VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định về kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện và Dự thảo Thông tư ban hành Danh mục thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện bắt buộc kiểm định

Thứ Ba 10:31 04-02-2020

Kính gửi: Cục Viễn thông

Trả lời Công văn số 44551/CVT-TTĐL của Cục Viễn thông về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định về kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện và Dự thảo Thông tư ban hành Danh mục thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện bắt buộc kiểm định, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Dự thảo Thông tư quy định về kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện (sau đây gọi tắt là Dự thảo 1)
  2. Về tổ chức kiểm định (Điều 4)

Theo quy định tại Điều 4 Dự thảo 1 thì tổ chức kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện là “đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động dịch vụ kỹ thuật thuộc cơ quan quản lý nhà nước, đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định theo quy định của pháp luật, được Bộ Thông tin và Truyền thông giao nhiệm vụ thực hiện công tác kiểm định”. Quy định này cần được xem xét ở điểm sau:

Theo quy định tại Nghị định 105/2016/NĐ-CP[1] thì “kiểm định” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các doanh nghiệp đáp ứng điều kiện kinh doanh và được cấp phép, chỉ định có thể cung cấp dịch vụ kiểm định. Như vậy, hoạt động “kiểm định” đã được xem là một ngành nghề kinh doanh, các doanh nghiệp nếu đáp ứng đủ điều kiện sẽ được phép tham gia. Hơn nữa, đây cũng không phải là dịch vụ do Nhà nước độc quyền thực hiện theo quy định tại Nghị định 94/2017/NĐ-CP[2]. Việc Dự thảo 1 chỉ giới hạn đối tượng được phép kiểm định là “đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động dịch vụ kỹ thuật thuộc cơ quan quản lý nhà nước” dường như chưa thực sự phù hợp với Nghị định 105/2016/NĐ-CP, Nghị định 94/2017/NĐ-CP.

Để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định tại Điều 4 theo hướng các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh trong hoạt động kiểm định và được cơ quan nhà nước chỉ định sẽ là tổ chức kiểm định.

  1. Về thủ tục thẩm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định (Điều 9)

Dự thảo 1 đang thiết kế quy trình thẩm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định như một dạng thủ tục hành chính. Điều này dường như chưa phù hợp, vì xét bản chất kiểm định là một dạng hoạt động cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp, được thực hiện dựa trên cơ sở hợp đồng. Quá trình yêu cầu kiểm định và thời hạn cấp Giấy chứng nhận kiểm định như thế nào dựa trên thỏa thuận của các bên.

Với mục tiêu quản lý, Nhà nước chỉ nên kiểm soát về quy trình kiểm định (như một dạng quy chuẩn kỹ thuật của quá trình kiểm định) để đảm bảo kết quả kiểm định là chính xác, còn quá trình hai bên khách hàng, doanh nghiệp tiếp xúc và xác lập giao dịch, không cần thiết phải quy định. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại Điều 9.

  1. Về phí thẩm định (Điều 13)

Khoản 2 Điều 13 Dự thảo 1 quy định “phí thẩm định đối với thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện thuộc “Danh mục thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện bắt buộc kiểm định” thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính”.

Phí kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện không thuộc Danh mục phí, lệ phí quy định tại Luật phí và lệ phí, vì vậy quy định này tại Dự thảo 1 là chưa phù hợp, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 2 Điều 13.

  1. Về trách nhiệm của các tổ chức kiểm định (Điều 15)

Khoản 6, 7 Điều 15 Dự thảo 1 quy định tổ chức kiểm định có trách nhiệm:

  • Hàng tháng tổng hợp, báo cáo Cục Viễn thông tình hình triển khai công tác kiểm định
  • Báo cáo các nội dung có liên quan đến công tác kiểm định theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền

Việc yêu cầu tổ chức kiểm định phải báo cáo hàng tháng và báo cáo khi có yêu cầu sẽ tạo gánh nặng về thủ tục hành chính, gây khó khăn trong quá trình hoạt động. Để đảm bảo tinh thần tinh giản thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định trên theo hướng:

  • Báo cáo theo tần suất 06 tháng/lần
  • Quy định rõ các trường hợp cơ quan có thẩm quyền yêu cầu phải báo cáo

Và các báo cáo này được thực hiện bằng phương thức điện tử.

  1. Dự thảo Thông tư ban hành Danh mục thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện bắt buộc kiểm định (sau đây gọi tắt là Dự thảo 2)

VCCI đã tiến hành lấy ý kiến rộng rãi doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động của Dự thảo 2 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi. VCCI sẽ tiếp tục gửi ý kiến góp ý của doanh nghiệp (nếu có).

Trên đây là một số ý kiến tổng hợp ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định về kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện và Dự thảo Thông tư ban hành Danh mục thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện bắt buộc kiểm định. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

[1] Nghị định 105/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường

[2] Nghị định 94/2017/NĐ-CP ngày 10/8/2017 của Chính phủ về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong thương mại