Góp ý của Đại biểu Quốc hội Mã Điền Cư – Quảng Ngãi

Thứ Tư 14:20 27-10-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tại Kỳ họp thứ 7 đại biểu Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến vào dự án Luật tố tụng hành chính. Nghiên cứu Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật tôi cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu rất nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội. Tôi xin tham gia phát biểu một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tập trung ở một số vấn đề như sau:

Vấn đề thứ nhất, về khởi kiện vụ án hành chính. Vấn đề này qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 cũng có hai loại ý kiến khác nhau. Tôi tán thành với quan điểm cho rằng tổ chức và cá nhân không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có thể khởi kiện vụ án hành chính, không đặt ra yêu cầu về việc cá nhân, tổ chức đó phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu. Tôi cho rằng quy định như vậy sẽ đáp ứng được yêu cầu mở rộng quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân được tự do lựa chọn cách thức giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, mở rộng dân chủ trong xã hội và sẽ giảm bớt áp lực cho các cơ quan hành chính Nhà nước. Tôi cho rằng đây là nội dung rất quan trọng được coi là bước đổi mới căn bản về điều kiện cơ chế giải quyết khiếu kiện hành chính ở nước ta hiện nay theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Nếu dự án luật quy định trước khi khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án phải qua thủ tục khiếu nại như Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành quy định thì sẽ không đổi mới được cơ chế giải quyết khiếu kiện hiện nay và tình hình giải quyết khiếu kiện sẽ không có sự chuyển biến căn bản, vì chúng ta biết rằng các khiếu kiện hành chính luôn phát sinh từ các lĩnh vực chuyên môn nhất định thuộc chức năng quản lý hành chính.

Vấn đề thứ hai, về phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Về vấn đề này theo tôi Kiểm sát viên tham gia phiên tòa tuy có quyền phát biểu ý kiến nhưng theo tôi chỉ trình bày quan điểm của mình về việc tuân theo pháp luật của các bên tham gia tố tụng và không phát biểu quan điểm về nội dung giải quyết vụ án hành chính, vì Viện kiểm sát còn có quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án. Hơn nữa, quy định như vậy nó bảo đảm tính độc lập của Viện kiểm sát nhân dân. Do đó, tôi tán thành với quy định tại Điều 161 của dự thảo luật này.

Vấn đề thứ ba, về quản lý nhà nước về thi hành án hành chính. Theo quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án. Thủ trưởng cơ quan nhà nước cấp trên theo dõi, giám sát việc thi hành án. Trong thực tế có những quyết định hành chính của cơ quan cấp dưới bị kiện, cơ quan cấp trên không biết, cũng như không biết cơ quan cấp dưới phải thi hành án. Pháp lệnh không quy định Tòa án phải gửi bản án hành chính có hiệu lực thi hành cho cơ quan nhà nước cấp trên trực tiếp của cơ quan ban hành quyết định để theo dõi, giám sát việc thi hành án hành chính.

Về mặt tổ chức, trong cơ cấu tổ chức của các cơ quan hành chính cấp huyện và cấp tỉnh thì hiện nay không có bộ máy chuyên trách. Do đó việc theo dõi tổng hợp tình hình sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, đánh giá hiệu quả thi hành án hành chính còn nhiều hạn chế. Việc kiểm tra, đôn đốc thi hành án không được thực hiện, hơn nữa theo tôi do thiếu một cơ chế, mô hình quản lý hiệu quả nên kết quả thi hành án hành chính thấp, việc thi hành án không nghiêm và không kịp thời.

Từ phân tích trên đây, tôi đồng ý với quan điểm cho rằng, trong bối cảnh hiện nay nên qui định giao cho Bộ tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về thi hành án hành chính và giao cho cơ quan về thi hành án cấp trên giúp Bộ trưởng Bộ tư pháp thực hiện.

Vấn đề thứ tư, về cơ chế kiến nghị, xem xét lại quyết định Giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, theo tôi nhận thấy các qui định của pháp luật hiện hành thì Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất theo thủ tục Giám đốc thẩm, tái thẩm và pháp luật cũng chưa qui định việc xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Như vậy có nghĩa là theo qui định của pháp luật hiện hành thì không ai có quyền kháng nghị quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên thực hiện công tác Giám đốc thẩm của ngành Tòa án trong thời gian vừa qua cho thấy cả về lĩnh vực hình sự và dân sự trong trường hợp quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có sai lầm nghiêm trọng, nhưng không có cơ chế giải quyết lại, do đó đương sự và dư luận xã hội rất bức xúc, khiếu nại gay gắt, kéo dài và thậm chí xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân tổ chức, tôi cho rằng đó là điều không hợp lý nó ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của nhân dân đối với Tòa án. Về vấn đề này, trong quá trình thảo luận góp ý kiến đối với dự án Luật tố tụng hành chính có những quan điểm khác nhau, trong đó có nhiều ý kiến cho rằng không nên quy định việc cho phép kháng nghị giám đốc thẩm đối với quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, cho dù quyết định đó có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Tuy nhiên, theo tôi qua phân tích thực trạng trên đây, tôi đề nghị trong dự án luật này cần quy định cơ chế đặc biệt để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với các quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi phát hiện có sai lầm nghiêm trọng. Vì vậy tôi tán thành với ý kiến tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội để khắc phục những vướng mắc nêu trên. Luật cần quy định một thủ tục đặc biệt để Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được tự mình xem xét lại quyết định giám đốc thẩm có sai lầm nghiêm trọng được quy định tại các điều 228, 229, 237 và 238 của dự án luật này. Xin hết.

Các văn bản liên quan