Ý kiến về dự thảo LTM – TS. Ng. Am Hiểu

Thứ Sáu 15:53 26-05-2006
MỘT VÀI Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO LUẬT THƯƠNG MẠI (SỬA ĐỔI)

TS. Nguyễn Am Hiểu
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự kinh tế - Bộ Tư Pháp
Thành viên Ban soạn thảo Bộ luật Dân sự


Hội thảo đang thảo luận một vấn đề thời sự. Tính thời sự không chỉ nằm nhiều trong Dự thảo Luật Thương Mại (sửa đổi) mà nằm chính trong sự sôi động của hoạt động thương mại hiện nay.

Phần lớn người Việt Nam đều vui mừng và ngỡ ngàng trước những thành quả mà cuộc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế đã đem lại nên càng đặt thêm niềm tin vào sự thắng lợi của chính sách đổi mới. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế và nâng cao mức sống của người dân thì chúng ta lại đang phải đối đầu với những vấn đề mà chúng ta không thể hiểu nổi hay không thể chấp nhận được đang phát sinh.

Cùng với sự bùng nổ của các hàng hoá, sản phẩm thì hầu hết người Việt Nam đang sống trong tình trạng phải tìm chổ quen biết hay thông qua chổ quen biết để mua sắm một món hàng nào đó. Lòng tin của người tiêu dùng vào một thương hiệu hay văn minh trong thương mại hầu như chưa có được chổ đứng trên thương trường. Có lẽ vì vậy mà Luật Thương Mại có hiệu lực vẫn chỉ như một vật trang trí bên cạnh sự sôi động của thương mại và vì vậy Dự thảo Luật lần này thực sự không được sự quan tâm của giới luật học nhiều lắm. Đó cũng là khó khăn cho những ai đang phải vất vả cho công việc này.

Những vấn đề mà Ban tổ chức đặt ra rất nhiều và đều rất quan trọng và vì vậy đòi hỏi rất nhiều trí tuệ và công sức mới có thể giải quyết được. Với kinh nghiệm và những trăn trở của mình, tôi xin phát biểu hai vấn đề mà tôi ý niệm rằng nếu chúng ta làm tốt được thì chắc chắn sẽ góp được phần nào cho sự phát triển của thương trường.

Thứ nhất là đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Luật đã đầy đủ chưa? Đó là câu hỏi Ban tổ chức Hội thảo đặt ra. Nếu câu hỏi này được đặt ra cho Sinh Viên thì khó có thể đưa ra một thang điểm để chấm vì ý kiến của thầy cô là rất khác nhau.

Một Bộ luật Dân sự đồ sộ nhất Thế giới là Bộ luật Dân sự Phổ với 17.000 Điều và Bộ luật Dân sự vĩ đại nhất Thế giới là Bộ luật Dân sự Pháp với trên 2500 Điều không bao giờ là một Bộ luật điều chỉnh hết các quan hệ dân sự. Bộ Luật Thương Mại Đức hay Bộ Luật Thương Mại Pháp và Luật Thương Mại thống nhất Hoa Kỳ không bao giờ điều chỉnh hết quan hệ thương mại.

Điều đó trước hết do các quan hệ xã hội mênh mông, vì vậy ý tưởng điều chỉnh các quan hệ xã hội được coi là cùng loại trong một đạo luật khó có thể thực hiện được. Mặt khác trong lĩnh vực luật tư nhiều chuyên gia phương tây cho rằng cuộc sống vô cùng phong phú, pháp luật chỉ là hỗ trợ, là cái bổ sung (Ông Beza, chuyên gia Pháp). Tại thủ đô Hà Nội với dân số 3,2 triệu người, mỗi buổi sáng chỉ cần đến 8 giờ sáng đã có thể có khoảng một triệu hợp đồng được giao kết và phần lớn người giao kết hợp đồng đều không đọc Bộ luật Dân sự và Luật Thương Mại. Vậy làm sao pháp luật có thể bao trùm mọi hoạt động được.

Vì vậy, nên thay thế cách đặt vấn đề, Luật Thương Mại đã điều chỉnh đầy đủ chưa bằng cách đặt vấn đề hoạt động thương mại không chỉ điều chỉnh trong Luật Thương Mại mà còn được điều chỉnh trong nhiều văn bản pháp luật khác và thậm chí còn điều chỉnh bằng nhiều cách thức khác mà có thể là không bằng pháp luật. Tôi cho rằng Ban soạn thảo đang đi theo xu hướng này.

Tuy nhiên, về đối tượng điều chỉnh có một vấn đề nên cân nhắc. Cũng như nhiều quan hệ xã hội, trong hoạt động thương mại cấn có sự điều chỉnh của luật tư và luật công. Vậy có sự xử lý các vấn đề của luật công hay không?. Nếu chấp nhận những vấn đề của luật công thì chắc chắn Luật Thương Mại sẽ không có tính ổn định cao. Bộ Luật Thương Mại Đức và Bộ Luật Thương Mại Pháp đã xử lý vấn đề đưa hầu hết những vấn đề của luật công ra khỏi Bộ Luật Thương Mại nếu như có thể.

Thứ hai, pháp luật phải là một hệ thống hay mang tính hệ thống. Nhiều năm nay chúng ta đang cố gắng làm cho pháp luật thống nhất thông qua việc ban hành, sửa đổi, bổ sung, huỷ văn bản trái, rà soát văn bản vv... nhưng kỳ lạ thay là mọi cố gắng của chúng ta hầu như mang lại rất ít kết quả, thậm chí đôi khi còn ngược lại. Khi trao đổi vấn đề này với GS. C. Rhowner (Cố vấn Dự án STAR - Việt Nam) ông có gợi ý tôi rằng nếu Chính phủ Việt Nam làm được điều đó, ông sẵn sàng giới thiệu giúp đỡ Chính phủ Mỹ vì pháp luật Mỹ cũng luôn trong tình trạng chồng chéo, không thống nhất…

Vậy vấn đề còn nằm ở đâu nữa, ngoài việc rà soát để sửa đổi, hủy bỏ các quy định chồng chéo. Việc thực hiện các nguyên tắc áp dụng pháp luật sẽ góp phần làm cho hệ thống pháp luật có tính thống nhất cao hơn. Trên thương trường quốc tế, các nguyên tắc áp dụng luật để hạn chế các xung đột luật tương đối thống nhất và vì vậy không còn là vấn đề khó khăn với giới luật học. Trong mỗi quốc gia cũng cần có các nguyên tắc áp dụng luật thì mới có thể làm cho pháp luật có tính thống nhất cao, trong đó nguyên tắc quan hệ chung – luật riêng là quan hệ quan trọng nhất. Quan hệ luật chung – luật riêng là một nguyên tắc quan trọng của luật La mã và được áp dụng hầu hết ở các nước, nhất là các nước theo hệ thống luật La mã – Đức, tức là hệ thống luật thành văn.

Ở Việt Nam hiện nay, nguyên tắc này bắt đầu được tiếp tục áp dụng và giới luật học đang làm quen, nhưng nguyên tắc này đang trái với luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật được thể hiện theo cách giải thích theo tính pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Các nước đều coi Hiến pháp là đạo luật cơ bản mà không một đạo luật nào được trái với nó. Các đạo luật khác dù là Bộ luật hay luật công đều có giá trị pháp lý như nhau và đều không được trái với Hiến pháp. Tuy trong lập pháp người ta luôn cố gắng hạn chế sự mâu thuẫn, chồng chéo này nhưng các đạo luật của mỗi quốc gia luôn có nguy cơ có các quy định mâu thuẫn, chồng chéo nhau. Thực tiễn pháp lý cũng đòi hỏi phải xử lý một số vấn đề đặc thù và vì vậy phải có các quy định đặc thù cho các quan hệ xã hội đặc thù đó. Và vì vậy nguyên tắc luật chung – luật riêng là nguyên tắc áp dụng luật để giải quyết vấn đề mâu thuẫn này, góp phần làm cho pháp luật có tính hệ thống hơn.
Nguyên tắc luật chung – luật riêng là một nguyên tắc áp dụng luật, không phải là nguyên tắc lập pháp. Người Pháp hiện nay coi Bộ luật dân sự như Hiến pháp của luật tư không có nghĩa là các đạo luật khác phải tuân thủ Bộ luật dân sự mà chính vì thành tựu mẫu mực của nó đã đạt được mà hoạt động lập pháp lấy đó làm khuôn mẫu chứ không có tính hiến định.

Hà Nội, 12/2004

Các văn bản liên quan