Ý kiến đóng góp của bạn Đình Thưởng

Thứ Tư 14:51 11-07-2007


Xin có một số góp ý sau đây:
 
1. Để cho các văn bản Luật dễ áp dụng và có tính khả thi cao, đề nghị không nên đưa vào các quy định chung chung không áp dụng được. Chẳng hạn quy định về chính sách của nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá (Điều 4) vì luật pháp chính là công cụ thể hiện chính sách nên phải cụ thể; các quy định về khen thưởng (Điều 6) vì khoản 1 thì quy định áp dụng Luật Thi đua, khen thưởng nhưng khoản 2 thì giao Chính phủ quy định về việc đặt giải thưởng là không phù hợp.
 
2. Cần rà soát lại sự phù hợp giữa các quy định của Dự thảo và các luật khác có liên quan, chẳng hạn Luật Doanh nghiệp, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại... Chẳng hạn Dự thảo tồn tại một số vấn đề sau:
 
- Tại khoản 6 Điều 3 định nghĩa sản xuất, kinh doanh chỉ bao gồm sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, bán hàng là không chuẩn xác. Theo Luật Doanh nghiệp và nhiều văn bản QPPL khác thì kinh doanh còn bao gồm nhiều hoạt động khác như xúc tiến thương mại, cung ứng dịch vụ liên quan đến sản phẩm... Trên cơ sở đó, cần điều chỉnh lại việc dùng các hoạt động này trong phạm vi các điều khoản của Luật (chẳng hạn Điều 7 về các hành vi bị nghiêm cấm không chỉ là sản xuất, bán, xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng không đáp ứng quy định về tiêu chuẩn...) 
         
- Dự thảo đưa ra định nghĩa về “đánh giá sự phù hợp" tại Khoản 8 Điều 3 là không tương thích với định nghĩa này trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Đề nghị tham khảo.  
 
- Một số quy định về nghĩa vụ của người sản xuất, người bán, người xuất khẩu... liên quan đến nghĩa vụ hợp đồng mua bán hàng hoá trong Luật này là không cần thiết vì đã được quy định trong các văn bản QPPL liên quan (Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại). Hơn nữa, nội dung quy định của Dự thảo cũng không phù hợp, chẳng hạn Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại cho phép các bên có thể thoả thuận khác trong một số trường hợp, song Dự thảo quy định bắt buộc như quy định về nghĩa vụ bảo đảm chất lượng mà không nên quy định các nghĩa vụ hợp đồng như quy định về việc phải đổi hàng mới, nhận lại hàng có khuyết tật (khoản 6 Điều 37; khoản 6 Điều 38, khoản 9 Điều 40); tái xuất hoặc tái chế hàng nhập khẩu (vì có thể xử lý cách khác - khoản 8 Điều 38)... 
 
- Dự thảo quy định về bồi thường thiệt hại của người sản xuất, người bán, tuy nhiên các quy định này chưa phù hợp với quy định liên quan trong Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại. Một số quy định không đủ rõ và không phù hợp với hai luật trên. Chẳng hạn Dự thảo quy định người bán không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hoá đã hết hạn sử dụng (khoản 2 Điều 61) nhưng lại cũng quy định người bán phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá và có thể nguy cơ gây hại có thể tồn tại ngay cả trước khi hàng hoá hết hạn sử dụng...  
 
3. Dự thảo cần sử dụng một cách phù hợp các từ và cụm từ "sản phẩm", "hàng hoá" và "sản phẩm, hàng hoá". Ví dụ Điều 37 quy định nghĩa vụ của người sản xuất, một số khoản thì quy định nghĩa vụ đối với sản phẩm, một số khoản là nghĩa vụ đối với hàng hoá...
         
4. Phạm vi điều chỉnh của Dự thảo (Điều 1)
 
Đề nghị cân nhắc quy định thống nhất giữa phạm vi điều chỉnh của Dự thảo và nội dung các điều luật trong Dự thảo, dựa vào nội dung Dự thảo, tôi cho rằng Điều 1 quy định về phạm vi điều chỉnh cần bao gồm các nội dung sau:
 
- Yêu cầu về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
 
-  Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa;
 
- Quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
 
- Giải quyết tranh chấp về chất lượng.
 
5. Đối tượng áp dụng (Điều 2)
 
Đối tượng áp dụng của Luật liệt kê ra các loại đối tượng như vậy là không cần thiết, chỉ nên quy định là cá nhân, tổ chức có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam là đủ.
 
6. Giải thích từ ngữ (Điều 3)
 
- Khoản 1: Định nghĩa “sản phẩm” trong Dự thảo là chưa chính xác vì kết quả của quá trình sản xuất bao gồm kết quả là vật chất và phi vật chất. Ngoài ra, việc liệt kê sản xuất, gia công, chế biến là vừa thừa vừa thiếu. Thừa vì sản xuất bao gồm gia công, chế biến, khai thác và thiếu vì không có khai thác. Theo một số từ điển thì sản phẩm là vật được tạo ra từ sản xuất hoặc hoạt động lao động của con người (do đó phục vụ một mục đích nhất định). Vậy, đề nghị chỉnh sửa: “sản phẩm là vật được tạo ra từ quá trình sản xuất nhằm phục vụ một mục đích cụ thể”.
- Khoản 2: Dự thảo định nghĩa “hàng hóa là sản phẩm được bán trên thị trường” là không chuẩn xác. Thương mại hàng hóa dựa trên hai hình thức, một là mua – bán (dùng tiền) và hai là hàng đổi hàng. Hàng hóa là sản phẩm được bán chỉ tồn tại ở hình thức thứ nhất, hình thức thứ hai không xác định cụ thể sản phẩm nào là được bán nên sẽ không xác định đối tượng hàng hóa theo định nghĩa của Dự thảo. Hiện nay trong các VBQPPL dùng thuật ngữ “lưu thông” do đó đề nghị chỉnh sửa thành: “hàng hóa là sản phẩm được lưu thông trên thị trường”.
 
- Khoản 4 và 5: Định nghĩa tại Dự thảo về sản phẩm, hàng hóa an toàn là “ít có nguy cơ gây hại” và sản phẩm, hàng hóa “có khả năng gây mất an toàn” là “vẫn có nguy cơ gây hại”... là không chuẩn xác. Theo các quy định của Dự thảo thì cần phải xác định ba mức độ: an toàn, không an toàn và có khả năng gây mất an toàn, trong đó, việc xác định “an toàn” hay “không an toàn” là phải theo tiêu chuẩn chất lượng, ví dụ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm chứ không thể quy định "ít có nguy cơ"...  
 
- Dự thảo quy định về nghĩa vụ tổ chức, cá nhân liên quan trong trường hợp "sản phẩm, hàng hoá không bảo đảm chất lượng" (Khoản 8, Điều 37), tuy nhiên không có định nghĩa thế nào là không bảo đảm chất lượng. Không có định nghĩa này thì quy định trên không khả thi.
 
7. Nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá (Điều 5)
 
Về mặt pháp lý không nên quy định nguyên tắc quản lý chất lượng là nhằm "nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá Việt Nam" vì ba lý do sau:
 
- Thứ nhất, Dự luật này nhằm quản lý chất lượng của sản phẩm, hàng hoá nói chung được lưu thông và tiêu dùng ở Việt Nam mà không phân biệt xuất xứ nên việc quản lý không thể nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá Việt Nam. 
 
- Thứ hai, nâng cao năng suất là yếu tố không liên quan đến chất lượng và hơn nữa, về mặt kinh tế học thì không phải nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh là luôn đi đôi với nhau vì không phải cứ sản phẩm có chất lượng cao là được tiêu dùng mà nó còn nhiều yếu tố khác. 
 
- Thứ ba, quan trọng hơn, các tiêu chí này không nên được xác định như một MỤC ĐÍCH của Luật này.
 
Cuối cùng, tôi cho rằng để có một Dự thảo tốt hơn, Ban soạn thảo và Tổ biên tập cần phải:
 
1.     Xác định lại cho đúng MỤC ĐÍCH của Luật này, theo tôi đó là để đảm bảo sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường phải đạt yêu cầu về chất lượng và an toàn để điều chỉnh các quy định cho hợp lý.
2.     Loại bỏ các quy định mang tính “tuyên ngôn” không phải là các quy định mang tính chất luật.
3.     Rà soát lại khái niệm và việc dùng các thuật ngữ trong Dự thảo cho chuẩn xác.
4.     Rà soát lại các VBQPPL hiện hành để đảm bảo tính thống nhất của quy phạm pháp luật.
5.     Quy định rõ hơn và nhấn mạnh các chế tài xử phạt và xử lý trong trường hợp có vi phạm quy định về chất lượng và an toàn.
 

Các văn bản liên quan