Ý kiến của Ông Trương Thanh Đức tại Tọa đàm góp ý định hướng sửa đổi Luật doanh nghiệp 2005 – tại VCCI ngày 09.12.2013

Thứ Hai 18:23 09-12-2013

BÌNH LUẬN SỬA ĐỔI MỘT SỐ NỘI DUNG TRONG

LUẬT DOANH NGHIỆP NĂM 2005

VCCI, ngày 09/12/2013

                                                                   Luật sư Trương Thanh Đức

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng

Chủ tịch Công ty Luật BASICO

                                                                        Trọng tài viên VIAC

 

Bài viết tham gia Hội thảo Doanh nghiệp góp ý sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2005, do VCCI tổ chức tại Hà Nội ngày 09-12-2013.[1]

1.           Về Ngành, nghề và điều kiện kinh doanh:

1.1.      Một trong những điều quan trọng nhất khi sửa đổi Luật Doanh nghiệp là phải phân định được một cách rõ ràng những hoạt động nào là hợp pháp và khi nào là phạm pháp. Nếu không làm được điều này, thì toàn thể giới doanh nhân vẫn tiếp tục bị rơi vào tình trạng như cá nằm trên thớt, như tù nhân dự bị, vì không biết thế nào là đúng, sai, chẳng rõ khi nào là quan hệ dân sự, kinh tế và lúc nào là tù tội hình sự.

1.2.      Một trong 10 vụ “đại án” tham nhũng được nêu ra gần đây đang khép tội kinh doanh trái phép đối với những hành vi hoạt động hợp tác, kinh doanh, góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu và trái phiếu của doanh nghiệp khác, với nhận định đó là hoạt động “kinh doanh tài chính trái phép”, “không đúng với nội dung đã đăng ký theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, lợi dụng danh nghĩa cơ quan tổ chức để kinh doanh cổ phần, cổ phiếu”. Nếu như vậy, thì doanh nghiệp nhập khẩu để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh donah hay xuất khẩu hàng hóa do mình làm ra, quảng cáo bán hàng của mình,… đều có thể phạm tội kinh doanh trái phép, vì không ai đi đăng ký kinh doanh những hoạt động đương nhiên đó, nếu như họ không phải là nhà kinh doanh chuyên nghiệp đối với các hoạt động này. Nếu việc góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu của doanh nghiệp khác mà phạm tội kinh doanh trái phép, chỉ vì không có chức năng “kinh doanh tài chính” thì có thể khẳng định 99% doanh nghiệp, doanh nhân đã, đang và sẽ góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu đều có thể phạm tội kinh doanh trái phép theo Điều 159 của Bộ luật Hình sự năm 1999.

1.3.      Những quy định tưởng rằng đã rất đầy đủ và rõ ràng của Luật Doanh nghiệp hiện nay lại đang trở thành một cái bẫy “hình sự hóa” quan hệ kinh tế, dân sự. Khoản 1, Điều 7 về “Ngành, nghề và điều kiện kinh doanh”, Luật Doanh nghiệp quy định: “Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm.” Khoản 3 Điều này quy định: “Cấm hoạt động kinh doanh gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và sức khoẻ của nhân dân, làm huỷ hoại tài nguyên, phá huỷ môi trường.” Điều 7 về “Ngành, nghề cấm kinh doanh” Nghị định số 102/2010/NĐ-CP  ngày 01-10-2010 của Chính phủ Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp đã quy định 15 ngành nghề cấm kinh doanh. Điều 8 về “Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh” của Nghị định này đã nêu ra các điều kiện kinh doanh được thể hiện dưới 7 hình thức, bao gồm:

-         Giấy phép kinh doanh;

-         Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh;

-         Chứng chỉ hành nghề;

-         Chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp;

-         Xác nhận vốn pháp định;

-         Chấp thuận khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

-         Các yêu cầu khác mà doanh nghiệp phải thực hiện hoặc phải có mới được quyền kinh doanh ngành, nghề đó.

1.4.      Như vậy, doanh nghiệp muốn kinh doanh thì phải đăng ký kinh doanh và nếu kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì phải đáp ứng được các điều kiện nói trên. Còn doanh nghiệp hay cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh vào các doanh nghiệp khác dưới hình thức hợp tác kinh doanh, góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu doanh nghiệp, thì tuyệt nhiên không cần bất cứ thứ phép tắc nào, trừ một vài trường hợp ngoại lệ cá biệt. Và đương nhiên, người quản lý doanh nghiệp (là chủ sở hữu, giám đốc doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh công ty hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và các chức danh quản lý khác do Điều lệ công ty quy định) trong các trường hợp ấy cũng sẽ không vi phạm pháp luật nói chung và phạm tội kinh doanh trái phép nói riêng. Trong vụ việc nói trên, nếu theo đúng quy định của pháp luật, thì không hề vi phạm hành chính, chứ không nói gì phạm tội hình sự. Và toàn bộ hệ thống ngành, nghề kinh doanh theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23-01-2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam và Quyết định số 337/2007/QĐ-BKH ngày 10-4-2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành Quy định nội dung Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam, đều không hề có hoạt động nào được gọi là “kinh doanh tài chính”.

1.5.      Qua vụ việc nói trên, cần tiến đến một bước xa hơn để “tháo cái vòng kim cô” cho doanh nghiệp, doanh nhân, đó là bỏ tội kinh doanh trái phép trong Bộ luật Hình sự đối với tất cả các hoạt động kinh doanh không thuộc diện bị cấm. Chỉ xử phạt về tội buôn lậu hay tội kinh doanh trái phép các hành vi kinh doanh trong ngành, nghề, lĩnh vực, mặt hàng bị cấm theo khoản 1, Điều 7 của Luật Doanh nghiệp nói trên. Nếu kinh doanh chưa có phép hay chưa đủ 7 loại điều kiện kinh doanh nói trên, thì chỉ có thể bị xử lý vi phạm hành chính. Chỉ xử lý hình sự đối với các hành vi kinh doanh ngoài các trường hợp bị cấm kinh doanh khi cấu thành các tội khác như tội trốn thuế, tội sản xuất, buôn bán hàng giả hay tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản,… Đồng thời cũng cần xem xét bỏ “cái sọt chứa” mọi loại tội phạm, đó là tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng trong Bộ luật Hình sự.

2.           Về trụ sở chính của doanh nghiệp:

Điều 35 về “Trụ sở chính của doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp quy định: “1. Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc, giao dịch của doanh nghiệp; phải ở trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, tên phố (ngõ phố) hoặc tên xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).” và “2. Doanh nghiệp phải thông báo thời gian mở cửa tại trụ sở chính với cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.”

Đề nghị xem lại quy định quá cụ thể, không cần thiết như số nhà, tên phố, số fax,… có thể không có. Đặc biệt, cần xem xét quy định theo hướng công nhận trụ sở đăng ký pháp lý thay vì bắt buộc phải là nơi làm việc và tiến hành giao dịch.

3.           Về con dấu của doanh nghiệp:

Điều 36 về “Con dấu của doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp quy định: “1. Doanh nghiệp có con dấu riêng. Con dấu của doanh nghiệp phải được lưu giữ và bảo quản tại trụ sở chính của doanh nghiệp. Hình thức và nội dung của con dấu, điều kiện làm con dấu và chế độ sử dụng con dấu thực hiện theo quy định của Chính phủ.” và “2. Con dấu là tài sản của doanh nghiệp. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm quản lý sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp cần thiết, được sự đồng ý của cơ quan cấp dấu, doanh nghiệp có thể có con dấu thứ hai.”

Đề nghị xem lại theo hướng: Không bắt buộc doanh nghiệp phải có con dấu. Trường hợp vẫn quy định phải có thì con dấu không phải là yếu tố bắt buộc “thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ…” của doanh nghiệp như quy định tại Điều 1, Nghị định số  58/2001/NĐ-CP ngày 24-8-2001 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu. Trên thực tế, nhiều văn bản, hợp đồng của doanh ngihệp, nếu không đóng dấu thì vẫn có giá trị pháp lý, chứ không thể phủ nhận.

4.           Về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

4.1.      Đoạn 2, Điều 46 về “Cơ cấu tổ chức quản lý công ty” Luật Doanh nghiệp quy định: “Người đại diện theo pháp luật của công ty phải thường trú tại Việt Nam; trường hợp vắng mặt ở Việt Nam trên ba mươi ngày thì phải uỷ quyền bằng văn bản cho người khác theo quy định tại Điều lệ công ty để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty.”

Việc quy định “Người đại diện theo pháp luật của công ty phải thường trú tại Việt Nam” là không cần thiết. Tương tự như trên là quy định tại đoạn 2, Điều 95 về “Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần”. Điều này chỉ đặt ra đối với người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH 2 thành viên trở lên, mà không đặt ra đối với công ty TNHH 1 thành viên và công ty cổ phần.

4.2.      Khoản 2, Điều 55 về “Giám đốc hoặc Tổng giám đốc”, Luật Doanh nghiệp quy định: Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty TNHH có một trong các quyền và nhiệm vụ “Ký kết hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên” tức là theo Luật Giám đốc không phải là người đại diện theo pháp luật của công ty cũng đương nhiên được quyền ký hợp đồng.

Tuy nhiên, nếu theo quy định tại khoản 3, Điều 86 về “Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân” và Điều 91 về “Đại diện của pháp nhân, Bộ luật Dân sự năm 2005, thì người ký hợp đồng phải là người đại diện theo pháp luật hoặc người được người đại diện theo pháp luật của công ty. Trong khi đó, khi Chủ tịch hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty ký hợp đồng lao động với người quản lý công ty như Kế toán trưởng, Giám đốc (Điều 47 về “Hội đồng thành viên”), thì rõ ràng việc ký này không thể là trên cơ sở uỷ quyền của Giám đốc, cho dù Giám đốc là người đại diện theo pháp luật. Vì vậy, có thể xem xét khả năng bỏ quy định về người đại diện theo pháp luật, để thay thế bằng cơ chế khác.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, thì những việc sau đây, một số thuộc về Chủ tịch, một số thuộc về giám đốc, không nhất thiết phải bắt buộc thuộc về người đại diện theo pháp luật: 

TT

Quyền, nghĩa vụ của Người đại diện theo pháp luật

Quy định

1.

Ký vào Điều lệ công ty (TNHH, cổ phần và hợp danh).

Điều 22.15, Luật DN

2.

Ký vào Danh sách thành viên công ty TNHH, công ty hợp danh, danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần.

Điều 23.3, Luật DN

3. 

Ký Biên bản giao nhận tài sản góp vốn của các thành viên công ty TNHH, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần.

Điều 29.1, Luật DN

4. 

Chịu trách nhiệm liên đới cùng với người góp vốn hoặc tổ chức định giá, đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty (trong quá trình hoạt động) nếu có chênh lệch định giá tài sản góp vốn.

Điều 30.3, Luật DN

5. 

Chịu trách nhiệm quản lý sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật.

Điều 36.2, Luật DN

6. 

Thông báo bằng văn bản tiến độ góp vốn đăng ký (đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên) đến cơ quan ĐKKD trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày cam kết góp vốn và phải chịu trách nhiệm cá nhân về các thiệt hại cho công ty và người khác do thông báo chậm trễ hoặc thông báo không chính xác, không trung thực, không đầy đủ.

Điều 39.1, Luật DN

7. 

Ký Giấy chứng nhận phần vốn góp (đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên).

Điều 39.4, Luật DN

8. 

Ký Thông báo và gửi đến cơ quan ĐKKD trong thời hạn 7 ngày làm việc về việc tăng, giảm vốn điều lệ.

Điều 60.4, Luật DN

9. 

Thường trú tại Việt Nam (đối với công ty TNHH và cổ phần); nếu vắng mặt trên 30 ngày thì phải uỷ quyền bằng văn bản cho người khác theo quy định tại Điều lệ công ty để thực hiện các quyền và nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty.

Điều 46.5, 67 và 95, Luật DN

10.              

Gửi đến các cấp quản lý công ty, đồng thời niêm yết tại trụ sở chính và chi nhánh của công ty dự thảo hợp đồng hoặc thông báo nội dung chủ yếu của giao dịch dự định tiến hành giữa công ty với một số đối tượng có liên quan và chỉ được thực hiện hợp đồng, giao dịch sau khi được chấp thuận, nếu làm sai thì phải bồi thường thiệt hại cho công ty.

Điều 59, 75 và 120, Luật DN

11.              

Chịu trách nhiệm liên đới về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần phổ thông đã bị rút vốn dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần.

Điều 80, Luật DN

12.              

Ký thông báo và gửi cho cơ quan ĐKKD trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận ĐKKD, về việc góp vốn cổ phần của công ty. Phải chịu trách nhiệm cá nhân về các thiệt hại đối với công ty và người khác do thông báo chậm trễ hoặc thông báo không trung thực, không chính xác, không đầy đủ.

Điều 84.2, Luật DN

13.              

Ký tên trên cổ phiếu (Riêng chữ ký này, Luật chỉ yêu cầu “chữ ký mẫu”, vì vậy có thể in, đóng dấu chữ ký thay vì ký trực tiếp).

Điều 85.1, Luật DN

14.              

Yêu cầu chủ sở hữu cổ phiếu đăng thông báo về việc cổ phiếu có giá trị danh nghĩa trên 10 triệu đồng bị mất, bị cháy hoặc bị tiêu huỷ dưới mọi hình thức trước khi đề nghị công ty cấp cổ phiếu mới (Luật chỉ quy định có thể yêu cầu, chứ không phải là bắt buộc, trừ trường hợp quy định nội bộ của công ty bắt buộc).

Điều 85.3, Luật DN

15.              

Ký thông báo gửi đến các cổ đông theo phương thức bảo đảm đến được địa chỉ thường trú của họ trong trường hợp công ty phát hành thêm cổ phần phổ thông và chào bán số cổ phần đó cho tất cả cổ đông phổ thông theo tỷ lệ cổ phần hiện có của họ tại công ty.

Điều 87.2, Luật DN

16.              

Ký Thông báo (cùng với Chủ tịch HĐQT) về trả cổ tức.

Điều 93.3, Luật DN

17.              

Ký (cùng với Chủ tịch HĐQT) Phiếu lấy ý kiến của HĐQT gửi đi lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông.

Điều 105.3, Luật DN

18.              

Ký Biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến của cổ đông (cùng Chủ tịch HĐQT và người giám sát kiểm phiếu).

Điều 105.5,  Luật DN

19.              

Cung cấp các báo cáo, tài liệu và thông tin cần thiết theo quy định để lập báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tổng hợp của nhóm công ty khi có yêu cầu của người đại diện theo pháp luật của công ty mẹ.

Điều 148.3, Luật DN

20.              

Ký quyết định giải thể DN và gửi hồ sơ giải thể DN đến cơ quan ĐKKD trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của DN.

Điều 158, Luật DN

21.            

Được nhân danh DN trong việc xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự (tất cả các quan hệ kinh tế, thương mại, lao động, hành chính, tố tụng,…) vì lợi ích của DN, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 86 và 144, Bộ luật Dân sự 2005

22.            

Được uỷ quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Điều 143.1, Bộ luật Dân sự 2005

23.              

Ký vào Sổ kế toán; Báo cáo tài chính của DN (cùng với người lập sổ và kế toán trưởng.

Điều 25 và 30, Luật Kế toán 2003

24.              

Tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người làm kế toán, người làm kế toán trưởng theo đúng tiêu chuẩn, điều kiện quy định của Luật Kế toán; quyết định thuê người làm kế toán, thuê làm kế toán trưởng; tổ chức và chỉ đạo thực hiện công tác kế toán trong DN theo quy định của pháp luật về kế toán và chịu trách nhiệm về hậu quả do những sai trái mà mình gây ra.

Điều 49, Luật Kế toán 2003

25.              

Tổ chức bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán.

Điều 40.4, Luật Kế toán 2003

26.              

Ký tên vào Giấy xác nhận nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử và gửi đến Phòng ĐKKD cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Điều 27.3, NĐ 43/2010/NĐ-CP

27.              

Ký vào Thông báo đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện; Thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh; Thông báo thay đổi địa chỉ trụ sở chính; Thông báo thay đổi tên, người đại diện theo pháp luật, vốn điều lệ, cổ đông sáng lập, thành viên công ty TNHH của DN gửi cơ quan ĐKKD trong thời hạn 7-10 ngày làm việc.

Điều 20-37, NĐ 43/2010/NĐ-CP

28.              

Ký vào Thông báo tạm ngừng kinh doanh của DN gửi cho cơ quan ĐKKD và cơ quan thuế ít nhất 15 ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh.

Điều 57, NĐ 43/2010/NĐ-CP

29.              

Chịu trách nhiệm liên đới cùng với tất cả thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, tất cả thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác chưa thanh toán trong trường hợp bị thu hồi GCN ĐKDN.

Điều 60.7, NĐ 43/2010/NĐ-CP

30.            

Chịu trách nhiệm liên đới cùng với Giám đốc chi nhánh về tính trung thực và chính xác của hồ sơ chấm dứt hoạt động chi nhánh bị giải thể.

Điều 41.3, NĐ 102/2010/NĐ-CP

5.           Về thẩm quyền của Hội đồng thành viên:

Điểm đ và e, khoản 2, Điều 47 về “Hội đồng thành viên”, Luật Doanh nghiệp quy định: Hội đồng thành viên “quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký và chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người quản lý khác quy định tại Điều lệ công ty” và “quyết định mức lương, thưởng và lợi ích khác đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người quản lý khác quy định tại Điều lệ công ty”.

Đề nghị xem lại trao quyền chủ động cho doanh nghiệp và giám đốc, Hội đồng thành viên không nhất thiết phải quyết định đến mọi chức danh quản lý trong công ty.

6.           Về Triệu tập họp Hội đồng thành viên:

Khoản 2, Điều 50 về “Triệu tập họp Hội đồng thành viên”, Luật Doanh nghiệp quy định: “Thông báo mời họp Hội đồng thành viên có thể bằng giấy mời, điện thoại, fax, telex hoặc các phương tiện điện tử khác do Điều lệ công ty quy định và được gửi trực tiếp đến từng thành viên Hội đồng thành viên.” Điều 100 về “Mời họp Đại hội đồng cổ đông” quy định về việc thông báo mời họp phải “được gửi bằng phương thức bảo đảm đến được địa chỉ thường trú của cổ đông” và “kèm theo thông báo mời họp phải có mẫu chỉ định đại diện theo uỷ quyền dự họp, chương trình họp, phiếu biểu quyết, các tài liệu thảo luận làm cơ sở thông qua quyết định và dự thảo nghị quyết đối với từng vấn đề trong chương trình họp”.

Đề nghị chỉ cần quy định theo hướng cổ đông phải biết được thông tin về việc tổ chức cuộc họp đó, có thể thông qua email, điện thoại. Còn tài liệu họp thì có thể chỉ cần đưa lên trang web của công ty.

7.           Về Điều kiện và thể thức tiến hành họp Hội đồng thành viên:

Khoản 1, Điều 51 về “Điều kiện và thể thức tiến hành họp Hội đồng thành viên”, Luật Doanh nghiệp quy định: “1. Cuộc họp Hội đồng thành viên được tiến hành khi có số thành viên dự họp đại diện ít nhất 75% vốn điều lệ”. Trường hợp “triệu tập lần thứ hai được tiến hành khi có số thành viên dự họp đại diện ít nhất 50% vốn điều lệ”. Tương tự là tỷ lệ 65% với Công ty cổ phần tại Điều 102 về “Điều kiện tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông”. 

Đề nghị áp dụng tỷ lệ trên 50% ngay từ lần triệu tập họp đầu tiên. Đồng thời, cần quy định rõ việc cho phép Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát được họp trực tuyến hoặc các hình thức khác thay vì phải tổ chức họp tại một địa điểm như hiện nay.

8.           Về tỷ lệ biểu quyết thông qua quyết định của công ty

Khoản 2, Điều 52 về “Quyết định của Hội đồng thành viên”, Luật Doanh nghiệp quy định: Quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua tại cuộc họp khi “Được số phiếu đại diện ít nhất 65% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp chấp thuận”. Tương tự là quy định tại Điều 104 về “Thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông”.

Đề nghị áp dụng ngay từ đầu tỷ lệ trên 50%.

9.           Về địa vị pháp lý của Ban kiểm soát

Điểm 2, khoản 2, Điều 96 về “Đại hội đồng cổ đông”, Luật Doanh nghiệp quy định một trong các quyền và nhiệm vụ của Đại hội đồng cổ đông là bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Ban kiểm soát. Và Điều 123 về “Quyền và nhiệm vụ của Ban kiểm soát” quy định Ban kiểm soát thực hiện giám sát Hội đồng quản trị.

Đề nghị xem lại cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần, không nên để Ban kiểm soát trực thuộc Đại hội đồng cổ đông, mà nên trực thuộc Hội đồng quản trị.

10.        Về Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông:

Khoản 1, Điều 98 về “Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông”, Luật Doanh nghiệp quy định: “Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông được lập khi có quyết định triệu tập và phải lập xong chậm nhất ba mươi ngày trước ngày khai mạc họp Đại hội đồng cổ đông nếu Điều lệ công ty không quy định một thời hạn khác ngắn hơn”.

Việc chốt danh sách này chỉ là để thuận tiện cho yêu cầu phải gửi thông báo mời họp đến địa chỉ của tất cả cổ đông có quyền dự họp. Tuy nhiên, điều này thường lại bị hiểu nhầm trên thực tế rằng, chỉ có những cổ đông có tên tại danh sách cổ đông vào thời điểm lập danh sách mới có quyền dự họp. Vì vậy, cần quy định rõ việc không bắt buộc phải gửi thông báo mời họp cho những cổ đông sau thời điểm chốt danh sách mời họp, nhưng các cổ đông đó vẫn có quyền dự họp.

11.        Về mời họp Đại hội đồng cổ đông:

Điều 100 về “Mời họp Đại hội đồng cổ đông”, Luật Doanh nghiệp quy định: “Thông báo mời họp phải có tên, địa chỉ trụ sở chính, số và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nơi đăng ký kinh doanh của công ty…”.

Đề nghị lược bớt các thông tin bắt buộc phải có, vì không cần thiết.

12.        Về thể thức tiến hành biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông:

Điểm d, khoản 2, Điều 103 về “Thể thức tiến hành họp và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông”, Luật Doanh nghiệp quy định, nếu Điều lệ không quy định khác, thì “Đại hội đồng cổ đông bầu ban kiểm phiếu không quá ba người theo đề nghị của chủ toạ cuộc họp” để kiểm phiếu biểu quyết.

Đề nghị việc này hoàn toàn nên để cho Điều lệ và Đại hội đồng cổ đông quyết định. Đồng thời, cơ chế bầu dồn phiếu cần quy định rõ hơn, nhất là tỷ lệ trúng cử không phụ thuộc vào tỷ lệ phiếu bầu như đối với các nội dung biểu quyết khác.

13.        Về Biên bản họp Đại hội đồng cổ dông:

Điều 106 về “Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông”, Luật Doanh nghiệp quy định: “Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông phải được ghi vào sổ biên bản của công ty” và nội dung Biên bản phải ghi rõ “Tên, địa chỉ trụ sở chính, số và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nơi đăng ký kinh doanh”.

Đề nghị xem lại không cần thiết quy định quá cụ thể, chặt chẽ như vậy. Điều đó có nghĩa là biên bản phải được ghi vào một quyển sổ, hoặc ít nhất cũng phải được tập hợp đóng thành sổ biên bản. Với phương tiện máy vi tính như ngày nay, không nên đòi hỏi cứ phải làm theo cách của mấy chục năm trước kia.

14.        Về cơ chế bảo vệ cổ đông nhỏ:

Quy định tỷ lệ tối thiểu phải đạt 75 và 65% để tham dự họp và biểu quyết hợp lệ tại Hội đồng thành viên và Đại hội đồng cổ đông để bảo vệ cổ đông nhỏ là không hợp lý, thậm chí còn gây ra rất nhiều trở ngại cho cơ chế vận hành của công ty. Bảo vệ cổ đông thiểu số như vậy là giết doanh nghiệp, là trái với nguyên tắc cơ bản về biểu quyết của các công ty. Ngay đến Quốc hội cũng chỉ cần đạt tỷ lệ dự họp 51% và thông qua 51% mọi thứ, trừ thông qua hoặc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Chỉ cần bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số theo quy định tại khoản 2, Điều 79 về “Quyền của cổ đông phổ thông”. Đó là: “Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty” có 5 quyền như: Đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông,… Và cần quy định chính thức trong luật nội dung đang được quy định tại khoản 1, Điều 25 về “Quyền khởi kiện đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc)”, Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 01-10-2010 của Chính phủ Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp: “Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 06 tháng có quyền yêu cầu Ban kiểm soát khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc)”.

15.        Về trình tự, thủ tục và điều kiện họp Hội đồng quản trị:

Khoản 8, Điều 112 về “Cuộc họp Hội đồng quản trị”, Luật Doanh nghiệp quy định: “Cuộc họp Hội đồng quản trị được tiến hành khi có từ ba phần tư tổng số thành viên trở lên dự họp.”

Đề nghị cần giảm tỷ lệ thành viên tham dự cuộc họp Hội đồng quản trị quá cao 75% xuống thấp hơn 51 hoặc 65%. Đồng thời cũng phải quy định cơ chế tương tự triệu tập hợp lần thứ nhất, lần thứ hai,… tương tự như Hội đồng thành viên để tránh rơi vào bế tắc. Hiện nay, vấn đề này với Hội đồng thành viên và Đại hội đồng cổ đông thì được quy định trong Luật, còn đối với Hội đồng quản trị thì lại chỉ được quy định trong Nghị định như hiện nay là trái Luật.

16.        Về tiêu chuẩn, điều kiện đối với Giám đốc công ty:

Đoạn 4, khoản 2, Điều 116 về “Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty”, Luật Doanh nghiệp quy định “Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty không được đồng thời làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp khác.”.

Đề nghị bỏ quy định không cần thiết nói trên. Hạn chế này chỉ nên áp dụng đối với một số loại công ty đặc biệt như ngân hàng hoặc một số công ty đại chúng hay công ty niêm yết khác. Thật là vô lý khi một người có thể làm giám đốc bao nhiêu công ty TNHH hay làm chủ tịch bao nhiêu công ty cũng được, nhưng lại chỉ được làm giám đốc duy nhất 1 công ty cổ phần.

--------------------------------

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật BASICO, 18A Ngô Tất Tố, Đống Đa, HN

Web: www.basico.com.vn - Email: duc.tt@basico.com.vn - ĐT: 090.345.9070



[1]     Một số nội dung trong bài này đã được Tác giả trình bày tại Hội thảo Sửa đổi Luật Doanh nghiệp do Bộ KH&ĐT tổ chức tại Hà Nội ngày 10-9-2013.

Các văn bản liên quan