VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định về việc quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Ngân hàng Nhà nước
Kính gửi: Cục Công nghệ thông tin – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Trả lời Công văn số 797/CNTT8 của Cục Công nghệ thông tin, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư về việc quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Ngân hàng Nhà nước (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến ban đầu như sau:
Phần lớn nội dung của Dự thảo quy định về trình tự, thủ tục liên quan đến chứng thực chữ ký số chuyên dùng Ngân hàng Nhà nước. Về cơ bản, các quy định này khá cụ thể, rõ ràng, tuy nhiên để hoàn thiện, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc một số điểm sau:
- Về dịch vụ chứng thực chữ ký số:
Điều 5 Dự thảo liệt kê các dịch vụ chứng thực chữ ký số do CA-NHNN cung cấp và có quy định quét “những dịch vụ khác theo quy định”. Quy định này là chưa rõ ràng, khiến cho các tổ chức, cá nhân khó nhận diện được các dịch vụ chứng thực chữ ký số do CA-NHNN cung cấp. Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo hoặc quy định cụ thể các dịch vụ khác là dịch vụ gì, hoặc dẫn chiếu tới văn bản có quy định.
- Về phương thức gửi, nhận vặn bản, báo cáo, hồ sơ liên quan đến dịch vụ chứng thực chữ ký số và kết quả xử lý
Theo quy định tại Điều 7 Dự thảo thì có hai phương thức tổ chức quản lý thuê bao gửi văn bản, báo cáo, hồ sơ liên quan đến chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Ngân hàng Nhà nước đến Cục Công nghệ thông tin đó là: (1) Hệ thống dịch vụ công hoặc (2) Văn bản giấy, gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính. Cục Công nghệ thông tin chỉ tiếp nhận, xử lý văn bản giấy “trong các trường hợp ngoại lệ (có bằng chứng kèm theo)”. Quy định “có bằng chứng kèm theo” là chưa rõ về chủ thể phải cung cấp bằng chứng này?
Mặt khác, các trường hợp xử lý văn bản giấy được liệt kê tại khoản 2 Điều 7 (hệ thống dịch vụ công gặp sự cố không thể hoạt động được; tổ chức quản lý thuê bao chưa được cấp chứng thư số có nghiệp vụ dịch vụ công hoặc chứng thư số hết hiệu lực hoặc thiết bị lưu khóa bí mật của thuê bao bị hỏng), CA-NHNN có thể nhận biết được thông tin mà không cần phải chứng minh vì vậy, quy định “có bằng chứng kèm theo” là không cần thiết. Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “có bằng chứng kèm theo” tại quy định khoản 2 Điều 7 Dự thảo.
- Về sử dụng Hệ thống dịch vụ công về lĩnh vực chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số
Điều 9 Dự thảo quy định về cách thức sử dụng Hệ thống dịch vụ công về lĩnh vực chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, trong đó khoản 2 quy định “Cục Công nghệ thông tin hướng dẫn thủ tục đăng ký cấp tài khoản truy cập và sử dụng Hệ thống dịch vụ công lĩnh vực chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số”. Quy định này là chưa rõ về việc các thủ tục đăng ký cấp tài khoản truy cập và sử dụng Hệ thống dịch vụ công sẽ được hướng dẫn ở đâu? Vì đây là văn bản cấp Thông tư, các quy định cần phải thực thi được ngay sau khi ban hành, do đó đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể về thủ tục này ngay tại Dự thảo.
- Về cấp chứng thư số
Điều 10 Dự thảo quy định về thủ tục cấp chứng thư số, theo đó tổ chức quản lý thuê bao phải gửi các bản quét (tập tin định dạng PDF) có ký số, trường hợp không được ký số thì “tổ chức quản lý thuê bao phải gửi kèm bản sao bằng giấy các văn bản này tới Cục Công nghệ thông tin”. Quy định này là chưa rõ về thời điểm nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp chứng thư hợp lệ là thời điểm cơ quan nhà nước nhận được các bản quét (tập tin định dạng PDF) hay là thời điểm nhận bản sao bằng giấy của các văn bản này? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề này để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện.
- Thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ
Trong các quy định về trình tự, thủ tục về cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Ngân hàng Nhà nước quy định tại Chương II Dự thảo, thời hạn giải quyết thủ tục được xem xét tính từ thời điểm nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Tuy nhiên, Dự thảo lại không có quy định về thời gian xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ tính từ ngày nhận hồ sơ. Điều này khiến cho quy trình thủ tục chưa rõ ràng và có thể kéo dài, gây khó khăn cho các đối tượng thực hiện. Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về thời hạn xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ hoặc quy định thời hạn này được tính từ thời điểm nhận hồ sơ.
- Thời điểm tính thời hạn xử lý đề nghị tạm dừng chứng thư số của thuê bao
Khoản 4 Điều 12 Dự thảo quy định Cục Công nghệ thông tin sẽ tiến hành tạm dừng chứng thư số của thuê bao trong trường hợp tổ chức quản lý thuê bao và thông báo kết quả xử lý trong thời hạn 03 ngày làm việc, nhưng lại không quy định rõ thời hạn 03 ngày làm việc này được tính từ thời điểm nào? Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về thời điểm tính thời hạn 03 ngày làm việc này.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư về việc quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dung Ngân hàng Nhà nước. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.