Ý kiến đóng góp của UBND tỉnh Bình Định

Thứ Tư 08:32 31-05-2006
 
1- Nhìn chung, những quy định trong dự thảo Nghị định về chính sách thương mại miền núi lần này của Bộ Thương mại thể hiện khá đầy đủ, hoàn thiện hơn về mặt quan điểm đổi mới cơ chế, chính sách cũng như những nội dung chủ yếu của chính sách trợ giá, trợ cước, địa bàn, đối tượng, mặt hàng, kinh phí…
 
2- Đề nghị Bộ Thương mại xem xét bổ sung sửa đổi một số điểm trong các điều, khoản của dự thảo Nghị định như sau:
 
- Tại Điều 2, dự thảo Nghị định có quy định: “Địa bàn miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc được xác định theo quy định của Ủy ban Dân tộc”, tuy nhiên, tại Điều 9 lại quy định: “Địa bàn vùng sâu, vùng xa ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc…”, như vậy vùng sâu, vùng xa được xác định theo tiêu chí nào và nội dung tại Điều này sẽ mâu thuẫn với Điều 2. Đề nghị tại Điều 9 không giới hạn vùng sâu, vùng xa mà chỉ nêu như Điều 2, việc xác định cụ thể địa bàn được trợ giá do UBND cấp tỉnh quyết định phù hợp với địa phương trong phạm vi đối tượng về địa bàn được quy định tại Điều 2.
 
- Tại khoản 1, khoản 2 Điều 6 của dự thảo Nghị định nên gộp lại thành một khoản như sau: Mua một số mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt, mặt hàng quan trọng phục vụ sản xuất theo giá tương đương hoặc thấp hơn so với các địa bàn khác.
 
- Tại Điều 11 của dự thảo Nghị định quy định kinh phí trợ giá cho miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc gồm: kinh phí từ ngân sách Trung ương cấp bổ sung mục tiêu (hoặc kinh phí ủy quyền) và kinh phí từ ngân sách tỉnh. Đề nghị không cần thiết phải phân biệt thành hai nguồn vốn vì thực chất việc thực hiện chính sách này đều được sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước. Mặt khác, theo xu hướng hiện nay, nhà nước Trung ương ngày càng phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn, Trung ương chỉ quản lý những chương trình lớn có quy mô quốc gia như chương trình 135, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Do đó, đề nghị chỉ quy định nguồn kinh phí trợ giá là ngân sách nhà nước, đồng thời trong năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách theo Luật ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính phải tính toán cân đối đầy đủ kinh phí để ngân sách địa phương thực hiện chính sách này; tránh tình trạng như các năm vừa qua kinh phí thực hiện nhiệm vụ này ở địa phương rất cao nhưng Bộ Tài chính cân đối rất thấp làm cho ngân sách địa phương rất khó khăn.
 
- Tại khoản 1, Điều 12 của dự thảo Nghị định: đề nghị nội dung này cần quy định rõ: áp dụng hình thức đấu thầu để chọn thương nhân có đủ điều kiện thực hiện việc bán các mặt hàng chính sách xã hội, mua, tiêu thụ nông sản có trợ giá, nếu trường hợp tổ chức đấu thầu 02 lần bất thành thì áp dụng hình thức chỉ định.
 
- Tại khoản 3, Điều 13 của dự thảo Nghị định đề nghị sửa lại theo hướng như sau: UBND tỉnh xây dựng quy định về phạm vi, đối tượng, mức chi cho từng đối tượng được hưởng trợ giá mặt hàng chính sách xã hội, trợ giá mua, tiêu thụ nông sản trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định. Còn kế hoạch kinh phí trợ giá mặt hàng chính sách xã hội, trợ giá mua, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh hàng năm, UBND cấp tỉnh trình chung với dự toán chi ngân sách địa phương (không trình riêng kế hoạch này).          

Các văn bản liên quan