VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn về quản lý thuế
Kính gửi: Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính,
Trả lời Công văn số 1914/BTC-TCT ngày 25/02/2021 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của chuyên gia và doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Nộp thuế bằng đồng tiền tự do chuyển đổi
Điều 4.1 Dự thảo quy định việc khai thuế, nộp thuế được thực hiện bằng đồng tiền tự do chuyển đổi với trường hợp sau: (i) hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; (ii) hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số của nhà cung cấp ở nước ngoài. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, quy định trên là chưa phù hợp do đồng tiền thu được từ việc bán hàng hóa, dịch vụ có thể khác so với đồng tiền kê khai, nộp thuế. Việc này dẫn đến các doanh nghiệp phải thực hiện mua ngoại tệ để nộp thuế, từ đó phát sinh các chi phí về tài chính. Ngoài ra, quy định này cũng chưa thống nhất với Điều 90.1 Dự thảo do Điều 90.1 cho phép nhà cung cấp nước ngoài được nộp thuế bằng đồng ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cho phép doanh nghiệp được lựa chọn nộp thuế hoặc bằng đồng tiền tự do chuyển đổi hoặc bằng Việt Nam.
- Kê khai và nộp thuế với địa điểm kinh doanh
Thứ nhất, Điều 17.2 và Điều 21 Dự thảo chưa có quy định về kê khai và nộp thuế với địa điểm kinh doanh là cơ sở dịch vụ hoặc thương mại khác tỉnh. Do vậy, để tạo thuận lợi trong quá trình áp dụng, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các quy định về kê khai, tính thuế, phân bổ và nộp thuế với trường hợp trên.
Thứ hai, Điều 17.2.d Dự thảo quy định hoạt động xây dựng tại địa điểm kinh doanh khác tỉnh với trụ sở chính của doanh nghiệp được kê khai, nộp thuế tại cơ quan thuế nơi có công trình xây dựng. Tuy nhiên, quy định này chưa phù hợp với Điều 11 Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Điều 11.1 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định các trường hợp doanh nghiệp phải kê khai, nộp thuế tại cơ quan thuế nơi có hoạt động kinh doanh đó (khác trụ sở chính), nhưng không có trường hợp nào như Điều 17.2.d Dự thảo. Vì thế, hoạt động xây dựng khác tỉnh vẫn được hạch toán tập trung tại trụ sở chính theo Điều 11.2 Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng hoạt động xây dựng khác tỉnh với trụ sở chính của doanh nghiệp được thực hiện hạch toán tại trụ sở chính và phân bổ số thuế tại tỉnh nơi diễn ra hoạt động.
- Xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa
Điều 29.1 Dự thảo quy định các trường hợp xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo hướng xác định thứ tự ưu tiên áp dụng từng trường hợp xử lý. Cụ thể, người nộp thuế phải thực hiện bù trừ, nếu không hết thì mới thực hiện phương án hoàn trả. Tuy nhiên, cần xem xét lại quy định trên vì:
Thứ nhất, quy định này là không phù hợp với Luật Quản lý thuế. Điều 60.1 Luật Quản lý thuế quy định: “Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp thì được bù trừ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ hoặc trừ vào số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo hoặc được hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa khi người nộp thuế không còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt”. Như vậy, Luật Quản lý thuế quy định theo hướng 3 trường hợp xử lý tiền thuế là ngang nhau về thứ tự áp dụng, chứ không phân biệt thứ tự áp dụng như quy định tại Dự thảo;
Thứ hai, nội dung quy định này không được giao quy định chi tiết bởi Luật hoặc Nghị định. Điều 60.5 Luật Quản lý thuế quy định: “Bộ trường Bộ Tài chính quy định thẩm quyền, thủ tục xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa”, tức là không giao Thông tư quy định chi tiết các trường hợp xử lý tiền thuế. Trong khi đó, Điều 11.1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu văn bản chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao, mà không được quy định thêm nội dung nào khác.
Từ những phân tích trên, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định trên.
- Hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng
Điều 32.2 Dự thảo quy định một số loại tài liệu trong hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng gồm: (i) bản sao chứng từ góp vốn điều lệ với trường hợp hoàn thuế dự án đầu tư; (ii) bản sao hợp đồng xuất khẩu trong trường hợp hoàn thuế hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định như vậy là chưa phù hợp và gây khó khăn cho doanh nghiệp do số lượng hồ sơ, chứng từ của các tài liệu này trong nhiều trường hợp thường tương đối nhiều đến rất nhiều, dẫn đến việc phát sinh thêm thời gian và khó khăn để tập hợp các tài liệu này. Do vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ các quy định trên. Thay vào đó, nếu có nghi vấn về gian lận thuế, cơ quan nhà nước có thể thực hiện theo thủ tục thanh kiểm tra hồ sơ hoàn thuế.
- Công khai kế hoạch kiểm tra hàng năm
Điều 82.4 Dự thảo quy định kế hoạch kiểm tra được công khai theo một trong hai hình thức sau: (i) trên trang thông tin điện tử hoặc (ii) thông báo trực tiếp cho người nộp thuế. Tuy nhiên, hình thức công khai trên trang thông tin điện tử có thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi theo dõi các kế hoạch này, cũng như các điều chỉnh sau này. Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng kế hoạch kiểm tra được công khai theo cả hai hình thức trên.
- Cơ sở thường trú với nhà cung cấp nước ngoài
Điều 84.1 Dự thảo quy định nhà cung cấp ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam được gọi là có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Tuy nhiên, quy định này chưa phù hợp với định nghĩa về cơ sở thường trú theo pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và các hiệp ước quốc tế Việt Nam đã tham gia. Điều 1.1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp liệt kê các hình thức được coi là có cơ sở thường trú tại Việt Nam[1], tuy nhiên không có hình thức nào tương ứng với quy định tại Điều 84.1 Dự thảo. Tương tự, quy định trên cũng chưa phù hợp với các quy định trong các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Việt Nam đã ký.[2] Có thể suy đoán rằng việc quy định các nhà cung cấp nước ngoài được coi là có cơ sở thường trú nhằm thỏa mãn các điều kiện để các nhà cung cấp nước ngoài được tự kê khai, nộp thuế nhà thầu theo quy định tại Điều 8, Điều 11, Điều 14 Thông tư 103/2014/TT-BTC. Việc này có thể thực hiện bằng việc sửa đổi quy định về người nộp thuế tại Điều 4 Thông tư 103/2014/TT-BTC theo hướng bổ sung trường hợp các nhà cung cấp nước ngoài với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất giữa các quy định pháp luật mà vẫn đáp ứng mục tiêu quản lý, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định tại Dự thảo theo hướng trên.
- Kê khai thuế với hoạt động thương mại điện tử hàng hóa xuyên biên giới
Dự thảo quy định phải kê khai và nộp thuế với hoạt động thương mại điện tử của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Tuy nhiên, quy định này dường như chưa phù hợp với hoạt động thương mại điện tử với hàng hóa (trừ các sản phẩm nội dung số). Lý do là vì nhà cung cấp nước ngoài không phải thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, còn các loại thuế khác với hàng hóa (thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng…) do người nhập khẩu chịu trách nhiệm thực hiện (trong trường hợp này là các đơn vị vận chuyển). Việc này tương tự với quy định về đối tượng loại trừ nộp thuế tại Điều 2.2 Thông tư 103/2014/TT-BTC. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng không áp dụng các quy định tại chương IX Dự thảo với hoạt động thương mại điện tử hàng hóa của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài.
- Đăng ký thực hiện giao dịch thuế điện tử
Điều 85 Dự thảo quy định nhà cung cấp nước ngoài phải tự mình thực hiện đăng ký giao dịch thuế điện tử, sau đó nếu ủy quyền cho đại lý thuế thì đại lý thuế phải thực hiện thay đổi thông tin trên Cổng thông tin điện tử để thực hiện hợp đồng ủy quyền (Điều 91 Dự thảo). Quy định này chưa thực sự phù hợp vì tạo ra sự phức tạp về mặt thủ tục hành chính cho các nhà cung cấp nước ngoài. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng nếu nhà cung cấp nước ngoài ủy quyền cho đại lý thuế Việt Nam thì đại lý thuế ủy quyền có thể thực hiện toàn bộ các thủ tục thuế, mà nhà cung cấp nước ngoài không phải thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch thuế điện tử nữa.
- Trách nhiệm khai, nộp thuế của tổ chức ở Việt Nam
Điều 94.1 Dự thảo quy định nếu nhà cung cấp nước ngoài đã thực hiện kê khai tại Việt Nam thì tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện khấu trừ, nộp thay. Tuy nhiên, quy định này là chưa phù hợp vì khi đó tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam sẽ không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào theo quy định tại Điều 14.15 Thông tư 219/2013/TT-BTC. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định trên theo hướng phần thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mà nhà cung cấp nước ngoài bán cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam áp dụng phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng là do các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam này khấu trừ, nộp thay.
- Kê khai, nộp thuế với nhà cung cấp dịch vụ thông qua các chợ ứng dụng
Chương IX Dự thảo đang quy định theo hướng nhà cung cấp nước ngoài trực tiếp (hoặc ủy quyền cho đại lý thuế) thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong thực tế, có tình trạng các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện cung cấp dịch vụ thông qua các nhà cung cấp nền tảng (chẳng hạn như các kho tải ứng dụng trên điện thoại thông minh: CH Play, App Store). Một giao dịch thanh toán được diễn ra như sau: tiền của người mua tại Việt Nam (từ tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản ví điện tử) sẽ chảy vào tài khoản của các nhà cung cấp nền tảng (Goole, Apple), sau đó các nhà cung cấp nền tảng mới tiến hành phân bổ lại cho các nhà cung cấp (sau khi trừ đi khoản phí nền tảng). Vì thế, việc hành thu với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài này gặp hai vấn đề khó khăn: (i) số lượng các nhà cung cấp này rất nhiều với quy mô cực kỳ đa dạng, và số lượng các giao dịch cũng rất lớn nhưng giá trị mỗi giao dịch thấp; (ii) các ngân hàng thương mại, đơn vị trung gian thanh toán gặp khó khăn trong việc xác định tài khoản giao dịch của các nhà cung cấp nước ngoài này do giao dịch không trực tiếp kết nối đến tài khoản của các nhà cung cấp nước ngoài. Do vậy, để đảm bảo tính khả thi của quy định, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cho phép các nhà cung cấp nền tảng thực hiện kê khai, khấu trừ thuế hộ các nhà cung cấp nước ngoài cung cấp dịch vụ qua các nền tảng này.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.
[1] Gồm: (i) chi nhánh, văn phòng điều hành, nhà máy, công xưởng, phương tiện vận tải, mỏ dầu, mỏ khí, mỏ hoặc địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên khác tại Việt Nam; (ii) địa điểm xây dựng, công trình xây dựng, lắp đặt, lắp ráp; (iii) cơ sở cung cấp dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ tư vấn thông qua người làm công hoặc tổ chức, cá nhân khác; (iv) đại lý cho doanh nghiệp nước ngoài; (v) đại diện tại Việt Nam trong trường hợp là đại diện có thẩm quyền ký kết hợp đồng đứng tên doanh nghiệp nước ngoài hoặc đại diện không có thẩm quyền ký kết hợp đồng đứng tên doanh nghiệp nước ngoài nhưng thường xuyên thực hiện việc giao hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.
[2] Chẳng hạn: Điều 5.1 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lẩn thuế đối với thuế đánh vào thu nhập giữa Việt Nam và Singapore quy định: cơ sở thường trú chủ yếu bao gồm: “a. trụ sở điều hành; b. chi nhánh; c. văn phòng; d. nhà máy; e. xưởng; và f. mỏ, giếng dầu hoặc khí, mỏ đá hoặc bất kỳ địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên nào khác”