Góp ý của TS. Lê Nết

Thứ Ba 22:16 30-05-2006
I. Nhận xét chung:

Nhìn chung, nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ là bước lùi của việc quản lý khoa học công nghệ nước nhà, vì dự thảo đã vướng mắc vào những khuyết điểm mà Nghị định 45/1998/NĐ-CP về chuyển giao công nghệ đã mắc phải (Các khuyết điểm này đã được sửa đổi một phần trong Nghị định 11/2005/NĐ-CP). Các khuyết điểm trên sẽ kéo lùi trình độ công nghệ Việt Nam so với các nước láng giềng, giảm sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư công nghệ cao như Intel và Microsoft.

Các khuyết điểm của dự thảo luật được các chuyên gia tập trung vào những điểm sau đây:
- Nhà nước tiếp tục can thiệp quá sâu vào nguyên tắc tự nguyện, tựđịnh đoạt của các chủ thể kinh doanh với những qui định vềđiều khoản không được phép đưa vào hợp đồng, các nội dung bắt buộc của hợp đồng và việc phải đăng ký (thực chất là phê duyệt) các hợp đồng chuyển giao công nghệ.
- Cơ chế đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ thực sự không giúp gì cho việc phát triển nền khoa học kỹ thuật nước nhà, mà thực chất chỉ làm tăng thời gian, chi phí, phiền hà cho các doanh nghiệp và tạo cơ hội cho các cán bộ phê duyệt hợp đồng thiếu công tâm “hành” các doanh nghiệp và trục lợi. Đã từ lâu, Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ đã liệt giấy phê duyệt/đăng ký nêu trên là các loại “giấy phép con” gây phiền hà cho doanh nghiệp.
- Phạm vi điều chỉnh của Luật chuyển giao công nghệ quá rộng, bao gồm cả những đối tượng đã được điều chỉnh kỹ trong các ngành luật khác như quyền tác giả đối với bản vẽ thiết kế, phần mềm máy tính, quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, bí mật kinh doanh (đã được điều chỉnh tại Luật Sở hữu Trí tuệ), nhượng quyền kinh doanh (đã được điều chỉnh tại Luật Thương mại).
- Dự thảo sinh ra “giấy phép con” cho người hoạt động tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ, vô hình chung tạo điều kiện cho các nhà tư vấn (thực chất là “cò”) hiện đang có giấy phép chuyển giao công nghệ tiếp tục trục lợi từ cơ chế chính sách của Nhà nước, chèn ép các văn phòng luật sư hoạt động tư vấn về chuyển giao công nghệ nếu họ chưa có giấy phép.
a) Các qui định về chuyển giao công nghệ đã có từ năm 1990 trong Pháp lệnh chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam. Thế mà 15 năm sau, tính đến năm 2005 (trước khi ban hành Nghị định 11), mới có gần 20 hợp đồng chuyển giao công nghệ được phê duyệt tại Bộ Khoa học và Công nghệ, và phần lớn trong số đó là các hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu, sáng chế giữa công ty mẹ và công ty con. Lý do các doanh nghiệp nước ngoài ngần ngại khi chuyển giao công nghệ vào Việt Nam là các qui định về hạn chế giá chuyển giao và các điều khoản không được phép đưa vào trong hợp đồng mang tính chất áp đặt vô lý ý chí của Nhà nước lên quan hệ dân sự giữa các bên. Các qui định thời bấy giờ được nêu tại Nghị định năm 1991 và Nghị định 45/1998/NĐ-CP.
b) Hậu quả của chính sách kiểm soát gắt gao các hợp đồng chuyển giao công nghệ là Việt Nam bị tụt hậu xa so với các nước láng giềng về trình độ công nghệ. Liên tục từ năm 2001 đến nay, chỉ số cạnh tranh của Việt Nam liên tục giảm (theo World Economic Forum), trong đó, hai nguyên nhân cơ bản nhất là cơ chế hành chính quan liêu, nạn tham nhũng; và trình độ khoa học công nghệ yếu kém của các nhà khoa học trong nước cũng như các doanh nghiệp nội địa, không chịu nhập khẩu công nghệ. Đáng tiếc thay, chính hai nguyên nhân này có liên quan trực tiếp đến cơ chế chuyển giao công nghệ theo Nghị định 45/1998/NĐ-CP (rào cản chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam).  
c) Tháng 1 năm 2005, Nghị định 45 được bổ sung, sửa đổi theo Nghị định 11, xoá bỏ cơ chế kiểm soát giá cả và các điều khoản không được phép ghi vào hợp đồng. Đây cũng là một bước tiến quan trọng trong việc gia nhập WTO, đối với việc xoá bỏ các rào cản kỹ thuật về thương mại dịch vụ (chuyển giao công nghệ là một dạng thương mại dịch vụ) và đầu tư (góp vốn bằng công nghệ). Vì vậy, việc lập lại cơ chế kiểm soát như thời Nghị định 45, đồng thời sinh ra một giấy phép con nữa (cho hoạt động môi giới, tư vấn công nghệ) là lập ra rào cản thương mại, gây ảnh hưởng xấu đến quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam.
Thật ra, nếu thực hiện các kiến nghị dưới đây, thì việc ban hành Luật CGCN có thể nói là không cần thiết, vì các qui định chung về chuyển giao công nghệ đã được quy định đầy đủ tại hai Luật: Bộ Luật Dân sự (Phần 6) và Luật Khoa học Công nghệ.

II. Ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ

1. Điều 9: Đề nghị loại bỏ “sáng chế”, “chương trình máy tính”, “đặc quyền kinh doanh” (franchising) ra khỏi phạm vi áp dụng của Luật Chuyển giao Công nghệ, vì các đối tượng này đã được điều chỉnh trong Luật Sở hữu Trí tuệ (SHTT) và Luật Thương mại. Nếu không loại bỏ, thì sẽ dấn đến các hậu quả sau đây:
- Các hợp đồng sử dụng phần mềm của Microsoft trên mỗi máy tính hay sửdụng game online cũng phải đi đăng ký chuyển giao công nghệ (không khả thi, vì số lượng máy tính hiện sử dụng quá lớn),
- Hợp đồng sử dụng sáng chế (lixăng) sẽ phải đăng ký hai nơi để xin giấy phép con: tại Cục Sở hữu Trí tuệ (theo Luật SHTT) và tại Bộ/Sở KHCN (theo Luật KHCN), và
- Một hợp đồng nhượng quyền đơn giản (như nhượng quyền kinh doanh Café Trung Nguyên, Phở 24 hay quán ăn nhanh McDonald) phải đăng ký ba nơi để xin ba giấy phép con: Sở Thương mại (theo Luật Thương mại), Cục SHTT (lixăng nhãn hiệu) và Sở KHCN (theo Luật CGCN).
Đây là cơ hội để các cơ quan quản lý “hành” dân và trục lợi. Ngoài ra, đối tượng “bí quyết” tại Điều 9 dễ gây nhầm lẫn với “bí mật kinh doanh” tại Luật SHTT, dẫn đến việc áp dụng luật mỗi nơi một cách. Như vậy, cần phải sử dụng thống nhất ngôn từ hoặc giải thích rõ hai khái niệm trên giống và khác nhau ở điểm nào.

2. Điều 14: Đề nghị bỏ Khoản 2(e), (g) và (i), nên để cho các bên tự thoả thuận, vì:
- Đoạn (e): sẽ dẫn đến hậu quả vô lý là bên nhận công nghệ được quyền sửdụng sáng chế, bí mật kinh doanh miễn phí sau khi hết hạn hợp đồng CGCN (mặc dù thời hạn bảo hộ của sáng chế, bí mật kinh doanh vẫn còn). Nói cách khác, họ có thể xâm phạm độc quyền của chủ sở hữu sáng chế do Luật SHTT bảo hộ. Ngay câu “hoặc” tại đoạn này cũng dẫn đến các hiểu và áp dụng tùy tiện của cơ quan thi hành luật. Điều này trên thực tế sẽ khiến nhà đầu tư nước ngoài bỏ hẳn ý định chuyển giao công nghệ cho Việt Nam (khả năng mất công nghệ quá lớn). - Đoạn (g): tuy có vẻ hợp lý, song sẽ dẫn đến hậu quả là bên nhận công nghệ được chuyển giao công nghệ phát triển, kể cả phần phát triển trên nền công nghệ được bảo hộ (tức là thuộc phạm vi bảo hộ của chủ SHTT) mà không cần xin phép chủ SHTT. Điều này trái qui định của Luật SHTT, theo đó việc sửdụng những giải pháp kỹ thuật tương đương với sáng chế mà không xin phép cũng bị coi là xâm phạm quyền SHTT đối với sáng chế. Đề nghị bỏ. 

- Đoạn (i): điều này đã được qui định tại Luật Cạnh tranh (Điều 8 và Điều 13), Luật CGCN không nhất thiết lấn sân các luật khác trong khi mình không có cơ chế, kiến thức và công cụ để hiểu các tác động của thị trường lên quá trình cạnh tranh. Thí dụ: nếu Công ty Nam An (chủ sở hữu chuỗi kinh doanh nhượng quyền Phở 24) qui định ông A chỉ bán hàng tại phố Mạc Thị Bưởi, ông B chỉ bán hàng tại phốĐồng Khởi, thì các hạn chế đó là hợp lý hay bất hợp lý, làm sao Bộ KHCN biết được, trong khi bản thân Cục Cạnh tranh còn chưa biết). Điều chỉnh chống chéo như vậy còn dẫn đến một nghịch lý, là có điều khoản thì được Cục Cạnh tranh cho phép, vì là “hạn chế hợp lý”, trong khi đó Sở KHCN không cho phép, vì là “hạn chế bất hợp lý”. Thanh tra KHCN có thể sẽ phạt doanh nghiệp do những “hạn chế bất hợp lý” này. Doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng không biết đằng nào mà theo.  

3. Chương III: Nên loại bỏ toàn bộ, vì dịch vụ chuyển giao công nghệ là quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp, Nhà nước không có quyền gì hạn chế quyền này, cũng nhưbày đặt ra các quy trình nộp đơn đăng ký, chấp thuận, cấp giấy phép con (xem Điều 24). Chỉ cần giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư là đủ để hoạt động trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ. Thực chất, việc hạn chế cấp phép dịch vụ chuyển giao công nghệ là biện pháp tinh vi để chuyển quyền lợi cho các “công ty gia đình” của các cán bộ KHCN. Đã có trường hợp trên thực tế các doanh nghiệp đã phải nhờ đến “cò” KHCN để xin tăng phí lixăng từ 1 lên 2% “giá bán tịnh” (một khái niệm được định nghĩa tại Nghị định 45). Các chi phí này đang làm giảm hiệu quả nền kinh tế.

4. Điều 42: Vấn đề này nên để cho Luật KHCN điều chỉnh, theo hướng: nếu tác giả có hướng ứng dụng, thì sẽ hoàn lại vốn cho cơ quan chủ trì. Còn lợi nhuận tác giả được hưởng toàn bộ. Có như vậy mới khuyến khích được các nhà khoa học nghiên cứu và phát triển.



 

Các văn bản liên quan