Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Đình Nhã – Bà Rịa – Vũng Tàu

Thứ Tư 14:40 27-10-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin phát biểu vào thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đấy là những quy định mới và một số đại biểu cho rằng đây là sáng kiến pháp luật mới và được nâng lên thành luật hay được quy định thành Luật. Tôi thấy vì là thủ tục đặc biệt, cho nên chúng ta cũng phải thảo luận tương đối đặc biệt, nên cân nhắc lợi hại về mặt thực tiễn và kể cả lý luận về tố tụng của Việt Nam nói chung. Tôi thấy xưa nay thì chúng ta thực tế có một số vụ án mà như các đại biểu nói là một số vụ án trong lĩnh vực dân sự và hình sự thì có xảy ra, qua giám sát chỉ có Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số Ủy ban của Quốc hội cho rằng có sai lầm nghiêm trọng, chỉ có những cơ quan này dám nói có sai lầm nghiêm trọng thì bây giờ xử lý như thế nào, xử lý thế nào thì ta đặt ra một thủ tục đặc biệt, tôi thấy nếu chúng ta áp dụng thủ tục đặc biệt này có thể giải quyết được một vài vụ án mà xưa nay chúng ta gọi là có sai lầm nghiêm trọng nhưng tình hình sẽ đến đâu? Như thế chúng ta phá vỡ niềm tin hay sự tín nhiệm của công chúng là xét xử của ta không có điểm dừng và không đáng tin cả Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan thông tuệ pháp luật nhất đất nước này xét xử còn sai lầm. Dẫn đến tình trạng sẽ ùn lại tất cả, thậm chí là những bản án cao nhất vì người ta bảo không tin, người ta còn hy vọng, tiếp tục gửi đơn đề nghị xem lại. Tình trạng quá tải của Tòa án càng quá tải thêm, tại sao anh xem vụ này, không xem vụ kia? Đó là về mặt thực tiễn.

Từ góc độ quan niệm tố tụng hình sự, dân sự và hành chính thấy chúng ta xây dựng trình tự tố tụng này trên cơ sở của Hiến pháp và cũng là tham khảo kinh nghiệm rất rộng rãi của các nước khác, chế độ phong kiến Việt Nam không nghĩ ra trình tự tố tụng như thế này. Các đại biểu cho rằng các nước làm như thế này, các nước cho rằng phải có điểm dừng, điểm dừng đó là giám đốc thẩm hoặc bản án tái thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Giờ ta đặt ra thủ tục này thật ra là phúc thẩm lại bản án giám đốc thẩm hoặc bản án tái thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Nếu bằng hội đồng ấy, bằng những đề nghị của các đồng chí ấy, tức là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì những vi phạm về nguyên tắc, Hội đồng xét xử có thể xét xử 2 lần về một bản án. Có trình tự phúc thẩm lại bản án cuả hội đồng, tức là bản án giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng có thể được phúc thẩm lại. Và bản án tái thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng có thể được phúc thẩm lại. Đây là một điều chúng tôi thấy cần phải suy nghĩ và nó phải phá vỡ cơ cấu.

Một số đại biểu cho rằng tính ổn định của bản án nhưng phá vỡ cơ cấu của tố tụng hình sự mà chúng ta xưa nay đã dày công nghiên cứu và đã xây dựng nên. Như thế thì xử lý bằng cách nào. Tôi cũng rất phân vân, thực tiễn thì đặt ra như thế, bây giờ xử lý bằng cách nào. Tôi xin kiến nghị, chúng ta có thể xây dựng một kiểu khác, tức là nên xây dựng một loại hình khác. Trong trường hợp đặc biệt, có thể xây dựng lại thành một chương về tổ chức và thủ tục tiến hành phiên tòa đặc biệt. Phiên tòa này được tổ chức khi có yêu cầu của những cơ quan có thẩm quyền chứ không phải của Chánh án, cũng không phải của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đấy là Quốc hội, là Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tôi không nói đây là Tòa án đặc biệt, một phiên tòa đặc biệt của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của các Ủy ban khác của Quốc hội khi giám sát thấy bản án A, B, C nào đó có vấn đề thì yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tổ chức một phiên tòa đặc biệt. Phiên tòa ấy gồm những người đã tham gia xét xử ở trong Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không được ngồi lại. Không thể để cho mấy đồng chí đã xét xử rồi, đã quyết định rồi bây giờ lại ngồi lại để xét xử lại, nên triệu tập những thẩm phán khác, thậm chí là thẩm phán của các Tòa án địa phương lên ngồi để xét xử, xem lại vụ án này, coi đây là trình tự hết sức đặc biệt mà năm thì mười họa chứ không phải làm như thế này, làm như thế này khi ban hành luật này ra sẽ rất nhiều đơn từ, rất nhiều ý kiến sẽ cho rằng chúng ta sẽ phá vỡ tố tụng hình sự. Như thế, kể cả bản án giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao, kể cả bản án tái thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng có thể được xem lại, nếu tình hình xảy ra như thế rất là nguy hiểm.

Tôi cũng xin nói thêm về tính khả thi, tôi cũng đề nghị Quốc hội căn cứ vào báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao gửi đến, để đảm bảo tính khả thi cũng nên có nghị quyết đáp ứng yêu cầu của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong báo cáo về con người và nhân lực. Bởi vì chúng ta ban hành luật mà không có điều kiện đảm bảo kèm theo thì tính khả thi của luật sẽ không cao. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan