VCCI góp ý Dự thảo Thông tư quy định về bảo vệ nước dưới đất

Thứ Năm 17:58 31-08-2017

Kính gửi: Cục Quản lý tài nguyên nước

               Bộ Tài nguyên và Môi trường

 

 

Trả lời Công văn số 2978/BTNMT-TNN của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định về bảo vệ nước dưới đất (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:

  1. Cơ sở pháp lý của việc ban hành Thông tư

Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định: “Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao”. Điều 35 của Luật Tài nguyên nước 2012 quy định về bảo vệ nước dưới đất và không giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về vấn đề này. Ngoài Điều 35, các quy định khác của Luật Tài nguyên nước 2012 cũng không giao thẩm quyền cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, giải trình rõ hơn về cơ sở pháp lý để ban hành Thông tư này.

Có thể có ý kiến cho rằng, Thông tư này thay thế cho Quyết định 15/2008/QĐ-BTNMT ban hành quy định bảo vệ tài nguyên nước dưới đất. Tuy nhiên, Quyết định này được ban hành từ năm 2008, trước khi có Luật Tài nguyên nước 2012. Nội dung của Quyết định này không phù hợp, thậm chí trái với Luật Tài nguyên nước và Nghị định 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước. Do đó, cần thiết phải hủy bỏ hiệu lực của Quyết định 15.

Trong trường hợp, cơ quan soạn thảo thấy rằng một số nội dung của Quyết định 15 vẫn còn có giá trị thực tế thì tiến hành đề xuất sửa đổi các quy định của Luật Tài nguyên nước hoặc Nghị định 201 cho phù hợp.

Các góp ý tiếp theo đây về nội dung của Dự thảo không ảnh hưởng đến góp ý trên về cơ sở pháp lý của việc ban hành Thông tư này.

  1. Vùng cấm khai thác, vùng hạn chế khai thác

Tiêu đề của chương II, tiêu đề của Điều 5, và Khoản 5.1 của Dự thảo đều dừng lại ở việc xác định vùng cấm xây dựng mới, cấm tăng lưu lượng công trình, tức là chỉ áp dụng đối với việc xây dựng các công trình mới hoặc tăng lưu lượng của các công trình hiện có. Tuy nhiên, Điều 5.2 lại quy định về việc yêu cầu các công trình hiện có phải giảm lưu lượng khai thác, giảm số lượng giếng hoặc cấm khai thác. Như vậy, có sự không thống nhất ngay trong một điều luật.

Luật Tài nguyên nước 2012 quy định rõ về khai thác nước dưới đất chia thành 3 trường hợp: (1) phải xin phép; (2) phải đăng ký; và (3) không phải xin phép hay đăng ký. Tuy nhiên, dựa trên ngôn từ của dự thảo thì rất khó xác định phạm vi tác động của quy định này chỉ dừng lại ở các hoạt động phải xin phép, hay bao gồm cả những hoạt động không phải xin phép. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ điều này.

Theo quy định của Luật tài nguyên nước và Nghị định số 201/2013/NĐ-CP, trước khi cấp phép khai thác nước dưới đất, cơ quan nhà nước đã phải tiến hành thẩm định, đánh giá khả năng đáp ứng của nguồn nước. Nếu nguồn nước dưới đất bảo đảm khả năng khai thác bền vững thì mới cấp phép. Như vậy, nếu người khai thác nước có giấy phép không có hành vi vi phạm pháp luật, thì việc yêu cầu điều chỉnh giảm hoặc cấm khai thác cần phải cân nhắc rất nhiều yếu tố.

Tài nguyên nước là một dạng tài sản. Việc Nhà nước cấp phép khai thác tài nguyên nước và thu các khoản tài chính tức là đã trao quyền tài sản cho doanh nghiệp và người dân. Do đó, việc yêu cầu giảm, dừng khai thác nước đã không bảo đảm quyền tài sản chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Điều 32 của Hiến pháp quy định “Trường hợp thật cần thiếtlý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.” Mặc dù Dự thảo đã đưa ra quy định về các trường hợp phải giảm lưu lượng, cấm khai thác (4 trường hợp), quy định về căn cứ xác định (Điều 7), trình tự thủ tục xác định (Điều 8), và yêu cầu “việc điều chỉnh giấy phép phải có lộ trình và bảo đảm không gây gián đoạn việc cấp nước, và phải thông báo trước 90 ngày” (Điều 5.3), tuy nhiên quy định này vẫn chưa bảo đảm phù hợp với Hiến pháp.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh các quy định về vùng cấm, vùng hạn chế khai thác như sau:

  • Đối với hoạt động khai thác nước dưới đất xây dựng mới hoặc tăng lưu lượng thì e không cấp phép mới, không cho phép điều chỉnh giấy phép theo hướng tăng lưu lượng hoặc đưa ra quy định cụ thể hơn về các trường hợp được phép xây dựng mới, tăng lưu lượng (với tư cách là các quy định hướng dẫn nghiệp vụ nội bộ cho các cơ quan cấp phép). Các vấn đề này đã được quy định tại Nghị định 201/2013/NĐ-CP.
  • Đối với hoạt động khai thác nước dưới đất hiện có thì áp dụng các quy định về thu hồi giấy phép hoặc điều chỉnh giấy phép tại Nghị định 201/2013/NĐ-CP. Hiện tại, Điều 5 của Dự thảo có nhiều điểm không phù hợp với quy định tại Điều 23 của Nghị định 201/2013/NĐ-CP.
  • Bổ sung quy đinh về bồi thường thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp khi cơ quan nhà nước điều chỉnh giảm lưu lượng hoặc cấm khai thác đối với các công trình hiện có theo đúng Điều 76.5 của Luật Tài nguyên nước 2012 và pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Điều 5.1 của dự thảo liệt kê các trường hợp xác định vùng cấm khai thác. Tuy nhiên, Điều 5.1.đ lại quy định và các “vùng cấm khai thác khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định”. Tương tự, Điều 6.1 liệt kê các trường hợp hạn chế khai thác, nhưng Điều 6.1.đ lại quy định “và các vùng hạn chế khai thác khác do cơ quan nhà nước quyết định”. Việc tồn tại các quy định mang tính quét như thế này là không minh bạch, trao quyền cho cơ quan nhà nước ra quyết định mà không dựa trên bất kỳ một cơ sở nào. Đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ các quy định này.

Điều 5.1.a của dự thảo quy định “vùng có mực nước dưới đất bị hạ thấp vượt quá mức hạ thấp cho phép do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định”. Như vậy, quy định này đã bổ sung thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quy định mực nước dưới đất thấp nhất. Tuy nhiên, pháp luật lại chưa có quy định cụ thể hơn về căn cứ, trình tự thủ tục để Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định vấn đề này. Trong khi đó, Luật Tài nguyên nước 2012 đã có quy định về ngưỡng khai thác nước dưới đất. Đề nghị cơ quan soạn thảo áp dụng quy định của Luật, tránh phát sinh thêm quy định mới.

Sau khi công bố vùng cấm khai thác, hạn chế khai thác và có tác động đến các công trình hiện có, cơ quan nhà nước sẽ phải lựa chọn công trình nào phải giảm lưu lượng hoặc dừng khai thác. Điều 8.1.b, gạch đầu dòng thứ năm cũng đã có quy định về phương án, lộ trình giảm lưu lượng, số lượng công trình khai thác nước dưới đất hiện có. Tuy nhiên, đây là vấn đề có tác động rất lớn và có thể gây ra sự tùy tiện, không công bằng giữa các cá nhân, tổ chức cùng có giấy phép khai thác nước. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về tiêu chí lựa chọn đơn vị phải điều chỉnh giấy phép.

  1. Vùng bảo hộ vệ sinh của công trình khai thác nước dưới đất

Điều 14 của Dự thảo quy định về vùng bảo hộ vệ sinh của công trình khai thác nước dưới đất áp dụng cho cả mục đích cấp nước sinh hoạt và mục đích khác. Tuy nhiên, Luật Tài nguyên nước 2012 chỉ quy định về vùng bảo hộ vệ sinh đối với khu vực lấy nước sinh hoạt. Như vậy, Điều 14.2 của Dự thảo đang có dấu hiệu vượt luật, đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ.

Điều 32.1 của Luật Tài nguyên nước 2012 chỉ cấm hành vi “xả nước thải, đưa chất thải” vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. Tuy nhiên, Điều 14 của Dự thảo lại cấm thêm cả những hành vi như “bố trí chuồn trại chăn nuôi gia súc, nhà vệ sinh, bãi thải, kho, bãi chứa hóa chất và các nguồn ô nhiễm khác”, “cấm tất cả các hoạt động phát sinh ra nguồn gây ô nhiễm”, “các hoạt động phá hủy lớp phủ bảo vệ tầng chứa nước”. Ngoài ra, Điều 14.3 còn yêu cầu chủ công trình phải có văn bản thỏa thuận với chủ sử dụng đất trong vùng bảo hộ vệ sinh trước khi thi công công trình. Quy định này đã đặt ra một nghĩa vụ tiền kiểm và vượt quá Luật Tài nguyên nước, đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định về bảo vệ nước dưới đất. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.