanh nghiệp để có sự lựa chọn đăng kí thành lập từ phía người muốn thành lập linh hoạt chắc chắn và hoạt động bền vững trong suốt quá trình tổ chức hoạt động. Vấn đề đặt ra là, quy định này phải giải thích gắn đến những liên quan của các quy định của pháp luật đã thừa nhận nó là một pháp nhân[2]. Nó sẽ thể hiện giá trị pháp lý của loại hình này khác biệt với các loại hình doanh nghiệp khác như doanh nghiệp tư nhân với tư cách là thể nhân chứ không chỉ có tính liệt kê những thành phần thuộc loại hình này như nói trên đây của dự thảo. Bên cạnh đó giải thích nó phải làm cho người dân khi tiếp cận luật sẽ dễ phân biệt để việc thực hiện pháp luật doanh nghiệp được khả thi hơn. Theo chúng tôi, nội dung dự thảo nên bổ sung như sau: “Công ty trách nhiệm hữu hạn là tổ chức kinh tế, hội tụ đủ các yếu tố là pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành, Công ty Trách nhiện hữu hạn bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên”.

3. Tại Khoản 14, theo quan điểm của chúng tôi nên bỏ việc giải thích “Thành viên công ty hợp danh bao gồm thành viên hợp danh và thành viên góp vốn”. Vấn đề này, so sánh với quy định trong phần khái niệm quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 152 loại hình công ty Hợp danh trong dự thảo thì nó không hợp lí, chồng chéo và thiếu tính khoa học. Cụ thể là: Khoản 14 giải thích có tính chất liệt kê “Thành viên công ty hợp danh bao gồm thành viên hợp danh và thành viên góp vốn”, tức là trong loại hình này lúc nào cũng bắt buộc phải tồn tại hai loại thành viên để hình thành công ty (thành viên hợp danh và thành viên gióp vốn). Trong khi đó tại Điểm a, Khoản 1 Điều 152, chỉ bắt buộc phải có thành viên hợp danh là cá nhân và không bắt buộc loại hình công ty này phải có thành viên góp vốn “ngoài các thành viên hợp danh có thể có thành viên góp vốn”, cụm từ “có thể” được hiểu là tùy thích hay không thích của người thành lập ra loại công ty này cho phép thành viên góp vốn tham gia đóng vai trò làm thành viên góp vốn chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn góp vào công ty. Hay nói cách khác, giải thích ở Khoản 14 là cứng nhắc, bắt buộc không thể thiếu 2 thành phần trong một công ty hợp danh đó là “thành viên hợp danh và thành viên góp vốn” còn trong Điểm c Khoản 1 Điều 152 thì “ngoài các thành viên hợp danh có thể có thành viên góp vốn” một quy định tùy nghi, có tính chất mở, linh hoạt. Do đó, để bảo đảm tính thống nhất và mang tính linh hoạt khả thi trong thực tiễn của các quy định pháp luật, chúng tôi kiến nghị bỏ khoản 14 trong Điều 4 về giải thích từ ngữ thành viên công ty Hợp danh.

Thứ hai: Vấn đề lệ phí khi đăng kí kinh doanh thành lập doanh nghiệp

Trong dự thảo lần này thiếu vắng việc giải thích vấn đề lệ phí đối với tổ chức, cá nhân hoặc nhà đầu tư đăng kí kinh doanh thành lập doanh nghiệp. Tại Khoản 5 Điều 30 của dự thảo có quy định về việc điều kiện được cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh khi các chủ thể tham gia đăng kí thành lập: “Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ”. Quy định này được hiểu là Chính phủ sẽ là cơ quan thừa hành việc quy định về mức lệ phí trong lĩnh vực đăng kí kinh doanh, người đăng kí thành lập nộp một khoản tiền mới được nhận giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh. Trong thực tiễn thi hành luật doanh nghiệp 2005 cho ta thấy việc không có khái niệm rõ ràng về lệ phí đăng kí kinh doanh là gì, người đăng kí kinh doanh phải nộp trước hay sau khi nộp hồ sơ hợp lệ cho phòng đăng kí kinh doanh cấp tỉnh, thành nên nhiều địa phương trong cả nước đã rất lúng túng trong khi thực hiện. Tại Khoản 5 Điều 24 Luật Doanh nghiệp hiện hành quy định như sau: “Nộp đủ lệ phí đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Lệ phí đăng ký kinh doanh được xác định căn cứ vào số lượng ngành, nghề đăng ký kinh doanh; mức lệ phí cụ thể do Chính phủ quy định”. Chính phủ giao cho Bộ Khế hoạch và đầu tư ban hành thông tư  hướng dẫn lệ phí thành lập mới là 200.000đ (hai trăm ngàn đồng), thay đổi nội dung đăng kí kinh doanh là 20.000đ (hai mươi ngàn đồng). Với quy định như  thế, người đăng kí kinh doanh nộp hồ sơ vào là phải nộp lệ phí nhưng có nhiều hồ sơ nộp vào chưa hợp lệ có thể sai sót về ngành nghề đăng kí, sự trùng tên với doanh nghiệp khác hay sai sót trong các giấy tờ khác lại phải làm đơn rút hồ sơ ra để sửa chữa lại theo yêu cầu của nhân viên thụ lí hồ sơ và nộp lại cho cơ quan đăng kí vào một thời gian khác, lúc này người đăng kí kinh doanh lại phải nộp lệ phí 200.000đ nữa và nộp vào rồi lại sai phải rút ra và chỉnh sửa lại nộp tiếp vào phải nộp lệ phí nữa. Có thể thấy thiếu sự rõ ràng, cụ thể trong quy định nộp lệ phí cho nên quy định này dẫn đến tình trạng có rất nhiều doanh nghiệp như ở Thành phồ Hồ Chí Minh phải nộp 10 lần mỗi lần 200.000đ (hai trăm ngàn đồng) tổng cộng là 2.000.000đ mà chưa nhận được giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh. Vấn đề đặt ra là quy định chưa cụ thể khoa học nên tạo thành kẽ hở trong thi hành, cơ quan đăng kí kinh doanh lạm dụng kẽ hở đó làm khó khăn đối với người đi thành lập doanh nghiệp nhưng để xử lí về hành vi cản trở sách nhiễu trong đăng kí kinh doanh của cơ quan đăng kí kinh doanh thì không có cơ sở vì luật quy định chưa cụ thể và minh bạch, cuối cùng người công dân mới là người bị ảnh hưởng do quy định về lệ phí còn khiếm khuyết. Theo chúng tôi, dự thảo nên có khái niệm về lệ phí một cách đầy đủ và khoa học và quy định thống nhất lệ phí chỉ nộp một lần sau khi hồ sơ hợp lệ đã nộp cho cơ quan đăng kí kinh doanh cấp tỉnh, thành. Nếu hồ sơ hợp lệ mà phát hiện có sai sót phải chỉnh sửa thì việc rút hồ sơ ra và nộp hồ sơ vào lại người đăng kí kinh doanh không phải nộp lệ phí nữa. Như vậy, Chính phủ chỉ thực hiện việc quy định mức tiền phải nộp lệ phí mà thôi, trình tự thủ tục nộp lệ phí phải do luật này quy định. Làm như vậy mới thể hiện tính thống nhất cao của luật pháp, tạo điều kiện thuận lợi nhát quán trong khi thực hiện nhằm giảm thiểu khó khăn cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư khi tham gia thành lập doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lời.

Thứ ba: Vấn đề quy định Doanh nghiệp xã hội

Trong dự thảo lần này, có bổ sung thêm loại hình doanh nghiệp mới mang tên “Doanh nghiệp xã hội”. Đây là một điểm mới của việc bổ sung sửa đổi lần này, chúng ta đã cố gắng thể chế hóa đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ bằng pháp luật trong việc ghi nhận sự xuất hiện phát triển các loại hình doanh nghiệp, trong đó có loại hình doanh nghiệp xã hội. Ngoài ra, việc xác định địa vị pháp lí cho loại hình doanh nghiệp mới này nói lên vấn đề pháp luật đã thực sự nhìn nhận đúng đắn tính tất yếu của thương mại hóa toàn cầu, của sự phân khúc thị trường nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Tại Khoản 3 Điều 12 dự thảo nói về quyền của doanh nghiệp xã hội, quy định: có sử dụng cụm từ “Chủ sở hữu doanh nghiệp, người quản lý và doanh nghiệp xã hội được xem xét đặc cách trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan; được tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để doanh nghiệp hoạt động vì vấn đề xã hội, môi trường đã đăng ký”. Như vậy luật có sử dụng cụm từ “Chủ sở hữu doanh nghiệp” giống như quy định trong loại hình doanh nghiệp là công ty TNHH một thành viên. Tuy nhiên với quy định tại Điều 11, 12 và Điều 13 của dự thảo, chúng tôi nhận thấy loại hình này được quy định quá đơn giản, không rõ ràng là có tư cách pháp nhân hay không có tư cách pháp nhân, cơ cấu tổ chức của loại hình này là như thế nào. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để loại hình này tổ chức kinh doanh để có “ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp được sử dụng để tái đầu tư nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường đã đăng ký[3]. Với tư cách Luật doanh nghiệp quy định các địa vị pháp lí của các loại hình doanh nghiệp trong đó có loại hình Doanh nghiệp xã hội, dưới cách nhìn của khoa học pháp lí chúng tôi rất băn khoăn và kiến nghị cần bổ sung rõ ràng và khoa học loại hình này để loại hình này khả thi hơn phát triển bền vững hơn trong sự phát triển của thị trường. Cần quy định rõ, nhất là về chế độ tổ chức quản trị nội bộ doanh nghiệp, chế độ vốn và tài sản, mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các tổ chức kinh tế khác và với các cơ quan hữu quan nhà nước.

Thứ tư: Các hành vi bị cấm

So với các hành vi bị cấm trong Luật Doanh nghiệp hiện hành thì dự thảo lần cũng không có nhiều thay đổi. Tại Khoản 3 Điều 14 dự thảo quy định “Kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; kê khai không trung thực, không chính xác, không kịp thời những thay đổi trong nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp” nhưng thực tế không hiểu thế nào là kê khai không trung thực, không chính xác? Vấn đề này cũng được đề cập đến tại Khoản 3 Điều 11 luật Doanh nghiệp 2005. Trong thực tiễn vấn đề hậu kiểm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền rất khó để xác định doanh nghiệp có hành vi kê khai không trung thực, không chính xác trong hồ sơ đăng kí thành lập và đăng kí thay đổi nội dung đăng kí kinh doanh. Với cụm từ này chúng ta có thể hiểu tất cả các loại giấy tờ có liên quan trong hồ sơ đăng kí kinh doanh phải được kê khai trung thực và chính xác. Như vậy việc doanh nghiệp kê khai khống vốn điều lệ để thành lập doanh nghiệp có phải là hành vi kê khai không trung thực, không chính xác không? Nếu cho là có thì nội dung này lại trùng với quy định tại Khoản 4 Điều 14 của dự thảo[4]. Trong thực tiễn thi hành Luật Doanh nghiệp 2005 suốt 7 năm qua cho thấy, Luật Doanh nghiệp không giải thích thế nào là “Kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp” cho nên không thống nhất trong áp dụng, nhiều địa phương áp dụng theo ý chí riêng của mình, theo cách hiểu riêng và xử lí theo cảm tính dẫn đến hậu quả là thi hành Luật Doanh nghiệp không nghiêm.

Phải thừa nhận vấn đề “kê khai khống vốn đăng kí” khi đăng kí thành lập doanh nghiệp là một hiện tượng khó để kiểm soát doanh nghiệp một cách chính xác. Song quy định của pháp luật về vấn đề này rất thoáng theo hướng mở do doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm tính trung thực, không chú trọng việc kiểm soát đồng tiền tư bản của thị trường mà chính do các doanh nghiệp là người tự khai báo với cơ quan nhà nước thông qua hình thức đăng kí kinh doanh. Do không quy định việc phải được kiểm soát kê khai vốn này dẫn đến tình trạng vốn điều lệ “ảo” của việc đăng kí thành lập doanh nghiệp đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế xã hội của nước ta. Theo quan điểm của chúng tôi, cần có khái niệm cụ thể về Kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp trong phần giải thích từ ngữ của dự thảo. Ngoài ra cũng cần phải đưa ra quy định kiểm soát vốn điều lệ do doanh nghiệp tự kê khai như phải cung cấp giấy tờ có liên quan đến nguồn tiền đăng kí. Làm như vậy nhằm mục đích các quy định đã tính đến việc hạn chế sự vi phạm các điều cấm trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà ục thể là việc lập hồ sơ đăng kí kinh doanh thành lập và thay đổi nội dung thành lập doanh nghiệp của các chủ thể kinh doanh.

Thứ năm: Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp

Tại Điều 31 của dự thảo quy định về Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp là nội dung được ghi nhận trong giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh. Nhưng không có khái niệm thế nào là địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, câu hỏi đang bỏ ngỏ, cần được điều chỉnh. Đây là một khiếm khuyết rất lớn để đảm bảo tính thống nhất trong khâu thực thi quy định của luật doanh nghiệp. Sự không rõ ràng này có thể thấy trong nhưng năm trước đây nhiều tỉnh thành trong cả nước rất lúng tùng khi xử lý tình huống quy định địa chỉ trụ sở chính trong khi cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh, gây nhiều phiền phức cho doanh nghiệp. Mặt khác Luật không quy định người đăng kí kinh doanh phải chứng minh giấy tờ hợp pháp liên quan đến địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, nhưng khi Chính phủ ban hành nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kế hoạch và đầu tư thì nhiều tỉnh thành đưa ra quy định người đi đăng kí kinh doanh phải chứng minh các giấy tờ thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của mình liên quan đến địa chỉ trụ sở chính của Doanh nghiệp (quyền sử dụng đất và nhà ở hoặc hợp đồng thuê nhà làm địa chỉ trụ sở chính). Điều này cho thấy sự khiếm khuyết trong nội dung quy định của luật đã vô hình trung tạo ra cách hiểu khác nhau, từ đó sự áp dụng thiếu thống nhất và mang tính đồng bộ trong phạm vi cả nước của cơ quan đăng kí kinh doanh suốt thời gian 7 năm qua kể từ ngày luật doanh nghiệp 2005 có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2006.

Một điều đáng quan tâm trong dự thảo lần này về hồ sơ đăng kí kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp không qua định người đi đăng kí kinh doanh phải kèm theo các giấy tờ hợp pháp của địa chỉ trụ sở chính. Nếu Luật không quy định hồ sơ đăng kí kinh doanh thành lập doanh nghiệp phải kèm theo giấy tờ thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của mình thì việc này nhìn nhận theo góc độ cải cách hành chính quy định rất thoáng có lợi cho doanh nghiệp nhưng dưới góc độ nhà nước quản lí bằng pháp luật thì đây là một vấn đề cần phải lưu ý nhằm giảm thiểu các tranh chấp sau đăng kí kinh doanh liên quan đến địa chỉ trụ sở chính mà việc này làm mất nhiều thời gian quyền lợi ích của các bên trong đó có các cơ quan quản lí nhà nước về doanh nghiệp.

Chúng tôi kiến nghị, bổ sung khái niệm “địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp” trong phần giải thích từ ngữ của dự thảo để làm cơ sở chính xác trong quá trình triển khai thực hiện luật trong thực tiễn. Đồng thời cần quy định trong dự thảo về hồ sơ đăng kí kinh doanh của doanh nghiệp phải kèm theo bản sao giấy tờ thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của mình thì mới phù hợp với quy định “Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp” tại khoản 2 Điều 31 dự thảo về “Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” tránh trường hợp Luật đã ban hành nhưng phải chờ văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành của Chính phủ và Bộ ngành chuyên môn làm giảm giá trị tối thượng của văn bản luật do Quốc hội ban hành.

Trên đây là một số vấn đề có liên quan đến việc góp ý kiến sửa đổi bổ sung một số điều của Luật doanh nghiệp 2005 lần này, chúng tôi muốn kiến nghị và cùng nhau trao đổi góp phần nhỏ bé chính kiến của mình trong việc xây dựng khung khổ hành lang pháp luật, quy định về địa vị pháp lý cho các loại hình doanh nghiệp phát huy hết khả năng cho phép sau khi đã đăng kí thành lập, phát triển phát triển bền vững trong nền kinh tế thị trường ở nước ta.



[1] Điểm c Khoản 1 Điều 89 Dự thảo lần 2 Luật doanh nghiệp

[2] (theo quy định tại Điều 84 của Bộ Luật Dân sự hiện hành)

[3] K1 Điều 11 dự thảo luật

[4] “Kê khai khống vốn đăng ký, không góp đủ và đúng hạn số vốn như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thực tế.”

Các văn bản liên quan