Góp ý của ĐBQH Tôn Thị Ngọc Hạnh – Đắk Nông đối với dự thảo Luật khoa học công nghệ sửa đổi

Thứ Ba 14:44 18-12-2012

Kính thưa Chủ tọa kỳ hop.

Kính thưa Quốc hội.

Luật khoa học, công nghệ gồm có 5 chương, 59 điều. Dự thảo Luật khoa học, công nghệ sửa đổi gồm có 8 chương, 80 điều. Chắc chắn đây là một dự thảo luật đã sửa đổi bổ sung một luật đã khó, nhiều nhất là có 59 điều mà bỏ 17 điều, sửa đổi 42 điều và bổ sung 38 điều mới, xem như là sửa toàn bộ. Điều này đã phản ánh được tinh thần làm việc hết sức nghiêm túc, thực sự tâm huyết, thực sự cầu thị của Ban soạn thảo và Ban thẩm tra dự thảo Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi), dù rằng cũng còn một số vấn đề cần phải bổ sung, sửa đổi.

Ở Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội có đề cập đến những hạn chế bất cập của Luật khoa học và công nghệ đòi hỏi cần phải sửa đổi, bổ sung, một số mục tiêu chính cần thực hiện trong việc sửa đổi, bổ sung Luật khoa học và công nghệ là để triển khai thực hiện 3 nhiệm vụ then chốt mang tính đột phá trong hoạt động khoa học và công nghệ. Phải công nhận rằng việc sửa đổi, bổ sung lần này đã giải quyết được nhiều vấn đề bất cập trong việc thực hiện Luật khoa học và công nghệ, có những biện pháp đổi mới trong việc phát triển khoa học và công nghệ, thể hiện rõ nhất ở cơ chế tài chính. Với mong muốn dự thảo luật được hoàn thiện tôi xin góp ý một số vấn đề như sau.

Vấn đề thứ nhất, ở Chương V quy định về các biện pháp bảo đảm phát triển khoa học và công nghệ, nếu giữ mức đầu tư 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm cho khoa học và công nghệ, tương đương với 0,5 - 0,6% GDP như mọi năm trước do các nguyên nhân như phù hợp với khả năng tài chính của nhà nước và một số bộ, ngành địa phương trong nhiều năm qua đã sử dụng không đúng mục đích hoặc không sử dụng hết nguồn lực này thì rõ ràng việc sửa đổi, bổ sung Luật khoa học và công nghệ lần này để đảm bảo phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Có thể nói mức đầu tư này về tỷ lệ thì không thấp nhưng con số tuyệt đối thì thấp, các biện pháp đề ra chú trọng đến mục tiêu để sử dụng hết, đúng mục đích và có hiệu quả nguồn này là chính.

Nếu ở dự thảo luật các quy định về đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài về khoa học và công nghệ thể hiện ở Điều 51, 52 dự thảo luật chỉ dừng lại ở hình thức tuyên bố chính sách như khuyến khích có chính sách mà chưa có các quy định cụ thể để thực hiện các chính sách này. Các quy định này phải phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng là "hiền tài là nguyên khí của quốc gia". Nếu như chỉ dùng các từ, các cụm từ "khuyến khích", "có chính sách" như Luật khoa học và công nghệ khi chưa sửa đổi thì các biện pháp lần này mang tính đột phá ở chỗ nào. Như vậy vấn đề đặt ra ở đây là phải có sửa đổi các biện pháp bảo đảm phát triển khoa học và công nghệ mang tính đột phá về mức đầu tư, về đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng và thu hút nhân tài khoa học và công nghệ. Ở đây tôi xin sơ bộ đề xuất một số biện pháp trong các biện pháp có thể như sau.

Mức đầu tư cho khoa học và công nghệ từ ngân sách phải tương xứng với vai trò quốc sách hàng đầu, trong giai đoạn trước mắt nhà nước đóng vai trò chủ đạo, tạo cú hích để xã hội hóa đầu tư cho khoa học và công nghệ. Tìm các biện pháp đột phá để xã hội hóa đầu tư, khi đã xã hội hóa đầu tư cho khoa học và công nghệ thì mức đầu tư ngân sách sẽ được giảm xuống.

