VCCI góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 93/NĐ-CP ngày 22/10/2009 về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài

Thứ Hai 16:58 31-10-2016

Kính gửi: Vụ Kinh tế Đối ngoại – Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trả lời Công văn số 8083/BKHĐT-KTĐN của
Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định thay thế
Nghị định 93/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về ban hành Quy
chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài (sau đây gọi
tắt là Dự thảo), trên cơ sở nghiên cứu dự thảo và thực tiễn tiếp nhận,
sử dụng vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài, Phòng Thương mại và
Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:

1.     Lĩnh vực ưu tiên sử dụng viện trợ

Khoản 1 Điều 6 Dự thảo quy định
lĩnh vực ưu tiên sử dụng viện trợ, trong đó có ưu tiên sử dụng viện
trợ “Tăng cường năng lực quản lý, kỹ thuật và phát triển nguồn nhân
lực; chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và triển khai” (điểm
đ).

Tuy nhiên, việc xác định lĩnh
vực ưu tiên sử dụng viện trợ như trên dường như có sự thu hẹp so với
trước đây, khi Nghị định 93 có xác định lĩnh vực ưu tiên “tăng cường
năng lực thể chế”. Hiện nay nhu cầu của việc tăng cường năng lực thể
chế là rất lớn tại Việt Nam. Điều này thể hiện rõ qua việc Chính phủ
đang tập trung thực hiện cải cách xây dựng thể chế theo hướng hội nhập, minh bạch,
trách nhiệm và kiến tạo để hỗ trợ doanh nghiệp với loạt Nghị quyết 19/NQ-CP
về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc
gia ban hành trong các năm 2014-2016, cũng như Nghị quyết 35/NQ-CP năm
2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến 2020. Bản thân Điểm a
Khoản 1 Điều 19 Dự thảo cũng ghi nhận nội dung “hỗ trợ xây dựng thể chế, hỗ trợ xây dựng các văn bản pháp
luật”
trong thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Thủ trưởng
các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo
bổ sung lĩnh vực ưu tiên này tại Điểm đ, Khoản 1 Điều 6 Dự thảo, cụ
thể như sau:  “Tăng cường năng lực thể chế, năng lực quản lý, kỹ thuật và
phát triển nguồn nhân lực; chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực
nghiên cứu và triển khai”.

2.     Yêu cầu bản sao có chứng thực

Dự thảo đã có nhiều quy định
mang tính cải cách thủ tục hành chính trong việc thẩm định các chương
trình dự án, tài trợ, tuy nhiên vẫn có một số yêu cầu về mặt hồ sơ
có thể khiến mục tiêu cải cách hành chính này trở nên khó đạt được.

Cụ thể, Khoản 3 và Khoản 4 Điều
13 Dự thảo đã đưa ra nhiều yêu cầu mới về bản sao đã có chứng thực nhiều loại giấy tờ của bên tài
trợ, kể cả với tổ chức cũng như cá nhân. Hoặc Khoản 2 Điều 16 Dự
thảo quy định “Hồ sơ thẩm định được
lập thành 8 bộ đối với các khoản viện trợ thuộc thẩm quyền phê duyệt
của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có ít nhất 1 bộ gốc. Các tài
liệu bằng tiếng nước ngoài phải có bản dịch công chứng tiếng Việt
Nam kèm theo”.
Việc Dự thảo quy định “các tài liệu tiếng nước ngoài phải có bản dịch công chứng
tiếng Việt Nam kèm theo”
là một yêu cầu mới so với Nghị định 93,
vốn chỉ yêu cầu “có bản dịch tiếng
Việt kèm theo”
(Khoản 2 Điều 12 Nghị định 93).

Nhằm đảm bảo mục tiêu cải cách
thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện của các bên có
liên quan, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh lại những
yêu cầu tại khoản 3 và 4 Điều 13 và khoản 2 Điều 16 theo hướng chỉ cần bản dịch có đóng dấu xác nhận của đơn vị nộp
hồ sơ/cơ quan chủ quản
.

3.     Thời hạn thành lập Ban Quản lý dự án

Khoản 1 Điều 26 Dự thảo quy định:
“Người có thẩm quyền thành lập Ban
Quản lý dự án quy định tại khoản 1, 2 Điều 24 Nghị định này, trong
thời hạn 30 ngày sau khi có quyết định phê duyệt chương trình, dự án
ban hành quyết định thành lập Ban Quản lý dự án”.

Trong khi đó, Khoản 2 Điều 28 Dự
thảo lại quy định: “Ban Quản lý
chương trình, dự án phải được chủ khoản viện trợ hoặc cơ quan chủ
quản (trong trường hợp cơ quan chủ quản trực tiếp quản lý, điều hành
thực hiện) ban hành quyết định thành lập trong vòng 15 ngày sau khi
chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 19 phê
duyệt”.

Hai quy định này có thể dẫn tới
cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện. Do vậy, đề nghị Ban
soạn thảo
thống nhất thời hạn ra quyết định thành lập Ban Quản
lý dự án, cụ thể là thời gian 30 ngày kể từ ngày chương trình, dự
án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4.     Trường hợp không thành lập Ban Quản lý dự án

Điểm a và b Khoản 1 Điều 27 Dự
thảo quy định cơ quan chủ quản quyết định không thành lập Ban quản lý
dự án đối với trường hợp “chương
trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại
có tổng mức vốn (kể cả đối ứng) dưới 100.000 đô la Mỹ”
và “chương trình, dự án đầu tư sử dụng
vốn viện trợ không hoàn lại có tổng mức đầu tư (kể cả vốn đối ứng
dưới 350.000 đô la Mỹ.”

Đây là quy định chi tiết hơn so
với Nghị định 93 và theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các cơ quan chủ
quản trong quá trình triển khai dự án. Mặc dù vậy, tổng mức vốn và
tổng mức đầu tư “sàn” này dường như vẫn chưa phù hợp với thực tiễn. Theo thực
tế tiếp nhận vốn viện trợ của nhiều đơn vị thời gian cho thấy các
chương trình, dự án trên các mức trần này (khoảng 40-50%) vẫn là các chương
trình, dự án vừa và nhỏ, thực hiện trong thời gian ngắn, các kết cấu các hoạt động
và quản lý vận hành không quá phức tạp, do đó việc thành lập Ban quản lý dự án
sẽ làm phức tạp quy trình một cách không cần thiết, tốn kém thời gian.

Do vậy đề nghị Ban soạn thảo
cân nhắc nâng cao hơn mức “sàn” bắt buộc thành lập Ban quản lý tổng mức vốn
đối với vốn của chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn
viện trợ không hoàn lại (có thể là từ 150.000 đô la Mỹ) và nâng cao
tổng mức đầu tư của chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn viện
trợ không hoàn lại (có thể là 500.000 đô la Mỹ).

5.     Tài khoản và con dấu của Ban Quản lý dự án

Khoản 4 Điều 28 Dự thảo quy định
“Ban Quản lý dự án phải mở tài
khoản
tại ngân hàng thương mại được thành lập và hoạt động theo
pháp luật Việt Nam và có con dấu
riêng
để thực hiện chương trình, dự án viện trợ PCPNN phù hợp
với quy định của pháp luật và các thỏa thuận hoặc cam kết đã ký
kết”.

Việc quy định bắt buộc Ban Quản
lý dự án phải mở tài khoản ngân
hàng
và con dấu riêng có thể
chưa tạo sự linh hoạt cho các đơn vị chủ quản trong việc quản lý và
thực hiện chương trình dự án, nhất là trong trường hợp thời gian
thực hiện chương trình, dự án tương đối ngắn.

Ngoài ra, riêng với quy định về con dấu
riêng, cần chú ý rằng theo quy định tại Nghị định số 99/2016/NĐ-CP (áp dụng cho
con dấu của tất cả các cơ quan, tổ chức trừ các doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp)
thì “Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước
chỉ được sử dụng một con dấu theo mẫu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Trường hợp cần thiết phải sử dụng thêm con dấu như con dấu đã cấp (dấu ướt, dấu
nổi, dấu thu nhỏ, dấu xi), thực hiện theo quy định sau đây:a) Cơ quan, tổ chức,
chức danh nhà nước sử dụng thêm dấu ướt phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm
quyền;b) Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước tự quyết định việc sử dụng thêm dấu
nổi, dấu thu nhỏ, dấu xi; c) Tổ chức kinh tế tự quyết định việc sử dụng thêm
con dấu.
” (khoản 4 Điều 6 Nghị định 99/2016). Nói cách khác, theo quy định
hiện hành thì số lượng các con dấu của mỗi tổ chức bị hạn chế và kiểm soát chặt
chẽ. Trong khi đó trên thực tế, một tổ chức có thể cùng lúc nhận nhiều khoản
tài trợ ở mức cần phải lập Ban quản lý (và các Ban quản lý này hầu hết là một
đơn vị/bộ phận của Đơn vị chủ quản chứ không phải là tổ chức thành lập mới). Nếu
thực hiện theo quy định nói trên của Dự thảo thì số lượng con dấu của một tổ chức
(tổ chức nhận viện trợ) có thể là rất nhiều, điều này không phù hợp với quy chế
quản lý con dấu của Chính phủ hiện tại. Hơn nữa, cũng theo quy định nói trên,
ngay cả có con dấu, nếu Ban quản lý là một đơn vị trực thuộc của Đơn vị chủ quản
thì con dấu của Ban quản lý phải có nội dung giống hệt con dấu của Đơn vị chủ
quản (“sử dụng thêm con dấu như con dấu đã cấp”), tức là con dấu của Ban quản
lý không thể là “con dấu riêng” mà vẫn là con dấu (dấu ướt) chung của Đơn vị chủ
quản

Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo
quy định theo hướng cho phép “Ban Quản lý dự án có thể mở tài khoản tại ngân hàng thương mại được thành
lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam và được sử dụng con dấu hợp pháp của chủ khoản viện trợ hoặc
cơ quan chủ quản (trong trường hợp cơ quan chủ quản trực tiếp quản
lý, điều hành thực hiện)
để thực hiện chương trình, dự án viện
trợ PCPNN phù hợp với quy định của pháp luật và các thỏa thuận
hoặc cam kết đã ký kết”.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của
Phòng Thương mại và Công nghiệp    Việt
Nam về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 93/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của
Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi
chính phủ nước ngoài. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc trong quá trình sửa đổi
nội dung Dự thảo Nghị định.

Trân trọng cảm ơn.