VCCI_Góp ý Dự thảo Đề án tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình
Kính gửi: Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử
Bộ Thông tin và Truyền thông
Trả lời Công văn số 3628/BTTTT-PTTH&TTĐT ngày 21/9/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc lấy ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình (sau đây gọi tắt là các Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Phân loại dịch vụ
Điều 4.1.đ của Dự thảo Nghị định quy định về dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet là loại hình dịch vụ phát thanh, truyền hình sử dụng kết nối mạng Internet thông qua các địa chỉ tên miền của trang thông tin điện tử hoặc địa chỉ Internet xác định do Việt Nam quản lý, gồm cả ứng dụng Internet. Như vậy, hình thức cung cấp các nội dung số như âm thanh, video trên môi trường internet sẽ được phân loại là một dạng của dịch vụ phát thanh, truyền hình. Cách phân loại này không phù hợp với phân loại của Luật Đầu tư, của hệ thống phân loại dịch vụ CPC của Liên Hợp quốc và các cam kết của Việt Nam trong WTO. Loại hình dịch vụ cung cấp nội dung âm thanh, video trên mạng internet nên được phân loại vào hình thức dịch vụ nội dung thông tin trên mạng internet theo Luật Đầu tư hoặc dịch vụ nội dung trực tuyến (online content) theo hệ thống CPC của Liên Hợp quốc. Vấn đề này đã được trình bày rất kỹ tại Công văn số 2962/PTM-PC ngày 21 tháng 12 năm 2018 của VCCI gửi đến Quý Cơ quan. Đề nghị Quý Cơ quan nghiên cứu, xem xét.
Lưu ý, các góp ý tiếp theo không ảnh hưởng đến góp ý tại mục 1 về phân loại dịch vụ của Công văn này.
- Về điều kiện cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền
Điều 12 của Dự thảo mở rộng phạm vi giấy phép dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, dự kiến sẽ áp dụng cho cả các dịch vụ nội dung số cung cấp qua internet, với một số thay đổi tại Điều 12.2.c về đề án cung cấp dịch vụ. Trên thực tế, hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số trên môi trường internet có nhiều đặc điểm rất khác so với một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình, thể hiện ở một số vấn đề như sau:
- Thứ nhất, về hạ tầng truyền dẫn, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền thường phải xây dựng hoặc thuê hạ tầng truyền dẫn với chi phí rất tốn kém như cáp, vệ tinh, cột sóng. Trong khi đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số lại cần đầu tư về máy chủ và đường truyền internet.
- Thứ hai, do khác nhau về hạ tầng truyền dẫn nên nguy cơ mất an toàn thông tin của hai hình thức khác nhau. Đối với trường hợp dùng hạ tầng internet công cộng thì nguy cơ mất an toàn thông tin cao hơn so với hạ tầng riêng.
- Thứ ba, khác với dịch vụ truyền hình trả tiền, hiện không có quy hoạch nào của Nhà nước liên quan đến dịch vụ nội dung trên internet, và việc lập các quy hoạch như vậy cũng là không cần thiết, không khả thi.
- Thứ tư, về mặt nội dung, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền thường cung cấp dưới dạng kênh, thường sẽ phải trả chi phí mua kênh cho các nhà sản xuất với chi phí cao, hợp đồng dài hạn. Trong khi đó, các doanh nghiệp cung cấp nội dung số có thể mua nội dung theo từng chương trình, nên linh hoạt hơn rất nhiều.
- Thứ năm, do sự linh hoạt về việc mua nội dung, không nhất thiết phải mua chương trình do các đài truyền hình sản xuất, nên trách nhiệm biên tập, loại bỏ nội dung xấu độc tại các doanh nghiệp
- Thứ sáu, do chi phí đầu tư hạ tầng ban đầu thấp và chi phí mua nội dung linh hoạt, nên dịch vụ nội dung số trên internet có rào cản gia nhập thị trường tự nhiên rất thấp, một cá nhân cũng có thể tự thuê máy chủ, băng thông, tên miền và bắt đầu có thể tải nội dung để cung cấp dịch vụ. Điều này rất khác với các doanh nghiệp truyền hình trả tiền thường phải đầu tư với quy mô vừa và lớn.
Với các đặc điểm đó, việc áp dụng các quy định về điều kiện kinh doanh của dịch vụ phát thanh, truyền hình để áp cho các doanh nghiệp dịch vụ nội dung số sẽ gây ra rất nhiều điểm không phù hợp. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc đưa ra những quy định riêng phù hợp với loại hình dịch vụ này, có thể nghiên cứu một số đề xuất sau:
- Miễn cấp phép cho các website, ứng dụng có lượng truy cập nhỏ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam (tương tự như cơ chế áp dụng cho các mạng xã hội, trang thông tin điện tử đang được đề xuất tại Nghị định sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP về internet)
- Các yêu cầu về điều kiện cấp phép đối với dịch vụ nội dung số tập trung vào việc thuyết minh cơ chế quản trị, biên tập, biên dịch nội dung và bảo đảm an toàn thông tin mạng.
- Không quy định điều kiện về phù hợp với quy hoạch, có dự báo phân tích thị trường, kế hoạch kinh doanh, giá cước, phương tiện thanh toán, dự toán chi phí đầu tư, chi phí hoạt động…
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.