Góp ý của ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh – Bình Định đối với dự thảo Luật khoa học công nghệ sửa đổi

Thứ Ba 14:43 18-12-2012

Kính thưa Quốc hội,

Để đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi). Tôi xin được đóng góp một số nội dung sau đây.

Nội dung thứ nhất, liên quan đến việc thành lập quỹ. Theo tôi thì việc quy định trích một phần lợi nhuận trước thuế để đầu tư phát triển khoa học và công nghệ là quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp hoặc đóng góp của quỹ phát triển khoa học và công nghệ của địa phương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính nhằm đổi mới nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, là xu thế trong quá trình hội nhập. Theo tôi để đảm bảo các chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ đối với doanh nghiệp có hiệu quả thì tùy vào mỗi loại hình doanh nghiệp và lợi thế của địa phương mà Nhà nước có những chính sách phù hợp. Ở Việt Nam thì loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 95% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam. Do đó, ta cần tập trung vào việc chọn chính sách phù hợp đối với loại hình doanh nghiệp này.

Đối với loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi nguồn vốn còn hạn chế thì phải nói việc đầu tiên doanh nghiệp cần quan tâm là kinh doanh có lãi trong ngắn hạn, đảm bảo tồn tại trên thị trường, dần dần tích lũy vốn thì mới nghĩ đến lợi ích lâu dài, nghĩ đến cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài và tính đến phát triển bền vững. Vì vậy, đầu tư cho khoa học, công nghệ trong doanh nghiệp đối với họ cũng chủ yếu dựa trên quan điểm này.

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì việc trích 10% lợi nhuận trước thuế có thể còn ít hơn thì không thể gọi là đổi mới công nghệ hay ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất có hiệu quả. Vì vậy, theo tôi cần chia ra hai trường hợp để có chính sách phù hợp.

Trường hợp thứ nhất là tùy vào lợi thế của từng địa phương mà Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ phù hợp với lĩnh vực ưu tiên phát triển của địa phương mình. Ví dụ, đối với địa phương phát triển nông nghiệp thì thành lập quỹ tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp. Đối với địa phương khai thác tài nguyên thì thành lập quỹ tập trung vào nghiên cứu công nghệ khai thác tài nguyên đạt hiệu quả cao, tránh lãng phí, thất thoát và giảm thiểu tác hại của môi trường. Đối với địa phương phát triển cây công nghiệp thì lập quỹ phát triển ứng dụng công nghệ bán tự động trong khâu thu hoạch và khâu chế biến thành phẩm.

Các quỹ của các lĩnh vực sẽ tập trung nguồn lực để nghiên cứu ứng dụng theo đúng lĩnh vực đã được định hướng và nguồn đóng góp của quỹ chỉ do những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quỹ hoạt động mới đóng góp thì sẽ không phù hợp nếu một doanh nghiệp thủy sản mà lại đóng góp cho quỹ tập trung phát triển ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp.

Tránh trường hợp nhiều địa phương thành lập quỹ nghiên cứu đa ngành, nhưng thực chất không có một ngành nào có được một công trình nghiên cứu giá trị. Ngược lại nếu phát triển quỹ chuyên ngành thì một đề tài có giá trị có thể triển khai trên phạm vi cả nước.

Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét để có thể luật hóa nội dung này vào Điều 58 quy định quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, tỉnh, thành trực thuộc Trung ương.

Trường hợp thứ hai là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực không mang tính phổ biến ở địa phương thì không tham gia vào các quỹ như trường hợp tôi đã nêu trên. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp này ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào hoạt động sản xuất thì ngoài các chính sách ưu tiên đã nêu trong luật nhà nước sẽ tạo điều kiện cho những năm đầu doanh nghiệp áp dụng công nghệ doanh nghiệp vẫn đảm bảo sức cạnh tranh như trước đây. Lý do doanh nghiệp được hỗ trợ là vì đầu tư cho công nghệ mới sẽ tốn kém và thời gian thu hồi vốn sẽ kéo dài hơn so với công nghệ cũ lại phát sinh nhiều chi phí mới làm tăng giá thành sản phẩm và năng lực cạnh tranh trong những năm đầu.

Tôi xin nói rõ hơn về trường hợp này, nếu trước đây khi sử dụng công nghệ cũ hàng năm doanh nghiệp sản xuất được 1.000 sản phẩm và thu được lợi nhuận 1 tỷ đồng. Khi áp dụng công nghệ mới do chi phí phát sinh như chi phí chuyển giao công nghệ, đào tạo lại đội ngũ quản lý, kỹ thuật viên và người lao động, phải trả thêm lãi suất cho khoản vay để mua công nghệ, như vậy chi phí sẽ tăng lên, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường nên doanh nghiệp sản xuất 1.000 sản phẩm chỉ thu lợi được 800 triệu đồng. Như vậy, so với trước thì doanh nghiệp bị giảm 200 triệu đồng lợi nhuận, vì vậy 200 triệu đồng này cần được nhà nước có chính sách ưu tiên như cho nợ thuế hoặc giảm lãi suất đối với các khoản vay để bù đắp vào khoản giảm này. Khoản hỗ trợ này cũng không ảnh hưởng nhiều đến ngân sách nhà nước vì không phải doanh nghiệp nào cũng cùng một lúc cần khoản hỗ trợ này.

