VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định về việc quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Ngân hàng Nhà nước
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo
Kính gửi: Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Trả lời Công văn số 1960/BVHTTDL-PC của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:
Về cơ bản, các quy định tại Dự thảo khá cụ thể, chi tiết, thống nhất với các văn bản pháp luật liên quan về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo. Tuy nhiên, để hoàn thiện, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc một số điểm sau:
- Một số hành vi vi phạm có tính chất tương tự nhưng lại có khung phạt tiền khác nhau
Về mặt nguyên tắc, các hành vi vi phạm có tính chất tương tự thì phải có chung khung phạt tiền. Một số quy định tại Dự thảo chưa đảm bảo được nguyên tắc này, cụ thể:
- Cùng là hành vi “không nộp lưu chiểu” nhưng hai hành vi “không nộp lưu chiểu bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu” (điểm b khoản 1 Điều 12) và “không nộp lưu chiểu phim” (khoản 3 Điều 9) lại thuộc hai khung phạt tiền khác nhau;
- “Không thông báo bằng văn bản về nội dung chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi biểu diễn, trình diễn theo quy định” (điểm a khoản 1 Điều 15) có tính chất tương tự đối với hành vi “không thông báo bằng văn bản về nội dung chương trình thi người đẹp, người mẫu đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi tổ chức thi theo quy định” (điểm a khoản 1 Điều 16) đều có tính chất là vi phạm thủ tục không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về nội dung hoạt động;
Tương tự đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 21 và hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20
- Hành vi “tổ chức triển lãm mỹ thuật, trại sáng tác điêu khắc không đúng nội dung ghi trong giấy phép” (điểm a khoản 3 Điều 20) và “tổ chức cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang không đúng nội dung ghi trong giấy phép” (điểm a khoản 5 Điều 15) có tính chất giống nhau, đều là tổ chức hoạt động không đúng nội dung ghi trong giấy phép;
- Hành vi “kê khai không trung thực các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện giám định cổ vật” (khoản 1 Điều 24), “kê khai không trung thực trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường” (điểm a khoản 1 Điều 18); “kê khai không trung thực các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề tu bổ di tích” (khoản 1 Điều 26) đều có tính chất là kê khai không trung thức hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh.
Từ một số dẫn chứng như vậy, chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại toàn bộ Dự thảo để xác định chung khung phạt tiền đối với các hành vi có tính chất như phân tích ở trên.
- Một số hành vi vi phạm có tính chất chồng lấn
Trong Dự thảo có một số hành vi có tính chất chồng lấn nhưng ở hai khung xử phạt khác nhau, có thể dẫn tới việc một hành vi vi phạm hành chính có thể áp dụng hai khung phạt tiền. Điều này sẽ tạo ra sự tùy nghi trong thực hiện và gây khó khăn trên thực tế. Đề nghị Ban soạn thảo rà soát, xem xét các quy định sau:
- Hành vi “trích ghép, thêm âm thanh, hình ảnh có nội dung vi phạm các quy định của pháp luật vào bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu đã được phép lưu hành” (khoản 2 Điều 12) cũng được xem là hành vi “thêm, bớt hình ảnh hoặc âm thanh làm thay đổi nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu đã được phép lưu hành” (điểm c khoản 1 Điều 12). Đề nghị Ban soạn thảo loại trừ hành vi quy định tại khoản 2 Điều 12 trong quy định hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều 12;
- Hành vi “biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang sau 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép” (điểm d khoản 3 Điều 15) đã nằm trong hành vi “biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang mà không có giấy phép” (điểm a khoản 4 Điều 15). Đề nghị Ban soạn thảo loại trừ hành vi quy định tại điểm d khoản 3 Điều 15 trong quy định tại điểm a khoản 4 Điều 15;
- Điều 21 Dự thảo quy định về các vi phạm quy định về hoạt động nhiếp ảnh, trong đó có các hành vi vi phạm về tổ chức triển lãm nhiếp ảnh. Điều 22 Dự thảo quy định về vi phạm quy định về hoạt động triển lãm chung, trong đó được hiểu là cả bao gồm cả triển lãm nhiếp ảnh vì Điều 21 không loại trừ các quy định về triển lãm nhiếp ảnh quy định tại Điều 20. Như vậy, một số quy định tại Điều 21 đã chồng lấn lên quy định về hành vi vi phạm triển lãm tại Điều 20.
Để đảm bảo tính thống nhất và minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo loại trừ các hành vi vi phạm quy định về triển lãm nhiếp ảnh tại Điều 20 trong các quy định tại Điều 21.
Đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại toàn bộ Dự thảo để loại trừ các hành vi các hành vi có tính chất chồng lấn như phân tích ở trên.
- Biện pháp khắc phục hậu quả chưa rõ ràng
Theo quy định tại Mục 1 Chương II Dự thảo về các hành vi vi phạm về điện ảnh, một số hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là “Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm”, ví dụ:
- (1) Sản xuất phim có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, truyền bá tệ nạn xã hội, hủy hoại môi trường sinh thái, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam (điểm a khoản 4, khoản 7 Điều 6);
- (2) Bán, cho thuê hoặc phát hành phim khi chưa được phép phổ biến (điểm a khoản 4, điểm a khoản 7 Điều 7)
Đối với các hành vi vi phạm trên thì tang vật vi phạm bị tiêu hủy là gì (bộ phim hay là chất liệu/phương tiện lưu trữ bộ phim)?
Trên thực tế, việc xác định tang vật vi phạm và tiêu hủy tang vật đối với các hành vi vi phạm về điện ảnh đang có nhiều ý kiến khác nhau, cụ thể: Cuối năm 2019, bộ phim “Ròm” bị xử phạt và buộc phải tiêu hủy tang vật vi phạm vì hành vi tham gia liên hoan phim quốc tế mà chưa được cấp phép. Theo quan điểm của cơ quan quản lý, tang vật vi phạm được xác định trong trường hợp này là bản phim đi dự liên hoan phim quốc tế mà chưa được cấp phép chứ không phải là tiêu hủy bộ phim đó[1], những bản phim lưu hành nội bộ, trình ra Hội đồng xét duyệt thì không bị tiêu hủy.
Tương tự như trường hợp bộ phim “Ròm”, trường hợp (2) tang vật vi phạm có được hiểu là bản phim đã bán, cho thuê hoặc phát hành hay không? Còn bản thân bộ phim đó sẽ không bị tiêu hủy và sẽ được bán, cho thuê hoặc phát hành nếu trải qua quy trình cấp phép theo quy định? Việc xác định tang vật vi phạm và tiêu hủy trong trường hợp này là chưa thực sự phù hợp và ít ý nghĩa, bởi vì đây là hành vi vi phạm về việc lưu hành bộ phim khi chưa được phép – vi phạm về mặt thủ tục, cơ quan quản lý đã xử phạt hành vi này là đủ, còn biện pháp tiêu hủy phiên bản lưu hành ra bên ngoài không có mấy ý nghĩa khi bản thân bộ phim vẫn tồn tại và việc lưu hành đã diễn ra rồi. Do đó, việc áp dụng biện pháp tiêu hủy tang vật vi phạm cho hành vi vi phạm tại trường hợp (2) là chưa hợp lý.
Tuy nhiên, đối với trường hợp (1) bản chất khác với trường hợp (2), nhưng tang vật vi phạm được xác định ở đây là gì? Có phải chính là bộ phim và phải tiêu hủy bộ phim? Cách thức tiêu hủy sẽ là như thế nào?
Tóm lại, từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo:
- Quy định rõ tang vật vi phạm đối với các hành vi vi phạm về điện ảnh là gì?
- Đối với hành vi vi phạm về mặt trình tự thủ tục cấp phép phổ biến phim thì không áp dụng hình thức tiêu hủy tang vật.
- Chưa thống nhất trong thiết kế quy định xử phạt
Đối với các hoạt động phải được cấp phép, Dự thảo thiết kế quy định xử phạt theo hướng: tách hành vi hoạt động không đúng phạm vi ghi trong giấy phép và hành vi hoạt động không có giấy phép trong hai khung phạt tiền khác nhau, trong đó hành vi hoạt động không có giấy phép có khung phạt tiền cao hơn, ví dụ:
- Hành vi “cung cấp dịch vụ sản xuất phim hoặc hợp tác, liên doanh sản xuất phim không đúng nội dung ghi trong giấy phép” (điểm a khoản 3 Điều 6) và hành vi “cung cấp dịch vụ sản xuất phim hoặc hợp tác, liên doanh sản xuất phim không có giấy phép” (điểm b khoản 4 Điều 6);
- “Biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang không đúng nội dung ghi trong giấy phép” (điểm a khoản 3 Điều 15) và hành vi “biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang không có giấy phép” (điểm a khoản 4 Điều 15);
- “Tổ chức cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang không đúng nội dung ghi trong giấy phép” (điểm a khoản 5 Điều 15) và hành vi “Tổ chức cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang mà không có giấy phép” (điểm a khoản 6 Điều 15);
- …
Tuy nhiên, khoản 5 Điều 20 Dự thảo lại quy định chung hai hành vi “xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng không đúng nội dung ghi trong giấy phép” (điểm b) và “xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng không có giấy phép” (điểm c) vào chung khung phạt tiền. Điều này cho thấy sự thiếu nhất quán trong xác định khung phạt tiền đối với các hành vi vi phạm trong thiết kế quy định tại Dự thảo. Đề nghị Ban soạn thảo phân tách hai hành vi này vào hai khung phạt tiền khác nhau, trong đó hoạt động không có giấy phép ở khung phạt tiền cao hơn.
- Xử phạt một số hành vi vi phạm chưa hợp lý
- Về vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường (Điều 18)
Điểm c khoản 4 Điều 18 Dự thảo xử phạt đối với hành vi “không tạm dừng kinh doanh dịch vụ karaoke theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền”. Quy định tại Dự thảo chưa đủ rõ ràng, có thể tạo ra cách hiểu, bất kì trường hợp nào cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng có thể yêu cầu tạm dừng kinh doanh dịch vụ karaoke. Điều này là chưa phù hợp, bởi vì theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 54/2019/NĐ-CP thì kinh doanh dịch vụ karaoke chỉ phải tạm dừng trong một số trường hợp theo yêu cầu của cơ quan cấp giấy phép kinh doanh.
Để đảm bảo tính thống nhất và minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định tại điểm c khoản 4 Điều 18 Dự thảo theo hướng sẽ xử phạt đối với hành vi không tạm dừng kinh doanh dịch vụ karaoke theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 54/2019/NĐ-CP.
- Về vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo (Điều 40)
Khoản 1 Điều 40 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng” đối với cả hai chủ thể là “người treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ” và “người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo”. Việc xử phạt đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo dường như chưa thật sự hợp lý, vì trong nhiều trường hợp họ không thể biết và/hoặc không thể kiểm soát được các tờ quảng cáo sẽ được treo, đặt, dán ở các nơi bị cấm. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định xử phạt đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 40 Dự thảo.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
[1] https://tuoitre.vn/khong-phai-la-huy-bo-phim-rom-ma-la-huy-tang-vat-vi-pham-20191015174158248.htm
https://tuoitre.vn/yeu-cau-tieu-huy-tang-vat-voi-phim-rom-la-sao-20191014235611182.htm