Góp ý của ĐBQH Bùi Đức Thụ – Lai Châu đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:51 26-12-2012


Kính thưa Đoàn Chủ tịch.

Kính thưa Quốc hội.

Về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tôi xin có ý kiến về một số vấn đề sau:

Vấn đề thứ nhất, về các thành phần kinh tế, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định nền kinh tế gồm có 4 thành phần kinh tế: Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và các hình thức kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Tôi đề nghị xem xét lại thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Bởi vì điểm thứ nhất, điểm cốt lõi tiêu chí quan trọng nhất để phân định các thành phần kinh tế đó là chế độ sở hữu tương ứng với một hình thức sở hữu có một thành phần kinh tế với tiêu chí đó chúng ta có kinh tế nhà nước, chúng ta có kinh tế tập thể và các hình thức kinh tế hợp tác. Chúng ta có kinh tế tư nhân nhưng việc phân định thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không tuân thủ theo nguyên tắc đó mà lại dựa trên phạm vi địa lý không gian giữa trong nước và nước ngoài thì việc phân định này không nhất quán về mặt tiêu chí.

Thứ hai, về bản chất thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đây là kinh tế tư nhân vì vậy việc quy định thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài vô hình chung trùng lặp với thành phần kinh tế tư nhân đã được quy định.

Thứ ba, là hiện tại chính sách của Đảng và nhà nước chúng ta đối với thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được đối xử bình đẳng như các thành phần kinh tế khác. Vì vậy tôi đề nghị không nên quy định thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong Điều 55 của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi.

Vấn đề thứ hai là chế định kiểm toán nhà nước, Kiểm toán nhà nước ra đời tháng 7/1994, lúc đầu trực thuộc Chính phủ, năm 2005 Quốc hội thông qua Luật Kiểm toán nhà nước đã xác định kiểm toán nhà nước là một cơ quan do Quốc hội thành lập có nhiệm vụ kiểm toán, kiểm tra từ bên ngoài đối với việc quản lý sử dụng tài chính công hoạt động độc lập chỉ tuân thủ theo pháp luật. Để thẩm định địa vị pháp lý và có cơ sở để xây dựng sửa đổi Luật Kiểm toán nhà nước tôi nhất trí với Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp là có chế định quy định về những nguyên tắc tổ chức hoạt động chung nhất của kiểm toán nhà nước đặc biệt trong Điều 123, Điều 124.

Tuy nhiên, tôi thấy rằng nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán nhà nước sửa đổi hiện tại là 7 năm, đợt này đề nghị sửa rút xuống còn 5 năm thì cần cân nhắc bởi vì theo thông lệ quốc tế như tuyên bố Lima của các tổ chức kiểm toán quốc tế Intersite đều kiến nghị cần phải đảm bảo tính độc lập trong tổ chức hoạt động kiểm toán để đảm bảo tính khách quan trong việc kiểm tra giám sát việc quản lý sử dụng nguồn lực tài chính công. Một trong những điều đó là quy định nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán dài hơn so với nhiệm kỳ Quốc hội.

Vấn đề thứ ba là thẩm quyền của Quốc hội trong lĩnh vực tài chính ngân sách. Khoản 4 Điều 84 của Hiến pháp năm 1992 quy định thẩm quyền của Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách Trung ương của phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước. Việc thực hiện Khoản 4, Điều 84 của Hiến pháp dẫn đến một tình trạng trùng lắp về thẩm quyền, Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phê chuẩn ngân sách nhà nước trong đó có ngân sách địa phương, việc phân giao chi tiết dự toán ngân sách nhà nước của Chính phủ trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội dẫn đến tình trạng địa phương trên thực tế là hình thức và chỉ là quyết định những vấn đề Quốc hội xem xét quyết định. Trong lần sửa đổi này, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp đề nghị Quốc hội chỉ quyết định dự toán ngân sách Trung ương, phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách Trung ương. Từ quy định đó tôi đề nghị phải xem xét lại vì những lý do sau đây.

Thứ nhất, Quốc hội là cơ quan quyền lực của nhà nước cao nhất, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, lần này sửa đổi điều Quốc hội điều chỉnh thẩm quyền của Quốc hội chỉ quyết định ngân sách Trung ương không quyết định ngân sách địa phương, điều đó có phù hợp với vị trí và vai trò của Quốc hội hay không.

Thứ hai, mô hình ngân sách phụ thuộc vào mô hình tổ chức quản lý nhà nước, mô hình tổ chức quản lý nhà nước của chúng ta đã được hiến định, nhà nước chúng ta là nhà nước đơn nhất, quyền lực nhà nước là thống nhất, có phân công, phân cấp, vì vậy mô hình ngân sách cũng phải tuân thủ theo. Đằng này chúng ta phân cấp độc lập hóa ngân sách cho chính quyền địa phương nghĩa là chúng ta đã tổ chức phân cấp theo mô hình liên bang, tôi cho rằng nó không phù hợp với tổ chức bộ máy nhà nước, để giải quyết vấn đề trùng lặp về thẩm quyền tôi đề nghị tới đây cần ban hành mạnh phân cấp quản lý kinh tế - xã hội rành mạch giữa các cấp của Trung ương, cấp của chính quyền địa phương làm cơ sở căn cứ để phân cấp quản lý ngân sách và động thời điều chỉnh sự phân giao quyết định ngân sách của Quốc hội là không nên quyết định chi tiết để đảm bảo tính chủ động, tính năng động của chính quyền địa phương.

Cuối cùng là phạm vi sửa đổi Hiến pháp lần này, qua trình bày báo cáo trước Quốc hội tôi thấy việc sửa đổi Hiến pháp lần này là sửa đổi hầu hết các chương, điều của Hiến pháp năm 1992. Vì vậy, đây không phải là sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992. Vì vậy, sau khi Quốc hội quyết định, tôi đề nghị lấy tên là Hiến pháp năm 2012 thay thế cho Hiến pháp 1992. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan