VCCI góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan

Thứ Năm 17:54 31-08-2017

Kính gửi: Cục Bản quyền tác giả

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Trả lời Công văn số 2569/BVHTTDL-BQTG của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:

  1. Về sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian (Điều 20)
  • Khoản 2 Điều 20 Dự thảo giải thích về khái niệm “sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian” tuy nhiên chỉ nhắc lại mà không chi tiết và cụ thể hơn quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật sở hữu trí tuệ, do đó không có tính chất của văn bản hướng dẫn, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét hoặc là quy định cụ thể, chi tiết hơn hoặc là bỏ;
  • Khoản 3 Điều 20 Dự thảo quy định về việc trả tiền quyền tác giả, quyền liên quan, theo đó người sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian phải “thỏa thuận về việc trả tiền quyền tác giả, quyền liên quan cho người lưu giữ tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian và được hưởng quyền tác giả đối với phần nghiên cứu sưu tầm, giới thiệu của mình”. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định này ở các góc độ sau:
  • Theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 thì việc sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian, tổ chức, cá nhân phải “dẫn chiếu xuất xứ của loại hình tác phẩm đó và bảo đảm giữ gìn giá trị đích thực của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian” và không thấy yêu cầu phải trả tiền quyền tác giả, quyền liên quan cho người lưu giữ. Như vậy, quy định này của Dự thảo dường như chưa phù hợp với quy định tại Luật sở hữu trí tuệ năm 2005;
  • Trong nhiều trường hợp rất khó để xác định người đang lưu trữ tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian, do vậy yêu cầu người sử dụng các tác phẩm này phải liên hệ và trả tiền quyền tác giả, quyền liên quan cho người lưu trữ sẽ rất khó khăn trên thực tế. Hơn nữa, tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian được xem là tài sản chung của cộng đồng, phản ánh các giá trị văn hóa cộng đồng, cần được khuyến khích giữ gìn, bảo tồn. Việc sử dụng các tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian cũng là một trong những hình thức bảo tồn và lưu giữ, góp phần truyền tải đến công chúng, cần được khuyến khích, tạo điều kiện. Do đó, yêu cầu phải trả tiền quyền tác giả, quyền liên quan đối với các tác phẩm này dường như chưa hợp lý.

Trong trường hợp này, để bảo đảm quyền lợi cho người lưu giữ tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian, Nhà nước có thể có chính sách hỗ trợ tài chính cho các chủ thể này, cũng phù hợp với tinh thần của quy định về chính sách của Nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan quy định khoản 1 Điều 4 Dự thảo.

Từ các phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét bỏ quy định tại khoản 3 Điều 20 Dự thảo.

  1. Sử dụng bản ghi âm, ghi hình (Điều 34)

Khoản 2 Điều 34 Dự thảo quy định “sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại … là việc tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố để sử dụng tại nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, siêu thị; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính, viễn thông, môi trường kỹ thuật số; trong các hoạt động du lịch, hàng không, giao thông công cộng và các hoạt động kinh doanh, thương mại khác”.

Cốt lõi trong quy định trên là việc “sử dụng trực tiếp/gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh thương mại”. Tuy nhiên quy định này lại không làm rõ thế nào là “sử dụng trực tiếp/gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố” mà thực chất chỉ giải thích (đưa ví dụ) về “các hoạt động kinh doanh thương mại”.

Trên thực tế, quá trình triển khai thu tiền nhuận bút, thù lao khi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh thương mại thời gian qua cho thấy đây là vấn đề rất vướng mắc và vì vậy cần được xử lý rõ ràng trong Nghị định này.

Ví dụ: việc thu tiền quyền tác giả của các sản phẩm âm nhạc tại khách sạn/cơ sở lưu trú du lịch.

  • Việc yêu cầu các cơ sở lưu trú phải trả tiền tác quyền khi sử dụng các sản phẩm âm nhạc thông qua các ti vi ở trong phòng lưu trú gây nhiều băn khoăn cho đối tượng áp dụng: Tivi trong phòng khách sạn do khách hàng sử dụng, và không có gì đảm bảo là khách hàng sẽ sử dụng tivi hay khi sử dụng thì có mở xem các chương trình ca nhạc hay không. Trong trường hợp khách hàng không sử dụng/không xem các chương trình ca nhạc trên tivi, đồng nghĩa với việc khách sạn sẽ không khai thác bản ghi âm, ghi hình trong hoạt động kinh doanh của mình, do đó việc phải trả tiền tác quyền trong trường hợp này là không hợp lý. Nói cách khác, việc thu đồng loạt tiền tác quyền cho các sản phẩm âm nhạc được phát sóng trên tivi thông qua đếm số lượng tivi trong các phòng lưu trú chưa phù hợp với bản chất của việc thu tác quyền các bản ghi âm, ghi hình.
  • Hơn nữa, ngay cả khi khách hàng mở xem các chương trình âm nhạc phát sóng trên các tivi này thì cũng cần phải làm rõ đây bản chất là việc sử dụng bản ghi âm, ghi hình hay sử dụng chương trình phát sóng (có nội dung là các tác phẩm ghi âm, ghi hình)? Nếu là sử dụng chương trình phát sóng thì quy định này sẽ dẫn đến cách hiểu: Cơ sở lưu trú phải trả tiền cho sản phẩm ghi âm, ghi hình và cho chương trình phát sóng (suy đoán là phần lớn đang sử dụng các kênh truyền hình trả tiền), tức trả 02 lần tiền tác giả cho một sản phẩm mà mình sử dụng. Điều này là chưa hợp lý.

Để đảm bảo tính minh bạch trong chính sách và phù hợp với bản chất tác quyền, đề nghị Ban soạn thảo:

  • Giải thích rõ hơn về các khái niệm “sử dụng trực tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại” và “sử dụng gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại”;
  • Khi định nghĩa/giải thích cần chú ý bảo đảm các yêu cầu: (i) người sử dụng chỉ phải trả tiền tác quyền khi có sử dụng tác phẩm; (ii) người sử dụng chỉ phải trả chi phí một lần một việc sử dụng của mình..
  1. Thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan (Chương IV)
  2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan (khoản 3 Điều 37)

Theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Dự thảo thì các tài liệu quy định tại điểm c, d, đ và e khoản 2 (Dự thảo trích dẫn nhầm thành khoản 3) Điều 50 Luật sở hữu trí tuệ là bản sao “phải có công chứng hoặc chứng thực”, “trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và phải được công chứng”. Quy định này vừa chưa hợp lý, vừa chưa thống nhất ở điểm:

  • Theo quy định tại khoản 3 Điều 50 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 thì “các tài liệu quy định tại điểm c, d, đ và e khoản 2 Điều này phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt”. Như vậy, Luật không yêu cầu các bản dịch phải được công chứng, do đó quy định tại Dự thảo là chưa phù hợp;
  • Việc Dự thảo yêu cầu phải công chứng hoặc chứng thực các bản sao tài liệu trên sẽ tạo gánh nặng và chưa phù hợp với tinh thần cải cách thủ tục hành chính. Hiện tại, nhiều thủ tục hành chính đã được thiết kế theo hướng, trong trường hợp bản sao, có thể được cung cấp bản gốc kèm bản sao để đối chiếu mà không phải công chứng hoặc chứng thực.

Để đảm bảo tính thống nhất và phù hợp, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc:

  • Bỏ quy định phải công chứng bản dịch các tài liệu;
  • Sửa đổi quy định theo hướng, nếu nộp các bản sao thì có thể cung cấp các bản chính để đối chiếu mà không cần phải chứng thực các bản sao.
  1. Cấp lại, đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 38)
  • Về hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan trong trường hợp bị mất hoặc rách nát: Dự thảo yêu cầu phải nộp hồ sơ tương tự như hồ sơ cấp mới là chưa hợp lý, bởi trong trường hợp này giấy chứng nhận đã được cấp nhưng bị mất hoặc rách nát, hư hỏng, cơ quan nhà nước không cần phải thẩm định về điều kiện để cấp giấy chứng nhận như lần đầu mà chỉ cần xem xét lại dữ liệu để cấp lại giấy chứng nhận đã cấp. Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng, hồ sơ để yêu cầu cấp lại trong trường hợp giấy chứng nhận bị mất hoặc rách nát là: Đơn đề nghị; giấy chứng nhận (nếu có);
  • Tương tự, hồ sơ cấp đổi giấy chứng nhận trong trường hợp có thay đổi thông tin về tác giả, tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu liên quan, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi theo hướng Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị và các tài liệu chứng minh sự thay đổi các thông tin trên;
  • Về thời gian giải quyết thủ tục: Theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Dự thảo thì thời gian để cấp giấy chứng nhận trong trường hợp cấp lại là 10 ngày làm việc; trường hợp cấp đổi là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Đây là khoảng thời gian quá dài, tương đương thời gian giải quyết thủ tục cấp mới, để giải quyết các thủ tục đơn giản như trên là chưa hợp lý. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính trên (ví dụ: thời gian cấp lại là 03 ngày làm việc; cấp đổi là 05 ngày làm việc).
  1. Thời gian xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ

Trong các quy định về thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, Luật sở hữu trí tuệ cũng như Dự thảo không quy định về thời hạn xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ, trong khi đó thời gian xem xét để quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan lại căn cứ từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Điều này khiến cho quy trình thủ tục hành chính trở lên thiếu minh bạch và tạo ra dư địa của tình trạng nhũng nhiễu của các cán bộ thực thi, khi yêu cầu cá nhân, tổ chức phải thực hiện bổ sung, hoàn thiện hồ sơ nhiều lần và thời gian giải quyết thủ tục kéo dài.

Để đảm bảo tính minh bạch về thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về thời gian xem xét, tính đầy đủ của hồ sơ (có thể là 01 ngày làm việc) và quy định rõ là chỉ được yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trong 01 lần.

  1. Thẩm quyền cấp, cấp lại, đổi và hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan (Điều 40)

Theo quy định tại Điều 40 Dự thảo thì Cục Bản quyền tác giả có thẩm quyền cấp, cấp lại, đổi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan. Trường hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao tiếp nhận đơn đăng ký, cấp lại, cấp đổi sẽ “chuyển Cục Bản quyền tác giả xem xét, giải quyết theo thẩm quyền”.

Như vậy, việc xem xét hồ sơ và quyết định cấp giấy chứng nhận hay không sẽ do Cục Bản quyền tác giả quyết định. Các sở địa phương tham gia vào quy trình thủ tục với vai trò tiếp nhận hồ sơ và chuyển trả hồ sơ. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét vấn đề này ở các khía cạnh sau:

  • Việc cấp phép tập trung vào một cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương có thể gây ra tình trạng quá tải trong xử lý vụ việc và khó khăn cho các đối tượng thực hiện thủ tục, mặc dù Dự thảo đã quy định sở địa phương có thể tiếp nhận hồ sơ, tuy nhiên những vấn đề liên quan đến việc xem xét, thẩm định hay giải quyết khiếu nại vẫn do cơ quan cấp phép thực hiện. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét có thể phân quyền về địa phương cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
  • Dự thảo không quy định về thời gian sở ở địa phương phải chuyển lên cho Cục Bản quyền tác giả sau khi nhận hồ sơ từ các tổ chức, cá nhân là bao lâu và thời gian sở phải chuyển trả kết quả sau khi nhận kết quả từ Cục. Thời gian giải quyết thủ tục theo quy định tại Điều 38 Dự thảo được tính từ thời điểm Cục Bản quyền nhận được hồ sơ hợp lệ, như vậy thì khoảng thời gian sở địa phương nhận và xử lý hồ sơ sẽ không được tính trong thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Điều này sẽ khiến cho thủ tục hành chính thiếu rõ ràng và các cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục không rõ về thời gian giải quyết của cơ quan quản lý nhà nước. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về thời gian sở địa phương tiếp nhận hồ sơ, chuyển hồ sơ lên Cục và chuyển trả hồ sơ khi nhận kết quả cho các đối tượng liên quan (trong trường hợp vẫn giữ phương án cơ quan cấp phép tập trung ở một cơ quan ở Trung ương).
  1. Tổ chức đại diện tập thể, tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan (Chương V)
  2. Về biểu mức tiền quyền tác giả, quyền liên quan

Theo Điều 42 Dự thảo, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan sẽ thỏa thuận với bên khai thác, sử dụng tiền quyền tác giả, quyền liên quan về biểu mức tiền; trường hợp không thỏa thuận được thì biểu mức tiền sẽ thực hiện theo quy định tại Nghị định 21/2015/NĐ-CP[1] và Nghị định 18/2014/NĐ-CP[2].

Quy định này cần được cân nhắc, xem xét ở các vấn đề sau:

  • Về bản chất, có ba chủ thể có liên quan trong việc xác định tiền tác quyền trong trường hợp này, bao gồm tác giả/chủ sở hữu tác phẩm, tổ chức đại diện quyền tác giả, và đơn vị khai thác/sử dụng tác phẩm. Tuy nhiên, theo quy định nói trên thì tác giả/chủ sở hữu tác phẩm gần như không có vai trò gì trong đàm phán để xác định mức tiền quyền tác giả, quyền liên quan.

Tất nhiên, tác giả/chủ sở hữu tác phẩm có thể đã ủy quyền cho tổ chức đại diện; tuy nhiên, không phải khi nào phạm vi ủy quyền không bao gồm xác định mức tiền quyền tác giả, quyền liên quan. Trong trường hợp này, về nguyên tắc trong các hoạt động đàm phán, thỏa thuận về mức tiền này, nhất thiết phải có sự tham gia của tác giả/chủ sở hữu;

  • Xét về bản chất, mối quan hệ giữa tác giả/chủ sở hữu với tổ chức đại diện; tổ chức đại diện với bên khai thác, sử dụng tác phẩm là quan hệ hợp đồng. Do đó, mọi thỏa thuận, nhất là liên quan đến mức tiền quyền tác giả đều phải dựa trên cơ sở hợp đồng. Nếu các bên không thỏa thuận được mức giá hợp lý, hợp đồng có thể sẽ không được thiết lập và bên khai thác, sử dụng không được phép khai thác, sử dụng tác phẩm, nếu vi phạm sẽ được giải quyết tại tòa án hoặc phương thức giải quyết tranh chấp khác. Do đó, xét trên tính chất của mối quan hệ này, việc Nhà nước yêu cầu phải xác định mức tiền quyền tác giả, quyền liên quan đối với các định mức do Nhà nước quy định (tại 02 Nghị định nói trên) là chưa phù hợp.

Từ các phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định tại Điều 42 Dự thảo.

  1. Về thu, phân chia tiền quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 43)

Theo quy định tại khoản 6 Điều 43 Dự thảo, trường hợp tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan chưa ủy quyền cho tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thu và phân chia tiền quyền tác giả, quyền liên quan đối với việc khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng thì trình tự để bên khai thác, sử dụng tác phẩm trả tiền sẽ như sau:

  • Bên khai thác, sử dụng tác phẩm gửi văn bản đề nghị tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thu và phân chia tiền quyền tác giả, quyền liên quan
  • Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm liên lạc, thông báo với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan về đề nghị này;
  • Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan chỉ được thu tiền quyền tác giả, quyền liên quan khi có sự đồng ý bằng văn bản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan

Quy định trên là chưa phù hợp với pháp luật dân sự về quyền sở hữu. Chủ sở hữu có mọi quyền năng đối với tài sản mà mình sở hữu, trong đó bao gồm cả việc xác định mức giá của tài sản của mình. Trường hợp tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan chưa ủy quyền cho tổ chức đại diện thì mọi vấn đề liên quan đến tác phẩm, bên muốn khai thác sử dụng phải liên hệ trước tiên với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan vì chỉ có họ mới có quyền với tác phẩm đó. Lúc này, tổ chức đại diện chưa đóng vai trò gì đối với các tác phẩm của các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm trên. Do vậy, liên hệ với tổ chức đại diện trong trường hợp này là chưa phù hợp.

Mặt khác, việc liên hệ với tổ chức đại diện và từ tổ chức đại diện liên hệ lại tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan khiến cho quy trình trở nên phức tạp, vì trong trường hợp tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan không đồng ý ủy quyền thì tổ chức đại diện cũng không được quyền thu tiền và người khai thác, sử dụng vẫn phải tìm đến tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan để thỏa thuận. Như vậy sẽ là một đường vòng và phải quay trở lại điểm xuất phát là liên hệ trực tiếp với tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan.

Để đảm bảo tính hợp lý, phù hợp với pháp luật dân sự, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ các quy định tại khoản 6 Điều 43 Dự thảo, chỉ giữ lại quy định tại điểm c khoản 6 “Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan chỉ được thu tiền quyền tác giả, quyền liên quan khi có sự đồng ý bằng văn bản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan”.

  1. Không phân chia tiền quyền tác giả, quyền liên quan trong trường hợp vì lý do khách quan

Theo quy định tại khoản 7 Điều 43 Dự thảo thì trường hợp không phân chia được quyền tác giả, quyền liên quan vì lý do khách quan, tổ chức đại diện sẽ vẫn thu tiền và sau thời hạn 03 năm kể từ thời điểm đăng tin trên phương tiện thông tin đại chúng tìm chủ sở hữu, mà vẫn không tìm được chủ sở hữu quyền, “tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định nộp tiền quyền tác giả, quyền liên quan vào ngân sách nhà nước sau khi trừ các chi phí quản lý hành chính”.

Quy định này là mâu thuẫn với chính quy định tại khoản 6 Điều 43 Dự thảo, vì theo quy định tại khoản 6 thì tổ chức đại diện “chỉ được thu tiền quyền tác giả, quyền liên quan khi có sự đồng ý bằng văn bản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan”. Theo quy định này thì sẽ không xảy ra trường hợp không có sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan mà tổ chức đại diện vẫn thu tiền quyền tác giả, quyền liên quan.

Mặt khác, quy định tại khoản 7 sẽ dẫn tới trường hợp làm hạn chế quyền năng của chủ sở hữu (khi không được quyền quyết định đối với tài sản của mình) và chưa hợp lý vì trong trường hợp không có ủy quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan, tổ chức đại diện không có vai trò/quyền hạn gì đối với việc khai thác, sử dụng tác phẩm, do đó quy định cho phép tổ chức này thu tiền khi không có ủy quyền là bất hợp lý.

Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định tại khoản 7 Điều 43 Dự thảo.

  1. Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 47)

Về khoản 1 Điều 47

Khoản 1 Điều 47 Dự thảo quy định các điều kiện hoạt động của tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan theo hướng tổ chức phải thỏa mãn các điều kiện này mới được kinh doanh. Nói cách khác, với quy định này, hoạt động tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Quy định này vì vậy chưa phù hợp với:

– Luật sở hữu trí tuệ (vì Luật không đặt ra điều kiện hoạt động của tổ chức này, mà chỉ quy định là thành lập và hoạt động theo pháp luật nói chung, tức là theo pháp luật về doanh nghiệp và đầu tư thông thường[3]);

– Luật đầu tư (vì Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật đầu tư không có ngành tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan).

Để đảm bảo tính thống nhất đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định tại khoản 1 Điều 47 Dự thảo.

Về khoản 2 Điều 47

Khoản 2 Điều 47 Dự thảo quy định tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả phải báo cáo, thông tin cho Cục Bản quyền tác giả theo định kỳ sáu tháng, một năm hoặc đột xuất về hoạt động tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan.

Quy định này là chưa phù hợp với Điều 57 Luật sở hữu trí tuệ 2005 vì Luật không quy định về nghĩa vụ báo cáo của tổ chức này. Hơn nữa, việc báo cáo này là không cần thiết (bởi doanh nghiệp đã phải báo cáo theo quy định của Luật doanh nghiệp về hoạt động kinh doanh), không rõ ràng (khi nào thì phải báo cáo đột xuất, phải báo cáo những nội dung gì, mức độ chi tiết đến đâu, Cục bản quyền theo dõi các nội dung gì trong báo cáo…), gây tốn thời gian công sức của doanh nghiệp, không phù hợp với định hướng cải cách thủ tuc hành chính của Chính phủ.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định tại khoản 2 Điều 47 Dự thảo.

  1. Một số góp ý liên quan đến kỹ thuật soạn thảo văn bản
  • Về quyền công bố tác phẩm: khoản 2 Điều 22 Dự thảo quy định “Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ là việc phát hành tác phẩm đến công chúng với số lượng bản sao đủ để đáp ứng nhu cầu hợp lý của công chúng tùy theo bản chất của tác phẩm, do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc do cá nhân, tổ chức khác thực hiện với sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu”.

Cụm từ “với số lượng bản sao đủ để đáp ứng nhu cầu hợp lý của công chúng tùy theo bản chất của tác phẩm” là không cần thiết và làm cho khái niệm này trở nên rối. Hơn nữa, cụm từ này cũng đưa đến các khái niệm không rõ là “đủ để đáp ứng nhu cầu hợp lý của công chúng”, “tùy theo bản chất của tác phẩm” khiến cho toàn bộ khái niệm về quyền công bố tác phẩm trở nên khó hiểu. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ này ra khỏi khoản 2 Điều 22;

  • Khoản 1 Điều 24 Dự thảo quy định về các điều kiện để được xem là trích dẫn hợp lý, trong đó có điều kiện “số lượng và thực chất của phần trích dẫn từ tác phẩm được sử dụng để trích dẫn không gây phương hại tới quyền tác giả đối với tác phẩm được sử dụng trích dẫn”. Điều kiện này là chưa rõ ở điểm “số lượng” như thế nào được cho là trích dẫn hợp lý? “Thực chất của phần trích dẫn được sử dụng” nên được hiểu theo nghĩa như thế nào? Quy định này liên quan trực tiếp đến quyền lợi của tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả cũng như những người trích dẫn, do đó cần phải được quy định cụ thể, rõ ràng, để có thể tạo cách hiểu thống nhất trong quá trình áp dụng, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về điều kiện này.

Góp ý tương tự đối với quy định tại khoản 2 Điều 32 Dự thảo.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Ngoài ra gửi kèm theo một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan cân nhắc, xem xét.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

 

[1]Nghị định 21/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác

[2] Nghị định 18/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản

[3] Khoản 1 Điều 57 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định “tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật”.