VCCI_Góp ý Hồ sơ xây dựng Nghị định về các giấy phép vận tải đường bộ qua biên giới

Thứ Bảy 16:37 30-01-2021

Kính gửi:  Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ Giao thông vận tải

Trả lời Công văn số 176/BGTVT-HTQT ngày 08/01/2021 của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị góp ý Dự thảo Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục cấp các loại giấy phép cho đơn vị kinh doanh vận tải và phương tiện hoạt động vận chuyển đường bộ qua lại biên giới (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:

  1. Đánh giá tác động chính sách

So với các quy định hiện hành, Dự thảo dự kiến sẽ có các thay đổi sau:

  • Đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho các đơn vị kinh doanh vận tải và phương tiện qua biên giới (Phần 2, Chương I, Báo cáo đánh giá tác động chính sách);
  • Bổ sung các quy định quản lý với hoạt động vận tải qua biên giới (Gạch đầu dòng số 2, Phần 3, Chương I Báo cáo đánh giá tác động chính sách);

Đây là các quy định có khả năng ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, nhưng lại chưa được nêu bật, phân tích rõ ràng và thực hiện đánh giá tác động chính sách. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo thực hiện bổ sung đánh giá tác động chính sách với các nhóm vấn đề trên.

  1. Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính
  2. Giấy phép kinh doanh cho đơn vị kinh doanh vận tải

Điều 7.1 Dự thảo Nghị định quy định về Giấy phép vận tải quốc tế đường bộ cấp cho các đơn vị kinh doanh vận tải (trang 10 Tờ trình). Tuy nhiên, quy định này cần xem xét ở các điểm sau:

Thứ nhất, quy định này là chưa thống nhất và vượt quá yêu cầu tại một số Hiệp định về vận tải đường bộ mà Việt Nam đã ký kết. Chẳng hạn, Điều 3.1 Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới Việt Nam – Lào chỉ yêu cầu giấy phép vận tải đối với phương tiện, mà không yêu cầu giấy phép với đơn vị kinh doanh vận tải. Tương tự với Điều 1 Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam – Campuchia;

Thứ hai, quy định này dường như chưa cần thiết. Có thể suy đoán rằng quy định này nhằm đảm bảo năng lực của các đơn vị kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, việc này đã được giải quyết do các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này đều đã phải đáp ứng các điều kiện về kinh doanh vận tải và được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định của Luật Giao thông đường bộ. Điều này tạo ra sự chồng lấn và gánh nặng đáp ứng hai lần điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định trên. Việc cấp Giấy phép vận tải cho các đơn vị kinh doanh vận tải chỉ nên thực hiện nếu Hiệp định về vận tải quốc tế mà Việt Nam đã ký có quy định như vậy.

  1. Cấp đồng thời các loại giấy phép cho phương tiện hoạt động vận chuyển đường bộ qua biên giới

Dự thảo đang được thiết kế theo hướng thủ tục cấp giấy phép vận tải được thực hiện độc lập theo từng Hiệp định, Nghị định thư về vận tải đường bộ qua biên giới. Tuy nhiên, cách quy định như vậy chưa thực sự phù hợp, khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt với các doanh nghiệp có hoạt động vận tải liên vận trên nhiều tuyến vận tải quốc tế khác nhau. Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung các nội dung sau vào nội dung đề xuất sửa đổi:

  • Sửa đổi quy định về cấp giấy phép cho phương tiện vận tải theo các Hiệp định khác nhau theo hướng các thành phần hồ sơ đều giống nhau với tất cả các giấy phép;
  • Thực hiện cấp đồng thời nhiều loại giấy phép cho phương tiện vận tải theo các Hiệp định khác nhau nếu có cùng yêu cầu về thành phần hồ sơ cấp phép;

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục cấp các loại giấy phép cho đơn vị kinh doanh vận tải và phương tiện hoạt động vận chuyển đường bộ qua lại biên giới. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.