Sau vài năm thì doanh nghiệp sẽ hoạt động trong điều kiện như các doanh nghiệp khác, lúc này tôi chắc rằng các doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới sẽ dễ dàng vượt qua các doanh nghiệp khác do chất lượng sản phẩm tốt hơn, chi phí giảm do sử dụng nguyên liệu tiết kiệm, công suất cũng tăng lên làm giá thành sản phẩm giảm đáng kể, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, các doanh nghiệp khác muốn không bị đào thải khỏi thị trường thì phải ứng dụng công nghệ tương tự hoặc công nghệ cao hơn. Quy trình này sẽ liên tục diễn ra và sẽ tạo môi trường cho tất cả các doanh nghiệp trong cộng đồng khối doanh nghiệp cùng hướng đến đổi mới công nghệ.

Tôi nghĩ sự hỗ trợ về thuế hay lãi suất là phù hợp vì thay đổi công nghệ không chỉ giúp cho doanh nghiệp phát triển, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng và xã hội như tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, tài nguyên quốc gia, giảm lượng chất thải sinh học, chất thải công nghiệp, đảm bảo môi trường nước, không khí, âm thanh tốt hơn cho khu vực xung quanh. Điều này cũng góp phần làm giảm chi ngân sách nhà nước cho việc khắc phục các hậu quả về môi trường sống, về sức khỏe của con người do hậu quả của việc sử dụng công nghệ cũ và lạc hậu để lại. Tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét có thể luật hóa nội dung này vào Điều 61 quy định về đầu tư phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp và Điều 63 quy định về chính sách tín dụng đối với hoạt động khoa học và công nghệ.

Nội dung thứ hai, như chúng ta đã biết để xét tính hiệu quả trong đầu tư thì chúng ta hay sử dụng chỉ số ICO để đánh giá. Vì vậy, tôi đề xuất Bộ khoa học và công nghệ cũng cần đưa ra một chỉ số tương tự để đánh giá về tính hiệu quả đối với số tiền mà cả nước bỏ ra để đầu tư cho khoa học và công nghệ không phân biệt thành phần kinh tế.

Làm sao để thể hiện được một đồng đầu tư vào khoa học, công nghệ sẽ đem lại bao nhiêu giá trị tăng lên. Từ đó mới đánh giá được tính hiệu quả của việc đầu tư khoa học và công nghệ. Chỉ số này cũng cần được tính toán và phân tích hàng năm để Bộ khoa học và công nghệ có cơ sở để đề xuất việc phân bổ ngân sách cho phù hợp. Đây cũng chính là một minh chứng để cộng đồng doanh nghiệp thấy được lợi ích của việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi hơn để Việt Nam đạt được mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Nếu dự thảo này được thông qua vào kỳ họp tới thì lúc đó cả nước chỉ còn 6 năm 6 tháng để phấn đấu được mục tiêu này. Vì vậy, tôi đồng ý với một số ý kiến của các đại biểu là những nội dung nào, các nghị định thông tư của Luật khoa học, công nghệ hiện hành đang được áp dụng hợp lý hoặc đang chuẩn bị sửa chữa cho phù hợp thì đưa vào luật lần này để luật ban hành sẽ sớm đi vào cuộc sống góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đạt được mục tiêu đã đề ra trong năm 2020. Một số nội dung khác như tại Khoản 3, Điều 73 quy định về thu hút chuyên gia nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài và nhà khoa học nước ngoài tham gia vào các chương trình tôi đề nghị nên phân biệt hai lĩnh vực này.

Thứ nhất là đối với người Việt Nam ở nước ngoài về phục vụ trong nước còn có mục tiêu là họ hướng về tổ quốc. Nhà nước cũng cần phải có chính sách để làm sao thấy chính sách của nhà nước là khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài về góp phần xây dựng đất nước.

Thứ hai là liên quan đến nội dung chủ yếu của hoạt động khoa học, công nghệ tại Điều 35 tôi cũng đề nghị các nhà khoa học khi nghiên cứu cũng cần phải có quy định thời gian ở thực tế từ đó các công trình khoa học sẽ được ứng dụng vào thực tế chứ không chỉ là để trong các ngân sách. Một điều nữa là cần phải có quy định về thù lao trên và thù lao dưới để từ đó các nhà khoa học cống hiến công sức của mình vào đề tài khoa học. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan