VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về thế chấp, cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản
VCCI_Góp ý Dự thảo Đề nghị xây dựng Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)
Kính gửi: Vụ Pháp chế – Ngân hàng Nhà nước,
Trả lời Công văn số 447/NHNN-PC ngày 20/01/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị góp ý Dự thảo Đề nghị xây dựng Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Phân loại trách nhiệm của các đối tượng báo cáo
Chính sách 1 Dự thảo đề xuất bổ sung một số nhóm đối tượng báo cáo như tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng, tổ chức kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo… Việc bổ sung này là cần thiết nhằm điều chỉnh kịp thời các hoạt động mới phát sinh trong thực tiễn. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc bổ sung đối tượng báo cáo mới trong thời gian vừa qua chưa gắn liền với việc phân loại nghĩa vụ, xác định cụ thể phạm vi nghĩa vụ đi kèm mà doanh nghiệp phải thực hiện. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuân thủ theo các quy định pháp luật.
Chẳng hạn, Nghị định 87/2019/NĐ-CP đã bổ sung các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán vào diện các đối tượng báo cáo, và yêu cầu thực hiện các nghĩa vụ giống như với các tổ chức tài chính. Quy định như vậy được cho là chưa phù hợp với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hạ tầng thanh toán điện tử. Lý do là vì các tổ chức này không thiết lập quan hệ trực tiếp cũng như không quản lý hồ sơ khách hàng mà chỉ hỗ trợ các tổ chức thanh toán, đơn vị chấp nhận thanh toán hoặc các tổ chức trung gian thanh toán khác để thực hiện giao dịch của khách hàng. Do đó, các tổ chức này không có đầy đủ cơ sở để thực hiện một số nghĩa vụ như xác định khách hàng nằm trong danh sách đen hay yêu cầu trì hoãn giao dịch được thực hiện bởi khách hàng thông qua tổ chức thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán khác.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm nội dung “phân loại trách nhiệm của từng đối tượng báo cáo theo mức độ rủi ro” vào Chính sách 1 Dự thảo.
- Giao dịch liên quan đến công nghệ mới
Chính sách 3 Dự thảo đề xuất sửa đổi các quy định về giao dịch liên quan tới công nghệ mới theo hướng yêu cầu đối tượng báo cáo phải thực hiện đánh giá rủi ro về rửa tiền trước khi đưa các sản phẩm hoặc dịch vụ ứng dụng công nghệ mới ra thực tiễn. Quy định này dự kiến sẽ có tác động lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thêm các nội dung sau:
Thứ nhất, quy định này có trùng lặp với các nghĩa vụ mà các doanh nghiệp đang phải đáp ứng theo quy định của pháp luật không? Ví dụ, Điều 8 Nghị định 116/2013/NĐ-CP đã có yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng quy trình đánh giá rủi ro về rửa tiền khi cung cấp dịch vụ sử dụng công nghệ mới.
Thứ hai, quy định này có phát sinh thủ tục hành chính hoặc điều kiện kinh doanh mới cho các doanh nghiệp hay không? Chẳng hạn, hiện nay, một số doanh nghiệp công nghệ xây dựng các nền tảng trung gian để hỗ trợ giao dịch của các doanh nghiệp với khách hàng (như các sàn bất động sản trực tuyến, ứng dụng công chứng trực tuyến…). Hầu hết các trường hợp này đều không hoặc chưa thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Việc bổ sung quy định trên liệu có nguy cơ đặt ra các điều kiện kinh doanh mới cho các doanh nghiệp này hay không?
- Lưu trữ hồ sơ, báo cáo
Điều 27 Luật Phòng, chống rửa tiền quy định doanh nghiệp phải có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ, tài liệu. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện pháp luật không có quy định cho phép hoặc quy chuẩn cho việc lưu trữ bản sao điện tử, dẫn đến doanh nghiệp phải thực hiện lưu trữ bằng giấy chỉ để phục vụ cho quản lý nhà nước. Kể cả trong trường hợp đã triển khai nhận biết khách hàng qua phương thức trực tuyến (eKyC) và thực hiện giao dịch trực tuyến nhưng các doanh nghiệp vẫn phải chuyển đổi các tài liệu ra giấy để lưu trữ. Việc này khiến các doanh nghiệp tốn nhiều chi phí lưu trữ hồ sơ, mất nhiều thời gian trong việc truy xuất thông tin và đặc biệt là ảnh hưởng đến quá trình số hóa quy trình hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm nội dung sau vào Chính sách 3 Dự thảo: “Sửa đổi các quy định về lưu trữ hồ sơ, báo cáo của đối tượng báo cáo theo hướng cho phép các đối tượng báo cáo được lưu trữ hồ sơ, tài liệu theo phương thức điện tử”.
- Chia sẻ thông tin của cơ quan nhà nước cho các đối tượng báo cáo
Điều 11 Luật Phòng, chống rửa tiền yêu cầu các doanh nghiệp phải sử dụng các tài liệu, dữ liệu để xác minh thông tin nhận biết khách hàng. Một trong những cơ sở tài liệu, dữ liệu lớn nhất và đáng tin cậy nhất để doanh nghiệp thực hiện đối chiếu thông tin là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp mới chỉ có thể tiếp cận các cơ sở dữ liệu này để tra cứu thông tin một cách thủ công, mà chưa được kết nối vào hệ thống này để tiến hành khai thác và đối chiếu thông tin tự động bằng công nghệ. Việc này làm phát sinh thêm thời gian và chi phí hoạt động, ảnh hưởng đến việc tự động hóa và ứng dụng công nghệ vào quy trình xác minh của doanh nghiệp. Đồng thời, việc này cũng chưa phù hợp với định hướng về hoàn thiện thể chế được đề ra tại Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư “Hoàn thiện pháp luật, chính sách về dữ liệu, quản trị dữ liệu, tạo thuận lợi cho việc tạo dựng, kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu…” (Gạch đầu dòng thứ 3, Mục 2, chương III). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung sau vào chính sách 5 Dự thảo: “Bổ sung các quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc kết nối giữa các cơ sở dữ liệu có thể được chia sẻ do đơn vị mình quản lý với hệ thống của các đối tượng báo cáo nhằm phục vụ mục đích xác minh thông tin nhận biết khách hàng”.
- Trách nhiệm cung cấp thông tin của đối tượng báo cáo
Luật Phòng, chống rửa tiền đã có một số quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin của đối tượng báo cáo. Tuy nhiên, các quy định này chỉ cho phép doanh nghiệp cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mà chưa cho phép cung cấp cho đối tượng khác. Thực tế, các doanh nghiệp còn nhận được yêu cầu cung cấp thông tin từ phía các ngân hàng đối tác trong mối quan hệ đại lý để phục vụ cho nhu cầu xác thực thông tin cho mục đích phòng chống rửa tiền. Việc này đặt các ngân hàng vào tình trạng có thể vi phạm các quy định về bảo mật thông tin khách hàng tại Điều 14.3 Luật các tổ chức tín dụng. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung sau vào Chính sách 3 Dự thảo: “Sửa đổi các quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin của đối tượng báo cáo theo hướng cho phép đối tượng báo cáo được cung cấp thông tin xác minh khách hàng cho tổ chức tài chính có quan hệ đại lý”.
- Mối quan hệ đại lý
Điều 14 Luật Phòng, chống rửa tiền quy định về các biện pháp nâng cao khi thực hiện mối quan hệ đại lý. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định trên là chưa đầy đủ và phù hợp với thực tiễn, cụ thể:
Thứ nhất, khái niệm “quan hệ đại lý” chưa bao quát được hết các mối quan hệ đang diễn ra trên thực tiễn do chỉ bao gồm mối quan hệ giữa các tổ chức tài chính. Một số mối quan hệ khác cũng cần được kể tới như quan hệ giữa các tổ chức tài chính và các tổ chức quốc tế, việc hợp tác giữa các tổ chức chuyển tiền quốc tế với các đại lý cấp 1 (các tổ chức tài chính) và đại lý cấp 2 (ngân hàng trong nước; công ty kinh doanh vàng bạc…)…;
Thứ hai, các biện pháp phòng, chống rửa tiền nâng cao trong mối quan hệ đại lý chưa phù hợp với một số quan hệ có tính chất đơn giản, ít rủi ro về rửa tiền hơn, chẳng hạn quan hệ cấp hạn mức tín dụng hay quan hệ trao đổi mã khóa SWIFT (quan hệ RMA).
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các vướng mắc trên vào Báo cáo tổng kết thi hành Luật Phòng, chống rửa tiền và bổ sung nội dung sau vào Chính sách 3 Dự thảo: “Sửa đổi, bổ sung các quy định về quan hệ đại lý để khắc phục một số bất cập trong thực tiễn triển khai”.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Đề nghị xây dựng Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.