VCCI_Góp ý Dự thảo Hướng dẫn tạm thời đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh
Kính gửi: Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế
Trả lời Công văn số 2159/BCĐ-CV của Bộ Y tế về việc đề nghị góp ý Dự thảo Hướng dẫn đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh (sau đây gọi tắt là bản Hướng dẫn), do thời hạn ngắn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chưa kịp triển khai lấy ý kiến rộng rãi các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp. Trên cơ sở nghiên cứu của chuyên gia, chúng tôi có một số ý kiến ban đầu như sau:
Về tổng thể, bản Hướng dẫn đã đề cập được nhiều nội dung đánh giá nguy cơ liên quan trực tiếp đến hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh. Ngoại trừ một số điểm sẽ được góp ý tiếp theo, nhìn chung bản Hướng dẫn dễ hiểu và dễ sử dụng với các cơ sở sản xuất kinh doanh. Nếu được điều chỉnh thích hợp, các cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ có một công cụ tốt để tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 cũng như có các giải pháp đồng bộ để giảm thiểu tối đa nguy cơ.
- Góp ý chung về các nội dung trong Dự thảo Hướng dẫn
Để khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh chủ động thực hiện tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm cũng như báo cáo tình trạng của cơ sở mình đến các cơ quan chức năng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số đề xuất chung như sau:
Thứ nhất, Hướng dẫn đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 cần cung cấp thông tin giới thiệu chung về mục tiêu của việc đánh giá nguy cơ ở các cơ sở sản xuất kinh doanh. Hướng dẫn cũng cần tóm tắt về phương pháp đánh giá và nêu rõ kết quả đánh giá sẽ được sử dụng như thế nào và đem lại lợi ích gì cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, bản Dự thảo Hướng dẫn hiện có tổng số 15 chỉ tiêu lớn dùng để đánh giá. Trong đó, một số chỉ tiêu lớn có các chỉ tiêu phụ nhỏ hơn để thu thập thông tin. Các chỉ tiêu hiện chưa nhóm thành các chỉ số thành phần. Ban soạn thảo có thể cân nhắc việc nhóm các chỉ tiêu lại thành các chỉ số thành phần. Khi đó, dựa trên kết quả các chỉ số thành phần, các đơn vị SXKD có thể dễ dàng hơn trong phân định trách nhiệm quản lý. Về mặt truyền thông, phân nhóm chỉ số thành phần cũng giúp truyền đạt thông điệp ngắn gọn và dễ hiểu hơn tới cộng đồng.
Thứ ba, nếu trong điều kiện cho phép, bản Hướng dẫn đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 này cần được số hóa và phát triển thành một bộ công cụ trực tuyến cho phép các cơ sở sản xuất kinh doanh có thể tiếp cận trên nhiều nền tảng như trình duyệt web máy tính hay các ứng dụng di động. Khi đó, doanh nghiệp có thể nhập câu trả lời và bộ công cụ sẽ tự động tính toán điểm số nguy cơ lây nhiễm COVID-19, đồng thời cung cấp khuyến nghị tương ứng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh. Việc xây dựng công cụ trực tuyến này cũng giúp đảm bảo tuân thủ giãn cách xã hội, hạn chế tình trạng tập trung nộp báo cáo tại cơ quan Nhà nước. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin ở đây cũng giúp tiết giảm đáng kể chi phí cho các cơ quan nhà nước trong việc thu thập, xử lý thông tin trong quá trình triển khai.
Thứ tư, hầu như các chỉ tiêu trong Hướng dẫn yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh tự báo cáo. Do vậy, Ban soạn thảo Hướng dẫn cần lưu ý tới tính khả thi của việc cung cấp bằng chứng chứng minh và việc kiểm chứng của cơ quan nhà nước.
Thứ năm, bản Hướng dẫn được thiết kế với nội dung khá phù hợp với các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa, đặc biệt là các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên, các nội dung cũng cần có sự bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với những nhóm cơ sở sản xuất kinh doanh khác như doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa trong các lĩnh vực dịch vụ.
- Góp ý cụ thể đối với các nội dung trong bản Hướng dẫn
- Về tần suất đánh giá nguy cơ lây nhiễm
Việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm này là sẽ tiến hành định kỳ hàng tháng hay chỉ 01 lần? Đây là đánh giá hiện trạng khi doanh nghiệp đã áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro hay chưa từng áp dụng? Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ vấn đề này.
- Về mật độ người lao động làm việc ở các phân xưởng
Theo quy định tại Mục 2, Phần I, Dự thảo, các mục chấm điểm đánh giá nguy cơ lây nhiễm đang dưới dạng quy mô diện tích làm việc ở phân xưởng bình quân với 01 lao động. Quy định này cần làm rõ ở một số điểm sau:
- Đối với người lao động làm việc ở những nơi ngoài cơ sở sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cụ thể là những doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ thì đánh giá như thế nào?
- Làm rõ khái niệm “diện tích mặt bằng phân xưởng hiện có”. Diện tích này có lẽ cần định nghĩa là diện tích thực tế của khu vực diễn ra hoạt động làm việc thường xuyên của người lao động chứ không nên là diện tích chung của cả phân xưởng. Một số phân xưởng dành diện tích lớn để làm nhà kho, nơi đặt máy móc nhưng những diện tích đó ít sử dụng đến thường xuyên. Trong khi đó, diện tích nơi người lao động thực sự tập trung làm việc thì có thể hẹp hơn đáng kể. Khi đó, nếu định nghĩa diện tích không rõ ràng sẽ dẫn tới tính toán mật độ không phản ánh đầy đủ nguy cơ lây nhiễm.
Góp ý tương tự đối với Mục 3, Phần I, Dự thảo về việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ người lao động. Việc đánh giá như hiện tại có thể chỉ phù hợp cho việc đánh giá riêng về doanh nghiệp, chưa bao quát được những nơi khác nữa ngoài địa điểm chính.
- Về nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ người lao động
Mục 3.2, Phần I, Dự thảo chỉ xác định nguy cơ lây nhiễm ở cơ sở sản xuất kinh doanh có người lao động thuộc theo các nhóm nguy cơ khác nhau, bao gồm: người tiếp xúc vòng 2, người tiếp xúc vòng 1, có ca bệnh 10 điểm, có ca bệnh và lây nhiễm cho người khác.
Đề nghị ban soạn thảo cân nhắc tới giới hạn về thời gian ở nội dung câu hỏi khi xem xét tình trạng của người lao động. Tình trạng của người lao động phân theo các nhóm nguy cơ là xác định trong khoảng thời gian nào? Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cũng cần cân nhắc tới yếu tố thời gian lưu trú tại các tỉnh có nguy cơ cao trong khoảng thời gian gần đây (ví dụ: từ đầu tháng 4/2020).
- Về thời gian làm việc
Hiện quy định tại Mục 5, Phần I, Dự thảo đang đánh giá nguy cơ lây nhiễm dựa trên ca làm việc. Theo đó, trường hợp cơ sở sản xuất kinh doanh có thời gian làm việc trên 8 giờ/ngày hay có tổ chức làm ca đêm thì sẽ thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao. Tuy nhiên, đối với trường hợp doanh nghiệp thực hiện giãn cách số người lao động nên phải tăng số giờ làm việc, song vẫn đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động thì có được coi là nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao hay không? Hay trường hợp doanh nghiệp phân luồng người lao động theo đợt chẳng hạn, hoặc giảm số người trong 1 ca, thì việc tăng thêm 1 ca để đảm bảo sản xuất thì vẫn nên coi là nguy cơ thấp. Đề nghị ban soạn cân nhắc lại chỉ tiêu này.
- Về điều kiện vệ sinh cá nhân cho người lao động
Mục 7.1, Phần I Dự thảo quy định về việc bố trí khu vực rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn có tối thiểu 60% nồng độ cồn trước khi vào và ra khỏi phân xưởng như sau:
- Tất cả các phân xưởng đều có: 01 điểm.
- Tỷ lệ các phân xưởng không có giảm từ 90% xuống 10%: 02 – 09 điểm.
- Tất cả các phân xưởng đều không có: 10 điểm
Như vậy, có thể hiểu Dự thảo đang quy định theo hướng tỷ lệ các phân xưởng có bố trí khu vực vệ sinh cá nhân cho người lao động càng cao thì thang điểm đánh giá nguy cơ lây nhiễm càng thấp. Tuy nhiên, theo thang điểm trên, nếu tỷ lệ các phân xưởng không có ở mức 90% thì thang điểm đánh giá là 02 điểm, mức 80% thì điểm đánh giá là 03 điểm,…Quy định như vậy dường như chưa hợp lý, bởi lẽ tỷ lệ các phân xưởng không bố trí khu vực vệ sinh cá nhân cho người lao động càng cao thì điểm đánh giá mức độ nguy cơ lây nhiễm ở các cơ sở này phải càng cao. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định theo hướng “Tỷ lệ các phân xưởng có giảm từ 90% xuống 10%: 02 – 09 điểm” tức là bỏ từ “không” tại tiêu chí nêu trên.
Ngoài ra, từ 90% xuống đến 10% là 9 mức độ nhưng từ 02 đến 09 thì chỉ có 8 mức độ. Vậy trường hợp này, thang tính điểm sẽ được áp dụng như nào? Trường hợp tỷ lệ các phân xưởng không có bố trí khu vực vệ sinh cá nhân cho người lao động rơi vào mức 15% thì tính là mấy điểm hoặc 95% thì tính mấy điểm?
Đề nghị Ban soạn thảo xem xét và làm rõ thang điểm này để đảm bảo thuận lợi khi triển khai thực hiện.
Góp ý tương tự đối với quy định về thang điểm đánh giá được quy định tại Mục 7.2 và Mục 8, Phần I Dự thảo.
- Về bố trí dung dịch sát khuẩn tay nhanh có chứa ít nhất 60% cồn tại các vị trí có tiếp xúc chung
Mục 10, Phần I Dự thảo đánh giá về việc bố trí dung dịch sát khuẩn tay nhanh có chứa ít nhất 60% cồn tại các vị trí có tiếp xúc chung của các cơ sở sản xuất kinh doanh như: cây ATM, bình nước uống công cộng, …
Quy định trên chưa rõ thế nào “các vị trí có tiếp xúc chung”. Đối với hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh khác thì “các vị trí tiếp xúc chung” nên hiểu thế nào? Có tính thang máy, cầu thang bộ hoặc nhà xe vào đó không? Nếu có thì sẽ có rất nhiều điểm như thế và việc bố trí dung dịch sát khuẩn ở mọi nơi có vẻ không hợp lý. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ để đảm bảo thuận lợi khi triển khai thực hiện.
Ngoài ra, đối với trường hợp các cơ sở sản xuất kinh doanh không có điểm tiếp xúc công cộng như ATM chẳng hạn thì nên có một phương án “Không có vị trí tiếp xúc công cộng” với mức đánh giá là 0 điểm hoặc 1 điểm giống như trường hợp có và bố trí dung dịch sát khuẩn đầy đủ.
- Tổ chức bữa ăn ca cho người lao động (Mục 11, Phần I, Dự thảo)
- Về việc giám sát sức khỏe của đơn vị cung cấp bữa ăn ca (Mục 11.1)
Dự thảo đưa ra tiêu chính đánh giá về việc giám sát sức khỏe của đơn vị cung cấp bữa ăn ca với hai lựa chọn là “có” hoặc “không” thì có thể không đánh giá được nguy cơ lây nhiễm. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh theo hướng xác định được tần suất thực hiện giám sát đối sức khỏe của đơn vị cung cấp bữa ăn ca, ví dụ như: 1 tháng/lần; 1 tuần/lần; hàng ngày.
Góp ý tương tự đối với Mục 11.4 về điều kiện vệ sinh, khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc tại khu ăn, uống
- Về số người ăn cùng một lúc ở nhà ăn, căng tin (Mục 11.2)
Dự thảo nên tính toán theo tỷ lệ diện tích/người cho việc phục vụ cùng một lúc. Bố trí giờ ăn lệch để tránh tụ tập đông người có được tính không? Đây là biện pháp giúp giãn cách mà các doanh nghiệp đang làm theo khuyến cáo của cơ quan nhà nước
- Về chỉ số nguy cơ lây nhiễm
Mục 1, Phần II, Dự thảo đang đưa ra công thức tính chỉ số nguy cơ lây nhiễm dựa trên 16 chỉ số. Tuy nhiên, theo các chỉ số đánh giá nguy cơ lây nhiễm được quy định tại phần I, Dự thảo thì chỉ có 15 nội dung đánh giá. Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại công thức tính.
Ngoài ra, sau khi cộng tổng các điểm chỉ số thành phần rồi chia 300 rồi nhân 100 thì vẫn sẽ ra một giá trị điểm số, và là thuộc thang điểm 100. Nếu Ban soạn thảo muốn gắn “%” với ý nghĩa phản ánh “tỷ lệ” hoặc “nguy cơ lây nhiễm” thì trong công thức tính nên có giá trị “%” ở cuối. cụ thể:
CSNCLN = (CS1+CS2+CS3+…+ CS15)/300*100%
- Về xếp loại nguy cơ lây nhiễm
Cần làm rõ “được hoạt động” ở đây cụ thể là bao gồm những nội dung gì, được hoạt động ở mức độ nào? “Làm việc ở nhà” có được tính là một dạng hoạt động không hay chỉ đến cơ sở kinh doanh làm việc mới tính là “hoạt động”?
Nếu có tính trường hợp người lao động làm việc ở nhà là một dạng hoạt động của cơ sở sản xuất kinh doanh thì tại sao nhóm “nguy cơ lây nhiễm cao” hoặc “nguy cơ lây nhiễm rất cao” lại không được cho phép người lao động làm việc ở nhà? Nếu không được hoạt động thì tại sao lại có yêu cầu “giãn cách vị trí làm việc”?
Hướng dẫn cũng cần làm rõ sự khác biệt giữa hai mức nguy cơ 51-80% và mức nguy cơ 81-100%.
- Về việc báo cáo kết quả đánh giá
Theo quy định tại Mục 1, Phần III, Dự thảo, người sử dụng lao động sẽ báo cáo kết quả đánh giá theo hướng dẫn này cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Sở Y tế. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định hoạt động báo cáo này sẽ do một đầu mối tiếp nhận (hoặc là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, hoặc là Sở Y tế)
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Hướng dẫn tạm thời đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.