Góp ý của ĐBQH Phạm Xuân Thăng – Hải Dương đối với dự thảo Luật khoa học công nghệ sửa đổi

Thứ Ba 14:44 18-12-2012

Kính thưa Quốc hội,

Nhìn lại quá trình thực hiện Luật khoa học và công nghệ năm 2000 có một câu hỏi rất lớn đặt ra là tại sao hơn 10 năm qua chúng ta đã đầu tư không ít cho hoạt động khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ được tăng lên nhanh chóng, các đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ngày càng nhiều hơn. Song nếu so với các nước trong khu vực thì trình độ khoa học và công nghệ của chúng ta còn thấp, hiệu quả ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào thực tiễn chưa tương xứng với đầu tư. Thiếu các công trình khoa học có tầm cỡ khu vực, các sáng chế được đăng ký rất ít. Tôi nhận thấy dự án luật đã tập trung sửa đổi, bổ sung nhưng nội dung cần thiết nhằm khắc phục những bất cập yếu kém về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, cơ cấu tổ chức và thị trường khoa học và công nghệ là những điểm nghẽn cho hoạt động và khoa học và công nghệ 10 năm qua. Tôi tin rằng với sửa đổi Luật khoa học và công nghệ lần này sẽ trả lời thỏa đáng câu hỏi nêu trên và thúc đẩy khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Tôi xin tham gia góp ý một số nội dung cụ thể như sau:

Một là để đảm bảo tính thống nhất trong dự thảo luật, đồng thời thể hiện đúng vị trí của Luật khoa học và công nghệ là căn cứ gốc của các luật khác trong lĩnh vực này. Tại Điều 3 giải thích từ ngữ, tôi đề nghị bổ sung thêm một số khái niệm như nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu ứng dụng phát hiện, phát minh, sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Đây là những khái niệm nền tảng nhất trong hoạt động khoa học, công nghệ được dùng nhiều trong dự thảo luật nhưng chưa được làm rõ khái niệm. Hiện nay trên các phương tiện thông tin đại chúng trong các tài liệu, ngay cả trong sách giáo khoa cũng nhầm lẫn một cách phổ biến và thường xuyên các khái niệm nêu trên, nhất là nhầm lần sáng chế với phát minh. Bổ sung các khái niệm này sẽ tạo ra định hướng rõ ràng hơn trong hoạt động khoa học và công nghệ.

Thứ hai, xuất phát từ đặc trưng riêng của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ như khái niệm đã nêu trong dự thảo luật cần có cơ chế quản lý khuyến khích ưu đãi có đặc thù riêng. Tuy nhiên, tôi thấy trong dự án luật hầu như chỉ quy định chung cho hoạt động khoa học và công nghệ dễ dẫn tới sự áp dụng cho các chính sách và quy định dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong thực tiễn sẽ gặp khó khăn hoặc không phù hợp. Tôi đề nghị nên có một chương riêng về công nghệ bằng cách nhóm các điều rải rác về hoạt động công nghệ thành một chương có thể lấy tên phát triển công nghệ để quy định rõ ràng hơn về hoạt động sáng tạo công nghệ, triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm, công nghệ cao, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đổi mới công nghệ, đầu tư mạo hiểm công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ, các chính sách ưu tiên cho phát triển công nghệ. Tôi cũng đề nghị nên cân nhắc việc dùng các khái niệm như ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao tại Điều 62, khái niệm này không rõ ràng, văn nói nhiều hơn là khái niệm chuẩn mực trong dự thảo luật.

Ba là trong hoạt động khoa học và công nghệ là hoạt động đòi hỏi có sự đầu tư cao cả về thời gian, công sức, trí tuệ, kinh phí, nhưng lại có tính rủi ro cao, lợi nhuận không có hoặc có nhưng không cao. Chính vì vậy, việc bổ sung các quy định ưu đãi khuyến khích cho hoạt động khoa học, công nghệ là hết sức cần thiết. Qua nghiên cứu, tôi thấy nhiều quy định ưu tiên đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ đã được bổ sung. Tuy nhiên, có nhiều nội dung chưa rõ như tại các Điều 46, 47, 49, 50, 51 đều quy định Nhà nước khuyến khích các hoạt động khoa học và công nghệ, tổ chức và cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ, song không nêu rõ đó là chính sách gì, có giao cho Chính phủ quy định cụ thể hay không? mà chỉ nêu chung chung có tính định hướng nghe thì rất hay, nhưng sẽ rất khó thực hiện. Tôi đề nghị cần quy định cụ thể và rõ ràng hơn các ưu đãi đối với các hoạt động khoa học, công nghệ. Đồng thời phải tạo ra sự công bằng cho việc hưởng ưu đãi đó với các tổ chức khoa học và công nghệ công lập và ngoài công lập. Bên cạnh đó cũng rất cần bổ sung chính sách hỗ trợ khen thưởng đặc biệt đối với các tổ chức, cá nhân có phát minh, sáng chế, việc công nhận đăng ký cấp quốc gia, quốc tế nhằm tạo ra động lực mạnh mẽ hơn đối với các hoạt động khoa học và công nghệ.

