Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền – Lâm Đồng

Thứ Tư 14:19 27-10-2010

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi cơ bản thống nhất với giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Luật tố tụng hành chính. Đây là một đạo luật được Ban soạn thảo tiếp thu khá nghiêm túc, trước đây có 13 chương, sau khi sửa tăng lên là 17 chương và sửa đổi 101/264 điều. Thực chất của Tòa hành chính là tòa "dân kiện quan", tôi tin rằng nếu đạo luật được thông qua sẽ là cơ hội tốt nhất để người dân tiếp cận công lý. Quốc hội là dân chủ đại diện còn Tòa hành chính là dân chủ trực tiếp, người dân có quyền tranh tụng công khai với quan chức nhà nước. Tuy nhiên có người cho rằng dân làm sao thắng được quan, họ nói chính trị, tiền bạc hay tình cảm đi vào tòa thì công lý cắp cặp ra đi. Khi nói đến hình ảnh của tòa thì cũng như các cơ quan khác nếu bị ai tác động đều có thể bị chi phối, nhưng tôi cho đó là mặt trái của xã hội và tôi tin chắc rằng nếu đạo luật này được thông qua công lý sẽ được thực hiện tại Tòa tốt hơn.

Về những vấn đề cụ thể, chúng tôi xin tham gia phát biểu một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, Điều 161 phát biểu của Kiểm sát viên, tôi cũng đồng tình với đại biểu Hiền - Khánh Hòa. Ở đây nếu Viện kiểm sát tham gia, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, tại phiên họp mà lại không phát biểu quan điểm về nội dung vụ án thì theo tôi nghĩ tốt nhất nên bỏ chức năng của Viện kiểm sát đi. Nếu tham dự chỉ phát biểu trình tự tố tụng từ khi tiến hành đến khi kết thúc vụ án thì Viện kiểm sát không tham gia làm gì. Theo tôi nghĩ Viện kiểm sát tham gia phát biểu chính kiến của mình cũng như đại biểu Quốc hội đi họp mà không phát biểu thì đại biểu làm gì. Cho nên tôi nghĩ Viện kiểm sát tham gia là phải phát biểu quan điểm về vụ án, còn phát biểu nội dung vụ án, kết luận được người khởi kiện đúng hay sai, có thể bác hay không bác hoặc để cho người dân người ta thấy được kiện sai có khi người ta cũng rút, hoặc nếu cơ quan Nhà nước thấy mình sai mình có thể xin rút, mình chấp nhận vấn đề đó. Tôi nghĩ rằng Điều 161 tôi đồng tình với đại biểu Hiền - Khánh Hòa, tức là Viện kiểm sát phải tham gia phát biểu cả phần nội dung.

Phần thứ hai, về xem xét quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, việc này chắc trong thực tiễn chưa có, tôi nghĩ nhà làm luật này chắc là các anh dự định sau này để sẽ sửa Luật tố tụng dân sự hoặc Luật tố tụng hình sự. Bởi trong thực tiễn đã có những vấn đề trong lĩnh vực dân sự, hình sự mặc dù Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã giải quyết nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát thấy vẫn sai, nhưng không có cơ chế giải quyết. Thực tế án hành chính chưa có bao giờ có việc này, án hành chính chưa thấy việc này. Nhưng trong tiễn tôi nghĩ để làm cơ sở, nếu Quốc hội thông qua được điều này thì chắc chắn tố tụng dân sự và tố tụng hình sự sẽ được sửa. Bởi vì trong lĩnh vực hình sự, dân sự có xảy ra một số trường hợp mặc dù Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm nhưng Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao vẫn bác, Chánh án Tòa án tối cao kháng nghị thì Hội đồng thẩm phán tối cao vẫn bác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát thấy sai nhưng không có cơ chế sửa chữa. Tôi nghĩ quyết định về giám đốc thẩm và tái thẩm để xử lại những vấn đề của Tòa án tối cao là dự liệu nếu thông qua được, chắc chắn sẽ sửa trong tố tụng dân sự và tố tụng hình sự. Vấn đề này chúng tôi đề nghị cân nhắc thật kỹ, tôi đi một số nước hỏi người ta, thực ra người ta có cơ chế sửa khác, khi Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định là quyết định cuối cùng, không ai sửa nữa. Nếu chúng ta có cơ chế này chắc chắn trong tố tụng dân sự và tố tụng hình sự sẽ phải sửa vì thực tiễn có một số vấn đề sai. Nhưng tôi cho cũng cần thiết vì có một vấn đề trong lĩnh vực hình sự, dân sự có sai nhưng xem xét một cách thận trọng, tránh những vấn đề xáo trộn bản án vì thực tiễn còn một số vụ án sai, giờ sửa lại cũng phải cân nhắc thật kỹ vấn đề này.

Thứ ba, Điều 244 quản lý Nhà nước về thi hành án, trong này có quy định cơ quan thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, tôi cho rằng trong Luật thi hành án dân sự trước đây chức năng của tổ chức bộ máy, nếu thông qua tổ chức bộ máy ở Luật thi hành án dân sự chắc Quốc hội không thông qua, sau đó Bộ Tư pháp sửa tổ chức bộ máy do Chính phủ quyết định. Chính vì vậy sau khi Luật thi hành án thông qua, Chính phủ đã ban hành Tổng cục thi hành án. Đây là một trong điều các nhà làm luật cũng rất khéo nhưng nếu qua Quốc hội sẽ rất khó thông qua. Tôi muốn nói chỗ này đã sửa như thế thì đề nghị sửa là Tổng cục thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp giúp Bộ trưởng quản lý thi hành án về hành chính, chứ các đồng chí ghi mấy câu là cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp thì nó cũng rất dài mà nó cũng không đúng. Còn bây giờ chúng ta đã có Tổng cục thi hành án thì nói thẳng sửa chỗ này là Tổng cục thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp giúp Bộ trưởng quản lý thi hành án hành chính và tôi cho rằng trước đây Bộ Tư pháp cũng không muốn nhận cái này, nhưng theo tôi thi hành án hành chính cũng cần thiết, cho nên phải giao cho cơ quan dân sự làm.

Điều 264 là Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao trong phạm vi, quyền hạn của mình quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được quy định trong luật này và hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, vấn đề này mấy năm gần đây một số các đạo luật của chúng ta đều ghi câu này. Tôi cho rằng Quốc hội quá dễ, chứ không thể nào bây giờ Quốc hội chỉ cho phép anh hướng dẫn những điều nào mà Quốc hội quy định, cho phép hướng dẫn những điều khác để cho phù hợp với thực tiễn, người dân người ta chỉ biết cái gì được làm và không được làm, đã quy định rồi mà cái này chỉ có Quốc hội mới có quyền làm, nhưng lại ủy quyền cho các cơ quan khác là cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp lại hướng dẫn theo những điều khác. Tôi cho rằng hoàn toàn không đúng, tôi tiếp tục đấu tranh vấn đề này đến cùng, bởi vì rất nhiều luật bây giờ chúng ta ban hành đều cho phép Chính phủ hướng dẫn hoặc những cơ quan hướng dẫn để cho phù hợp với thực tiễn. Như thế nào là thực tiễn, luật phải quy định rõ, công dân được làm cái gì và không được làm cái gì, luật không quy định người ta đã làm cái đó, giờ anh lại hướng dẫn làm cái khác thì người ta phạm tội à. Cho nên, tôi cho rằng hướng dẫn này, quy định như thế này là không đúng.

Điều 263, về quy định chuyển tiếp, tôi cho rằng thời hạn có hiệu lực hồi tố từ này 01/06/2006 thì rất gay, công việc này rất nhiều, tôi biết là trong thực tiễn hiện nay những vụ án khiếu kiện về hành chính từ 01/06/2006. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan