Góp ý của ĐBQH Đặng Ngọc Tùng – Đồng Nai đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Thứ Tư 10:49 26-12-2012


Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội,

Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992 đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã xác định mục tiêu định hướng phát triển toàn diện bền vững đất nước trong giai đoạn cách mạng mới. Nhằm xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì vậy, cần phải sửa Hiến pháp năm 1992 để đảm bảo đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do nhân dân và vì nhân dân. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm tốt quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Xây dựng và bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Do đó, tôi tán thành những mục đích, yêu cầu quan điểm và bước đi của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cẩn trọng, chặt chẽ, khoa học và dưới dự lãnh đạo của Đảng.

Cụ thể một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tôi xin có mấy ý kiến như sau.

Về Điều 2, tôi tán thành theo nhóm ý kiến thứ nhất là giữ nguyên Điều 2 của Hiến pháp hiện tại, chỉ thay từ "tầng lớp" bằng từ "đội ngũ" vào Khoản 1 Điều 2 và khoản này được chỉnh như sau: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Về Điều 9 còn có nhiều ý kiến khác nhau. Một số theo phương án một, một số theo phương án hai. Về vấn đề này tôi xin có mấy ý kiến như sau:

Tại Điều 9 ngay tại Khoản 1 đã xác định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Do đó, tôi thấy thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rất đa dạng. Cho nên trong Khoản 2, chúng ta ghi là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận, điều này không sai, nhưng tôi thấy cần phải khẳng định vị trí, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội rất quan trọng, theo đề nghị của các tổ chức này họ muốn lưu tên các tổ chức này vào Khoản 2 điều này. Nhưng theo lý lẽ của Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp là tên của các tổ chức này có thay đổi và các tổ chức này có thể phát triển tăng thêm nữa cho nên ghi vào Khoản 2 Điều 9 là không phù hợp. Nếu lý lẽ như vậy và không đưa tên của các tổ chức chính trị vào thì tôi đề nghị với Khoản 2 có thể viết là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức thành viên khác của mặt trận là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân v.v... Nếu nói như vậy nó sẽ có vị trí của các thành viên các tổ chức chính trị xã hội. Tôi nghĩ nếu tên có thay đổi thì các tổ chức này cũng không thay đổi. Cho nên có thể Điều 9 điều chỉnh lại như vậy thì sẽ khắc phục được tình trạng Ban dự thảo nêu ra.

Điều 10 là điều nói về tổ chức công đoàn. Khi Quốc hội thông qua sửa Luật công đoàn thì Ban soạn thảo đã trình Quốc hội khái niệm tổ chức công đoàn, khái niệm đó được sự đồng tình lớn của tất cả thành viên của tổ chức công đoàn. Nhưng khi đưa ra Quốc hội chúng ta vẫn giữ một khoản của Điều 10 Hiến pháp, tức là công đoàn là tổ chức chính trị xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, chúng ta sửa và thêm là: và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện. Nhưng phần đại diện cho người lao động thì đúng rồi nhưng lại cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Tôi thấy rằng điều này, khoản này cách đây mấy chục năm thời năm 1957, sửa đổi Hiến pháp năm 1980 thì nó phù hợp vì tại thời điểm đó kinh tế của chúng ta hầu như doanh nghiệp quốc doanh và chưa có các thành phần kinh tế tư nhân hay doanh nghiệp FDI v.v... còn bây giờ chúng ta thực hiện đường lối đổi mới, kinh tế của chúng ta phát triển và rất nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau.

Tổ chức công đoàn là người đại diện cho người lao động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Muốn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thì tổ chức công đoàn là phải thương lượng, phải bàn bạc với người sử dụng lao động, tức là chủ các doanh nghiệp tư nhân, chủ các doanh nghiệp FDI. Như vậy, đối tượng thương lượng của tổ chức công đoàn chính là những người lãnh đạo các doanh nghiệp này.

Như vậy, để thương thảo ký các thỏa ước lao động tập thể để bảo vệ cho được quyền lợi của người lao động. Cho nên giữa người sử dụng lao động mà đặc biệt là tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài và tổ chức công đoàn là quyền lợi luôn luôn đối kháng nhau chứ không phải họ chăm sóc cho người lao động, họ bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Đặc biệt là các tổ chức xã hội khác, ví dụ như Hội làm vườn, Hội nuôi chim, Hội cá cảnh, Hội làm thơ, Hội yêu nhạc v.v... những hội này họ đâu bảo vệ quyền lợi của người lao động mà bảo rằng đây là bảo vệ quyền lợi người lao động. Cho nên tôi thấy khoản này nó không phù hợp nữa, nhưng khi sửa Luật Công đoàn chúng ta bảo Hiến pháp đã ghi như thế rồi phải ghi theo.

Bây giờ sửa Hiến pháp cho nên tôi tha thiết kiến nghị với Quốc hội là phải sửa điều này để cho nó phù hợp với thực tế, với xã hội của chúng ta trong giai đoạn hiện tại, nhất là đối tượng của tổ chức công đoàn mà nó phù hợp với thông lệ của tổ chức Công đoàn quốc tế và khuyến cáo của ILO.

Điều 10 tôi xin đề nghị bỏ chỗ "cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội" mà chỉ nói rằng "công đoàn là tổ chức chính trị xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện đại diện cho người lao động, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động v.v..." thì nó phù hợp hơn. Đấy là ý kiến về Điều 10.

Riêng về Điều 55, về cách thể hiện của các thành phần kinh tế ở trong Hiến pháp, tôi tán thành theo nhóm ý kiến thứ nhất và nghĩ rằng các thành phần kinh tế có vai trò quan trọng và lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, là yếu tố luôn vận động, phát triển trong từng giai đoạn phát triển kinh tế và có sự chuyển hóa đan xen lẫn nhau. Do đó, Hiến pháp cần phải tiếp tục khẳng định cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, xác định các thành phần kinh tế, hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế bình đẳng trước pháp luật cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Tôi rất tán thành phương án một.

Riêng về Điều 81, Điều 82 và về Quốc hội Việt Nam, tôi tán thành chúng ta cần phải tiếp tục khẳng định Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quốc hội thực hiện quyền lập Hiến, quyền lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với các hoạt động nhà nước.

Cho nên trong Điều 81, Điều 82, việc bầu các thành viên của Hội đồng dân tộc, các  Ủy ban của Quốc hội, tôi lại tán thành nhóm ý kiến thứ nhất. có nghĩa là Quốc hội chỉ bầu Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội, đồng thời với việc bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Còn các Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc, các Phó chủ nhiệm, ủy viên Hội đồng dân và ủy viên của các ủy ban thì để cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

Tôi thấy thực tế trong phiên họp Quốc hội vừa rồi thật sự ra 500 đại biểu mới nhóm họp về lần đầu, có đồng chí nào biết đồng chí nào đâu. Cụ thể là do Thường vụ chuẩn bị và bầu cho nên chúng tôi thấy tốt nhất là các thành viên của các ủy ban là nên để Thường vụ Quốc hội phê chuẩn thì phù hợp hơn. Chứ còn bầu ra thì chúng tôi thấy nó mang tính hình thức nhiều hơn là biết thật cụ thể trường hợp từng đồng chí một. Xin cám ơn.

Các văn bản liên quan