Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân – Tây Ninh

Thứ Tư 14:39 27-10-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi tán thành cao với việc chúng ta cần thiết phải ban hành Luật tố tụng hành chính. Phải nói rằng đây là một bước tiến lớn trong việc chúng ta xây dựng nhà nước dân chủ và pháp quyền, trong đó mọi người đều có quyền bình đẳng trước pháp luật, người dân có quyền kiện và kiện thắng ông quan ở bất cứ vị trí nào nếu như quan chức đó làm không đúng pháp luật. Tuy nhiên tôi cũng đã đi dự một vài phiên tòa hành chính xem thực sự đang diễn ra như thế nào, phải nói rằng quá khó khăn, chỉ có một vài người dân ngồi dưới ông luật sư, ở giữa phía trên là Hội đồng xét xử, bên trái là Viện kiểm sát, bên phải là đoàn thư ký rồi đến đại diện cơ quan công quyền, người nào cũng uy nghi, đạo mạo, trong khi đó công dân có một nhúm ở dưới này. 3 cơ quan ở trên nói về nguyên tắc là độc lập với nhau cả, nhưng thực tế chỉ độc lập trong lúc xét xử, còn ra ngoài đời thì họ lại quan hệ với nhau rất tốt, cùng một cơ quan, cùng một tỉnh. Cho nên ông Viện kiểm sát, ông Tòa án hay ông cơ quan chính quyền thật ra gần như đứng về một phía. Người dân kiện mà chứng minh được việc mình kiện là đúng và cần phải sửa quyết định hành chính thì quá khó và tỷ lệ thành công trong vụ dân kiện này rất thấp, theo tôi biết là rất thấp. Kể cả có những vụ phần đúng thuộc về người dân đã rõ ràng nhưng tuyên của bản án cũng không dẫn đến một thắng lợi rõ ràng cho người dân. Ví dụ, có trường hợp tuyên bác bỏ một quyết định nhưng sau đó lại ra một quyết định tương tự. Hay phát hiện có những vấn đề bất cập nhưng không đưa vào trong bản án, quyết định bản án là vấn đề đó cần phải sửa đổi, mà lại tách ra một vụ việc khác chẳng hạn. Như vậy làm cho quá trình xét xử kéo dài và quyền lợi của người dân bị vi phạm. Luật này làm sao chúng ta phải khắc phục được những vấn đề đó.

Về những vấn đề cụ thể tôi thấy rằng tiếp lời đại biểu trước cũng có nói chỗ tôi cũng tán thành việc chúng ta phải sửa đổi một số điều của Luật đất đai, Luật khiếu nại, tố cáo nếu như nó trái với luật này. Tuy nhiên, cách chúng ta sửa hiện nay không đúng thông lệ lắm. Ta không dùng luật chuyên ngành này để sửa một số điều của luật chuyên ngành khác như trình bày tại Điều 262. Theo tôi nên viết lại theo đúng quan điểm của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta là những điều được quy định tại điều bao nhiêu đó Luật đất đai, Luật khiếu nại, tố cáo về trình tự, thủ tục, thẩm quyền v.v... mà trái với luật này thì áp dụng theo luật này, như vậy là xong. Chúng ta không cần phải đưa vào Điều 136 Luật đất đai sửa như thế nào, Điều 138 Luật đất đai sửa như thế nào và có thể là sửa cả Luật khiếu nại, tố cáo nếu nói về thời hiệu. Tôi đề nghị chúng ta áp dụng nguyên tắc luật sau phủ định luật trước, luật chuyên ngành phủ định luật chung, ví dụ như vậy, hoặc chúng ta viết một câu cụ thể vào tức là những điều ở trong Luật đất đai, Luật khiếu nại, tố cáo và có thể luật khác nữa mà trái với luật này thì áp dụng theo luật này trong quá trình xét xử. Tôi nghĩ như vậy rõ ràng và đúng theo thông lệ của chúng ta hơn.

Điều 263 về việc chuyển tiếp, ta quy định từ tháng 1 năm 2006 đến nay những cuộc khiếu nại về đất đai có thể khởi kiện ra tòa. Như vậy trước tháng 6 năm 2006 thì như thế nào? Luật đất đai chúng ta có từ năm 1993, năm 2003 v.v... nhiều lần sửa. Tôi không biết ý của Ban soạn thảo vụ trước năm 2006 không được kiện ra tòa, nguyên nhân cụ thể của nó ra sao, cần giải trình thêm.

Về biện pháp khẩn cấp tạm thời, luật này cần tránh vấn đề mà trong Luật dân sự vừa rồi gây khó khăn, chúng ta quy định nguyên đơn thì đương nhiên có quyền yêu cầu biện pháp khẩn cấp tạm thời, yêu cầu tòa bảo vệ quyền lợi của mình, nhưng ta ghi chung là "đương sự" cho nên dẫn đến việc bị đơn cũng có quyền này. Ví dụ 2 người đang tranh chấp mảnh đất thì nguyên đơn yêu cầu giữ nguyên hiện trạng để giao cho mình, bị đơn cũng yêu cầu giữ nguyên hiện trạng và giao cho bị đơn. Như vậy tôi nghĩ nếu bị đơn muốn được có yêu cầu đối với nguyên đơn thì bản thân anh phải trở thành người đứng ra khởi kiện hoặc phản tố để mình yêu cầu tòa bảo vệ quyền lợi của mình, chứ bị đơn lại có yêu cầu biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với nguyên đơn, như thế rất ngược. Ví dụ dân kiện ông quan, ông quan yêu cầu quan tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về phía quy định của mình tôi nghĩ không phải và không tương xứng. Đề nghị xem lại chỗ này, thay chữ "đương sự" bằng "nguyên đơn". Tất nhiên trường hợp bị đơn nếu có phản tố thì trở thành nguyên đơn trong vụ án, điều này hoàn toàn khác.

Tôi đồng ý nếu Tòa án không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời gây thiệt hại cho đương sự, hoặc áp dụng sai đều phải liên đới trách nhiệm bồi thường. Tôi nói liên đới là vì việc gây thiệt hại do một trong hai bên gây ra chứ không phải do tòa gây ra, nhưng đôi khi thiệt hại đó lớn hơn cái ban đầu hoặc nó vượt quá mức bồi thường của một trong hai bên đương sự thì Tòa án phải liên đới trách nhiệm trong việc này.

Cuối cùng, về văn bản hành chính dưới dạng công văn, thông báo v.v.... tôi đồng ý đây không phải là quyết định hành chính nhưng đây là hành vi hành chính và có chứa yếu tố quyết định này, cho nên trong định nghĩa về quyết định hành chính có thể không đưa vào, nhưng chúng ta giải thích rõ những công văn, những thông báo, thậm chí thư tay hoặc nói miệng mà có chứa yếu tố quyết định trong đây và ảnh hưởng tới đương sự thì được xem là hành vi hành chính và cũng bị khởi kiện thì như vậy nó thỏa đáng hơn là chúng ta xem công văn và quyết định hành chính. Thực tế hiện nay thì có rất nhiều người thay vì ra quyết định giải quyết khiếu nại thì ra công văn giải quyết khiếu nại, thay vì ra quyết định bồi thường thì lại ra một công văn hoặc một thông báo bồi thường thế là xong trách nhiệm của mình và người dân kiện công văn, thông báo đấy thì gặp rất nhiều khó khăn bảo đây không phải là quyết định hành chính thì thật ra cũng có thể kiện được, nếu theo luật này là kiện hành vi hành chính là không ban hành quyết định. Nhưng nó cũng rất nhiêu khê, cho nên ta định nghĩa sẵn trong luật rằng kiện thẳng những công văn, thông báo nhưng nó lại chứa ý nghĩa là một quyết định hành chính và người công dân phải thi hành hoặc cơ quan cấp dưới họ thi hành. Xin cám ơn.

Các văn bản liên quan