VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi các Thông tư về thủ tục hải quan

Thứ Hai 17:08 09-11-2020

Kính gửi:  Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 4305/TCHQ-GSQL ngày 26/06/2020 của Tổng cục Hải quan về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:

  1. Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp mua hàng từ Việt Nam nhưng được chỉ định nhận hàng từ nước ngoài

Điều 1.7 Dự thảo (sửa đổi Điều 16.2 Thông tư 38/2015/TT-BTC) quy định trường hợp chủ hàng mua hàng từ người bán tại Việt Nam nhưng được người bán chỉ định nhận hàng từ nước ngoài, cơ quan hải quan chấp nhận hóa đơn do người bán tại Việt Nam phát hành cho chủ hàng (hóa đơn bán hàng). Quy định này cần xem xét ở các điểm sau:

Thứ nhất, không rõ doanh nghiệp có thể nộp hóa đơn thương mại hoặc chứng từ thương mại có giá trị tương đương để làm hồ sơ hải quan như trường hợp nhập khẩu thông thường được không?

Thứ hai, trong trường hợp doanh nghiệp nộp hóa đơn bán hàng, việc tính thuế giá trị gia tăng với trường hợp này sẽ được thực hiện như thế nào? Lý do là vì theo điều 1.2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật thuế giá trị giá tăng 2008, trường hợp này cả người bán và người mua đều là đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng (người bán là tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa chịu thuế còn người mua là người nhập khẩu hàng hóa chịu thuế). Khi đó, nếu người mua tính thuế giá trị gia tăng trên tờ khai nhập khẩu thì người bán sẽ gặp khó khăn khi kê khai khoản thuế giá trị gia tăng trên hóa đơn do người bán phát hành.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ những nội dung trên.

  1. Việc kê khai chi tiết máy móc, thiết bị trong trường hợp nhập khẩu tổ hợp dây chuyền, máy móc phục vụ sản xuất

Điều 1.9 Dự thảo (sửa đổi Điều 18.1.a Thông tư 38/2015/TT-BTC) quy định trường hợp nhập khẩu hàng hóa miễn thuế là máy móc, thiết bị theo tổ hợp, dây chuyền phải nhập khẩu làm nhiều chuyến để lắp ráp thành tổ hợp, dây chuyền hoàn chỉnh không thể thực hiện trừ lùi theo số lượng hàng hóa tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, người nộp thuế kê khai chi tiết hàng hóa trên tờ khai hải quan. Quy định này nhiều doanh nghiệp đánh giá là chưa minh bạch vì không rõ doanh nghiệp phải kê khai chi tiết đến mức độ nào!? Thực tế, một tổ hợp máy móc hoặc dây chuyền sản xuất có thể được chia làm nhiều chi tiết nhỏ do đặc thù vận chuyển như bu long, đai ốc, ống nối, dây điện,…Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn nếu phải xác định chi tiết như vậy vì khi ký kết hợp đồng, doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc bàn giao đầy đủ máy móc để có thể vận hành được chứ không kiểm đếm từng chi tiết nhỏ như vậy. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng nội dung kê khai chi tiết chỉ bao gồm các máy móc trong tổ hợp, dây chuyền, không kê khai chi tiết đến từng linh kiện tháo rời.

  1. Khai báo thay đổi mục đích sử dụng với nguyên vật liệu đóng gói của doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư bán vào nội địa

Điều 1.12 Dự thảo (bổ sung Điều 21.2.g Thông tư 38/2015/TT-BTC) quy định nếu doanh nghiệp bán các mặt hàng là vật liệu đóng gói, pallet, thùng carton… vào nội địa thì phải kê khai nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường trước khi bán vào nội địa. Tuy nhiên, quy định này theo các doanh nghiệp đánh giá là chưa hợp lý. Vật liệu đóng gói, pallet, thùng carton không phải là những mặt hàng doanh nghiệp nhập khẩu mà chỉ là những phụ phẩm đi cùng. Nếu không thể tận dụng, doanh nghiệp chỉ có thể xử lý theo 02 cách: (i) thải loại dưới dạng rác thải hoặc (ii) bán vào nội địa dưới dạng phế liệu. Theo phản ánh của doanh nghiệp, nếu phải thực hiện kê khai thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường trước khi bán vào nội địa, giá bán của các mặt hàng này sẽ có thể tăng cao đến mức không thể bán được. Khi đó, những mặt hàng này sẽ thành rác thải, và là rác thải trên lãnh thổ Việt Nam (khu phi thuế quan, khu công nghiệp cũng là đất của Việt Nam). Việc này không phù hợp với nguyên tắc “sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm thải chất thải” được quy định tại Điều 4.3 Luật Bảo vệ môi trường 2014. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

  1. Quy định về kiểm tra tên hàng

Điều 1.14 Dự thảo (sửa đổi Điều 24 Thông tư 38/2015/TT-BTC) bổ sung thêm nội dung kiểm tra khi kiểm tra thực tế là kiểm tra về tên hàng. Tuy nhiên, quy định này là không cần thiết vì nội dung này là một nội dung kiểm tra về mô tả hàng hóa (Mẫu số 01, 02 Phụ lục II Thông tư 39/2018/TT-BTC đã quy định mô tả hàng hóa gồm có tên hàng (chỉ tiêu 1.78 Mẫu 01 và chỉ tiêu 2.69 Mẫu 02). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định trên.

  1. Trường hợp được lựa chọn làm hoặc không làm thủ tục hải quan của doanh nghiệp chế xuất

Điều 1.48 Dự thảo (sửa đổi Điều 74 Thông tư 38/2015/TT-BTC) quy định doanh nghiệp chế xuất và đối tác của doanh nghiệp chế xuất được lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục hải quan với trường hợp hàng hóa đưa vào, đưa ra để bảo hành, sửa chữa hoặc thực hiện một số công đoạn trong hoạt động sản xuất như: kiểm tra, phân loại, đóng gói, đóng gói lại. Tuy nhiên, không rõ quy định này chỉ áp dụng cho (i) trường hợp hàng hóa do đối tác của doanh nghiệp chế xuất mang từ nội địa vào phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp chế xuất sau đó đưa ra khi kết thúc công việc hay bao gồm cả (ii) trường hợp hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất xuất cho doanh nghiệp đối tác sau đó nhập lại. Do vậy, để tạo thuận lợi trong quá trình áp dụng, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ nội dung này.

  1. Trách nhiệm của người xuất khẩu tại chỗ

Điều 1.58 Dự thảo (sửa đổi Điều 86.5.a.4; 86.5.a.5 Thông tư 38/2015/TT-BTC) quy định người xuất khẩu có nghĩa vụ thông báo cho cơ quan hải quan về thông tin tờ khai nhập khẩu tại chỗ đã thông quan hoặc giải phóng hàng hoặc đưa hàng về bảo quản. Tuy nhiên, quy định này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp vì người xuất khẩu sẽ phải phụ thuộc vào thông tin từ người nhập khẩu, và doanh nghiệp sẽ rất khó có thể biết được thông tin này nếu người nhập khẩu không hợp tác. Ngoài ra, quy định này sẽ gây thêm nghĩa vụ không cần thiết cho doanh nghiệp vì trách nhiệm theo dõi quá trình nhập khẩu là trách nhiệm của cơ quan hải quan, không phải của doanh nghiệp xuất khẩu. Do vậy, đề nghị cơ quan hải quan bỏ quy định này.

  1. Địa điểm kiểm tra hàng hóa tại chân công trình hoặc cơ sở sản xuất, nhà máy

Điều 1.61 Dự thảo (sửa đổi Điều 102 Thông tư 38/2015/TT-BTC) quy định địa điểm kiểm tra hàng hóa ở cơ sở sản xuất, nhà máy là nơi tập kết hàng để xây dựng nhà máy, công trình, cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, quy định này cần phải xem xét ở các điểm sau:

Thứ nhất, quy định này không phù hợp với Điều 22.2.d Luật Hải quan vì Luật Hải quan không giới hạn điểm kiểm tra ở cơ sở sản xuất, nhà máy chỉ để xây dựng nhà máy, công trình, cơ sở sản xuất;

Thứ hai, quy định này có thể khiến các doanh nghiệp tốn nhiều chi phí và thời gian đưa hàng tới các điểm tập kết khác như trụ sở chi cục hải quan, địa điểm kiểm tra tập trung…Đồng thời, việc này cũng gây ra quan ngại về công suất đáp ứng của các địa điểm này khi nhiều doanh nghiệp tập kết hàng hóa cùng lúc.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

  1. Nội dung khai báo về mô tả hàng hóa

Điều 1.79.c Dự thảo (sửa đổi tiêu chí 1.78 mẫu 1 Phụ lục I) quy định đối với hàng hóa không có nhãn hiệu hoặc nhãn hiệu khác (thể hiện bằng tiếng Trung Quốc, tiếng Thái…), người khai phải khai thêm “tên, địa chỉ, nhà sản xuất”. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là chưa phù hợp vì không phải lúc nào người khai cũng có thể biết được người sản xuất mặt hàng đó. Chẳng hạn, người nhập khẩu mua hàng hóa thông qua một doanh nghiệp kinh doanh, và vì nhiều lý do (như để người nhập khẩu không mua trực tiếp từ người sản xuất), doanh nghiệp kinh doanh đó sẽ không cung cấp thông tin này cho doanh nghiệp nhập khẩu. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định xử lý trường hợp này.

  1. Một số góp ý khác

a. Thời điểm tập kết hàng hóa xuất khẩu

Điều 18.8.a Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định việc nộp tờ khai hải quan xuất khẩu chỉ thực hiện sau khi đã tập kết hàng hóa tại địa điểm do người khai hải quan thông báo. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, quy định này cần phải xem xét ở các điểm sau:

Thứ nhất, quy định này gây khó khăn cho các doanh nghiệp không ở gần các địa điểm kiểm tra tập trung hoặc không được công nhận địa điểm kiểm tra tại cơ sở sản xuất, chân công trình. Các doanh nghiệp này phải khai địa điểm kiểm tra là trụ sở chi cục hải quan. Trong khi đó, trụ sở chi cục hải quan nhiều nơi không phù hợp để thực hiện tập kết hàng hóa của doanh nghiệp do hoặc đặt tại vị trí trung tâm thành phố nên xe chở hàng không thể ra vào được hoặc chi cục hải quan không có kho bãi, địa điểm kiểm tra nên không thể tiếp nhận lượng lớn hàng hóa do doanh nghiệp chuyển đến;

Thứ hai, quy định này gây lãng phí về chi phí vận chuyển và thời gian do không phải lô hàng nào cũng cần phải kiểm tra thực tế nếu tờ khai luồng vàng hoặc luồng xanh. Khi đó, doanh nghiệp lại phải chở hàng từ chi cục hải quan đến cửa khẩu xuất hoặc khu phi thuế quan.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định trên.

b. Trách nhiệm kê khai của người vận chuyển hàng quá cảnh

Điều 1.29 Thông tư 39/2018/TT-BTC (sửa đổi Điều 51 Thông tư 38/2015/TT-BTC) quy định người vận chuyển hàng quá cảnh sẽ bị xử phạt hành chính nếu khai sai các thông tin trong bản kê chi tiết hàng hóa (Điều 51.1.d.1). Tuy nhiên, quy định này cần được xem xét vì những lý do sau:

Thứ nhất, quy định này gây khó khăn cho doanh nghiệp vì doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa quá cảnh không thể biết được chính xác chi tiết số lượng hàng hóa để thực hiện kê khai, cụ thể:

  • Doanh nghiệp vận chuyển hàng quá cảnh chỉ thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, và có trách nhiệm giữ nguyên trạng hàng hóa, đảm bảo niêm phong (Điều 1.19 Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi Điều 43 Nghị định 08/2015/NĐ-CP). Khi đó, doanh nghiệp sẽ không thể thực hiện việc xem xét, kiểm đếm hàng hóa để xác định chính xác số lượng hàng hóa;
  • Thông tin hàng hóa mà doanh nghiệp kê khai phụ thuộc vào đối tác: trong hợp đồng vận chuyển, các doanh nghiệp vận chuyển thường yêu cầu đối tác cung cấp các thông tin cần thiết về hàng hóa (đây cũng là một trong những nghĩa vụ của chủ hàng được quy định tại Điều 253 Luật Thương mại 2005), và doanh nghiệp vận chuyển sẽ kê khai bản kê dựa vào thông tin mà đối tác cung cấp;

Điều này dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp quá cảnh bị cơ quan hải quan phạt vì khi kiểm tra phát hiện hàng hóa thực tế bị thừa/ thiếu so với bản kê khai, dù việc này là rất dễ xảy ra (thừa/ thiếu một số chi tiết nhỏ), đặc biệt với lô quá cảnh là hàng hóa được gom từ nhiều đầu mối, cơ sở sản xuất.

Thứ hai, quy định này chưa thực sự phù hợp vì hàng hóa quá cảnh là loại mặt hàng không chịu thuế (Điều 2.4.a Luật Thuế xuất nhập khẩu 2016), không tiêu thụ nội địa và được giám sát nghiêm ngặt (thông qua niêm phong hải quan hoặc niêm phong của hãng vận chuyển hoặc các phương thức khác – Điều 1.19 Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi Điều 43.7.a Nghị định 08/2015/NĐ-CP). Khi đó, việc kê khai bản kê hàng hóa chỉ có ý nghĩa thống kê, chứ không liên quan đến nghĩa vụ ngân sách hay các yêu cầu quản lý khác.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định về xử phạt vi phạm hành chính với hành vi kê khai sai các thông tin trong bản kê chi tiết hàng hóa.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.