Việc đầu tư cho khoa học và công nghệ phải có mũi nhọn, trọng điểm, không dàn trải. Tùy theo giai đoạn, tùy theo đặc thù khả năng của các cơ quan hoạt động khoa học và công nghệ các vùng, các tỉnh thành mà phân bổ mức đầu tư hợp lý. Ưu tiên cho các khu vực, cho các tỉnh thành có thế mạnh phát triển khoa học và công nghệ và mức đầu tư phải có trọng điểm theo lĩnh vực. Phải đề ra các biện pháp cụ thể để thể hiện được các biện pháp, khai thác được nhân lực hoạt động khoa học và công nghệ, trọng dụng thực sự, đãi ngộ thực sự, xứng đáng với cống hiến của nhân tài. Phải có các biện pháp thu hút được nhân tài ở nước ngoài mong muốn được làm việc cho nước ta tạo môi trường tốt để làm việc.

Để thực hiện được sự đột phát thì có thể phải thành lập một cơ quan dưới sự chỉ đạo trực tiếp hoặc lãnh đạo Nhà nước có đủ tâm và tầm trong lĩnh vực này chuyên trách. Cơ quan này có nhiệm vụ hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đề xuất các đề tài khoa học và công nghệ mang tính đột phá, trực tiếp thực hiện hoặc gián tiếp chỉ đạo việc thực hiện các đề tài trên. Con người ở cơ quan này là các nhà khoa học, các cá nhân trong và ngoài nước được mời tham gia, được thu hút hoặc được thuê qua xét tuyển bằng đề tài, có tài năng thực sự, có tâm huyết thực sự, được trọng dụng thực sự, được đãi ngộ thực sự xứng đáng với công hiến.

Cơ chế tài chính phải có biện pháp mở. Khi thực hiện đề tài phải chấp nhận việc mạo hiểm, chấp nhận không thành công. Dĩ nhiên là có kiểm tra, giám sát chặt chẽ và chấp nhận không thành công để rồi mới thành công. Như vậy, mới có thể đột phát trong việc phát triển khoa học và công nghệ. Có lẽ không ở lĩnh vực nào mà câu tục ngữ "thất bại là mẹ của thành công" chính xác như ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Với chính sách như vậy thì bước đột phá trong phát triển khoa học và công nghệ là chắc chắn.

Vấn đề thứ hai. Tại Khoản 3 Điều 5 Luật khoa học và công nghệ nêu là phải phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học, xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Tại bản Phụ lục 1 và Phụ lục 2 đi kèm với Tờ trình dự án Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi) của Chính phủ gửi Quốc hội về khái quát kết quả thực hiện một số chương khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2006 - 2010. Về đánh giá tình hình phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010 thì các chương trình được nêu ra hầu hết là ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ còn lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên được nêu một cách mờ nhạt ít cả về số lượng đề tài lẫn mức đầu tư.

Trong khi đó một hiện thực xã hội đang báo động là kèm với sự đi lên về kinh tế là có nhiều hiện tượng bất cập trong xã hội như tội phạm ở tuổi thiếu niên tăng lên, nạn tham nhũng đang là quốc nạn, nạn phá rừng, tai nạn giao thông, khoảng cách giàu nghèo tăng lên. Đòi hỏi phải có các đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, đưa ra các biện pháp giải quyết các bất cập trên cụ thể là các đề tài nghiên cứu về giáo dục cho tuổi thiếu niên là các đề tài nghiên cứu để nâng cao ý thức tự giác của dân, vì môi trường xanh, chống tham nhũng, khi tham gia giao thông, hay các đề tài nghiên cứu xã hội khác v.v...

Về vấn đề này chúng tôi thấy trong thời gian qua và những đề tài thiên về khoa học kỹ thuật và công nghệ nhiều hơn, các vấn đề quan tâm tới xã hội và nhân văn vẫn còn bước khập khiễng. Vì vậy chúng tôi mong muốn rằng có những đề xuất, bước đột phá và sự cân bằng để cho tương xứng, phù hợp với công tác xã hội. Tôi hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan