VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất

Thứ Sáu 17:06 26-03-2021

Kính gửi:  Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính,

Trả lời Công văn số 2301/BTC-TCT ngày 09/03/2021 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:

  1. Phân nhóm đối tượng hưởng chính sách

Dự thảo hiện đang áp dụng đồng nhất một chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế cho tất cả các đối tượng. Quy định này có lẽ chưa thực sự phù hợp, bởi lẽ mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh và triển vọng hồi phục của các nhóm doanh nghiệp sẽ khác nhau. Khi đó, một số nhóm doanh nghiệp nên được hưởng thời gian gia hạn dài hơn, chẳng hạn cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng được kéo dài tối đa 9 tháng (nhưng không vượt quá thời hạn tháng 12/2021) hoặc được gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp dài hơn thời hạn 3 tháng như Dự thảo. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định phân nhóm đối tượng hưởng chính sách theo hướng cho phép một số nhóm đối tượng được thời gian gia hạn dài hơn. Để đảm bảo tính đơn giản và dễ thực hiện của chính sách, có thể cân nhắc chỉ phân làm hai nhóm:

  • Nhóm 1: Các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 ở mức độ rất nặng, và/hoặc không có triển vọng hồi phục tốt trong ngắn hạn;
  • Nhóm 2: Các đối tượng bị ảnh hưởng ở mức độ nặng nề khác mà không thuộc nhóm 1.

VCCI xin gửi kèm theo Công văn này Báo cáo nghiên cứu “Tác động của dịch bênh Covid-19: Một số phát hiện chính từ Điều tra doanh nghiệp 2020” do VCCI và Ngân hàng Thế giới thực hiện qua đường link https://bitly.com.vn/v1ul6e để cơ quan soạn thảo tham khảo, làm cơ sở cho việc soạn thảo.

  1. Đối tượng áp dụng

a. Doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do quyết định của cơ quan nhà nước liên quan đến dịch Covid-19

Hiện nay, công tác chống dịch trong nước có xu hướng tập trung khoanh vùng dịch (trong phạm vi nhất định), thay vì các biện pháp áp dụng trên diện rộng như thời điểm soạn thảo Nghị định 41/2020/NĐ-CP. Khi đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong phạm vi này bị ảnh hưởng tương đối lớn, trong khi vẫn phát sinh nhiều chi phí, từ đó ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp. Dù hoạt động trở lại sau đó, vấn đề dòng tiền trong thời gian cách ly vẫn tạo gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp này. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung trường hợp doanh nghiệp không thuộc các đối tượng trong Dự thảo, nhưng phải cách ly, phong tỏa, buộc đóng cửa, dừng hoạt động do nằm trong khu vực cách ly hoặc theo quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc phòng, chống dịch Covid-19. Về tính khả thi, việc xác định đối tượng này cũng tương đối dễ dàng vì đã có các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

b. Doanh nghiệp vừa

Dự thảo Nghị định hiện chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung đối tượng là các doanh nghiệp quy mô vừa theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, dựa trên các lý do sau:

Thứ nhất, các doanh nghiệp vừa cũng chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19. Theo khảo sát của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), tỷ lệ các doanh nghiệp quy mô vừa chịu ảnh hưởng của đại dịch gần tương đương so với tỷ lệ của các doanh nghiệp quy mô nhỏ, ở trên cả ba khía cạnh: (i) hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp tạo ra bị sụt giảm nhu cầu; (ii) nguồn cung ứng đầu vào suy giảm; (iii) giảm tính thanh khoản của tài sản hoặc sự sẵn có của dòng tiền;[1]

Thứ hai, các doanh nghiệp vừa ở Việt Nam đóng một vai trò quan trọng cơ cấu doanh nghiệp. Nhóm này là đối tượng có thể phát triển thành quy mô lớn trong trung hạn, tận dụng tốt hơn đổi mới công nghệ và mang lại năng suất cao hơn so với nhóm doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp vừa ở Việt Nam tương đối ít (chỉ khoảng 1,4% số doanh nghiêp vào năm 2017). Do đó, cần thiết phải bảo vệ và hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này trước tác động của đại dịch để có thể tồn tại và phát triển quy mô trong tương lai;

Thứ ba, thực tế thực hiện chính sách này năm 2020 cho thấy rằng không gian chính sách vẫn còn tương đối rộng rãi. Tính đến ngày 30/7/2020 (ngày cuối cùng thực hiện chính sách), tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là 53.645 tỷ đồng, chiếm 29% của dung lượng dự tính của gói (182.000 tỷ đồng)[2]. Lý do là vì không phải doanh nghiệp nào cũng có nhu cầu hoặc có thể tận dụng được các chính sách trên. Việc hỗ trợ thêm một nhóm đối tượng như trên có thể sẽ không thực sự có ảnh hưởng đến tổng thể gói hỗ trợ gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất của Chính phủ.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.

[1] https://www.enterprisesurveys.org/en/enterprisesurveys

[2] Theo báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 – 2020; dự kiến phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 và một số định hướng lớn giai đoạn 2021 – 2025.