Góp ý của ĐBQH Trịnh Thị Thanh Bình – Bến Tre đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:50 26-12-2012


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin được tham gia ý kiến về dự thảo Hiến pháp sửa đổi về một số vấn đề sau.

Trước hết, đối với quy định về tòa án nhân dân, tôi thấy trong dự thảo đã thể hiện rõ quan điểm khi xây dựng Hiến pháp là thể hiện sự phân công, phân nhiệm trong nhánh quyền lực của bộ máy và cũng thể hiện quan điểm về cải cách tư pháp. Song, để đảm bảo tư tưởng này được thể hiện rõ thì tôi đề nghị đối với Điều 108 ở dự thảo thì cần sắp xếp lại cho lôgic hơn theo trật tự về vị trí bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của tòa án.

Cụ thể, đối với Khoản 1 thì xác định tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để xác định rõ vị trí của tòa án trong việc phân công quyền lực của bộ máy và tòa án nhân dân có chức năng xét xử. Trong Khoản 2 Điều 108 ghi tòa án gồm Tòa án Nhân dân tối cao và các tòa án khác do luật định và đề nghị chuyển Khoản 3 của Đ iều 108 dự thảo tiếp vào Khoản 2 là trong trường hợp đặc biệt Quốc hội có thể quyết định thành lập tòa án đặc biệt. Khoản 3 thì được chuyển từ nội dung của Khoản 2 lên.

Đối với Điều 110, đề nghị thêm vào cuối của Khoản 3 một cụm từ trừ tòa án đặc biệt. Đối với Khoản 3 Điều 110 dự thảo luật là Tòa án Nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của các tòa án khác thì thêm cụm từ này, bởi vì khi Quốc hội đã thành lập Tòa án Đặc biệt thì phải có quy định và để Tòa án này hoạt động theo một cơ chế thủ tục đặc biệt để giải quyết công việc cấp bách hệ trọng của quốc gia trong tình hình đặc biệt. Đề nghị thêm vào cuối Khoản 4 Điều 110 cụm từ và ban hành án lệ. Việc quy định này là thể chế hóa Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về vấn đề phát triển án lệ trong cải cách tư pháp và trên thực tế đảm bảo cho việc giải quyết kịp thời, thống nhất trong hoạt động xét xử các loại án mà thực tiễn là phát sinh tình huống sự kiện mới nhằm bảo vệ quyền dân sự của công dân được triệt để hơn và án lệ cũng là cơ sở để tòa án nhân dân hình thành các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật và là cơ sở để hoàn thiện pháp luật, đặc biệt về tố tụng.

Đối với Điều 111 đề nghị tách Khoản 2 thành 2 khoản trong đó Khoản 2 là quy định đối với thẩm phán, đề nghị được thiết kế như sau: việc bổ nhiệm thẩm phán, nhiệm kỳ thẩm phán và bãi nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân do luật định và tách ra thành Khoản 3 là đối với Hội thẩm nhân dân do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương giới thiệu và Hội đồng nhân dân bầu theo quy định của luật. Nhiệm kỳ của Hội thẩm nhân dân theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân.

Quy định điều này để thể hiện rõ bản chất tòa án của ta là tòa án nhân dân và chế định hội thẩm từ trước đến nay hoạt động theo nguyên tắc có hội thẩm tham gia xét xử nhưng trong Hiến pháp không ghi nhận Hội thẩm nhân dân được tổ chức như thế nào, chính điều này trên thực tế việc quản lý cũng như Hội thẩm nhân dân rất lỏng lẻo, Hội đồng nhân dân bầu ra Hội thẩm nhân dân nhưng suốt nhiệm kỳ trách nhiệm cũng như quản lý theo dõi, vấn đề này phục vụ cho bản chất của tòa án chúng ta trong hoạt động tòa án nhân dân.

Vấn đề thứ hai, về quy định của Viện Kiểm sát nhân dân tại các Điều 113, 114, 115 của dự thảo, tôi thống nhất với ý kiến của đại biểu Lương Văn Thành và đại biểu Vũ Xuân Trường đề nghị thêm thiết kế lại điều, khoản quy định về Viện Kiểm sát để nó logic và thể hiện rõ vị trí bộ máy, chức năng, nhiệm vụ tương đồng với cách trình bày trong các điều khoản quy định về Tòa án nhân dân.

Thứ ba, quy định về kiểm toán nhà nước, chúng tôi thống nhất rất cao về việc đưa thiết chế kiểm toán vào trong Hiến pháp và đây là lần đầu tiên Hiến pháp quy định về một cơ quan mà do Quốc hội lập ra để kiểm toán các vấn đề về tài chính và nguồn lực của đất nước. Cho nên tôi đề nghị phải làm rõ địa vị pháp lý của kiểm toán nhà nước trong đó quy định rõ về vị trí tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của kiểm toán làm sao thể hiện toát lên là kiểm toán là một cơ quan để hoạt động và giúp cho Quốc hội trong việc thực hiện quyền lực về tài chính tiền tệ mà cũng đã được quy định về thẩm quyền của Quốc hội ở Khoản 4, Điều 176 dự thảo thì thể hiện rõ điểm này để thấy được địa vị pháp lý của kiểm toán với điều kiện là một cơ quan mới lần đầu tiên được ghi nhận trong Hiến pháp. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan