VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn về thuế TNDN đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa chưa truy thu theo nghị quyết 63/NQ-CP ngày 25/8/2014 của Chính phủ
Kính gửi: Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 15715/BTC-TCT của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa chưa truy thu theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/8/2014 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở góp ý của doanh nghiệp, có một số ý kiến ban đầu như sau:
Theo quy định tại Dự thảo thì các cơ sở thực hiện xã hội hóa thành lập trước ngày Quyết định 1470/QĐ-TTg ngày 22/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành không đáp ứng các điều kiện theo Danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường kèm theo các Quyết định 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008, Quyết định 693/QĐ-TTg ngày 06/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện khai bổ sung số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) còn thiếu hoặc sẽ bị truy thu thuế.
Liên quan đến việc truy thu thuế của các đơn vị xã hội hóa, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:
- Về thời điểm truy thu thuế: Theo quy định tại Quyết định 1470 thì “trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất việc ban hành Quyết định mới thay thế Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực hiện xã hội hóa và sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”. Như vậy, có thể thấy các tiêu chí, tiêu chuẩn trong Danh mục tại 03 Quyết định 1466, 693, 1470 vẫn còn bất cập (nhất là trong xu thế chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo hiện nay, các định mức về giảng viên, đất đai, cơ sở vật chất không còn như mô hình đào tạo truyền thông nữa) và cần được nghiên cứu một cách toàn diện để ban hành một Quyết định mới thay thế hoàn toàn Danh mục thay vì sửa đổi từng tiêu chí, tiêu chuẩn nằm trong nhiều văn bản như hiện hành. Một số doanh nghiệp đề nghị chưa tiến hành truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với cơ sở xã hội hóa cho đến khi xây dựng và ban hành được Danh mục lĩnh vực, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn mới. Khi có Danh mục mới, kiến nghị việc truy thu thuế được áp dụng theo Danh mục mới cho các năm thời gian nợ thuế trước đây thay vì áp dụng các Danh mục cũ có nhiều tiêu chí chưa hợp lý;
- Về việc áp dụng các tiêu chí: Quyết định 693 sửa đổi một số tiêu chí, tiêu chuẩn trong Danh mục của Quyết định 1466. Quyết định 1470 sửa đổi một số tiêu chí, tiêu chuẩn trong Danh mục của Quyết định 1466 trong đó có quy định “Các nội dung khác tại Danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường ban hành kèm theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ không được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định này thì vẫn còn hiệu lực thi hành”. Quyết định 1470 không có quy định nào nhắc đến Quyết định 693.
Quy định trên tại Quyết định 1470 có thể đưa đến cách hiểu những tiêu chí, tiêu chuẩn trong Danh mục tại Quyết định 1466 mà đã được sửa tại Quyết định 693 sẽ không được áp dụng và những tiêu chí, tiêu chuẩn trong Danh mục tại Quyết định 1466 sẽ được áp dụng. Như vậy sẽ có trường hợp, cơ sở đáp ứng điều kiện tại Quyết định 693 nhưng lại không đáp ứng điều kiện tại Quyết định 1470 (Ví dụ: theo Quyết định 1466 thì trường đại học, cao đẳng ngoài công lập phải đáp ứng tiêu chí là là 55m2 đất/sinh viên, Quyết định 693 đã sửa đổi tiêu chí đó thành 2m2 sàn xây dựng/sinh viên. Nếu Quyết định 1470 không nhắc đến Quyết định 693 mà chỉ đề cập đến các tiêu chí của Quyết định 1466 thì theo Quyết định của 1470 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập phải đáp ứng tiêu chí 55m2 đất/sinh viên thay vì 2m2 sàn xây dựng/sinh viên). Dự thảo cần phải có hướng dẫn về việc áp dụng tiêu chí của các Quyết định trên để đảm bảo tính thống nhất khi thực hiện;
- Về việc nộp thuế: Theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Dự thảo thì các cơ sở xã hội hóa phải nộp thuế tại thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành. Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid 19 thì việc truy thu thuế TNDN sẽ gây khó khăn đáng kể cho các đối tượng bị truy thu. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định cho phép một khoảng thời gian kể từ khi Thông tư có hiệu lực để các cơ sở này thực hiện nghĩa vụ thuế.
Góp ý này tương tự như ý kiến của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã được cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình rằng “Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định về điều kiện, trách nhiệm của người nộp thuế được nộp dần tiền thuế nợ và thẩm quyền giải quyết nộp dần tiền thuế”. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về thuế, để được nộp dần tiền thuế nợ thì người nộp thuế phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng, phải nộp tiền chậm nộp theo mức 0,003%/ngày trên số tiền thuế chậm nộp. Với điều kiện này và phải nộp tiền chậm nộp là chưa tạo điều kiện cho các đơn vị xã hội hóa bị truy thu thuế, trong khi đây là các đối tượng được Nhà nước khuyến khích hoạt động.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa chưa truy thu theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/8/2014 của Chính phủ. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Ngoài ra gửi kèm theo Công văn góp ý này là các bản góp ý của các doanh nghiệp gửi về VCCI, rất mong Quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét để hoàn thiện Dự thảo.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.