Bốn là về việc thành lập tổ chức hoạt động của doanh nghiệp khoa học và công nghệ là một điểm mới quan trọng. Tuy nhiên, tôi thấy có những quy định chưa rõ ràng, tôi đề nghị cần quy định cụ thể hơn các điều kiện công nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, cần làm rõ sự khác biệt của doanh nghiệp khoa học, công nghệ với những loại hình doanh nghiệp khác, để tránh việc lợi dụng thành lập doanh nghiệp khoa học, công nghệ để hưởng ưu đãi. Trên thực tế hiện nay, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đã và đang ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ ở những mức độ khác nhau, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ đều kết tinh hàm lượng khoa học và công nghệ cao hoặc thấp. Trong khi tại Khoản c, Điều 19 có quy định: Doanh nghiệp khoa học, công nghệ phải đạt tỷ lệ doanh thu từ việc sản xuất kinh doanh các sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ. Vậy tỷ lệ đó là bao nhiêu, dự thảo luật cần quy định rõ ràng hơn.

Thứ năm, về tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đáng lưu ý nhất là các quy định về việc xác định phê duyệt, giao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ nguồn ngân sách Nhà nước. Đây chính là các khâu quan trọng trong hoạt động khoa học, công nghệ, nếu không quy định chặt chẽ rất dễ dẫn tới lãng phí, thất thoát tham nhũng. Tại các Khoản 3, 4, 5, 6 Điều 24 quy định về tiêu chí xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Tôi đề nghị chỉ nên xác định đây là những tiêu chí cơ bản nhất và nên giao cho Bộ khoa học, công nghệ xây dựng bộ tiêu chí thật cụ thể, chi tiết, cần đặc biệt coi trọng tính mới, khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn là hàng đầu. Bộ tiêu chí này đóng vai trò như là một bộ lọc giúp cho việc phê duyệt thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ một cách chính xác hơn.

Tại Chương III, về thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ. Tôi nhất trí cao với các việc phân cấp rõ ràng hơn và mạnh hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, tôi thấy thiếu một cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ từ nguồn ngân sách nhà nước. Tôi đề nghị cần bổ sung quy định về cơ chế kiểm tra, giám sát đánh giá hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ nhất là việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ để tránh tình trạng có những đề tài nghiên cứu khoa học song đều được đánh giá tốt nhưng lại cất vào ngăn kéo mà không ứng dụng được.

Sáu, về cơ chế tài chính. Tôi nhất trí cao với quy định tại Điều 53: nhà nước đảm bảo tỷ lệ ngân sách nhà nước chi cho khoa học, công nghệ tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm. Tuy nhiên, việc sử dụng ngân sách nhà nước thế nào cho hiệu quả mới là quan trọng. Trước hết để tránh tình trạng đầu tư dàn trải, tôi đề nghị cùng với việc tái cơ cấu nền kinh tế cũng cần tái cơ cấu các tổ chức khoa học và công nghệ công lập để nhà nước chỉ quản lý và đầu tư cho một số tổ chức khoa học, công nghệ thật sự cần thiết. Tránh tình trạng tổ chức khoa học công lập nhiều nhưng chưa mạnh như hiện nay. Cần có quy định cụ thể hơn trong ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư cho loại nhiệm vụ khoa học, công nghệ nào, còn lại nhiệm vụ nào thì giao cho các tổ chức khoa học, công nghệ ngoài công lập. Tránh việc dành phần lớn các nguồn lực cho các tổ chức khoa học, công nghệ công lập mà cần dành tỷ lệ thỏa đáng nhằm hỗ trợ khuyến khích, khen thưởng đối với các tổ chức và cá nhân doanh nghiệp khoa học và công nghệ ngoài công lập.

Trên đây một số ý kiến tham gia của tôi, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan