VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định về kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện và Dự thảo Thông tư ban hành Danh mục thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện bắt buộc kiểm định
VCCI_Góp ý Hồ sơ xây dựng Nghị định bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự
Kính gửi: Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp
Trả lời Công văn số 5127/BTP-ĐKGDBĐ của Bộ Tư pháp về việc đề nghị góp ý Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (sau đây gọi tắt là Hồ sơ), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến ban đầu như sau:
Về cơ bản, Hồ sơ bao gồm đầy đủ các tài liệu cần thiết theo quy định khi đề nghị xây dựng chính sách, đặc biệt Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động (sau đây gọi tắt là Dự thảo Báo cáo) đã đánh giá rất chi tiết các tác động của từng chính sách được đề xuất cũng như đưa ra được các giải pháp. Dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Nghị định 163 cũng phản ánh khá toàn diện những mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định hiện hành của Nghị định với các văn bản pháp luật có liên quan, những vướng mắc, bất cập của thực tiễn trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm.
Tóm lại, Hồ sơ đã thể hiện sự nghiêm túc và cầu thị của Ban soạn thảo trong hoạt động xây dựng chính sách.
Để hoàn thiện hơn nữa Hồ sơ, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:
- Thời điểm hết hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về giao dịch bảo đảm
Theo nội dung của Báo cáo Đánh giá tác động của chính sách một trong các cơ sở chính trị, pháp lý khi xây dựng chính sách về giao dịch bảo đảm là khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 “văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thi hành thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”.
Nội dung này được hiểu, chính sách về giao dịch bảo đảm được đề xuất xây dựng vì văn bản quy phạm pháp luật mà văn bản quy phạm pháp luật về giao dịch bảo đảm đang quy định chi tiết thi hành văn bản đó, đã hết hiệu lực (cụ thể là Bộ luật dân sự năm 2005). Thời điểm hết hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về giao dịch bảo đảm (Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm, Nghị định 11/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 163/2016/NĐ-CP) là thời điểm Bộ luật dân sự năm 2005 hết hiệu lực.
Như vậy, có phải thời điểm hiện tại đang không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định chi tiết về giao dịch bảo đảm tương tự như Nghị định 163, Nghị định 11?
Đề nghị Ban soạn thảo giải trình về vấn đề này để làm rõ về căn cứ và thực trạng pháp lý của các quy định trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm.
- Về các chính sách được đề xuất
Về cơ bản, 04 chính sách được đề xuất trong Dự thảo Báo cáo đã bao quát phần lớn những nội dung cần phải có khi điều chỉnh các vấn đề liên quan đến giao dịch bảo đảm. Từng chính sách được đánh giá trên nhiều khía cạnh (từ tác động về kinh tế, xã hội; tác động về giới tới tác động về thủ tục hành chính; hệ thống pháp luật) đã thể hiện sự tỉ mỉ, công phu của Ban soạn thảo.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính minh bạch hơn nữa, đặc biệt là có thể hình dung được các hướng điều chỉnh của chính sách được đề xuất, đề nghị Ban soạn thảo xem xét vấn đề sau:
Một số chính sách được đề xuất mới chỉ liệt kê các nội dung chính sách, nhưng lại không nêu cụ thể các nội dung đó sẽ được điều chỉnh theo hướng nào. Điều này khiến cho chính sách trở lên thiếu tính dự đoán, khó hình dung.
Ví dụ, trong Chính sách 3 về xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm, biện pháp thực hiện bảo đảm: Phương án 2 liệt kê nội dung về “điều kiện có hiệu lực của giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm; hiệu lực đối kháng với người thứ ba; bảo vệ người ngay tình…”, nhưng lại không có nội dung cụ thể hơn về hướng điều chỉnh của chính sách, cụ thể: điều kiện có hiệu lực của giao dịch bảo đảm như thế nào? Hiệu lực đối kháng với người thứ ba ra sao? Tại thời điểm đăng ký hay thời điểm nắm giữ?…).
Việc thiếu rõ ràng về hướng điều chỉnh của chính sách tại thời điểm đề xuất sẽ khiến cho giai đoạn soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật hoặc gặp khó khăn trong việc chuyển tải mục tiêu chính sách hoặc chuyển tải vượt quá phạm vi chính sách được đề xuất.
Để hạn chế tình trạng này, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể hơn các hướng điều chỉnh của các nội dung trong các chính sách được đề xuất.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.