VCCI_Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Thứ Tư 15:38 27-01-2021

Kính gửi: Cục Sở hữu trí tuệ

                              Bộ Khoa học và Công nghệ

Trả lời Công văn số 3473/BKHCN-SHTT của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở góp ý của doanh nghiệp, có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Điều kiện chung của nhãn hiệu được bảo hộ (khoản 23 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 72)

Dự thảo bổ sung điều kiện để nhãn hiệu được bảo hộ theo đó “dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa”. Theo lý giải tại Tờ trình, việc bổ sung dấu hiệu này để phù hợp với cam kết của Việt Nam khi gia nhập Hiệp định CTPPP.

Tuy nhiên, quy định bổ sung này cần được xem xét dưới góc độ sau:

Chỉ giới hạn bảo hộ dấu hiệu âm thanh thể hiện dưới dạng đồ họa là phạm vi khá hẹp và chưa thực sự phù hợp với cam kết tại Hiệp định CTPPP, cụ thể: Điều 18.18 Hiệp định CTPPP có nêu “Không Bên nào được yêu cầu, như một điều kiện để được đăng ký, là dấu hiệu phải nhìn thấy được, cũng như không Bên nào được từ chối đăng ký một nhãn hiệu chỉ với lý do rằng dấu hiệu cấu thành nhãn hiệu đó là âm thanh … Một Bên có thể yêu cầu phải có bản mô tả ngắn gọn và chính xác, hoặc bản thể hiện dưới dạng đồ họa, hoặc cả hai nếu phù hợp, của nhãn hiệu”. Như vậy, hình thức của dấu hiệu âm thanh được bảo hộ có thể là “bản mô tả hoặc bản thể hiện dưới dạng đồ họa, hoặc cả hai nếu phù hợp”. Do đó, để phù hợp với cam kết, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định trên theo hướng “dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa hoặc bản mô tả hoặc cả hai”.

  1. Khả năng phân biệt của nhãn hiệu (khoản 25 Điều 1 Dự thảo sửa đổi điểm e khoản 2 Điều 74)

Dự thảo quy định “Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân khác được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” là một trong các dấu hiệu khiến nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt.

Việc sử dụng cụm từ “trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” là không cần thiết và khiến cho quy định trở nên rối. Bởi vì:

Quy định này nhằm mục tiêu ngăn cản việc cấp bảo hộ cho nhãn hiệu xin đăng ký bị xem là tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu khác đã đăng ký. Về mặt logic, nhãn hiệu xin đăng ký A2 bao giờ cũng nộp đơn sau nhãn hiệu A1 (với điều kiện hàng hóa/dịch vụ mang A1 và A2 trùng hoặc tương tự với nhau và A2 đủ khả năng nhầm lẫn với A1). Do vậy, không cần phải có quy định trên.

Đặt giả sử, trong trường hợp A2 được cấp bảo hộ nhưng bị chủ nhãn hiệu A1 nộp đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực vì chủ nhãn hiệu A1 cho rằng: i) Ai có ngày nộp đơn sớm hơn A2; ii) A2 tương tự gây nhầm lẫn với A1; và iii) sản phẩm mang nhãn hiệu A2 và Ai là cùng loại hoặc tương tự thì cũng không cần thiết phải có quy định trên vì ngày nộp đơn của A1 đã được công nhận theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên được quy định tại Điều 90.2.

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ trên trong quy định tại điểm e khoản 2 Điều 74 (sửa đổi).

  1. Kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi đăng ký ra nước ngoài (khoản 32 Điều 1 Dự thảo bổ sung Điều 89a)

Điều 89a Dự thảo quy định, cá nhân, tổ chức chỉ được phép đăng ký sáng chế của mình “mà có ảnh hưởng đáng kể đến an ninh, quốc phòng của Việt Nam ra nước ngoài nếu đã nộp đơn yêu cầu cơ quan xác lập quyền sở hữu công nghiệp xác định sáng chế đó không phải là sáng chế mật và đã kết thúc thời hạn 6 tháng kể từ ngày nộp đơn đó”. Tổ chức, cá nhân sẽ được đăng ký sáng chế mật ở nước ngoài khi đáp ứng điều kiện: i) nước đăng ký có quy định về bảo hộ sáng chế mật; ii) được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Đây là quy định mới so với luật hiện hành, sẽ tác động đến các cá nhân, tổ chức có sáng chế muốn đăng ký tại nước ngoài. Để các đối tượng này có thể nhận biết được các quy định và áp dụng thuận lợi trên thực tế, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét ở một số điểm sau:

  • Theo quy định thì những sáng chế có ảnh hưởng đáng kể đến an ninh, quốc phòng thì phải thực hiện thủ tục xin xác nhận của cơ quan xác lập quyền sở hữu công nghiệp xác định sáng chế đó không phải là sáng chế mật. Như vậy, các tổ chức, cá nhân phải nhận diện được loại sáng chế nào thuộc đối tượng phải thực hiện thủ tục này. Tuy nhiên trong Dự thảo lại chưa có quy định nào quy định về vấn đề này. Điều này có thể gây lúng túng cho cá nhân, tổ chức có sáng chế muốn đăng ký ở nước ngoài khi thực hiện.
  • Dự thảo quy định thời hạn kết thúc 06 tháng kể từ ngày nộp đơn mới được phép đăng ký sáng chế ở nước ngoài. Không rõ việc đặt ra thời hạn này hướng đến mục tiêu quản lý nào? Nếu sáng chế đã được cơ quan xác lập quyền sở hữu công nghiệp xác định không phải là sáng chế mật thì tại sao cá nhân, tổ chức lại phải chờ trong hết thời hạn 06 tháng kể từ ngày nộp đơn mới được thực hiện việc đăng ký sáng chế đó ra nước ngoài?;
  • Theo quy định thì kể cả trong trường hợp sáng chế đã được xác định là sáng chế mật thì tổ chức, cá nhân có sáng chế sẽ vẫn được phép đăng ký khi “được cơ quan có thẩm quyền cho phép”. Đây được xem là ngoại lệ nhưng lại không có quy định về những trường hợp nào thì được có quan có thẩm quyền cho phép? Thủ tục cho phép này có nằm trong thủ tục xem xét sáng chế đó thuộc trường hợp sáng chế mật hay không? Hay là một thủ tục riêng?

Mặc dù, khoản 3 Điều 89a Dự thảo đã trao quyền cho Chính phủ quy định cụ thể về sáng chế mật và kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi đăng ký ra nước ngoài, nhưng đây là chế định mới, có tác động đến các tổ chức, cá nhân có sáng chế, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo làm rõ những vấn đề trên để các đối tượng chịu tác động có thể hình dung được định hướng chính sách.

  1. Ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ và phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (khoản 42, 43 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 112, 112a)

Theo phản ánh của doanh nghiệp, việc phản đối (đặc biệt là phản đối nhãn hiệu) theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ và thực hiện trên thực tiễn chưa thực sự mang tính chất là một thủ tục độc lập, giống các thủ tục khác như: chấm dứt hiệu lực, hủy bỏ hiệu lực hoặc khiếu nại. Pháp luật về sở hữu trí tuệ chỉ xem phản đối là việc cho phép bên thứ ba có ý kiến với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giai đoạn thẩm định nội dung và đây chỉ là nguồn thông tin bổ sung phục vụ cho việc thẩm định.

Việc quy định ý kiến phản đối được xem xét trong thời gian thẩm định về nội dung có một số bất cập như thời hạn cho phép phản đối quá dài (tương ứng với thời gian thẩm định nội dung), điều này có thể khiến quy định bị lạm dụng và làm cho quá trình thẩm định nội dung trước khi cấp văn bằng bảo hộ bị kéo dài gây ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân nộp đơn đăng ký.

Dự thảo tách quy định để phân định ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ và phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp là hợp lý vì ý kiến của người thứ ba thực chất không mang bản chất của thủ tục phản đối mà chỉ là ý kiến mang tính chất nguồn thông tin tham khảo. Tuy nhiên, Điều 112a đưa ra hai phương án về thủ tục phản đối, trong đó thủ tục phản đối vẫn nằm trong khoảng thời gian thẩm định về nội dung, dường như chưa khắc phục được những bất cập ở trên. Một số doanh nghiệp kiến nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét quy định về thủ tục phản đối sẽ bắt đầu từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn tất thẩm định nội dung bằng việc thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ. Bên cạnh giải quyết được vướng mắc trên thì cách tiếp cận này sẽ xây dựng được cơ chế phản đối linh hoạt: i) tách bạch và độc lập kết quả thẩm định nội dung với thủ tục phản đối; ii) giúp quá trình thẩm định thực hiện trên thực tế phù hợp với thời gian của luật định; iii) việc giải quyết phản đối mang tính chất là một thủ tục độc lập tương tự như thủ tục chấm dứt, hủy bỏ hoặc khiếu nại.

  1. Đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm (khoản 53 Điều 1 Dự thảo bổ sung Điều 131a)

Đây là quy định mới so với Luật hiện hành, theo đó chủ văn bằng độc quyền sáng chế không phải nộp phí sử dụng văn bằng bảo hộ cho khoảng thời gian mà thủ tục đăng ký lưu hành lần đầu của dược phẩm được sản xuất theo bằng độc quyền sáng chế tại Việt Nam bị chậm. Để không phải nộp phí sử dụng văn bằng bảo hộ trong trường hợp này thì trong vòng 12 tháng kể từ ngày dược phẩm được cấp phép lưu hành, chủ bằng độc quyền sáng chế phải nộp cho cơ quan xác lập quyền sở hữu công nghiệp văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành dược phẩm xác nhận về việc thủ tục đăng ký lưu hành dược phẩm đó bị chậm.

Trong quy định của pháp luật về dược không tìm thấy quy định cấp văn bản xác nhận về việc thủ tục đăng ký lưu hành dược phẩm bị chậm, chỉ có các quy định liên quan đến cấp mới, sửa đổi, gia hạn số đăng ký lưu hành dược phẩm. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét đến tính khả thi, thống nhất của quy định này.

  1. Dịch vụ giám định sở hữu công nghiệp (khoản 76 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 201)

Theo Báo cáo tổng kết Luật Sở hữu trí tuệ thì “mặc dù cơ sở pháp lý cho việc xã hội hóa đối với hoạt động này đã tương đối đầy đủ, đồng bộ, song hiện nay cả nước mới chỉ có duy nhất một tổ chức giám định sở hữu công nghiệp là Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ)”. “Nhu cầu sử dụng dịch vụ giám định sở hữu công nghiệp ngày càng tăng, trung bình 15%/năm, chủ yếu xuất phát từ các doanh nghiệp và các cá nhân, chiếm 88.62% yêu cầu giám định”.

Có thể thấy, nhu cầu giám định sở hữu công nghiệp đang ngày càng tăng trong khi chủ thể cung cấp dịch vụ lại rất hạn chế. Trên thị trường hiện nay mới chỉ có một đơn vị trực thuộc cơ quan nhà nước cung cấp. Điều này có thể tạo ra sự độc quyền và không đáp ứng được nhu cầu của các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ trong lĩnh vực này. Nguyên nhân của thực trạng chưa được phân tích một cách rõ ràng, tuy nhiên một vấn đề cần được đánh giá về việc tại sao các doanh nghiệp tư nhân không tham gia/(không thể) tham gia trong lĩnh vực này? Liệu các điều kiện kinh doanh có trở thành rào cản gia nhập thị trường của các doanh nghiệp dân doanh hay không?

Dự thảo đã có một số điều chỉnh về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giám định về sở hữu trí tuệ theo đó:

  • (1) Bỏ điều kiện “có nhân lực, cơ sở vật chất – kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động giám định theo quy định của pháp luật”. Việc bỏ điều kiện này là hợp lý vì đây là điều kiện chung chung và không cần thiết;
  • (2) Sửa đổi “có chức năng thực hiện hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động” thành “Có đăng ký ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ”. Mục tiêu của sửa đổi này nhằm thống nhất với Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy định được sửa đổi này vẫn chưa hoàn toàn thể hiện tinh thần về quyền tự do kinh doanh của Luật Doanh nghiệp khi vẫn xem xét về ngành nghề đăng ký kinh doanh khi cấp phép. Để thống nhất hoàn toàn với Luật Doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định trên theo hướng: được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
  • (3) Điều kiện để được cấp Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ. Dự thảo đưa ra 02 phương án khác nhau ở điều kiện “chỉ cần trải qua khóa bồi dưỡng nghiệp vụ giám định” hoặc “đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ về giám định”. Cả hai phương án đều giữ nguyên điều kiện về kinh nghiệm thực tế 05 năm.

Việc bỏ điều kiện (1) thì đây là điều kiện duy nhất trong hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ. Yêu cầu về trình độ chuyên môn của giám định viên là hợp lý, tuy nhiên yêu cầu số năm kinh nghiệm tới 05 năm dường như hơi quá cao. Để tạo điều kiện hợp lý cho các doanh nghiệp dân doanh tham gia vào thị trường này, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc hạ mức yêu cầu số năm kinh nghiệm của người được cấp thẻ giám định viên và quy định theo phương án chỉ cần trải qua khóa bồi dưỡng nghiệp vụ giám định là có thể được cấp Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ.

  1. Một số góp ý khác
  • Điểm b khoản 2 Điều 1 Dự thảo đưa ra định nghĩa về sao chép “là việc tạo ra bản sao của toàn bộ hoặc một phần tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo ra bản sao dưới hình thức điện tử”. Việc sử dụng cụm từ “bao gồm cả việc tạo ra bản sao dưới hình thức điện tử” là thừa vì hình thức này đã nằm trong nội dung “bất kỳ phương tiện hay hình thức nào” rồi. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “bao gồm cả việc tạo ra bản sao dưới hình thức điện tử”;
  • Quyền tài sản (khoản 3 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 20)

Khoản 3 Điều 20 (sửa đổi) quy định “tổ chức, cá nhân khi khai thác sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải được sự cho phép và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả”.

Theo giải trình tại Tờ trình thì Dự thảo đã sử dụng từ ngữ “tiền bản quyền” thay cho ba từ ngữ “nhuận bút”, “thù lao”, “quyền lợi vật chất” để “phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế”. Như vậy, “tiền bản quyền” đã bao gồm “các quyền lợi vật chất khác”, do đó quy định trên là thừa cụm từ “các quyền lợi vật chất khác”, đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ này;

  • Về quyền tác giả đối với chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu (khoản 5 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi)

Dự thảo bổ sung điểm 1b theo hướng “tổ chức, cá nhân đang có quyền sử dụng hợp pháp bản sao chương trình máy tính có thể làm một bản sao dự phòng để thay thế khi bản sao đó bị xóa, bị hỏng hoặc không thể sử dụng được, với điều kiện việc sử dụng bản sao dự phòng này không trái với thỏa thuận trong giấy phép và không được chuyển giao cho người khác”. Quy định “thỏa thuận trong giấy phép” là chưa rõ về khái niệm “giấy phép”, có được hiểu là văn bản cho phép tổ chức, cá nhân sử dụng hợp pháp bản sao chương trình máy tính? Nếu theo cách hiểu này thì việc sử dụng cụm từ “giấy phép” là chưa phù hợp, vì khái niệm này có tính chất như giấy phép của cơ quan nhà nước cấp cho tổ chức, cá nhân, trong khi đây là hoạt động dựa trên thỏa thuận của các bên, Nhà nước sẽ không can thiệp theo hướng cấp phép.

Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi cụm từ theo hướng “thỏa thuận với chủ sở hữu quyền tác giả”.

  • Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan (khoản 18 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 52)

Dự thảo quy định “trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ”. Điều này không quy định việc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan cơ quan nhà nước có phải nêu lý do từ chối hay không? Điều này có thể tạo ra sự thiếu minh bạch trong thủ tục, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định theo hướng văn bản từ chối này phải nêu rõ lý do từ chối.

  • Thời hạn cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan (khoản 19 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 55)

Dự thảo quy định thời hạn để cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan trong trường hợp bị mất, hư hỏng là 07 ngày làm việc tính từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Đây là khoảng thời gian khá dài cho một thủ tục đơn giản. Để đơn giản hóa thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục xuống còn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

  • Nghĩa vụ báo cáo của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan (khoản 20 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 56)

Dự thảo quy định tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan phải “báo cáo theo định kỳ và đột xuất về hoạt động đại diện tập thể cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Theo quy định tổ chức này được thành lập dựa trên cơ sở thỏa thuận của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, để bảo vệ quyền lợi của những đối tượng này. Với tính chất này, Dự thảo yêu cầu tổ chức phải thực hiện các nghĩa vụ báo cáo định kỳ, đột xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chưa hợp lý, tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho tổ chức này và cũng không rõ mục tiêu quản lý (việc tổ chức này có làm đúng chức năng nhiệm vụ hay không, bảo vệ được quyền lợi của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thì cơ chế của pháp luật tư sẽ giải quyết). Vì vậy, để đảm bảo tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này, tức bỏ điểm e khoản 3 Điều 56 (được sửa đổi).

  • Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực (khoản 35 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1a Điều 96)

Dự thảo quy định “người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu” là một trong các trường hợp văn bản bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực. Khái niệm “dụng ý xấu” là chưa rõ, điều này có thể khiến cho cơ quan nhàn ước, tổ chức, cá nhân có liên quan sẽ gặp khó khăn khi chứng minh căn cứ cho yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ. Để tạo thuận lợi trong thực tế áp dụng, đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng định lượng hơn khái niệm này.

  • Về hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ (khoản 35 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1, bổ sung khoản 1a Điều 96)

Dự thảo sửa đổi khoản 1, bổ sung khoản 1a theo hướng bổ sung một số trường hợp văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần hiệu lực với 2 phương án thể hiện dưới dạng liệt kê (phương án 2) hoặc dẫn chiếu đối với một số trường hợp cụ thể (phương án 1).

Đề nghị Ban soạn thảo thiết kế quy định theo phương án 2 vì tạo thuận lợi cho đối tượng áp dụng, không phải tìm kiếm quy định dẫn chiếu mà có thể hiểu ngay tại quy định.

  • Về nghĩa vụ bảo hộ dữ liệu thử nghiệm (khoản 51 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 128)

Liên quan đến các biện pháp liên quan tới nông hóa phẩm, pháp luật Việt Nam đã quy định bảo hộ dữ liệu nhưng chỉ trong trường hợp sử dụng vì mục đích thương mại không lành mạnh, và việc bảo hộ chỉ trong thời hạn 05 năm. Điều này là chưa tương thích với Hiệp định CTPPP. Dự thảo đưa ra 02 phương án về nghĩa vụ bảo hộ dữ liệu thử nghiệm trong đó có đã nâng về thời hạn bảo hộ đối với nông hóa phẩm để tương thích với Hiệp định CTPPP, tuy nhiên quy định tại Phương án 1 tương thích hơn là Phương án 2 về cách thức bảo hộ dữ liệu đối với nông hóa phẩm theo hướng CTPPP yêu cầu. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo lựa chọn Phương án 1.

  • Điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (khoản 61 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 154)

Dự thảo sửa đổi điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp từ có chức năng hoạt động dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành “Có đăng ký ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực hoạt động dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp” với mục tiêu là để phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp.

Theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ không xem xét ngành, nghề mà doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh. Vì vậy, hiện nay trong các quy định pháp luật chuyên ngành, các cơ quan cấp giấy phép không còn xem xét yếu tố này khi cấp các loại giấy phép kinh doanh. Do đó, để thể hiện triệt để tinh thần trên của Luật Doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo bỏ khoản 2 Điều 154 thay vì sửa như đề xuất của Dự thảo.

  • Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ (khoản 78 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 213)

Dự thảo đưa ra hai phương án định nghĩa về hàng hóa giả mạo, theo đó:

Phương án 1: hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.

Phương án 2: hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc không thể phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.

Một số doanh nghiệp cho rằng không nên thu hẹp phạm vi đối tượng bị coi là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu như Phương án 2, vì việc hàng hóa được gắn nhãn hiệu tương tự, khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ hoàn toàn có thể dẫn đến tình trạng người tiêu dùng nhầm lẫn giữa các loại hàng hóa. Do đó, không cần đạt đến mức độ “không thể phân biệt” mà hàng hóa có nhãn hiệu, dấu hiệu “khó phân biệt” đã có thể gây tác động tiêu cực đến doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lựa chọn Phương án 1.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với các Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Ngoài ra gửi kèm theo Công văn góp ý này là các bản góp ý của các doanh nghiệp gửi về VCCI, rất mong Quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét để hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.